Sao không so sánh sách giáo khoa (năm 2000) với sách VNEN
Sao Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam không lấy ví dụ sách giáo khoa năm 2000 so với sách VNEN nhỉ?
Chủ đề sách (tài liệu) VNEN của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã được Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải hàng loạt các bài viết trong thời gian qua như: Lợi nhuận bán sách VNEN chảy vào túi ai?;
Thày Hiển, thày Đại “xây” hệ thống bán sách giáo khoa độc quyền cả nước ra sao?; VNEN và biểu hiện tham nhũng chính sách giáo dục…
Những bài viết này đã cho thấy nhiều dấu hỏi lớn trong công tác xuất bản sách giáo khoa hiện nay.
Đa phần các bài viết này đã nhận được rất nhiều phản hồi của bạn đọc và điều đặc biệt là những con số, những câu hỏi trực diện được tác giả của các bài viết đặt ra những đều đã rơi vào cõi thinh không…
Bảng so sánh sách giáo khoa năm 2000 với sách VNEN (Ảnh: giaoduc.net.vn)
Tuy nhiên, điều đặc biệt là những ngày qua sau, rộ lên thông tin Nhà xuất bản Giáo dục đã in sách giáo khoa giá mới và nộp lưu chiểu vào tháng 1/2019.
Nhưng, sau đó thì Bộ Giáo dục yêu cầu giữ nguyên giá cũ cho năm học 2019-2020.
Chính vì vậy, ông Nguyễn Văn Tùng – Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã lên tiếng giãi bày về những khó khăn về giá thành của sách giáo khoa phổ thông hiện nay.
Trong bài trao đổi với phóng viên Báo Dân trí: “Bị “tuýt còi” tăng giá sách: Nhà xuất bản Giáo dục trần tình kêu lỗ đã nhiều năm?” thì ông Nguyễn Văn Tùng có những so sánh rất thú vị.
Ông lấy đã lấy một số ví dụ một số quyển sách giáo khoa để so sánh với giá photo giấy A4 hiện nay để làm nổi bật giá sách giáo khoa hiện hành đang quá thấp. Ông Tùng chia sẻ rằng:
“ Nếu giá bán sản phẩm thấp hơn các chi phí thì đơn vị xuất bản – phát hành bị lỗ. Sách giáo khoa đang ở tình trạng này.
Lấy ví dụ cuốn sách giáo khoa Ngữ văn lớp 7 (tập2), giá 7.800 đồng, 160 trang, vậy đơn giá chỉ có 49 đồng/trang, hay cuốn sách giáo khoa Hóa học 8, 160 trang, giá bìa là 9.600đ, đơn giá là 60 đồng/ trang.
Nếu so sánh với đơn giá photo 1 trang A4, hay những cuốn sách tham khảo của các Nhà xuất bản khác sẽ thấy giá sách giáo khoa là thấp đến khó tin“. [1]
Ngày 17/3/2019, trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có bài viết Xem bảng lương Nhà xuất bản Giáo dục làm sao tin nổi sách giáo khoa lỗ của tác giả Nhật Duy phân tích lại chi tiết so sánh này nên chúng tôi không nói lại nữa.
Tuy nhiên, chúng tôi muốn nhấn mạnh thêm một chi tiết khác. Đó là tại sao ông Nguyễn Văn Tùng lại không lấy giá của sách VNEN để so sánh nhỉ?
Video đang HOT
Bởi khi minh họa một vấn đề mà Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chỉ lấy ví dụ của những cuốn sách thấp nhất để so sánh với một mặt hàng ở ngoài thị trường thì chúng tôi cho rằng vấn đề này chưa thỏa đáng chút nào.
Trong bài viết Lợi nhuận bán sách VNEN chảy vào túi ai? của tác giả Nguyễn Nguyên trước đây đã có những số liệu khá chi tiết về giá mỗi bộ sách mà phụ huynh đã và đang phải mua cho con em mình học tập trong những năm qua.
