Sao lại so sánh học trực tuyến phòng dịch với học trực tiếp trên lớp?
Học trực tiếp trên lớp các con có sự tương tác với thầy cô và các bạn sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Tuy nhiên trong điều kiện hiện nay mọi người đều phải khắc phục.
“Quan điểm của cá nhân tôi thì hiệu quả của việc dạy trực tuyến nếu so với dạy trực tiếp ở trên lớp thì không thể bằng được, nhưng chúng ta cũng không nên so sánh như vậy.
Khi học trực tiếp trên lớp thì các con có sự tương tác với thầy cô và các bạn thuận lợi hơn rất nhiều. Tuy nhiên trong điều kiện hiện tại phải dạy và học trực tuyến thì mọi người đều phải khắc phục về kiến thức của môn học, kỹ năng cần đạt được đều đảm bảo.
Ngoài ra điều kiện dạy trực tuyến theo tôi cũng là cơ hội để hình thành năng lực tự học rất tốt cho học sinh. Ngay trong chính giai đoạn tự học này bản thân tôi cũng nhận diện được những học sinh của mình nhiều em có sự bứt lên về năng lực tự học.
Việc học trực tuyến tuy không hiệu quả so với học tại trường nhưng theo tôi thấy rất cần thiết, nó tạo cho học sinh duy trì môi trường giao tiếp của lớp học, các con cũng có cơ hội chia sẻ với nhau về những trải nghiệm ngay trong giai đoạn học trực tuyến này”, cô Đặng Hải Yến – Tổ trưởng tổ 1, giáo viên chủ nhiệm lớp 1, Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, Nam Từ Liêm, Hà Nội đã chia sẻ.
Cô Yến cho biết: “Việc dạy học Online sẽ đảm bảo được về mặt kiến thức, đảm bảo kỹ năng một số môn học, còn việc hình thành một số năng lực học tập khác sẽ có hạn chế hơn và không thể bằng học trực tiếp trên lớp. Ảnh: Tùng Dương.
Theo cô Yến: “Bản thân mỗi học sinh cần được hình thành năng lực giao tiếp nhất là học sinh lớp 1. Năng lực này được tạo ra từ không gian của lớp học và là điều kiện để học sinh bộc lộ năng lực, nhưng mặt khác về kiến thức và kỹ năng của môn học thì hoàn toàn đảm bảo được.
Thời điểm năm nay chúng tôi có thuận lợi hơn năm trước vì việc đọc và viết học sinh đã có phần tốt hơn nên học trực tuyến rất thuận lợi. Vào thời điểm của năm nay phần học vần của học sinh chỉ bị học trực tuyến có một tuần, tức là đã kết thúc 21 tuần trước đó của phần vần cho nên hầu hết việc đọc văn bản của các con không gặp khó khăn gì.
Hơn nữa việc sĩ số của lớp như chúng tôi là 30 học sinh nên cũng khá thuận lợi cho việc giáo viên nắm được tiến độ tiếp thu của từng em, còn đối với những lớp có trên 50 cháu thì việc dạy trực tuyến sẽ rất khó khăn, không thể đạt hiệu quả được.
Nhớ lại năm trước khi dịch ập đến rất bất ngờ thì bản thân nhà trường và phụ huynh, học sinh đều chưa có sự chuẩn bị cho việc học trực tuyến kéo dài, vậy nên thời gian đầu nhà trường cũng sắp xếp cho học sinh được học trực tuyến vào buổi tối.
Mục đích học buổi tối để các con có được sự hỗ trợ từ phụ huynh, nhưng ngay sau một thời gian rất ngắn thì chính những phản hồi của phụ huynh cùng với thực tế là các con đã có thể tự đăng nhập vào lớp học trực tuyến.
Nếu như dồn toàn bộ việc học trực tuyến vào buổi tối cũng không thuận lợi, lý do bố mẹ đi làm cả ngày khá vất vả, bản thân các con vào thời gian ban ngày khá khỏe khoắn, minh mẫn nhất thì lại không được tham gia hoạt động học tập, mà lại tham gia vào các hoạt động không được bổ ích cho lắm thì đó là bất cập.
