Sáng nay, 75.000 học sinh Hà Nội thi vào lớp 10
Năm nay, chỉ tiêu vào lớp 10 hệ công lập ở Hà Nội đáp ứng 70% nhu cầu của học. 30% còn lại sẽ vào học ở trường dân lập, giáo dục thường xuyên và trường nghề.
Ngày 8/6, học sinh tại Hà Nội bắt đầu bước vào kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 với hai môn Ngữ văn và Toán. Thi hệ chuyên diễn ra trong hai ngày 9-10/6 với 1.750 chỉ tiêu.
Từ 6h sáng nay, nhiều học sinh đã có mặt tại cổng trường THPT Hà Nội – Amsterdam. Mặc dù quy định về đồng phục đã được nhà trường nhắc nhở từ ngày học quy chế thi (7/6), nhiều học sinh không thực hiện. Những em mặc quần soóc không được vào trường thi, phụ huynh phải đưa về nhà thay quần dài.
Học sinh mặc quần soóc trở thành chủ đề bàn tán của nhiều phụ huynh trước cổng trường THPT Hà Nội – Amsterdam. Hội đồng thi THPT Hà Nội – Amsterdam có tất cả 82 phòng, mỗi phòng 24 học sinh, được tổ chức ở các điểm THCS Nam Trung Yên, THCS Lê Quý Đôn.
Theo ghi nhận của phóng viên Zing.vn, nhiều học sinh bị nhắc nhở về đồng phục khi đến trường thi sáng 8/6.
Học sinh mặc quần soóc đến trường Hà Nội – Amsterdam sáng 8/6 phải thay quần dài. Ảnh: Quyên Quyên.
Năm nay, số lượng học sinh dự thi vào lớp 10 là 75.000 học sinh, giảm hơn 4.000 em so với năm ngoái.
Kỳ thi vào lớp 10 được đánh giá căng thẳng cho cả phụ huynh và học sinh. Dự kiến, chỉ tiêu vào hệ công lập là 53.000, đáp ứng 70% nhu cầu số thí sinh dự thi.
Video đang HOT
Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, hơn 10.000 giám thị, cán bộ, an ninh được huy động làm nhiệm vụ tại 154 điểm thi. Ông Ngô Văn Chất, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng cho biết: “Sở GD&ĐT sẽ tổ chức hơn 20 đoàn thanh tra lưu động đến các điểm thi trong suốt những ngày diễn ra”.
Thí sinh lưu ý, nếu vào muộn 15 phút sau khi có hiệu lệnh làm bài các em sẽ không được vào phòng thi. Không trao đổi, bàn bạc, quay cóp hoặc có những cử chỉ hành động gian lận trong phòng thi. Không được đánh dấu hoặc làm ký hiệu riêng trong bài viết, không được viết bằng bút chì (trừ khi vẽ đường tròn bằng compa), chỉ được viết một loại mực, không tẩy xóa.
Một số vật dụng được mang vào phòng thi: Bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, máy tính bỏ túi không soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ, Atlat Địa lý…
Vật dụng không được mang vào phòng thi: Vũ khí, chất gây nổ, gây cháy, đồ uống có cồn, giấy than, bút xóa, tài liệu, thiết bị truyền hoặc chứa thông tin.
Theo Zing
Tuyển sinh lớp 10 ở Hà Nội: Tái diễn 'chiêu' chuyển trường
Năm nay, khoảng 53.000 học sinh tại Hà Nội được vào học trường công lập, số còn lại phải học trường dân lập, trung tâm giáo dục thường xuyên.
Theo bảng công bố điểm chuẩn vào lớp 10 trường công năm học 2015-2016 cho thấy mức điểm tuyển sinh của các trường tại Hà Nội khá vênh nhau. Top trường có điểm chuẩn cao rơi vào các trường như: Chu Văn An, Yên Hòa, Kim Liên, Lê Quý Đôn, Nhân Chính, Phan Đình Phùng, Việt Đức... với phổ điểm từ 52 đến 55 điểm. Để đạt mức điểm này, đòi hỏi học sinh phải thực sự có năng lực và mướt mồ hôi ôn tập ngày đêm.
Thí sinh dự thi lên lớp 10 xem số báo danh tại Hội đồng thi trường THCS Khương Đình ngày 11/6/2015.
Vào trường công điểm thấp rồi "xin chuyển"
Tuy nhiên, một số học sinh "khát" một suất vào trường công lại có "chiêu" đăng ký NV2 vào các trường top dưới sau khi vào học một thời gian lại xin chuyển trường có cùng khu vực tuyển sinh.
Ông Trần Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Quang Minh, huyện Mê Linh (Hà Nội) cho biết, năm ngoái điểm chuẩn tuyển sinh vào lớp 10 của trường là 35,5 điểm. Điểm thấp nhưng ngay NV1 trường chỉ tuyển được 400 học sinh.