Nghịch lý ở chỗ: vẫn là nội dung của sách giáo khoa hiện hành (năm 2000) nhưng Nhà xuất bản Giáo dục đã gia công, “làm lại” để tân trang thành sách cho dự án VNEN.
Nhưng, giá thành thì lại cao hơn gấp nhiều lần so với sách giáo khoa năm 2000.
Chúng tôi xin dẫn lại 1 ví dụ về “cách thức” nâng giá sách VNEN của dự án VNEN trong bài viết Lợi nhuận bán sách VNEN chảy vào túi ai? như sau:
“ 2 cuốn sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 5 (tập 1 và tập 2) có giá 13.000 VNĐ 12.700 VNĐ =25.700 VNĐ, sang VNEN được “bôi ra” thành 4 cuốn:
Hướng dẫn học Tiếng Việt 5/1 A (31.000 VNĐ) Hướng dẫn học Tiếng Việt 5/1 B (25.500 VNĐ) Hướng dẫn học Tiếng Việt 5/2 A (30.000 VNĐ) Hướng dẫn học Tiếng Việt 5/2 B (20.000 VNĐ).
Tổng cộng giá 4 cuốn sách này là 106.500 VNĐ.
Như vậy chỉ bằng một việc “bôi ra” như thế này, phụ huynh có con học VNEN lớp 5 đã phải bỏ thêm 106.500 – 25.700 = 80.800 (VNĐ) cho 1 môn Tiếng Việt“. [2]
Sao Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam không lấy ví dụ sách giáo khoa năm 2000 so với sách VNEN nhỉ?
Rõ ràng cách lấy ví dụ so sánh của Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam về một số cuốn sách giáo khoa phổ thông hiện nay có có giá thấp là cách hướng dư luận sang một cách hiểu khác.
Mấy năm nay, dư luận đã nghe lãnh đạo Nhà xuất bản Giáo dục liên tục kêu lỗ trong việc xuất bản sách giáo khoa mỗi năm từ 40 – 50 tỉ đồng?
Thế nhưng, điều dư luận cũng được biết mỗi năm Nhà xuất bản này đang chi cho việc chiết khấu sách giáo khoa từ 20-25 % (khoảng 250 tỉ đồng). Và, số tiền lợi nhuận trong năm 2017 là 150 tỉ đồng?
Những con số này khiến chúng ta phải suy ngẫm nhiều hơn!
Tài liệu tham khảo:
[1]htps://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/bi-tuyt-coi-tang-gia-sach-nha-xuat-ban-giao-duc-tran-tinh-keu-lo-da-nhieu-nam-20190315091719821.htm
[2] https://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Loi-nhuan-ban-sach-VNEN-chay-vao-tui-ai-post179811.gd
THANH AN
Theo giaoduc.net.vn
Đề xuất Bộ GD-ĐT không biên soạn, xuất bản sách giáo khoa
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng kiến nghị Quốc hội xem xét tách việc biên soạn, xuất bản SGK GDPT ra khỏi chức năng quản lý nhà nước về giáo dục.
Bộ GD-ĐT chỉ nên thẩm định SGK?
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội vừa công bố kết quả khảo sát một số nội dung trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về xuất bản, in, phát hành sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông (GDPT) giai đoạn 2012 - 2017.
3 năm báo lỗ nhưng chiết khấu SGK 250 tỷ đồng/năm
Ủy ban này cho rằng, thời gian qua, việc xuất bản SGK GDPT thực hiện theo đúng quy trình: bản thảo sau khi được Bộ GD-ĐT thẩm định, phê duyệt, sẽ giao cho NXB Giáo Dục Việt Nam (GDVN) tổ chức xuất bản, in và phát hành.
Dư luận rất băn khoăn cho rằng việc Bộ GD-ĐT vừa tổ chức biên soạn, vừa tổ chức thẩm định, phê duyệt, chỉ đạo việc xuất bản, in và phát hành SGK đã tạo ra thế độc quyền khép kín trong tất cả các khâu của quy trình từ biên soạn đến phát hành.
