Sao buộc trò viết cam kết đạt điểm cao?
Theo thang điểm 10, học sinh đạt điểm 6 hay 7 đã là điểm khá nhưng nhiều giáo viên muốn học sinh có điểm số tốt hơn nên yêu cầu học sinh phải cam kết, gây bức xúc
Mới đây, học sinh một lớp tại Trường THCS Lê Lợi (quận 3, TP HCM) phải làm bản cam kết đạt điểm cao hơn sau khi kiểm tra đạt 5,5. Cha mẹ học sinh khá bất ngờ bởi so với thang điểm 10 thì mức này là đạt yêu cầu, học sinh có lỗi lầm gì mà phải viết cam kết?
Viết cam kết vì chệch ý thầy
Cha mẹ học sinh này cho biết năm nay con học lớp 6/2 Trường THCS Lê Lợi. Học sinh mới từ bậc tiểu học vào học THCS còn nhiều bỡ ngỡ với trường, lớp mới, thầy cô, bạn bè mới và đặc biệt là các con vẫn chưa quen với cách giảng dạy, cách học của bậc THCS. Vì thế, những bài kiểm tra đầu năm đa số các con đều không đạt điểm cao.
Nên thay đổi phương pháp giáo dục, khuyến khích sự sáng tạo, ham học hỏi ở học sinh Ảnh: TẤN THẠNH
Cũng phụ huynh này cho biết cứ em nào bị điểm thấp là phải làm bản cam kết tự nhận lỗi, đồng thời hứa lần kiểm tra sau sẽ đạt điểm cao hơn. Những học sinh có bài kiểm tra đạt 5 điểm, 6 điểm cũng phải làm bản cam kết như vậy.
Không riêng gì học sinh lớp 6 ở quận 3, học sinh một lớp 8 tại trường THCS có tiếng ở quận 5, TP HCM cũng bị yêu cầu tương tự. Theo lời kể của phụ huynh, đề kiểm tra cho đoạn văn (trích từ báo), bảo học sinh đọc hiểu rồi viết cảm nhận: đoạn ấy nêu tư tưởng chủ đề gì, gửi gắm thông điệp gì; đâu là suy nghĩ của em? Trước đó, giáo viên bộ môn có hướng dẫn sườn bài, cách làm, cách cảm nhận… Nhưng cả lớp không ai đạt điểm cao, vì em nào cũng làm khác hướng dẫn của giáo viên bộ môn nên bị phê là “không đúng những nội dung giáo viên đã lưu ý, sửa chữa”.
Sau đó, giáo viên bắt học sinh phải viết bản cam kết, trong đó nêu: Lần sau sẽ làm theo hướng dẫn của giáo viên bộ môn, bài kiểm tra sau sẽ cao điểm hơn lần trước; bắt phụ huynh ký tên vào bản cam kết đó.
Phụ huynh học sinh cũng cho biết giáo viên còn dọa toàn bộ lớp sẽ viết cam kết mãi cho đến khi đạt điểm 10 văn thì thôi. Thật sự, dù học sinh làm bài có đủ ý đi nữa nhưng nếu viết cảm nhận chệch ý giáo viên thì cũng chỉ được cho 5-6 điểm.
Giáo viên xót hay bệnh chạy theo thành tích?
Cô Lê Thị Kim Loan, giáo viên môn ngữ văn Trường Phổ thông năng khiếu – ĐHQG TP HCM, cho rằng khi chấm văn của học sinh, giáo viên cần căn cứ theo nhiều yếu tố. Yêu cầu đầu tiên là học sinh phải biết cấu trúc; nội dung ý tưởng, bài viết có trả lời ý chính, diễn đạt, câu từ…; phần hành văn diễn đạt ý cũng phải có sự trau chuốt chứ không phải là vài câu đơn giản. Là bài văn nên phải tôn trọng ý cá nhân của học sinh khi thể hiện bài làm.
Video đang HOT
Trao đổi với báo chí, giáo viên chủ nhiệm lớp 6/2 Trường THCS Lê Lợi, cho biết đầu năm học 2019-2020, thấy học sinh lớp mình chủ nhiệm bị điểm dưới trung bình nhiều quá nên rất xót. Trong đó có khoảng 10/49 em thường xuyên bị điểm dưới trung bình các môn nên yêu cầu những em này làm bản cam kết, về nhà đưa cho phụ huynh ký tên vào, rồi nộp cho cô. Trong bản cam kết, các em hứa với cô phải cố gắng học để lần sau không bị điểm kém nữa.
