Sáng mắt, ấm lòng với cà ri Chăm An Giang
“Nghe” lượn lờ chuỗi hương thơm nồng the, xen lẫn mùi vị cay – ngọt dịu nhẹ với chút béo thanh tao ấn tượng nơi tô bắp bò tơ nấu cà ri kiểu Chăm lai Việt bên dòng sông Hậu hiền hòa…
Các món cà ri hăng nồng vốn là quốc hồn quốc túy của Ấn Độ, song ngày nay đã phổ biến khắp thế giới. Nếu có dịp về xóm Chăm Châu Giang, gần bến phà Châu Giang của tỉnh An Giang (ấp Vĩnh Tường, xã Châu Phong, thị xã Tân Châu), bạn sẽ được chứng kiến cảnh người thợ chuyên cà “tổ hợp bột cà ri” để bán cho bà con trong vùng. Có thể bạn sẽ thắc mắc như tôi: tại sao phải cà tỉ mỉ, cực khổ đến như vậy?
Cà như “ri” mới nên thuốc
“Xưa nay, ông bà, tổ tiên chúng tôi đều làm như vậy”- cô Asija, 62 tuổi, đời thứ hai chuyên cà bột cà ri nơi đây không giải thích được vì sao phải làm như thế.
Bắp bò tơ nấu cà ri kiểu Chăm An Giang.
Còn ông Nguyễn Phúc Ưng Viên, thầy thuốc thừa truyền triều Nguyễn, ở quận Gò Vấp, TP.HCM giảng giải: “Phải chịu khó cà nhỏ, rồi nhuyễn mịn thì nhóm gia vị nấu cà ri mới giải phóng hết tinh dầu, giúp thăng hoa hương vị món ăn khi chế biến. Như vậy thêm có lợi cho sức khỏe”.
Theo đông y, một số gia vị chủ lực (nghệ, hạt thì là, quế, hồi, sả…) trong tổ hợp cà ri đều ít nhiều giúp giải độc cho phổi, gan, thận… “Đặc biệt trong đó, tốt cho sức khỏe nhất là hạt và lá cà ri. Chúng giúp giải độc cơ thể toàn diện. Nhất là ngừa các bệnh sốt rét, cảm mạo”, ông Ưng Viên “bật mí”.
Hương gây mùi nhớ
Video đang HOT
Hôm đó, chúng tôi theo dì Huỳnh Thị Các, ở ấp Vĩnh Tường (xã Châu Phong, thị xã Tân Châu), đi mua gia vị cà ri ướp bò chỗ cô Asija, về nấu đám giỗ.
Thơm ngon “nhức răng” đùi gà nòi hầm cà ri tươi.
Tốn 50.000 đồng, mua được cỡ 30 gam, đã ướp “phủ phê” cho 10kg bắp bò tơ, gồm: 6 – 7 loại gia vị (hạt, vỏ, củ, trái, lá…). Tuy nhiên chúng tôi phải chờ cà bằng tay khoảng hai mươi lăm phút. “Dạng này, dân ở đây kêu là cà ri tươi. Nó ăn đứt về mùi vị so với những gói cà ri khô trộn sẵn hiệu Ông Chà Và bán đầy nhóc ở mấy tiệm tạp hóa lớn”, dì Các nhiệt tình giải thích. Đồng thời, anh Đoàn Hữu Thọ ở quận 11, TP.HCM cũng gật đầu xác nhận: “Đúng y vậy!”.
Anh Thọ thường xuyên mua gia vị cà ri ở đây để nấu bán các món bò, gà, cua… cho quán nhà. Anh bổ sung: “Thế mạnh nhưng cũng chính là điểm yếu của nhóm cà ri tươi ở đây là lên men rất nhanh sau khi phối trộn. Ở nhiệt độ thường trong mùa nắng, để quá ba giờ chúng sẽ “hôi ê” (hôi chua) ngay”.
Cô Asija đang cà và phối nhóm bột cà ri theo nhu cầu của khách.
Do đó, muốn vận chuyển nhóm gia vị tươi này về đến TP.HCM còn chất lượng, anh Thọ phải nhờ người nhà dưới An Giang đóng gói, cấp đông trước. Kế đó, phải trữ trong thùng xốp ủ đủ lạnh rồi mới tranh thủ gửi xe đò tuyến An Giang – TP.HCM.