Việc chỉ có duy nhất 1 đơn vị được giao tổ chức xuất bản SGK dễ dẫn đến nguy cơ xảy ra các hành vi lạm dụng vị trí độc quyền gây hạn chế cạnh tranh, hạn chế việc thúc đẩy cạnh tranh nhằm nâng cao chất lượng, giảm giá bán SGK, mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi trong phát hành, đáp ứng yêu cầu lựa chọn của người tiêu dùng.
Việc giao Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn, phê duyệt, xuất bản SGK không phù hợp với Luật Xuất bản 2012 và xu hướng phổ biến trên thế giới hiện nay là cơ quan quản lý nhà nước không tham gia biên soạn, xuất bản mà chỉ tổ chức kiểm duyệt, thẩm định SGK.
Cũng theo kết quả giám sát, hoạt động in, phát hành SGK GDPT trong những năm qua còn một số tồn tại, hạn chế. Việc in SGK GDPT được đấu thầu rộng rãi sau khi đã trừ sản lượng giao cho các đơn vị in nội bộ của NXB GDVN và những tên sách có số lượng in thấp. (Theo số liệu của NXB GDVN, tỷ lệ đấu thầu in trong năm 2016, 2017 là khoảng 70%).
Cách thức như trên và kết quả đấu thầu trong thời gian qua cho thấy hoạt động in SGK GDPT còn khép kín, tính cạnh tranh chưa cao,... có thể dẫn đến hạn chế về chất lượng, khó giảm giá thành, chưa khuyến khích việc đầu tư phát triển ngành in.
Bên cạnh đó, tình trạng in lậu, in nối bản SGK GDPT ngày càng lan rộng, tinh vi và phức tạp, gây khó khăn cho các cơ quan quản lý nhà nước và người sử dụng trong phân biệt thật, giả, phát hiện vi phạm; ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các tác giả, của nhà xuất bản và người tiêu dùng. SGK GDPT in lậu có chất lượng kém: hình ảnh bị mờ, chữ mất nét, không có các nội dung chỉnh sửa, bổ sung, gây khó khăn cho học sinh trong quá trình học.
Sản lượng in SGK GDPT những năm gần đây rất lớn, chỉ tính riêng năm 2017 là 107.807.120 bản sách/tổng sản lượng 312.000.000 bản in xuất bản phẩm cả nước (chưa tính sách tham khảo, sách mô hình trường học mới VNEN và tài liệu Tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục) chiếm tỷ lệ khoảng 30%; nếu tính cả sách tham khảo, sách VNEN và tài liệu Tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục (CNGD) thì lên đến 75% tổng sản lượng xuất bản phẩm toàn quốc.
Doanh thu từ bán SGK GDPT những năm gần đây khoảng 1.000 tỷ đồng/năm; lợi nhuận từ SGK hằng năm tăng, năm 2016 là 72 tỷ đồng, năm 2017 là 150,8 tỷ đồng.
Ủy ban cho rằng, mức chi chiết khấu phát hành SGK GDPT 25% (khoảng 250 tỷ đồng/năm) là khá cao, chưa thật phù hợp với cơ cấu giá thành, ảnh hưởng lớn đến việc chi trả của học sinh, giáo viên, lợi nhuận của các cơ sở in và các tổ chức, cá nhân liên quan khác, đồng thời mâu thuẫn với việc NXB GDVN báo lỗ liên tiếp ba năm gần đây, là vấn đề cần được Bộ GD-ĐT làm rõ.
Lãng phí SGK, sách thí điểm bán đắt
Báo cáo giám sát cũng khẳng định, giá bán bộ SGK thấp, nhưng đi kèm với bộ SGK còn hệ thống sách bài tập in sẵn và tài liệu bổ trợ (tùy cấp học) có giá tương đương hoặc cao hơn giá SGK. Nếu tính cả số tiền mua sách bài tập và tài liệu bổ trợ, phụ huynh, giáo viên phải trả số tiền gấp đôi hoặc hơn nữa.