Từ những thực tế đó chúng tôi đã chuyển dần cho các con học trực tuyến trong giờ hành chính, cái sự chuyển đó cũng là chuyển dần vì trước đó chúng tôi đã chuẩn bị cho học sinh nền tảng thao tác để tự đăng nhập được vào lớp cũng như tự trao đổi với giáo viên khi các con gặp khó khăn. Hơn nữa chúng tôi luôn giữ kết nối chặt chẽ với phụ huynh nên việc chuyển các con sang học trực tuyến ban ngày cho thấy tính hiệu quả cao hơn.
Thứ nhất các con được học ngay trong lịch sinh hoạt bình thường, kể cả các hoạt động thể chất, văn hóa văn nghệ… Các con hoàn thành bài tập trong qua trình học trực tuyến với giáo viên, tối về bố mẹ chỉ việc rà soát lại theo hướng dẫn tự học là đã biết con hoàn thành đến đâu, phần nào còn thiếu rồi gửi lại cho giáo viên để phản hồi”.
Cô Yến cho biết: “Việc dạy học trực tuyến sẽ đảm bảo được về mặt kiến thức, đảm bảo kỹ năng một số môn học, còn việc hình thành một số năng lực học tập khác sẽ có hạn chế hơn với học trực tiếp trên lớp.
Nhược điểm là thời gian học không thể bằng và thiếu đi sự tương tác trực tiếp, một điều nữa là yếu tố công nghệ đối với học sinh lớp 1 chỉ đủ đảm bảo học với giáo viên trong phương diện đảm bảo kiến thức chứ chưa thể chuyên sâu về khả năng tin học.
Để học trực tuyến hiệu quả thì chúng tôi luôn có quan điểm: Việc gì khó thì để cô lo, còn tất cả những gì thuận lợi nhất đều dành cho học sinh. Dựa trên thực tế các con gặp khó khăn ở đâu thì chúng tôi tìm phương án tháo gỡ.
Vì là học trực tuyến nên nhà trường cũng phải tinh giảm lượng kiến thức theo định hướng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, những gì thuận lợi trong quá trình dạy học trực tuyến sẽ đưa vào.
Giáo viên cần xây dựng hướng dẫn tự học thật dễ hiểu đối với học sinh, dễ thực hiện trong việc hỗ trợ đối với cha mẹ các em. Những hướng dẫn tự học đó cần được gửi cho phụ huynh từ cuối tuần học trước để cha mẹ và các con có thời gian sắp xếp tạo thành kho tư liệu của tuần đó.
Về phía học sinh cần phải nhớ được giờ học của mình để đăng nhập và tham gia lớp học, khi gặp khó ở đâu thì cần phải chủ động trao đổi với giáo viên để nhận được sự giúp đỡ. Phụ huynh cần tạo điều kiện để các con có đủ thiết bị học tập cũng như hỗ trợ con trong phần gửi lại bài cho giáo viên. Có đồng bộ được như vậy thì việc học Online mới có hiệu quả”.
Vì là học trực tuyến nên nhà trường cũng phải tinh giảm lượng kiến thức theo định hướng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, những gì thuận lợi trong quá trình dạy học trực tuyến sẽ đưa vào. Ảnh minh họa: Tùng Dương.
Video đang HOT
Dạy trực tuyển phải dựa trên một số đặc điểm tâm, sinh lý của học sinh
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư Trần Thành Nam – Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, cũng đã chia sẻ quan điểm: “Chủ trương dạy học trực tuyến trong điều kiện học sinh phải ngừng đến trường do dịch bệnh là đúng.
Tuy nhiên, việc dạy trực tuyến phải dựa trên một số đặc điểm tâm, sinh lý của học sinh. Với những đối tượng mà yếu tố tâm, sinh lý không đáp ứng được, việc tổ chức dạy học trực tuyến có thể là “lợi bất cập hại”.
Học trực tuyến đòi hỏi xử lý thông tin liên tục, đòi hỏi các em khả năng tập trung cao độ, vừa lắng nghe giáo viên giảng bài vừa thao tác trên thiết bị. Do đó, chỉ một số học sinh có nề nếp học tập tốt mới theo được, còn lại đa số khó đáp ứng, dẫn đến nhiều em không theo kịp.
