Sáng nay 11-7, báo Tuổi Trẻ tổ chức tư vấn tuyển sinh tại Kiên Giang
Sáng nay 11-7, Chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2020 sẽ diễn ra tại Trường ĐH Kiên Giang (320A quốc lộ 61, Vĩnh Hòa Hiệp, Châu Thành, Kiên Giang).
Học sinh Kiên Giang đặt câu hỏi đến các thầy cô tư vấn sáng 11-7 – Ảnh: CHÍ QUỐC
Chương trình do báo Tuổi Trẻ, Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp cùng các trường ĐH, sở GD-ĐT các địa phương tổ chức với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup.
Sau đó, sáng 12-7, chương trình tiếp tục diễn ra tại Trường ĐH Đồng Tháp (783 Phạm Hữu Lầu, P.6, TP Cao Lãnh, Đồng Tháp).
Trong hai buổi tư vấn này, chuyên gia đến từ các trường đại học sẽ tập trung định hướng chọn ngành nghề, giải đáp cặn kẽ cho thí sinh tất cả những thắc mắc liên quan đến việc xác định năng lực bản thân, thông tin thị trường lao động…
Bên cạnh đó, tại các chương trình còn có hàng chục gian tư vấn với đại diện các trường ĐH, CĐ sẽ cung cấp cho thí sinh, phụ huynh phương án xét tuyển trong năm 2020, sau những thay đổi do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Hiện nay, thí sinh đều đã nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển nhưng vẫn còn không ít băn khoăn về việc lựa chọn ngành học. Theo quy chế, sau khi đăng ký xét tuyển, thí sinh vẫn sẽ được thay đổi nguyện vọng, thêm bớt các ngành, thay đổi tổ hợp xét tuyển… Tại các buổi tư vấn này, thí sinh sẽ được chuyên gia tư vấn cách điều chỉnh nguyện vọng phù hợp, tăng cơ hội trúng tuyển…
Video đang HOT
Nhiều ngành hấp dẫn phải đóng cửa sớm vì đông thí sinh
Nhiều ngành học ở bậc CĐ năm nay bội thu thí sinh, thậm chí có trường phải dừng nhận đăng ký vì lo vượt chỉ tiêu.
Không chỉ ĐH, các trường CĐ thời gian này cũng đang đẩy mạnh công tác tuyển sinh năm 2020. Tuy ít lợi thế hơn nhưng các trường nghề cũng không khỏi bất ngờ khi vẫn có đông phụ huynh, thí sinh (TS) quan tâm. Nhiều ngành, nghề có số đăng ký vượt xa chỉ tiêu gấp nhiều lần.
Ngưng đăng ký vì quá đông thí sinh
Mặc dù mới bắt đầu nhận hồ sơ tuyển sinh từ đầu tháng 6 nhưng chỉ hơn chục ngày sau đó, Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức đã thông báo tạm ngưng nhận đăng ký trực tuyến từ TS đến ba ngành học, gồm công nghệ kỹ thuật ô tô, tiếng Nhật, tiếng Hàn.
Theo nhà trường, lý do việc ngưng này do số lượng đăng ký đã vượt chỉ tiêu đề ra. Do đó, trường sẽ bắt đầu nhận xác nhận nhập học với những em đã đủ điều kiện trúng tuyển. Số còn lại, trường sẽ chờ các em nộp hồ sơ xét tuyển, nếu số xác nhận nhập học không đủ trường mới tiếp tục tuyển sinh bổ sung.
Được biết năm 2020, trường này tuyển hệ CĐ là 3.370 chỉ tiêu cho 24 ngành học.
Tương tự, tại Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, năm 2020 cũng sẽ tuyển 4.500 chỉ tiêu cho 19 ngành, nghề đào tạo. Tuy nhiên, hiện nay trường đã nhận được hơn 10.000 TS đăng ký xét tuyển.
Theo ông Trần Việt Dũng, Phó Trưởng Phòng đào tạo của trường, cho biết ngoài xét điểm thi tốt nghiệp THPT và kết quả thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức (10% chỉ tiêu), năm nay là năm đầu tiên trường xét tuyển điểm học bạ THPT với chỉ tiêu lên đến 40%. Do đó, TS có nhiều cơ hội vào trường nên quan tâm, đăng ký nhiều hơn.
Trong đó, ông Dũng cho biết các ngành hút TS nhất là công nghệ ô tô hiện số đăng ký đã gấp 10 lần so với chỉ tiêu, ngành cơ khí cũng gấp 2-3 lần, nhóm ngành điện lạnh, điện - điện tử, công nghệ thông tin... cũng đều có số đăng ký vượt chỉ tiêu.
Trường CĐ Kỹ nghệ II năm nay cũng xét tuyển 1.495 chỉ tiêu bậc CĐ cho 36 ngành học. Đến hiện tại, nhiều ngành đã có số đăng ký xét tuyển vượt 10%-30% chỉ tiêu đề ra. Trong đó, nhóm ngành hút TS vẫn là công nghệ thông tin, điện tử, công nghệ ô tô, quản trị nhà hàng...
Tại Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng cũng tương tự. Năm nay trường mở thêm 10 ngành học mới. Đây là một trong những trường nghề có số ngành cao nhất hiện nay tại TP.HCM khi có tới 50 ngành học, số chỉ tiêu vì thế cũng tăng lên 7.500 em. Trong đó có 4.500 chỉ tiêu cho hệ CĐ.