Mặc dù Bộ GD-ĐT có hướng dẫn việc sử dụng SGK, sách bài tập, và trên website của NXB GDVN chỉ công bố bộ SGK chính và giá bán (không bao gồm sách bài tập và sách bổ trợ), nhưng việc phổ biến rộng rãi về loại sách bắt buộc phải mua và loại sách được tự chọn tới phụ huynh học sinh chưa được tốt, do vậy, trên thực tế, hầu hết phụ huynh mua trọn bộ SGK bao gồm cả sách bài tập và tài liệu bổ trợ.
Trong nhiều năm qua, tình trạng phần lớn SGK chỉ sử dụng một lần, gây lãng phí ngân sách nhà nước, tăng chi trả của người dân, gây bức xúc dư luận xã hội.
Qua khảo sát cho thấy, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do việc biên soạn, thiết kế SGK chưa hợp lý, đã đưa các dạng/mẫu bài tập trắc nghiệm và các dạng bài tập khác với các "câu lệnh" để học sinh điền/viết vào chỗ chấm hoặc ô trống, lựa chọn đúng/sai, nối, khoanh, vẽ, đánh dấu, tô màu,... vào nhiều cuốn SGK trong khi đã có sách bài tập in sẵn bán kèm theo; chất lượng giấy in, đóng quyển SGK GDPT một số môn (Toán, Ngữ văn... THCS và THPT) chưa bảo đảm (giấy mỏng, nhanh cũ, dễ rách, màu tối, dễ bung bìa); việc chỉnh lý một số nội dung trong sách do thay đổi về đặc điểm tình hình chính trị, kinh tế, xã hội.
"Việc chỉ đạo, hướng dẫn sử dụng SGK tuy đã được Bộ GD-ĐT quan tâm nhưng công tác kiểm tra, đánh giá việc in, phát hành, sử dụng SGK GDPT của Bộ GD-ĐT chưa sát sao, quyết liệt để có điều chỉnh kịp thời", báo cáo nhấn mạnh.
Trong nhiều năm qua, ngoài bộ SGK GDPT 2000 (từ lớp 1 đến lớp 12) do Bộ GD-ĐT biên soạn, xuất bản, in, phát hành, còn có một số sách thực nghiệm, tài liệu thí điểm cũng do NXB GDVN xuất bản, in, phát hành, đang được sử dụng tại nhiều trường phổ thông trên cả nước; trong đó có bộ sách mô hình trường học mới (VNEN) và tài liệu Tiếng Việt lớp 1 CNGD.
Tuy là sách thí điểm, nhưng hằng năm sản lượng in, phát hành sách VNEN và sách Tiếng Việt lớp 1 CNGD tăng đột biến: Năm 2017 sản lượng in, phát hành tài liệu Tiếng Việt lớp 1 CNGD là 5.307.733 bản (khoảng 5% SGK GDPT 2000), tăng gần 13 lần so với năm 2012; sách VNEN là 10.793.844 bản (khoảng 10% SGK GDPT 2000), tăng gấp 5 lần so với năm 2014. Giá bán một bộ sách VNEN cao gấp 4 lần giá một bộ SGK GDPT 2000 đối với sách lớp 3 và lớp 4; gấp 3 lần đối với các lớp 5,6 và 7. Nếu tính tổng giá tiền bộ SGK 2000 có sách bài tập và sách bổ trợ kèm theo thì giá bộ sách VNEN gấp khoảng 1,6 lần.
Ngoài ra, do sách VNEN còn thiếu một số môn nên học sinh học sách VNEN ngoài việc phải chi số tiền rất cao cho bộ sách hướng dẫn học, còn phải chi thêm tiền mua các môn còn thiếu của SGK GDPT 2000, làm tăng gánh nặng chi phí của phụ huynh học sinh và giáo viên. Hầu hết các tỉnh đều kiến nghị giảm giá bán sách VNEN.