Trong trường hợp học sinh chỉ cần bị xao nhãng không xử lý được thông tin là đã bỏ lỡ cả bài học, trong khi đó, giáo viên không thể bao quát được cả lớp trên môi trường trực tuyến. Cha mẹ dù có ngồi bên cạnh, đôi lúc cũng không thể dạy con học. Thậm chí, việc bố mẹ hướng dẫn thêm khiến trẻ trở nên căng thẳng, rối hơn.
Về mặt thời gian, chúng ta có một năm chuẩn bị, làm quen với dạy trực tuyển nhưng thực tế có rất nhiều thầy cô chỉ dừng lại ở việc chuyển bài dạy trực tiếp lên mạng, chứ chưa có nhiều trò chơi, hoạt động tương tác để học sinh vui vẻ, hứng thú với bài học. Với đặc điểm tâm, sinh lý của trẻ tiểu học, nếu không thấy vui, không hứng thú, các em không thể theo được bài học”.
Theo thầy Nam: “Một số trường ở Hà Nội chuyển lớp học trực tuyến vào buổi tối lúc 18h30 vì nghĩ rằng bố mẹ đi làm về có thể hỗ trợ con. Nhưng thực tế, thời điểm đó, bố mẹ vừa đi làm về đến nhà, con cái chưa được ăn uống, tắm rửa, cha mẹ cũng cạn kiệt năng lượng sau một ngày làm việc, thì chuyện kiên nhẫn ngồi học cùng con rất khó.
Chưa kể với những học sinh lớp 1, 2 mà đang gặp khó khăn về đọc, viết, giờ học trực tuyến càng không hiệu quả, khoảng cách giữa các bạn trong lớp ngày càng cách xa. Những trẻ chậm hơn ở một số kỹ năng cũng có khoảng cách với những bạn khác.
Nếu học sinh phải nghỉ dài ngày do dịch, chúng ta cũng không thể để các em nghỉ học mãi. Hơn nữa, trong tương lai, việc học online sẽ trở thành xu hướng khi xã hội tiến tới học tập suốt đời, các khóa học trực tuyến sẽ ngày càng trở nên phổ biến. Vậy nên, đối với học sinh tiểu học, việc chuẩn bị những gì cho trẻ khi học trực tuyến mới là quan trọng.
Tôi nghĩ ở cấp học này, việc truyền cảm hứng học tập cho con mới quan trọng. Nhiều khi chúng ta không cần quá chú tâm vào nội dung bài giảng, dài bao nhiêu phút, có dạy xong hay không. Thay vào đó, giáo viên tạo ra những trò chơi, video với nội dung sáng tạo, thú vị.
Thay vì các con ở nhà xem phim thì xem những nội dung học tập như vậy sẽ tốt hơn rất nhiều. Tất nhiên, với điều kiện chúng ta có nguồn học liệu số, kho bài giảng video chia sẻ cho tất cả giáo viên, học sinh trên cả nước.
Khi có nguồn học liệu số mở, những bạn nhỏ không thiết bị học tập như máy tính, điện thoại thông minh, kết nối mạng Internet có thể được bố mẹ cho xem video vào thời điểm thích hợp.
Khi dạy trực tuyến với lớp nhỏ, giáo viên càng phải chú ý yếu tố tâm lý để các bạn không bị căng thẳng. Phụ huynh cũng nên chú ý đến việc học của con như cho con ăn nhẹ, tập một vài động tác thể dục trước khi vào học, cho con ngồi học ở bàn, điều chỉnh tư thế ngồi đúng, giảm ánh sáng xanh của màn hình để con không bị đau mắt, mỏi mắt.
Sau khi học xong, phụ huynh không cho con xem các thiết bị điện tử nữa. Đây cũng là những yếu tố để đảm bảo sức khỏe tinh thần của trẻ khi học trực tuyến”.
Chương trình mới, sách giáo khoa mới làm quen lúc đầu bao giờ cũng khó khăn
Một chương trình mới thì bất cứ ai cũng phải làm quen từ đầu và giai đoạn đầu tiên bao giờ cũng khó khăn, có thể qua một vài năm khi quen rồi lại thấy dễ hơn.
Trải qua gần 1 tháng dạy và học, những ngày qua, nhiều phụ huynh đã chia sẻ trên các diễn đàn cho rằng chương trình lớp 1 năm nay quá nặng với trẻ, các con phải tiếp nhận khối lượng kiến thức khá lớn. Trong khi đó giáo viên cũng vất vả trong việc dạy học.
