Sáp nhập trường cao đẳng Nghệ thuật với trường Sư phạm thì đào tạo kiểu gì?
Nhiều địa phương đã nóng vội trong việc sáp nhập trường cao đẳng, trung cấp dẫn đến nhiều hệ lụy về chất lượng đào tạo cũng như phát triển nhà trường.
Ngày 12/12, tại Đà Nẵng, Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực (Tiểu ban giáo dục nghề nghiệp) đã tổ chức tọa đàm khoa học: “Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp: thực trạng và giải pháp”.
Tham gia tọa đàm của lãnh đạo các Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Hiệu trưởng các trường cao đẳng, trường nghề… ở khu vực miền Trung.
“Giáo dục nghề nghiệp như những miếng vá…”
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Minh – Trưởng Tiểu ban giáo dục nghề nghiệp, Tổng Cục trưởng Tổng cục giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho biết, trong những năm qua, giáo dục nghề nghiệp có những dấu ấn đáng ghi nhận.
Việc sáp nhập các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn nhiều bất cập. Ảnh: TT
Trong đó, tuyển sinh vào giáo dục nghề nghiệp đạt và vượt chỉ tiêu, khoảng trên 80% học sinh, sinh viên tìm được việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.
Việc xếp hạng đào tạo nghề Việt Nam trong khu vực cũng được nâng cao. Việt Nam đã 3 lần đạt giải nhất toàn đoàn trong 10 lần dự thi tay nghề ASEAN…
“Bên cạnh những thành tựu đạt được thì vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Một trong những hạn chế đó là quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn bất cập về phân bố giữa các vùng miền, ngành nghề, trình độ đào tạo.
Quy mô đào tạo của nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn nhỏ. Việc sáp nhập cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở một số địa phương còn mang tính hành chính, cơ học.
Chưa có nguyên tắc sáp nhập cụ thể, chưa có cơ chế bảo đảm hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sau sắp xếp”.
Ông Minh cũng dẫn lại phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại diễn đàn quốc gia “nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam” đó là mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp như những miếng vá nhiều màu sắc.
Theo ông Minh phải sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở và linh hoạt, đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động.
Qua đó, đảm bảo quy mô, cơ cấu và hợp lý về ngành nghề, trình độ đào tạo. Nhà nước chỉ tập trung đầu tư một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao và cho các nhóm đối tượng đặc thù, phù hợp với khả năng đầu tư của nhà nước và khả năng huy động nguồn lực của xã hội.
Sắp nhập trường trung cấp vào trường cao đẳng, giải thể các trường trung cấp, cao đẳng hoạt động không hiệu quả.
Sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục hướng nghiệp, trung tâm dạy nghề thành một cơ sở giáo dục dạy nghề trên địa bàn cấp huyện.
Có địa phương sáp nhập trường Nghệ thuật với Sư phạm
Đại diện các Sở Lao động Thương binh và Xã hội của các tỉnh miền Trung đã nêu lên thực trạng việc quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn của mình.
Video đang HOT
Trong đó, có những hạn chế, bất cập khiến quá trình sáp nhập gặp nhiều khó khăn.
Đại diện Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Nam cho biết, về quy hoạch thì địa phương này có 8 trường cao đẳng và trung cấp sẽ được sáp nhập lại thành một trường.
Tuy nhiên, do điều kiện đặc thù đào tạo từng nghề nghiệp, từng khu vực nên tỉnh này sẽ đề ra hai hướng để triển khai.
Cụ thể, giữ lại các trường cao đẳng và sáp nhập các trường trung cấp vào. Riêng một trường trung cấp ở miền núi thì giữ lại để đào tạo nghề.
Như vậy, cả tỉnh sẽ còn lại chỉ 2 trường cao đẳng và 1 trường trung cấp. Còn phương án 2 là sáp nhập tất cả thành một trường.
Vị này cũng kiến nghị, do có nhiều ngành nghề đào tạo khá đặc thù nên không thể sáp nhập một cách cơ học. Ví dụ như trường y thì không thể sáp nhập với trường nghệ thuật hay trường sư phạm.
“Đề nghị Bộ sớm ban hành văn bản về quy hoạch mạng lưới ngành để từ đó các địa phương dựa vào triển khai.
Ví dụ, tỉnh nào được bao nhiêu trường, tỷ lệ trường ngoài và trong công lập là bao nhiêu cũng nên công bố sớm”, vị này nói.
Từ phản ánh của các địa phương, Tiến sĩ Vũ Xuân Hùng – Thư ký Tiểu ban giáo dục nghề nghiệp (Vụ trưởng Vụ Đào tạo Chính quy – Tổng cục Giáo dục nghề Nghiệp) chia sẻ, hiện có nhiều địa phương đang triển khai sáp nhập trường rất cơ học và “chả món nào ra món nào”.