Mang cục bột hỗn hợp màu vàng sậm ấy về nhà, dì Các liền sai đứa cháu gái đi ra sau vườn bẻ thêm nắm lá cà ri tươi xanh. Dì xào chúng lên với vài ba muỗng canh dầu ăn cùng ba, bốn chén củ hành tím và tỏi bằm, chỉnh lửa riu riu. Thơm tưng bừng đến điếc cả mũi người đứng gần lúc khối màu hồng sẫm đó “uống” no nước cốt dừa.
Trái, lá cà ri luôn nằm trong nhóm gia vị chủ lực.
Thành phẩm, muỗng nước cà ri bắp bò tơ nổi màu đỏ hồng thật hấp dẫn, tựa như màu đỏ dòng vang Bordeaux của Pháp. Lượn lờ chuỗi hương thơm nồng the. Vị cay dịu nhẹ lẫn độ ngọt với béo thanh tao thật ấn tượng (nhờ phối cùng nước hầm xương ống bò và nước dừa khô).
Dung dưỡng bao thế hệ
Được biết, các món cà ri phổ biến trong bữa ăn của người Chăm ở đây, tựa như tô canh chua trên mâm cơm dân dã Nam bộ. Long trọng hơn, vào các dịp cưới hỏi, lễ hội quan trọng, thường không thể thiếu mấy dĩa cà ri bò, cà ri dê. Cũng như người Ấn, họ thường nấu nước cà ri đặc sệt, nồng nàn hương vị cỡ gấp hai, ba lần so với tô cà ri nước loãng của dân mình.
Tại TP.HCM, nếu muốn thưởng thức dòng cà ri tươi đặc biệt này, quý vị có thể ghé quán Musa chuyên cà ri dê (số 001 Lô B chung cư Sư Vạn Hạnh, Q.5), hoặc cà ri 1/96 Lữ Gia, P.15, Q.11.
Lại thêm một thắc mắc khác, khí hậu chung nơi miền đất Phật còn nóng “dữ dằn” hơn cả chảo lửa Tây Nguyên hoặc Phan Rang, sao họ lại hảo nhóm gia vị cay nóng đến vậy? Thầy Ưng Viên giải thích rằng phải ăn như vậy mới giúp cơ thể “dân cà ri nị” cân bằng được. Bởi, một số vùng của Đông Bắc Ấn vào mùa hè có ngày nóng như đổ lửa, đến 40 độ C. Nhưng cũng có đêm lạnh cóng, đến mức âm: từ âm 18 đến âm 19 độ C, trong những mùa đông khắc nghiệt.
Riêng công đoạn xào gia vị cà ri đã mất khoảng 45 phút/mẻ, đủ nấu 10kg bò.
Và bạn cũng đừng tưởng nhúm bột gia vị cà ri hăng nồng kia chỉ đắc dụng với các món cà ri bò, dê, hải sản… Nữ đầu bếp Thái Lan, Pailin Chongchitnant, tác giả cuốn Hot Thai Kitchen, cho biết cô còn dùng bột cà ri theo nhiều cách: xào, ướp, làm xúc xích, nước chấm, chả cá và kể cả sữa trứng.
Hay nói như nhà báo Ngữ Yên, trên Facebook (Ngu Yen Chen) của anh: “Không có giới hạn trong việc sử dụng bột cà ri. Vì vậy, đừng để cho từ “cà ri” cầm tù trí tưởng tượng của bạn”.
Thơm ngon bánh bò thốt nốt
Thốt nốt là loại cây đặc trưng của vùng Bảy Núi được người dân sử dụng và chế biến thành nhiều món ăn, trong đó có bánh bò thốt nốt. Bánh bò thốt nốt không chỉ là món dân dã hấp dẫn du khách gần xa, mà còn là một nét văn hóa ẩm thực độc đáo, đặc trưng của người dân vùng đất nơi đây.
Thốt nốt là loài thực vật thuộc họ Cau, cây thân thẳng, tuổi thọ có thể trên 100 năm và có thể vươn cao 30m. Cây có 1 vòm lá rộng 3m theo chiều ngang. Thân cây to, trông giống thân cây dừa, được bao quanh bởi các sẹo lá. Cụm hoa là những bông mo. Thốt nốt cái cho từ 50-60 trái/cây, thốt nốt đực không có trái. Thốt nốt có khả năng chịu khô hạn, ngập nước, ưa sáng nhưng không chịu rét. Thốt nốt non ban đầu sinh trưởng chậm, về sau mọc nhanh hơn. Cây thốt nốt cho cuộc sống con người nhiều sản vật. Nước thốt nốt tươi được dùng như một loại nước giải khát hấp dẫn. Trái thốt nốt kết thành từng chùm, to tròn cỡ quả dừa xiêm, vỏ màu tím sậm, bên trong có cơm dày màu trắng, mềm dẻo giống như cơm dừa nước, nhưng thơm ngon, có vị ngọt, bùi. Cây thốt nốt để lại dư vị khó quên trong lòng mọi người với những món ăn dân dã như: cơm thốt nốt, nước thốt nốt, bánh lá thốt nốt, đường thốt nốt, chè thốt nốt...
