Sao học tiếng Anh hoài mà không thể giao tiếp!?
Chúng ta cứ đi tìm, phân tích nguyên nhân vì sao việc dạy, học tiếng Anh lâu nay không hiệu quả. Nhiều đề án phát triển tiếng Anh tiêu tốn số tiền khổng lồ nhưng kết quả nhận được lại tỉ lệ nghịch với con số đầu tư đó
Đặc trưng của môn học tiếng Anh là trang bị cho học sinh (HS) kỹ năng giao tiếp tiếng Anh với ai? Chắc chắn không phải với người Việt mà phải là bạn bè năm châu, bốn bể, bạn bè đến từ các nước tiên tiến.
Dạy theo kiểu ráp công thức
Tôi xin kể ra đây vài mẩu chuyện từ thực tế những năm tháng còn công tác ở một cơ quan về giáo dục tại TP HCM. Chuyện thứ nhất, một lần đi dự giờ tiếng Anh lớp 6 tại một ngôi trường nổi tiếng của TP HCM. Lý do lúc này là chúng tôi nhận được phàn nàn từ hiệu trưởng của ngôi trường ấy: “Chẳng biết 5 năm ở tiểu học dạy tiếng Anh kiểu gì, mà lên lớp 6, hỏi gì HS cũng không biết!”.
Tôi đến dự giờ cùng một giáo viên tiếng Anh khác. Sau buổi dự giờ đó, tôi làm báo cáo, HS tiểu học từ lớp 5 lên lớp 6 được dạy tiếng Anh như thế thì hỏi gì không biết là chính xác. Thầy giáo lần ấy mà chúng tôi dự giờ đã dạy tiếng Anh theo hướng tiếp cận tiếng Anh bằng việc đưa công thức, ghép từ theo công thức và dịch theo công thức.
HS lớp 1 đến lớp 5 bậc tiểu học học chương trình tiếng Anh tăng cường những năm ấy được dạy tiếng Anh theo hướng tiếp cận với ngữ cảnh và từ đó rút ra cách sử dụng.
Câu chuyện thứ hai, những năm tháng đầu tiên khi đến Mỹ học, tôi đã từng rơi vào tình cảnh: Tôi nói tiếng Anh nhưng không tự nhiên. Các bạn Mỹ nói với tôi rằng: Mình hiểu bạn nói gì nhưng tụi mình không nói thế. Đó là lý do vừa rồi cộng đồng mạng tranh luận xôn xao về một câu chào hỏi: “Hello, I am Miss Hiền” trong sách tiếng Anh 1 của tác giả Hoàng Văn Vân. Nếu có “Miss” thì theo cách nói của người Mỹ, sau chữ “Miss” phải là một họ (last name).
Câu chuyện thứ ba: Tôi quan sát các bạn nhỏ trong xóm học tiếng Anh, các bạn ấy học theo kiểu thuộc lòng một bài cửu chương. Ví dụ, các bạn ấy đọc ra rả: những từ tận cùng bằng t và d khi thêm ed sẽ đọc thành “it” (/id/).
Tôi kể 3 câu chuyện để nói với các bạn nguyên nhân vì sao sau những năm tháng học tiếng Anh ở phổ thông, HS chúng ta vẫn không giao tiếp được bằng tiếng Anh; các thầy cô dạy tiếng Anh, ngoài những năm học tiếng Anh phổ thông và thêm 4 năm học tiếng Anh chuyên ngành, vẫn không tự tin giao tiếp tiếng Anh.
Video đang HOT
Học sinh TP HCM trong giờ học tiếng Anh. Ảnh: TẤN THẠNH
Đặc trưng của tiếng Anh bị xem nhẹ
Kết quả môn tiếng Anh trong các kỳ thi, thậm chí những du học sinh tên tuổi khi học tập ở nước ngoài thì vấn đề các em gặp trở ngại vẫn là tiếng Anh. Thật ra, chỉ vì một lý do đơn giản là đặc trưng bộ môn tiếng Anh đã không được xem trọng. Đặc trưng của việc dạy và học môn tiếng Anh trong nhà trường, chỉ nên hiểu đơn giản là hình thành khả năng giao tiếp tiếng Anh cho HS.