Để tìm hiểu về vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với cô Đặng Hải Yến - Tổ trưởng tổ 1, giáo viên chủ nhiệm lớp 1, Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Nam Từ Liêm, Hà Nội), cô Yến chia sẻ:
"Tất nhiên một chương trình mới thì chắc chắn phải khác với chương trình cũ. Còn nếu chương trình vẫn như cũ thì sao gọi là thay đổi.
Cô Đặng Hải Yến: "Trong 4 tuần đầu mà yêu cầu các con học sinh lớp 1 đọc thông viết thạo là việc quá sức với tất cả". Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Còn việc chương trình mới có khó hay không, nặng hay nhẹ thì dựa vào yêu cầu cần đạt ở cuối năm học, và điều quan trọng nhất là dạy học sinh từ việc chuyển định hướng kiến thức sang định hướng phát triển năng lực.
Việc này được thể hiện thông qua phương pháp tổ chức lớp học, nếu mà tính 4 tuần đầu năm học so với 35 tuần của cả năm để mà so sánh thì rất khó chính xác.
Trong giai đoạn đầu tiên này có thể có một số giáo viên và phụ huynh cảm thấy khó hơn so với những năm trước, cũng bởi vì một chương trình cũ đã quen bao nhiêu năm nay rồi thì chắc chắn sẽ thuận lợi hơn cho tất cả.
Còn với một chương trình mới thì bất cứ ai cũng phải làm quen từ đầu và giai đoạn đầu tiên bao giờ cũng khó khăn hơn, cũng có thể qua một vài năm khi quen rồi mọi người lại thấy dễ.
Còn ở góc độ chuyên môn thì tôi thấy rằng bản thân trong nhà trường chúng tôi không có nhiều khó khăn như dư luận xã hội đang nói, bởi trường đã có sự chuẩn bị cho việc tiếp nhận chương trình mới từ trước và cũng đã có những phương án triển khai để làm sao có hiệu quả nhất, không tạo áp lực cho giáo viên, phụ huynh cũng như học sinh.
Bản thân tôi thấy có nhiều sự khác biệt, có thể trong giai đoạn đầu một số người sẽ thấy khó, còn bản thân tôi thì không thấy khó hơn quá nhiều như dư luận đang phản ánh".
Phải chăng khó là do có 5 bộ sách giáo khoa?
Cô Yến cho biết: "Theo tôi thì việc có nhiều bộ sách để lựa chọn thì đó lại là lợi thế. Mỗi nhà trường với phương pháp giảng dạy và định hướng riêng cùng với nền tảng của các giáo viên thì có nhiều sự lựa chọn hơn so với trước.
Vậy nên dễ dàng lựa chọn được bộ sách ưng ý phù hợp với định hướng của nhà trường. Còn lại dù có 5 bộ sách giáo khoa thì cũng đều định hướng đến một khung chương trình chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đó là chuẩn kiến thức kỹ năng hoặc yêu cầu cần đạt.
Dù là cách thức trình bày các bộ sách có thể khác nhau, nhưng chuẩn đầu ra sẽ giống nhau, vậy nên sẽ không có chuyện bộ sách này khó hay bộ sách kia dễ. Chủ yếu là do cách sử dụng sách mà thôi".
Theo cô Yến: "Nếu so sánh 4 tuần đầu năm học của chương trình giáo dục phổ thông năm 2020 với chương trình năm 2018 triển khai với lớp 1 thì trong những tuần đầu tiên việc học các chữ cái đơn ở chương trình cũ là học rời từng âm hoặc 2 âm một.
Còn đối với chương trình mới có những bộ sách giáo khoa mà ở đó mỗi một bài phải học nhiều âm hơn, dựa trên quan điểm của người xây dựng sách là bảng chữ cái đơn thì đa phần học sinh đã được biết.
Việc này khi tham gia tập huấn về sách giáo khoa mới tôi được nghe chia sẻ như vậy, nên giai đoạn học chữ cái đơn ban đầu được rút ngắn hơn so với chương trình cũ.
Đối với học sinh trong giai đoạn học mầm non thì với thực tế năm nay bị gián đoạn vì dịch Covid-19 nên các con phải nghỉ học, nên việc nhận diện chữ cái ở trường mầm non và việc chuyển giao nề nếp học tập từ mầm non sang tiểu học bị gián đoạn".