Ông Hùng cũng lấy ví dụ có địa phương còn thực hiện sáp nhập giữa trường cao đẳng Nghệ thuật với trường y, trường sư phạm.
Đây là những trường đặc thù, có phương pháp và nghiệp vụ đào tạo khác nhau. Bây giờ chung làm một thì làm sao có thể ngồi lại để bàn bạc, lên phương án dạy học hiệu quả được.
Nhiều địa phương khác cũng dẫn chứng việc giải thể hàng loạt trung tâm dạy nghề tại các huyện khiến việc đào tạo ngành nghề cho con em vùng miền núi, nông thôn gần như phá sản.
TẤN TÀI
Theo giaoduc.net.vn
Tôi không phải cô giáo, tôi là mẹ của tất cả các con!
Nghề giáo nếu chỉ làm thầy của các em thôi chưa đủ mà phải luôn là người mẹ thứ hai của các em thì mới có thể gần gũi, hiểu được các em, giúp các em tiến bộ.
Đó là tâm niệm của cô giáo Mai Thị Bích Nguyện, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở An Vũ (huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình).
Tốt nghiệp trường Sư phạm, năm 1995, cô giáo trẻ Mai Thị Bích Nguyện về công tác tại trường Trung học cơ sở An Bài (huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình).
Từ 1997-1999, hình ảnh cô giáo Nguyện bền bỉ hàng ngày đạp xe đạp hai lượt đi và về 50 km từ xã An Vũ (huyện Quỳnh Phụ) đến thành phố Thái Bình để hoàn thành chương trình đại học vẫn luôn in đậm trong tâm trí của những đồng nghiệp.
Cũng chừng ấy thời gian, cả hai nhiệm vụ giảng dạy và học tập, cô giáo Mai Thị Bích Nguyện đều hoàn thành tốt và được suy tôn là một trong những người đoạt danh hiệu "viên phấn vàng".
Cô Nguyện đã trở thành điển hình tiêu biểu được nhà trường chọn làm tấm gương để tuyên dương trong lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới của trường.
Cô giáo Mai Thị Bích Nguyện, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở An Vũ (huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình). (Ảnh: Lã Tiến)
Năm 2009, cô giáo Mai Thị Bích Nguyện được điều động về làm Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở An Vũ (huyện Quỳnh Phụ) và được bầu giữ chức Bí thư Chi bộ.
Đây là bước ngoặt đánh dấu sự nghiệp của cô giáo trẻ sau hơn 10 năm ra trường, đồng thời cũng thử thách tình yêu nghề của cô bởi trường An Vũ được đánh giá là "vùng trũng" về chất lượng của huyện.
Cơ sở vật chất thiếu thốn, phòng học không những thiếu mà còn xuống cấp trầm trọng, chất lượng giáo dục luôn đứng ở tốp cuối của huyện... là những điều khiến cô ngày đêm trăn trở và quyết tâm khắc phục.
Theo cô giáo Nguyện, lúc mới về trường Trung học cơ sở An Vũ, cả trường chỉ có 1 giáo viên giỏi.
Học sinh khá, giỏi ở khu vực hầu hết chuyển sang nơi khác học; cơ sở vật chất nhà trường thiếu thốn vô cùng, phòng học thì tạm bợ, xuống cấp.
"Thời điểm ấy, tôi luôn mang trong mình một quyết tâm là cải thiện cơ sở vật chất để học sinh được học ở nơi an toàn, đầy đủ thiết bị dạy học.
Cái khó nhất là yếu tố con người bởi có một bộ phận thầy cô giáo có tư tưởng tự ti, an phận, không chịu đổi mới và hy sinh cho nghề", cô Nguyện nói.
Nghĩ là làm, cô giáo Nguyện bắt tay xây dựng khối đại đoàn kết trong Chi bộ và Hội đồng giáo dục nhà trường, yêu cầu sự đổi mới từ chính bản thân các thầy cô giáo và nhân viên trong trường để thay đổi toàn diện công tác giáo dục.
Xác định vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, không quản nắng mưa, ngày đêm cô đi "gõ cửa" từng tổ chức, cá nhân, đặc biệt là những người con xa quê thành đạt để kêu gọi ủng hộ xây dựng nhà trường.
Cô giáo Nguyện nhớ lại: "Ngày ấy (trước năm 2014), dãy nhà hai tầng của trường đã xuống cấp trầm trọng, chỉ dùng tay gẩy nhẹ đã khiến vữa rơi theo từng mảng, thậm chí rút được viên gạch ở dưới cửa sổ của phòng học.
Trong một số lớp học trên tầng 2 của dãy nhà đã bị hổng một lỗ lớn, những thanh sắt đã bị hoen gỉ, nhiều gạch men lát nền đã bị vỡ...