Thế thì tại sao ta lại dạy HS theo cách dạy hóa, dạy toán – nghĩa là học thuộc lòng công thức, tìm những dấu hiệu rồi ráp công thức, chia thì quá khứ, hiện tại hay tương lai… Và thế là HS học vẹt, làm bài tập ngữ pháp nhoay nhoáy nhưng vẫn không thể hiểu được khi nào, ở đâu, với ai, ta cần chia thì gì… Mà cuộc sống thì muôn màu không phải lúc nào có “yesterday” (hôm qua) cũng chia ở quá khứ.
Chúng ta trang bị kỹ năng tiếng Anh để HS tiếp cận với kho tàng tri thức phong phú được lưu giữ bằng tiếng Anh… Thế nhưng, chúng ta lại chỉ cho phép HS Việt Nam được học sách tiếng Anh do người Việt biên soạn. Ngôn ngữ và văn hóa là hai phạm trù không thể tách rời.
Khi học tiếng Anh theo sách người Việt biên soạn, chúng ta tước đi quyền được hiểu về văn hóa của một nước khác; tước đi quyền được khám phá, được học những cách nói mà chỉ có những ai sinh ra, lớn lên ở xứ sở ấy, uống nước của dòng sông ấy mới nói thế. Và cuối cùng, chúng ta tước đi quyền được sử dụng một thứ tiếng Anh hoàn hảo để giới thiệu về Việt Nam của HS.
Để trẻ học theo cách tự nhiên
Sẽ khó có một công thức nên học tiếng Anh từ khi nào là hiệu quả với tất cả những đứa trẻ với các hoàn cảnh khác nhau. Tôi chỉ lấy kinh nghiệm của một người mẹ có con từng đạt nhiều giải thưởng về tiếng Anh và đang du học chuyên ngành sinh học phân tử tại Mỹ để nói rằng hãy để trẻ em được học tiếng Anh một cách tự nhiên nhất.
Từ lúc 4 tuổi, tôi bắt đầu cho cháu “chơi” với tiếng Anh theo kiểu tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai. Hồi ấy, các trung tâm chưa có chương trình tiếng Anh cho trẻ mầm non nên tôi cùng một thầy nước ngoài “gom” con của các đồng nghiệp để mở một lớp tiếng Anh tại nhà. Chương trình chúng tôi tự lên, kể những câu chuyện, đọc những bài thơ, chơi trò chơi bằng tiếng Anh. Cứ thế, các cháu “nhặt” tiếng Anh một cách tự nhiên.
Tôi nhớ câu chuyện đầu tiên chúng tôi kể cho các cháu là “The very hungry caterpillar”, rất nhiều từ mới và hình ảnh đẹp, trực quan. Con tôi và các bạn mê đến mức học thuộc lòng toàn bộ câu chuyện và còn tự minh họa. Các cháu không hề học văn phạm, không hề có một buổi, một giờ học nào ngồi chép từ để thuộc lòng. Tất cả những gì tôi và thầy làm là cung cấp cơ hội cho con tôi và các bạn cháu được nhìn, được nghe, được hoạt động, được cảm nhận và chơi với tiếng Anh để một ngày chúng nói, viết tiếng Anh thật tự nhiên.
Nguyễn Hồ
Nhiều học sinh Nghi Xuân được học Tiếng Anh, Tin học miễn phí
Hơn 2 năm qua, trên địa bàn xã Xuân Hải, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) thường xuyên có 2 lớp học Tiếng Anh, Tin học miễn học phí cho học sinh các cấp.
Ngoài giờ học chính khóa, các em học sinh còn được cô giáo ôn luyện, nâng cao kiến thức Tiếng Anh
Đã thành thông lệ, cứ đến 17 giờ 30 phút ngày thứ hai hàng tuần, Trần Thảo Linh (học sinh lớp 3A Trường Tiểu học Xuân Hải) lại háo hức đến Nhà Văn hóa thôn Đông Biên, xã Xuân Hải để được cô giáo bồi dưỡng thêm môn Tiếng Anh. Thảo Linh theo học hơn 1 năm nay nên theo em, "khả năng nói, viết được nâng lên đáng kể".
Sau 2 năm theo học, từ chỗ học sinh trung bình môn Tiếng Anh, Võ Đức Thành, học sinh lớp 5C Trường Tiểu học Xuân Hải vươn lên đạt loại khá. Còn em Hoàng Linh Chi, học sinh lớp 6C Trường THCS Phổ Hải đạt loại giỏi.