Về phần tập viết, cố Yến chia sẻ: "Theo quy định của Bộ cũng chỉ yêu cầu về chuẩn đầu ra cuối cùng của năm học với chuẩn đầu ra của cả một giai đoạn học tập.
Còn lại việc triển khai thế nào trong từng bài học, trong từng tuần thì bản thân các trường đều có chương trình để làm rõ hơn việc phân phối chương trình dựa theo bộ sách giáo khoa mà nhà trường lựa chọn.
Với số lượng các âm trong giai đoạn đầu phải học nhiều lên thì số lượng chữ viết ở trong mỗi bài tập viết so với chương trình cũ cũng có sự tăng lên.
Tuy nhiên tùy vào định hướng của tổ chuyên môn hoặc nhà trường trong quá trình triển khai thì chính ban giám hiệu là người quyết định cuối cùng về chương trình viết đó trong mỗi giai đoạn phù hợp với học sinh như thế nào.
Tôi cũng đã gặp rất nhiều phụ huynh trong thời gian 4 tuần vừa qua để nghe các bác chia sẻ thì hầu hết kỳ vọng của phụ huynh đối với con đều rất là lớn.
Điều này cũng dễ thông cảm vì phụ huynh rất yêu con, mong muốn con tiến bộ nhanh, đọc thông viết thạo. Nhưng bản thân chương trình Tiếng Việt đối với yêu cầu thì các con sang đến học kỳ 2 vẫn còn học tiếp những vần cuối cùng.
Và trước khi biết hết vần thì không thể nào các con đọc thông ngay được. Ít nhất là cũng phải khi các con học hết vần. Vậy nên nếu yêu cầu trong 4 tuần đầu tiên phải đọc thông, viết thạo thì đó là điều không thể".
Các em học sinh lớp 1 Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, Hà Nội. Ảnh: Cô Yến cung cấp.
Theo cô Yến: "Bản thân các con chuyển từ mầm non sang tiểu học thì điều đầu tiên là các con phải thấy yêu thích việc học tập, từ đó duy trì hứng thú học tập lâu dài.
Trên thực tế so với chương trình cũ là phải hết tuần 23 thì mới hết chương trình học vần và chuyển sang luyện tập tổng hợp, nhưng có rất nhiều học sinh ngay khi kết thúc tuần 17 -18 là đã có khả năng đọc thông viết thạo.
Vậy nên với chương trình năm nay, với nhiều bộ sách và phân bổ chương trình của bộ sách đó thì việc kết thúc vần sẽ sớm hơn và nhiều khả năng là các con sẽ đọc thông viết thạo sớm hơn yêu cầu so với chương trình cũ.
Còn với yêu cầu trong 4 tuần đầu mà các con phải đọc thông viết thạo thì đó là điều không thể đối với học sinh và cả với các giáo viên, thật sự nó là quá sức đối với tất cả".
Phụ huynh không nên kỳ vọng quá mức
Cũng về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, chị Trần Thuý Hà (quận Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: "Năm nay con nhà tôi cũng vào lớp 1 và tôi thấy có sự thay đổi rõ nhất là môn Tiếng Việt và phần tập viết.
Hôm trước tôi có đi dự một cuộc Hội thảo về tuyển sinh và đa số ý kiến cho rằng các con vào lớp 1 không nên học trước và cá nhân tôi cũng cho là như vậy.
Nhưng chỉ sau một tháng con tôi vào lớp 1 thì tôi thấy nhận định không cho con học trước là sai lầm, tại sao lại như vậy?
Theo quy định thì khi học hết mầm non là các con đã thuộc bảng chữ cái hoặc đã viết được những nét cơ bản, nhưng năm nay các con phải nghỉ học vì dịch bệnh nên đã không được rèn luyện phần đó.
Và nay yêu cầu đó lại áp dụng luôn vào lớp 1 mà thiếu đi bước đệm từ mầm non nên dẫn đến việc các con không thể tải được phần kiến thức đó một cách nhanh chóng, ví dụ như làm quen với các chữ cái hoặc tập tô những nét cơ bản.
