Sáng kiến ‘hai đội y tế kết hợp’ ngăn F0 tử vong
Quận 8 thiết lập 131 tổ tư vấn theo mô hình “Chăm sóc F0 tại cộng đồng” kết hợp song song hai đội gồm chăm sóc trực tuyến qua điện thoại online (đội 1) và cấp cứu ngoại viện (đội 2).
Mô hình này được quận 8 triển khai từ ngày 8/8, sáng kiến từ Đại học Y dược TP HCM, giúp quận 8 đến nay không còn ca F0 nào tử vong tại nhà.
Phó giáo sư Vương Thị Ngọc Lan, Trưởng Khoa Y Đại học Y Dược TP HCM, đang phụ trách mô hình “chăm sóc F0 tại cộng đồng” tại quận 8, cho biết mỗi tổ tư vấn gồm 5-6 người nhận 60 F0 để chăm sóc từ xa.
Khi nhận thông tin ca dương tính, tổ tư vấn sẽ thiết lập hồ sơ bệnh án điện tử về các F0. Tần suất thăm hỏi phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của F0 sau khi phân loại. Nếu F0 có nguy cơ, tuổi cao, có bệnh nền sẽ hỏi thăm liên tục. Những người không có nguy cơ thì vài ngày lại hỏi thăm, động viên. F0 ở nhà đang khỏe mạnh, chưa hề nao núng tinh thần, thành viên tư vấn vẫn chủ động gọi điện thoại đến thăm hỏi.
Khi những nhân viên chăm sóc từ xa phát hiện yếu tố nguy cơ trở nặng của F0 nào đó tại nhà, họ lập tức báo đến đội cấp cứu ngoại viện. Đội cấp cứu chia ra thành các nhóm với 3 xe cấp cứu được trang bị đầy đủ phương tiện cần thiết. Khi nhận được thông tin ca F0 oxy tụt, khó thở… từ đội 1 thì đội 2 lập tức cho xe xuất phát đến nhà để đón F0 tới Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 quận 8 số 1 sơ cấp cứu ngay.
Phó giáo sư Vương Thị Ngọc Lan tại Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Quận 8 số 1, nơi đang triển khai mô hình “Chăm sóc F0 tại cộng đồng”. Ảnh: Hà Văn Đạo
Bác sĩ Lê Phước Truyền, Trưởng Khu Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 quận 8 số 1, người phụ trách đội cấp cứu ngoại viện, cho biết khi đội cấp cứu nhận thông báo từ đội 1, họ đánh giá ngay tình trạng bệnh nhân, hỏi chính xác địa chỉ, xem kỹ càng nhà bệnh nhân có thể đưa xe cấp cứu vào tận nơi được không.
“Nếu nhà cao tầng, hẻm quá nhỏ thì bố trí nhân viên cao to, lực lưỡng để có thể cõng hoặc dìu đỡ bệnh nhân ra xe. Có khi nhân viên còn phải vác cả bình oxy nữa. Các thành viên đội 2 làm việc với công suất rất cao, chia làm 3 ca, 4 kíp”, bác sĩ Truyền chai sẻ. Bệnh nhân nhẹ được chăm sóc, xử lý tại khu sơ cấp cứu 20 giường của bệnh viện này. Trường hợp nặng quá, không đáp ứng được tại đây thì chuyển đi tuyến điều trị cao hơn.
Video đang HOT
Từ thực tế triển khai hoạt động cấp cứu ngoại viện, bác sĩ Truyền cho rằng mô hình này rất hữu ích. Các y bác sĩ, tình nguyện viên đánh giá, tư vấn quan điện thoại được tập huấn kỹ càng. Hàng ngày đội cấp cứu ngoại viện đến đón bệnh nhân là cho thở oxy và một số thuốc ngay. Khi đưa lên khu cấp cứu này tùy tình trạng bệnh mà xử lý có thể thở HFNC, thở oxy mask…
“Điều quan trọng nhất để mô hình này vận hành thành công là sự phối hợp chặt chẽ giữa y tế phường xã với hai đội của mô hình. Y tế phường, xã phải cung cấp danh sách, địa chỉ chính xác nhất các F0″, bác sĩ Truyền phân tích.
Theo phó giáo sư Lan, hai “nguyên tắc vàng” mô hình hướng đến là đưa F0 ra khỏi nhà khi có chuyển biến xấu và cấp cứu kịp thời nhất; cá nhân mỗi F0 được kết nối thường xuyên để thực hiện linh hoạt nhiều biện pháp tư vấn, chăm sóc một cách toàn diện.