Theo người dân vùng Bảy Núi, cách làm bánh bò thốt nốt không đơn giản mà phải trải qua nhiều công đoạn cầu kỳ. Từ khâu xay, trộn bột, mài trái thốt nốt, ủ bột lên men cho đến hấp bánh. Phải là người quen tay và biết công thức làm thì mới cho ra món bánh bò ngon có màu vàng tự nhiên, mùi thơm lừng cộng vị ngọt của đường thốt nốt.
Chị Nguyễn Thị My (ngụ Tịnh Biên), người làm bánh bò thốt nốt cho biết, để làm nên bánh bò thốt nốt ngon thì cần các nguyên liệu chính, như: bột gạo, đường thốt nốt, bột vỏ trái thốt nốt già mài nhuyễn và phải tuân thủ theo đúng quy trình làm bánh. Đầu tiên, gạo ngon đem ngâm nước khoảng 5 tiếng cho mềm, sau đó đem gạo đã ngâm xay mịn và cho vào túi vải. Dùng vật nặng đè lên để bột gạo ráo nước.
"Trái thốt nốt được chọn là trái già chín, lột vỏ, chẻ đôi rồi mài trái thốt nốt gạn lấy bột. Đây là thành phần quan trọng để làm nên màu vàng và mùi thơm đặc trưng của bánh bò thốt nốt..." - chị My chia sẻ.
Điểm đặc biệt ở bánh bò thốt nốt là thông thường các loại bánh bò đều làm bằng đường cát trắng hoặc cát vàng. Riêng bánh bò thốt nốt, một loại bánh làm bằng bột gạo nhưng dùng hoàn toàn bằng đường thốt nốt nên mùi vị đặc trưng, thơm ngon quyến rũ vì đường thốt nốt có vị ngọt thanh, beo béo, không ngán. Tùy thuộc vào khẩu vị của từng nơi và người làm bánh, nếu thích bánh bò thốt nốt béo một chút có thể thêm dừa nạo hoặc nước cốt dừa vào bột. Thêm một ít nước theo tỷ lệ vừa đủ và trộn đều hỗn hợp các thành phần nguyên liệu lại với nhau. Sau đó, ủ bột ở nhiệt độ khoảng 60C, thời gian ủ kéo dài từ 2-3 tiếng. Trung bình 1 kg bột và 1kg đường thốt nốt có thể làm được khoảng 40 cái bánh bò thành phẩm. Khi bột lên men, dùng vá đổ bột vào khuôn hoặc sử dụng lá chuối cắt miếng to khoảng bằng bàn tay. Chập 2 góc lá lại với nhau rồi đổ bột vào. Gấp 2 góc lá còn lại để cố định miếng bánh. Sau đó cho vào xửng hấp khoảng 20 phút, lúc xửng bánh bò tỏa mùi thơm ngào ngạt, bột bánh bò nở xốp, có màu vàng đặc trưng của đường thốt nốt, bánh đã chín. Nếu thích, người làm bánh có thể rắc thêm ít dừa nạo thành sợi nhuyễn lên trên mặt bánh bò thốt nốt để trang trí thêm hấp dẫn.
Chiếc bánh bò thốt nốt có màu vàng ươm đặc trưng của đường thốt nốt, bánh nở mềm, xốp trông như hoa nhờ gạo ngon, ủ khéo và vị ngọt béo của đường, của dừa, hòa lẫn mùi thơm thoang thoảng đặc trưng của bột được mài từ trái thốt nốt xông lên tận mũi, không lẫn vào đâu được, khiến ai đã từng thưởng thức một lần không bao giờ quên được hương vị chỉ có ở vùng đất quê hương Bảy Núi.
Cà ri cà tím tôm tươi Cà ri cà tím nấu cùng tôm tươi đậm đà, mùi vị đặc sắc, ăn kèm với bún, cơm hay bánh mì đều ngon. Nguyên liệu: - 300 gr tôm tươi - 1-2 quả cà tím - 1 củ khoai lang nhỏ (không bắt buộc) - 2 cây sả tươi - Sả ớt hành tím băm - 2 trái ớt hiểm sa tế...