Chị Trần Thị Thu Hằng, thôn Lam Long, phụ huynh em Nguyễn Việt Anh, lớp 5E Trường Tiểu học Xuân Hải cho biết: "Cháu được theo học ở lớp học ngoài giờ, gia đình hóa giải được nỗi lo "kép": không phải trả tiền học phí học thêm cũng không mất thời gian theo dõi các cháu ngoài giờ học".
Cô giáo Dương Thị Thương tận tình hướng dẫn, giải đáp thắc mắc của từng học sinh
Từ khi đi vào hoạt động đến nay cơ sở này duy trì thường xuyên 2 lớp học với 50 em học sinh. Trong đó, một lớp 25 em học môn Tiếng Anh từ thứ 2 đến thứ 7; chủ nhật dành cho lớp học 25 em học môn Tin học.
Anh Hoàng Văn Dũng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Hải cũng là "thầy giáo" môn Tin học cho biết: "Hàng ngày từ 17 giờ 30 - 19 giờ 30, lớp học Tiếng Anh được cô giáo Dương Thị Thương - giáo viên giỏi môn Tiếng Anh, Trường THCS Phổ Hải (Xuân Hải) đảm nhận ôn luyện, bổ túc thêm những kiến thức đã học ở trường. Ngày chủ nhật tôi chịu trách nhiệm dạy môn Tin học".
Tranh thủ ít phút giải lao môn Tiếng Anh, "thầy giáo" Hoàng Văn Dũng giải đáp một số thắc mắc môn Tin học cho các em nhỏ
"Trường" dạy Tiếng Anh, Tin học miễn phí ở xã Xuân Hải đi vào hoạt động cũng đồng nghĩa với việc Giám đốc Công ty Sao vàng Đất Việt (trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh) Hoàng Trọng Dương hiện thực hóa di nguyện của người mẹ - cụ Trần Thị Hai trước khi qua đời: "Muốn con em Nghi Xuân có thêm con chữ".
Sau khi cụ Trần Thị Hai mất (năm 2017), để lại số tiền 850 triệu đồng, anh Dương đặt vấn đề với chính quyền địa phương xã Xuân Hải, muốn tổ chức các lớp học miễn phí giúp học sinh là con em địa phương, đặc biệt là trẻ em nghèo được nâng cao trình độ môn Tiếng Anh, Tin học.
Sau khi được chấp thuận, anh Hoàng Trọng Dương bỏ ra số tiền 220 triệu đồng thuê người nâng cấp, sửa chữa Nhà Văn hóa (cũ) thôn Đông Biên, mua sắm hàng chục bộ bàn ghế học sinh, 5 bộ máy vi tính tổ chức các lớp học Tiếng Anh, Tin học.
"Trường học" tại Nhà Văn hóa mới thôn Đông Biên, xã Xuân Hải
Ngoài ra, anh Dương còn trích mỗi tháng 10 triệu đồng chi trả cho giáo viên, tiền điện, văn phòng phẩm...
Anh Hoàng Trọng Dương cho biết: "So với các tỉnh thành khác, kỹ năng giao tiếp Tiếng Anh của học sinh Nghi Xuân vẫn còn nhiều hạn chế nên rất khó khăn trong tìm kiếm việc làm. Việc mở lớp học, ngoài giúp các em nâng cao trình độ Tiếng Anh, tôi hy vọng mô hình này sẽ có sức lan tỏa và được nhân rộng trên địa bàn huyện để con em Nghi Xuân có nhiều cơ hội khi ra trường".
Sau thời gian theo học, các em nhỏ khá thuần thục những thao tác trên máy tính
Thủ khoa 2019 chia sẻ bí quyết đạt điểm cao môn Tiếng Anh thi tốt nghiệp THPT Để giúp các sĩ tử bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 với tâm thế vững vàng, giáo viên và thủ khoa khối D năm 2019 đã chia sẻ những lỗi thường gặp, dễ bị mất điểm. Nguyễn Thị Trà My (thủ khoa khối D1 năm 2019 với tổng 28,4 điểm, trong đó đạt điểm 10 tuyệt đối môn Tiếng Anh...