Giáo viên này cho rằng việc đề nghị học sinh cam kết, trong đó có chữ ký của phụ huynh, không phải tạo áp lực mà mong muốn phụ huynh đồng hành. Tất nhiên, không phải phụ huynh nào cũng có thể hỗ trợ chuyên môn nhưng ít nhất cũng nhắc nhở con em tập trung học hành khi không ở trường.
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 3 (TP HCM), cho rằng theo thang điểm 10 thì những học sinh đạt điểm từ 5 trở lên đều đã đạt yêu cầu.
Tuy nhiên, vấn đề ở đây, theo bà Thủy, có thể là do giáo viên nóng ruột về tình hình học tập của học sinh và muốn cho học sinh có kết quả học tập tốt hơn chứ không phải là gây áp lực. Việc đề nghị phụ huynh ký tên nhằm mục đích cùng nhà trường quan tâm hơn đến việc học của con em, không hẳn vì bệnh thành tích. Bà Thủy cũng cho biết phương pháp dạy, học thời nay đã thay đổi. Việc dạy, học không thiên về học thuộc, văn mẫu mà khai thác ý sáng tạo của học sinh.
Mỗi cấp học có đánh giá riêng
Một lãnh đạo phòng giáo dục và đào tạo cho rằng nếu biện pháp đó của giáo viên nhằm mục đích để học sinh phấn đấu, gia đình có trách nhiệm hơn thì là một trong những biện pháp cần nhưng nếu cam kết để buộc học sinh học thêm thì không được. Vị này cho rằng mỗi cấp học có những cách đánh giá riêng.
Huy Lân
Theo nguoilaodong
Phụ huynh đã biết sợ thành tích?
Đừng lấy "con điểm" làm thước đo năng lực của con cái; đừng chạy điểm, xin điểm, quà cáp, đổi chác, mua điểm, tạo "tiền đề dối trá" cho con mình vào đời.
LTS: Bệnh thành tích trong giáo dục đã trở nên báo động. Điều này khiến chính những phụ huynh cũng cần nhìn lại để hướng đến một nền giáo dục dạy thật - học thật - thành tích thật.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết của thầy Sơn Quang Huyến về vấn đề này.
Vợ chồng Tr. làm kinh doanh, ở thành phố, cả tuần có khi không ăn được bữa cơm chung cả nhà; việc học tập của cu Tũn đều giao hết cho cô giúp việc, gia sư và ...nhà trường.
Có dịp đón con gặp cô chủ nhiệm, lễ tết, Tr. đều gửi quà biếu cô. Tr. bảo, em là "phụ huynh của năm", luôn quan tâm đến sự nghiệp giáo dục. Tũn (tên gọi thân mật ở nhà) năm nào, kì nào cũng nhận được giấy khen, vợ chồng Tr. yên tâm lắm.
Vừa rồi, đọc báo thấy 42/43 học sinh giỏi trong một lớp, người ta nói "điểm ảo". Tr. lo lắm, nhờ giáo viên uy tín "khảo sát chất lượng" con trai; cô giáo phỏng vấn, kiểm tra kĩ năng đọc, đọc hiểu, viết, tính toán... phán Tũn chưa... "đạt chuẩn"!
Những hệ lụy nghiêm trọng của căn bệnh thành tích trong giáo dục (Ảnh minh họa: Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh).
Mọi giấy khen của Tũn, trước đây Tr. khoe trên Facebook như một niềm tự hào, đều được xóa sạch, Tr sợ mấy cái giấy khen lắm rồi.
Đã đến lúc phụ huynh phải "biết sợ" trước "thành tích ảo" của con mình. Những con điểm không đánh giá đúng năng lực của con mình, thực chất đang làm chúng ta ngộ nhận, say sưa trong men chiến thắng, chết lúc nào không hay.
Khi người học, người dạy chạy theo điểm số tất yếu sẽ dẫn đến hiện tượng tiêu cực, mua, bán điểm; xin, cho điểm.