SGK GDPT 2000, sách VNEN và tài liệu Tiếng Việt lớp 1 CNGD cùng do NXB GDVN xuất bản, in và phát hành. Tuy nhiên, khác với SGK GDPT 2000, sách VNEN và tài liệu Tiếng Việt lớp 1 CNGD trong giai đoạn 2012-2017 không được bán trên thị trường mà được phân phối độc quyền bởi các công ty con và công ty thành viên của NXB GDVN và thông qua Sở GD-ĐT các tỉnh, thành phố, phòng GDĐT các quận/huyện/thị xã tới các trường tiểu học, THCS, trên cơ sở rà soát nhu cầu sử dụng các bộ sách này hằng năm.
Sách VNEN và sách Tiếng Việt lớp 1 CNGD được NXB GDVN chỉnh sửa, thay hằng năm, không sử dụng lại, gây lãng phí. Việc tổ chức thí điểm/thực nghiệm bộ sách VNEN và sách Tiếng Việt lớp 1 GDCN trong nhà trường phổ thông thời gian qua cũng đang gây ý kiến trái chiều trong dư luận xã hội đòi hỏi Bộ GD-ĐT quan tâm làm rõ.
Đề nghị xem xét việc Bộ GD-ĐT không biên soạn, xuất bản SGK
Từ thực tế giám sát, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về xuất bản, in, phát hành xuất bản, đặc biệt là SGK GDPT. Xem xét tách việc biên soạn, xuất bản SGK GDPT ra khỏi chức năng quản lý nhà nước về giáo dục. Bổ sung quy định cụ thể liên quan đến chương trình GDPT, SGK, tài liệu tham khảo; việc áp dụng phương pháp giảng dạy, tài liệu thí điểm trong hệ thống trường phổ thông (thời gian, địa bàn, cơ sở giáo dục, cấp học thí điểm).
Ủy ban cũng kiến nghị Chính phủ có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư, tham gia biên soạn SGK GDPT trên cơ sở chương trình GDPT mới; khuyến khích, tạo điều kiện để các nhà xuất bản được cấp phép xuất bản SGK tham gia đấu thầu rộng rãi in, phát hành SGK và khai thác các bản thảo SGK GDPT. Kiên quyết xử lý các cơ quan nhà nước tham gia vào quá trình in lậu, in nối bản SGK.
Đối với Bộ GD-ĐT, Ủy ban đề nghị nghiên cứu việc công bố chương trình, SGK sử dụng ngân sách nhà nước, trước mắt ở cấp tiểu học và một số môn một cách công khai và qua các phương tiện thông tin xã hội. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về SGK, sách bài tập và tài liệu tham khảo, về thí điểm, thực nghiệm trong giáo dục.
Đối với UBND các tỉnh/thành phố có thực hiện thí điểm mô hình VNEN và tài liệu Tiếng Việt lớp 1 CNGD, cần chỉ đạo Sở GD-ĐT tổ chức tổng kết, đánh giá thí điểm mô hình VNEN và sách Tiếng Việt lớp 1 CNGD trên địa bàn, trên cơ sở đó kiến nghị việc tiếp tục hay dừng triển khai giảng dạy đối với các tài liệu thí điểm này.
Theo sggp
NXB Giáo dục: Dán lại giá cũ, nguy cơ SGK không kịp đáp ứng năm học mới Theo lãnh đạo NXB Giáo dục Việt Nam, để xử lý số SGK đã in theo giá mới (tăng giá) trong khi Bộ GD-ĐT yêu cầu tạm thời chưa tăng giá trong năm học 2019-2020, NXB này quyết định dán lại giá cũ trên các cuốn SGK đã in giá mới. Sách giáo khoa tại một cửa hàng sách - Ảnh: TRỌNG NHÂN...