Sắp phải nghỉ việc, hàng chục giáo viên hoang mang
Hơn 30 giáo viên dạy tiếng Anh tại TP Nam Định đang vô cùng hoang mang trước thông thi “sẽ bị nghỉ việc” vì chỉ có bằng tại chức cho dù họ đã liên thông đại học và chuẩn hóa ĐH chính quy.
Chậm lương, lo lắng
Cô T.H, nguyên giáo viên Trường tiểu học Trần Phú, TP Nam Định được thông báo từ tháng 9/2011, cô H đã phải nghỉ dạy với lý do “đủ giáo viên biên chế” và không có tiền trả lương cho giáo viên hợp đồng. Cô H với thâm niên 13 năm công tác giảng dạy giờ đây cảm thấy khá hụt hẫng với quyết định vừa qua của Phòng GD&ĐT Nam Định.
Hàng loạt giáo viên tiếng Anh tại TP Nam Định đang có nguy cơ mất việc vì chỉ có bằng tại chức (Ảnh minh họa)
Video đang HOT
Tuy chưa bị nghỉ việc nhưng cô Nguyễn Thị Thúy, Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (TP Nam Định) và nhiều giáo viên khác lại tỏ ra khá lo lắng khi không biết bao giờ mình sẽ phải rời trường khi tỉnh Nam Định chủ trương nói “không” với dân lập, tại chức.
Hiện tại, từ đầu năm học đến nay, cô Thúy cùng nhiều giáo viên khác hiện vẫn chưa nhận được lương và cũng không biết số tiền mình sẽ được nhận là bao nhiêu. Cô cho biết, hiện tại mới chỉ nhận được thông báo bằng miệng của nhà trường sẽ cho các giáo viên có bằng tại chức nghỉ việc khiến cô Thúy càng hoang mang.
Lo lắng và hoang mang cũng là tâm trạng chung của các giáo viên cũng như cá nhân cô Kim Hoa (giáo viên trường Tiểu học Nguyễn Trãi). Cô Hoa cũng thông tin dù nhà trường chưa có thông báo chính thức cho nghỉ việc nhưng thông tin các giáo viên nằm trong diện có bằng tại chức phải nghỉ việc là có thật và càng khiến chị Hoa thấp thỏm.
Nguyên nhân được cho là UBND tỉnh không cho thu tiền Tin học và tiếng Anh và Sở Nội vụ thì không đồng ý nhận người có bằng dân lập, tại chức. Một giáo viên khác cho biết “Đã hơn chục năm giảng dạy nhưng chúng tôi vẫn là giáo viên hợp đồng, cứ 3 tháng lại tái ký một lần. Tiền lương nhận được thì rất bèo bọt, 300.000 đồng một tháng năm 2009 và 700.000 đồng năm 2010. Tiền này được lấy từ quỹ lương do phụ huynh học sinh đóng góp (10.000 đồng mỗi cháu một tháng)”,
Không chỉ có trường hợp của cô H, cô Thúy mà còn nhiều giáo viên khác tại trường tiểu học Trần Phú, tiểu học Nguyễn Trãi, tiểu học Hồ Tùng Mậu (TP Nam Định) cũng có nguy cơ mất việc bất cứ lúc nào. Các giáo viên dạy hợp đồng cũng phản ánh họ thường bị chậm lương và hiện tại vẫn chưa được tiếp tục ký hợp đồng.
Không thể phá rào
Chiều 2/11, trao đổi với VTC News, ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định cho biết: “Thông tin này tôi đã được biết cách đây 3 năm. Không chỉ riêng Nam Định mà toàn quốc đã phân cấp mầm non, tiểu học, THCS cho cấp huyện, thành phố. Cấp đó người ta được toàn quyền tuyển biên chế, đề bạt, luôn chuyển, điều động và các chế độ chính sách…”
Ông Trần Tất Tiệp (Giám đốc Sở Nội Vụ Nam Định) khẳng định không thể “phá rào” tuyển các giáo viên có bằng tại chức
Trao đổi với báo giới, ông Trần Tất Tiệp, Giám đốc Sở Nội Vụ Nam Định giải thích: Việc tuyển một số giáo viên học hệ tại chức trước đây vào biên chế là vấn đề lịch sử để lại. Sở dĩ những giáo viên trên vẫn chỉ là giáo viên hợp đồng vì trước đây không đạt yêu cầu trong các kỳ tuyển công chức.
Sau khi có nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh Nam Định (nghị quyết 08), chúng tôi không được phép tuyển công chức vào các ban, ngành nói chung và ngành GD-ĐT nói riêng là những người tốt nghiệp đại học, cao đẳng hệ tại chức… nên chúng tôi không thể vượt rào. Hơn nữa, hiện nay tại thành phố Nam Định không còn biên chế cho giáo viên tiếng Anh nữa. Nguồn giáo viên tiếng Anh đã đáp ứng cả yêu cầu về số lượng và chất lượng, do chủ trương ưu tiên tuyển giáo viên tốt nghiệp chính quy.
Lãnh đạo tỉnh Nam Định cũng thông tin thêm, sắp tới UBND tỉnh Nam Định sẽ tổ chức họp để thảo luận về trường hợp của những giáo viên dạy tiếng Anh hợp đồng từ thời gian trước khi có quyết định 08 để tìm cách tháo gỡ, sao cho không vi phạm chủ trương nhưng cũng không để các giáo viên đã gắn bó lâu năm với nghề phải ra khỏi ngành.
Trước đó, Nam Định cũng là tâm điểm chú ý khi ngày 16,17/10, tỉnh này đã gạt danh sách những người tốt nghiệp ĐH ngoài công lập để thi tuyển công chức.
Theo tìm hiểu của phóng viên, khi ngành giáo dục tỉnh Nam Định có chủ trưởng đưa môn tiếng Anh vào chương trình giảng dạy bậc tiểu học, các cô giáo này đã theo học lớp Cao đẳng Anh văn (khóa 1 từ 1996-1998 và khóa II từ 1998- 2000) tại Trung tâm ngoại ngữ của tỉnh kết hợp với Viện Đại học mở Hà Nội. Khác với các lớp học tại chức tập trung theo đợt, khóa này học 1 tuần 6 ngày, giống như hệ cao đẳng chính quy, mỗi năm học 11 tháng và 1 tháng nghỉ hè. Nhưng khi học xong, các cô mới biết đây là hệ cao đẳng tại chức chứ không phải chính quy như nhà trường tuyên bố.
Do nhu cầu cần giáo viên tiếng Anh nên các cô giáo trên được nhận vào dạy luôn. Nhưng để có tương lai bền vững, họ tiếp tục theo học 2 năm đại học.
Riêng chị em khối tiểu học, đến cuối năm 2008 thì Sở giáo dục có công văn thông báo: Những giáo viên tốt nghiệp đại học tại chức học thêm một lớp chuẩn hóa từ 8 đến 10 tháng để có Chứng nhận bổ túc kiến thức đạt trình độ đại học chính quy cho cử nhân ngành tiếng Anh sư phạm hệ tại chức. Điều đó khẳng định chị em đủ tiêu chuẩn giảng dạy theo quy định của ngành và thực tế nhiều giáo viên đạt tiêu chuẩn dạy khá, giỏi.
Theo VTC