Học sinh phải có điểm cao bằng mọi giá, nên học tủ, quay cóp, gian lận; để có kết quả bộ môn cao, giáo viên nâng điểm, cấy điểm; phân công học sinh làm nhiệm vụ "tỏa sáng" cho bạn chép bài, đảm bảo cả lớp cùng đạt điểm cao.
Chuyện những giáo viên "gà bài" kiểm tra ở lớp học thêm; phân biệt đối xử, trù dập, dồn ép học sinh không đi học thêm, không phải là cá biệt.
Năng lực học tập tốt, có thể đạt điểm cao; điểm cao chưa chắc do học tốt. Đừng lấy "con điểm" làm thước đo năng lực của con cái; đừng chạy điểm, xin điểm, quà cáp, đổi chác, mua điểm, tạo "tiền đề dối trá" cho con mình vào đời.
Làm sao hạn chế được nạn điểm ảo?
Những ngôi trường, giáo viên mà "Khen cho nó chết", ngôi trường không tốt, giáo viên không tốt. Đầu tiên phải bắt đầu từ phụ huynh; phụ huynh phải hiểu được con mình "dốt" mà được khen, khen đó là "Khen cho nó chết".
Khi phụ huynh không có cầu "điểm ảo", tự dưng "cung điểm ảo" sẽ mất dần.
Về phía nhà trường, cần có "hệ thống giám sát chất lượng" khách quan. Đề kiểm tra phải bám sát chuẩn kiến thức, kĩ năng.
Nếu đề trắc nghiệm cần có nhiều đề, đảo đề, ít nhất mỗi lớp có 6 đề khác nhau; thời gian kiểm tra, cố gắng sắp xếp được lịch kiểm tra đồng loạt, tránh lộ đề.
Giáo viên lớp này, chấm học sinh lớp khác. Vào điểm trên Vnedu, không giao cho giáo viên bộ môn, tránh cấy, sạ, nâng, sửa. Vào điểm xong, trả bài lại cho giáo viên, trả bài cho học sinh.
Đánh giá giáo viên, tuyệt đối không dựa vào chất lượng bộ môn. Nếu còn đánh giá chất lượng giáo viên dựa vào chất lượng bộ môn, điểm tổng kết chắc chắn "ảo tung chảo".
Với giáo viên chủ nhiệm, cũng vậy, không đánh giá chất lượng dựa trên hai mặt giáo dục của lớp. Nếu cứ dựa vào điểm học sinh, "buộc" giáo viên chủ nhiệm phải "xin điểm" cho học trò. Xin qua, xin lại, dễ người, dễ mình, điểm học trò lại "lên mây".
Dạy học, hướng đến sự phát triển năng lực cá nhân của học sinh, truyền cảm hứng cho học sinh tự học và sáng tạo.
Giaó viên, phụ huynh cần tôn trọng những giá trị khác biệt của học trò, đánh giá học trò dựa vào sự tiến bộ so với chính chúng, chứ đừng so sánh với "con nhà người ta".
Giáo dục phải đi vào thực chất mới đáp ứng được yêu cầu đào tạo những con người thực sự có năng lực, phẩm chất, vừa hồng vừa chuyên; đáp ứng yêu cầu phát triển xã hội ngày càng cao trong thời đại 4.0 hiện nay.
Đã đến lúc cả xã hội cần chung tay "xử lý" vấn nạn chất lượng ảo, cuối mỗi năm học, cuối mỗi kì thi không còn "mưa điểm mười", "mưa giấy khen", "vỡ quỹ khuyến học".
Trả lại thật thà, đừng gieo dối trá; chỉ riêng ngành giáo dục khó có thể làm được, cần sự chung tay đóng góp của cả xã hội.
Sơn Quang Huyến
Theo giaoduc.net
"Tôi kinh ngạc khi thấy con thi được 10 điểm" Đây là tâm sự của một phụ huynh có con đang học tại một trường tiểu học quốc tế ở TP.HCM. Ảnh minh họa Nguyên năm lớp 1, mình chưa bao giờ dạy cho con học chữ nào. Con đi học về tôi chỉ hỏi hôm nay cô có cho bài về viết không? Nếu có thì ăn xong viết, không viết thì...