Hiệu trưởng nhà trường, NGƯT - Tiến sĩ Phạm Hữu Lộc cho biết dù mới thời gian đầu tuyển sinh nhưng trường đã nhận được hơn 2.000 đăng ký xét tuyển. Đặc biệt, có khoảng 500 em đã đóng tiền và làm thủ tục xác nhận nhập học.
Một lớp học nghề về kỹ thuật tại Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức. Ảnh: PHẠM ANH
Tìm mọi cách thu hút thí sinh
Do ảnh hưởng từ dịch COVID-19, công tác tuyển sinh bắt đầu muộn, nhiều trường CĐ không khỏi lo ngại cho kết quả xét tuyển năm nay. Thế nhưng việc có lượng lớn TS quan tâm, dù chỉ là số lượng đăng ký xét tuyển ban đầu nhưng đã phần nào cho thấy những chuyển biến trong tuyển sinh nghề. Đó cũng là nỗ lực rất lớn của các trường nghề để thu hút TS.
Bà Nguyễn Thị Hằng, Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ nghệ II, cho hay trường cũng bất ngờ với số TS đăng ký năm nay, cao hơn nhiều so với năm 2019 trong khi điều kiện tư vấn năm nay khó hơn. Khi dự tư vấn tuyển sinh, phụ huynh, TS cũng đã có quan tâm hơn đến trường nghề, chủ yếu ở TP.HCM, Phú Yên, Bình Định, Đồng Nai, Bình Dương...
Nói về lý do này, bà Hằng cho rằng năm nay, trường cũng chủ động tổ chức tư vấn tuyển sinh ở nhiều nơi, nhất là những vùng khó khăn để thu hút TS hơn. Như lần đầu tiên trường đến Đắk Nông tư vấn, có 300 em tham dự và sau đó đã có đến 88 em đăng ký vào trường học ngay.
Ngoài ra, theo bà Hằng, năm nay, TS ý thức hơn trong việc chọn nghề học theo khả năng. Hơn nữa, việc trường không ngừng đầu tư cơ sở vật chất, về con người, cải tiến chương trình đào tạo, tăng cường kết nối doanh nghiệp... để đảm bảo chất lượng đào tạo cũng sẽ góp phần tạo tin tưởng và điều kiện học tốt cho các em hơn.
Ông Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng, cho biết trường bắt đầu tuyển sinh ngay từ đầu tháng 3 để tiếp cận được nhiều TS hơn. Xu hướng chọn ngành của TS năm nay vẫn thiên về những nhóm ngành kỹ thuật để dễ có việc làm khi ra trường.
Tuy nhiên, ông Lộc cũng lo ngại khó cạnh tranh với các trường ĐH. Bởi lẽ năm nay các trường ĐH không còn tuyển sinh hệ CĐ sẽ tạo thuận lợi hơn cho trường nghề. Thế nhưng các trường ĐH lại có nhiều phương thức xét tuyển, mở ra nhiều ngành mới, tăng chỉ tiêu, nhất là tỉ lệ xét học bạ cao nên TS vẫn thích vào ĐH hơn.
Do đó, theo ông Lộc, chủ yếu trường tự đi tìm nguồn tuyển từ tư vấn trực tuyến, kết nối các trường THPT... Trường cũng tăng cường đầu tư chất lượng đào tạo, mở thêm nhiều ngành chuyên sâu theo nhu cầu doanh nghiệp để nâng chất lượng đầu ra, sinh viên ra trường dễ tìm việc hơn. Từ đó, thu hút TS đăng ký và yên tâm học.
Trên 80% học sinh, sinh viên ra trường có việc làm ngay
Năm 2019, kết quả tuyển sinh các trường nghề trên cả nước đạt 103,5% so với kế hoạch, trong đó tuyển sinh trung cấp, CĐ là 568.000 người (đạt 101,4%). Trên 80% học sinh, sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, trong đó sinh viên CĐ ra trường có việc làm đạt 85%, trung cấp là 80%.
Sau năm tháng, tuyển sinh trường nghề mới đạt 21%
Theo báo cáo sáu tháng đầu năm 2020 của tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH), cả nước có 1.914 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 399 trường CĐ, 462 trường trung cấp và 1.053 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên.
Theo kế hoạch, năm 2020, mục tiêu tuyển sinh của hệ thống giáo dục nghề nghiệp là 2.260.000 người, trong đó trung cấp và CĐ đạt 580.000 người. Tuy nhiên, kết quả tuyển sinh năm tháng đầu năm 2020 của các địa phương trên cả nước mới đạt gần 845.000 người, bằng 57% so với cùng kỳ năm 2019 và khoảng 21% so với kế hoạch tuyển sinh năm 2020.
Tấm lòng của người thầy Hơn 22 năm nay, thầy Huỳnh Thanh Tèo ở thị trấn Phú Lộc, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng, đã gắn bó với việc dạy tiếng Pali, chữ Khmer trong các ngôi chùa Khmer ở tỉnh Sóc Trăng và một số chùa Khmer ở các tỉnh, thành khu vực Nam bộ. Đối với thầy, niềm vui và vinh dự nhất là được đứng...