Không đủ chỉ tiêu, trường tuyển NV2 với 1.600 học sinh nữa. Tuy nhiên, trong số những học sinh tuyển NV2 có nhiều em nhà ở xa trường đến mấy chục cây số. Do đó, mới chỉ học hết học kỳ I, đã có 40 em xin chuyển trường.
Tương tự, Hiệu trưởng trường THPT Tiền Phong Dương Văn Thuần cũng khẳng định: "Cái khó của các trường điểm thấp là phải tuyển NV2 mới đủ chỉ tiêu, thế nhưng chỉ một thời gian học học sinh đã xin chuyển đi hàng loạt".
Theo ông Thuần, nhà trường không cho chuyển thì phụ huynh viện cớ nhà xa, học sinh đi lại hàng chục km mỗi ngày vất vả mà cho chuyển gây nhiều xáo trộn trong trường đồng thời không đảm bảo công bằng cho học sinh các trường khác.
Ông Thuần cho biết thêm, năm học 2015-2016, chỉ tiêu tuyển sinh của trường chỉ khoảng 400 em, NV1 chỉ tuyển được 1 nửa, trường tuyển NV2 một nửa. Tuy nhiên, chỉ hết học kỳ I, trường đã làm thủ tục chuyển trường cho 40 học sinh, còn nhiều hồ sơ cũng đang xin chuyển ở học kỳ II nhưng phải đến hết tháng 7 trường mới xem xét.
Hiệu trưởng các trường vùng ven cũng phản ánh chính là năng lực học tập của học sinh khi lên THPT khác xa so với thực tế. Theo các hiệu trưởng, học bạ của hầu hết học sinh đều xếp loại khá giỏi nhưng khi vào lớp 10 lại học yếu nhiều môn, kể cả môn chính như Văn, Toán, Ngoại ngữ, khiến trường phải cử giáo viên phụ đạo.
Thí sinh dự thi lên lớp 10 làm thủ tục vào phòng thi tại hội đồng thi trường THCS Khương Đình, Hà Nội chiều 11/6/2015.
Thích trường công là điều dễ hiểu
Chị Phạm Mai Phương, phụ huynh một học sinh ở quận Hoàng Mai cho biết, năm học 2014-2015, con gái học khá nên gia đình đăng ký NV1 vào trường top trên. Kết quả, con chị bị trượt khi thiếu 0,5 điểm so với điểm chuẩn.
Để chắc chân một suất học ở trường công, trước đó gia đình đã đăng ký NV2 một trường có điểm khá thấp ở huyện Thanh Trì. Đúng như dự định, sau nhiều ngày con gái khóc ròng thì cha mẹ đành thay nhau đưa con đến 1 trường THPT ở cách nhà khoảng 20 km để học.
Chị Phương nói: "Từ ngày con nhập học, gia đình bị xáo trộn hoàn toàn. Ngoài việc dậy sớm đưa con đến trường, chiều xin nghỉ giờ làm để đón về, gia đình phải đối mặt với tâm lý bất ổn của con gái".
Chị Phương kể, đang học khá, vào môi trường mới con có dấu hiệu trầm cảm, học hành sa sút. Làm công tác tư tưởng không xong, gia đình đành làm đơn xin chuyển trường sau 3 tháng học tập tuy nhiên không dễ dàng xin được trường nào vì các trường đều đã kín chỉ tiêu. Chật vật mãi cuối cùng chị Phương đành chuyển con về một trường dân lập với giá học phí cao ngất mà vẫn không yên tâm.
Anh Nguyễn Mạnh Hùng, quận Thanh Xuân cũng cho rằng, học sinh lớp 9 năm nay có nhiều lựa chọn tuy nhiên gia đình vẫn ưu tiên số 1 vào trường công. Theo anh Hùng, gia đình không có nhiều lựa chọn vì trường ngoài công lập có tên tuổi thì học phí cao, vào các trung tâm giáo dục thường xuyên gia đình không mong muốn.
PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng Trường Lương Thế Vinh cho rằng, hệ thống trường công có mức học phí rẻ, giáo viên được tuyển chọn, môi trường học tập tốt nên mong muốn của phụ huynh rất chính đáng.
Năm học 2016-2017, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu học sinh trúng tuyển vào trường nào bắt buộc phải học ở trường đó đến hết cấp học. Ông Phạm Văn Đại, Phó giám đốc Sở GD&ĐT cho rằng: "Điểm chuẩn của các trường công lập Hà Nội rất vênh nhau, năm nay sở thống nhất siết quy định nhằm tránh tình trạng sau một thời gian vào học lại chuyển trường nhằm đảm bảo công bằng".
Theo Nguyễn Hà/Tiền Phong
Giới trẻ sống ảo trên Facebook vào đề thi trường chuyên "Hiện nay, nhiều bạn trẻ quá ham mê Facebook, sa vào đời sống ảo mà quên mất cuộc đời thực", đề thi vào trường THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội sáng 3/6 khiến học sinh thích thú. Trưa 3/6, học sinh thi vào trường THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội hoàn thành bài thi môn Ngữ văn (thời gian 120 phút)....