Theo chương trình cũ thì mỗi ngày các con học 1 đến 2 âm đơn ví dụ như a, b, c...nhưng hiện nay các con phải học tới 4 âm trong 1 ngày và học cả chữ đơn, chữ kép luôn như th, ph, kh, ch, nh...rồi sau 1 tháng là học đến phần vần. Như vậy theo tôi là các con chưa thể nhớ kịp được".
Chị Trần Thuý Hà (quận Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: "Năm nay con nhà tôi cũng vào lớp 1 và tôi thấy có sự thay đổi rõ nhất là môn Tiếng Việt và tập viết. Ảnh: Chị Hà cung cấp.
Chị Hà cho biết: "Con nhà tôi lực học ở mức độ trung bình, không tiếp thu được nhanh như một số bạn khác, lại không được học trước nên giờ đây cháu khá vất vả với việc nhớ và đọc các âm.
Trước đây giáo viên thường giao thêm phiếu đọc để các con về tập đọc ở nhà, nhưng hiện nay theo như cô giáo dạy cháu cho biết là các con chỉ cần đọc và nhớ theo sách giáo khoa là đã đủ vất vả rồi.
Tối nào tôi cũng phải kèm cháu học bằng cách cho cháu đọc đi đọc lại theo sách giáo khoa, tôi thấy bài của cô giao về nhà cũng không nhiều và phần viết thì các con đã được hướng dẫn ở lớp rất nhiều nên về nhà phụ huynh cũng đỡ phần nào.
Theo cá nhân tôi thấy nếu như các con không học trước thì thật sự là rất khó khăn trong những tháng đầu tiên của lớp 1.
Về phần tập viết theo tôi cũng hơn nhanh, những năm trước học sinh thường có 1 đến 2 tuần học đệm rèn nếp, rèn những nét cơ bản trước khi vào năm học chính thức, nhưng vì năm nay do dịch Covid-19 nên có một chút xáo trộn và các con vào học chính ngay mà không có phần học đệm trước.
Chính vì vậy mà hiện nay các con đã viết câu, viết tập chép rồi và chương trình đẩy nhanh hơn so với những năm trước nên các con không theo kịp.
Có lẽ vì thế mà có nhiều ý kiến phụ huynh cũng như giáo viên cho rằng chương trình mới nặng hơn, nhưng theo tôi vấn đề chính là ở chỗ đó chứ không phải vì chương trình nặng.
Hiện nay vào chương trình đã được hơn 1 tháng nhưng tôi thấy con nhà tôi cũng đã có tiến bộ, và thực sự tôi thấy giáo viên dạy lớp 1 quả thực rất vất vả. Ở nhà có 1 cháu mà tôi đã cảm thấy mệt mỏi trong khi các cô phải chăm tới vài chục cháu thì quả là áp lực".
Theo chị Hà: "Tất cả những âm các con được học sẽ được nhắc đi nhắc lại trong suốt cả một quá trình học, những từ đó sẽ được quay vòng trong các tiết học, vì vậy nếu phụ huynh sốt ruột, nôn nóng muốn các con phải nhớ ngay và luôn thì vô tình đã tạo áp lực lên các con. Và nếu giáo viên cũng sốt ruột thì cũng đã tự tạo áp lực cho bản thân mình cũng như cho học sinh".
Chị Hà nêu quan điểm: "Tôi thấy nên duy trì việc trước khi vào lớp 1 các con nên có khoảng 1 tháng học đệm, vừa để các con làm quen với môi trường học tập mới, vừa để từng bước rèn một số nét cơ bản.
Việc làm quen trước giúp các con khỏi bỡ ngỡ, giáo viên và học sinh có thời gian làm quen với nhau và từng bước rèn các con những nét cơ bản, nhận diện những âm đơn, âm kép...
Có như vậy thì việc theo kịp chương trình học của các con sẽ thuận lợi hơn và phụ huynh cũng không cảm thấy bị áp lực khi dạy các con học ở nhà".
Thầy trò vùng nông thôn gặp khó Ở vùng nông thôn, việc học trực tuyến gây khó với cả học sinh lẫn giáo viên. Một học sinh nông thôn ở tỉnh Bắc Giang học trực tuyến qua điện thoại Anh Nguyễn Văn Đoan ở xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) có 3 con đang học các cấp, trong đó 2 con gái học lớp 11 và 12, cùng...