Để bảo đảm học sinh được đi học, nhà trường đã bố trí các phòng học tại phòng hội đồng của nhà trường, phòng học tạm ở dãy nhà cấp 4, nhà văn hóa thôn, thậm chí là lán để xe của giáo viên.
Bên cạnh việc "gõ cửa" các cấp, các ngành, tôi còn dùng thư điện tử để kêu gọi những người con xa quê thành đạt ủng hộ xây dựng trường.
Kết quả, đến năm 2015, nhà trường được đầu tư kinh phí xây dựng mới nhưng cũng chỉ đủ để xây phòng học cho học sinh còn khu hiệu bộ thì chưa được xây mới.
Đến nay, toàn bộ học sinh của trường đã được học ở dãy nhà 2 tầng khang trang với 3 phòng học thông minh, khuôn viên xanh với mô hình sinh thái giáo dục.
Thế nhưng phòng làm việc của cô hiệu trưởng vẫn ở chung với phòng đoàn chưa đến 10m2".
Hơn 20 năm qua, cô giáo Mai Thị Bích Nguyện là chủ nhân của 20 sáng kiến kinh nghiệm xếp loại A, nhận được nhiều giải thưởng trong cuộc thi toàn quốc và quốc tế, được đồng nghiệp trong và ngoài tỉnh ứng dụng.
Từ sự khởi động của Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường, phong trào nghiên cứu khoa học, viết sáng kiến của các thầy cô trong trường hình thành và phát triển mạnh mẽ.
Từ đơn vị đứng cuối khối Trung học cơ sở, Trường Trung học cơ sở An Vũ đã vươn lên xếp thứ nhất huyện trong phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm.
Cô giáo Mai Thị Bích Nguyện luôn quan tâm, gần gũi, giúp đỡ các em học sinh để các em ngày càng tiến bộ (Ảnh: L.T)
Cô giáo Nguyện tâm sự: "Nghề giáo nếu chỉ làm thầy của các em thôi chưa đủ mà phải luôn là người mẹ thứ hai của các em thì mới có thể gần gũi, hiểu được các em, trên cơ sở đó, động viên, chia sẻ giúp các em tiến bộ trong học tập".
Theo cô Nguyện, để thầy dạy giỏi, trò chăm ngoan, những người làm công tác quản lý cũng luôn phải thể hiện ý chí quyết đoán, dám nghĩ, dám làm.
Chất lượng giáo dục phụ thuộc vào 4 yếu tố đó là: đội ngũ, cơ sở vật chất, chất lượng học sinh đầu vào và công tác quản lý; trong đó công tác quản lý giữ vai trò quan trọng.
Người quản lý phải thực sự gương mẫu và dám hy sinh, có như vậy mới tạo hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng.
Bên cạnh đó, thực hiện tốt nguyên tắc dân chủ, công khai trong trường học, quy tụ, phát huy sáng kiến tập thể, tạo đồng thuận trong đơn vị.
Hiệu trưởng cần lập kế hoạch ngắn hạn, dài hạn, linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn và triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.
Công tác đánh giá thi đua cũng cần được thực hiện khoa học, khách quan, công bằng, toàn diện, thúc đẩy thi đua trong đơn vị.
Không tổ chức tràn lan các cuộc họp, sinh hoạt chuyên môn nhưng mỗi buổi họp phải tập trung vào việc phân tích chuyên môn, đề xuất những ý kiến, giải pháp nhằm đổi mới phương pháp dạy và học.
Điều quan trọng đó là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong dạy và học.
Những đổi mới được cô giáo Mai Thị Bích Nguyện thực hiện từ những điều nhỏ nhất song đã mang lại hiệu quả tích cực.
Từ một trường "vùng trũng" của huyện, đến nay, Trường Trung học cơ sở An Vũ đã vươn lên tốp đầu về chất lượng giáo dục.
Chi bộ nhà trường 5 năm liên tiếp đạt danh hiệu chi bộ trong sạch, vững mạnh, được Đảng ủy xã An Vũ, Huyện ủy Quỳnh Phụ công nhận là chi bộ điển hình "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" giai đoạn 2015 - 2017; được Ban Thường vụ Tỉnh ủy tặng bằng khen.
Bản thân cô giáo Mai Thị Bích Nguyện cũng đạt nhiều danh hiệu cao quý nhưng đối với cô, trở thành điển hình toàn quốc về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đại diện cho tinh Thái Bình giao lưu điển hình tiên tiến khu vực phía Bắc và được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen là điều mà cô trân trọng nhất.
LÃ TIẾN
Theo giaoduc
Quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm: Vẫn chưa ngã ngũ Bộ GDĐT đang xây dựng Đề án quy hoạch lại các cơ sở giáo dục đại học (ĐH), trong đó có các trường sư phạm. Tuy nhiên, để hoàn thành nhiệm vụ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục (ĐH) và sư phạm giai đoạn 2021 - 2030, sắp xếp, tổ chức lại các...