Một trong những ưu điểm nổi trội của mô hình này là có thể chăm sóc số lượng lớn F0 tại nhà và thực hiện cá thể hóa việc chăm sóc theo hình thức bác sĩ gia đình và phát hiện sớm, cấp cứu nhanh nhất trường hợp chuyển nặng. Bên cạnh đó còn sàng lọc, chuyển bệnh đúng tầng điều trị, tránh chuyển sai tầng gây quá tải cho các cơ sở điều trị.
Theo phó giáo sư Lan, F0 tại nhà được tiếp cận nhanh với dịch vụ y tế hay các xe cấp cứu ngoại viện đều có chung sự phấn khởi, vững tin. Những người không triệu chứng được thăm hỏi, tư vấn qua điện thoại không còn lo âu, đối diện và vượt qua dịch bệnh.
“F0 nào cũng có số điện thoại các nhân viên chăm sóc trực tuyến và đội cấp cứu, gọi đến là được trực tiếp nói chuyện với chuyên gia, y bác sĩ ngay. Thậm chí, có người được chăm sóc sát sao quá còn bảo điện hỏi thăm gì mà nhiều thế”, phó giáo sư Lan chia sẻ.
Mô hình chăm sóc F0 tại cộng đồng này cũng áp dụng rất thành công tại quận 10 từ tháng 7, trước khi TP HCM chủ trương lập các đội phản ứng nhanh để chăm sóc F0 tại nhà. Hiện, một số quận khác như Bình Tân cũng đang tiếp cận để triển khai mô hình này.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đánh giá mô hình “Chăm sóc F0 tại cộng đồng” của Đại học Y Dược TP HCM có thể thực hiện được ở các địa bàn, nhất là khu vực có lượng F0 lớn đang theo dõi, điều trị tại nhà. Vừa song song quản lý F0 tại nhà vừa cấp cứu, xử lý kịp thời nhất các trường hợp cần can thiệp y tế cho thấy hiệu quả trong bối cảnh giãn cách xã hội phương tiện cá nhân và công cộng bị giới hạn lưu thông. Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa đội tư vấn từ xa và đội cấp cứu ngoại viện đáp ứng tốt nhu cầu được chăm sóc y tế của F0 tại nhà.
Điều trị F0 tại nhà và cộng đồng là chiến thuật đầu tiên trong chiến lược điều trị “2 trụ cột” của TP HCM từ giữa tháng 8, bên cạnh điều trị F0 tại các bệnh viện, trong bối cảnh số ca F0 liên tục tăng khi tăng cường xét nghiệm để “vét” F0. Thành phố lập hơn 400 trạm y tế lưu động, 312 tổ phản ứng nhanh ở tất cả phường, xã. Chiến lược này đã giúp F0 tại nhà được tiếp cận các túi thuốc, hỗ trợ y tế kịp thời, giải quyết bài toán quá tải ở bệnh viện, kéo giảm số tử vong.
Hôm 13/8, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên thăm và động viên y bác sĩ của Đại học Y dược TP HCM triển khai mô hình này. Ông Nên đánh giá cao mô hình đã kịp thời tư vấn, cũng như cấp cứu các trường hợp F0 có dấu hiệu chuyển nặng khi đang thực hiện cách ly tại nhà và đề nghị các quận huyện TP HCM cần nhân rộng mô hình này.
Số F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà của TP HCM là hơn 90.000, trong đó hơn 49.000 cách ly tại nhà ngay khi phát hiện và gần 41.000 cách ly sau xuất viện. Số F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại các cơ sở cách ly tập trung quận, huyện là hơn 26.000, cùng hơn 40.000 bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện.
Chuyên gia đề xuất TP HCM dừng xét nghiệm diện rộng
Theo PGS. TS Đỗ Văn Dũng, thành phố không nên tiếp tục xét nghiệm diện rộng và truy vết vì rất tốn kém, chỉ tập trung lấy mẫu những người nguy cơ cao, triệu chứng.
Ý kiến trên được PGS. TS Đỗ Văn Dũng (Trưởng khoa Y tế cộng đồng, Đại học Y Dược TP HCM) nói tại buổi gặp gỡ, lắng nghe chuyên gia góp ý về kế hoạch phòng chống dịch và phục hồi kinh tế sau 15/9 của lãnh đạo TP HCM sáng 17/9.
Đề xuất được đưa ra khi TP HCM tiếp tục triển khai xét nghiệm "thần tốc" diện rộng, liên tục toàn địa bàn trong nửa sau tháng 9. Trước đó, từ ngày 27/4 đến 15/9 thành phố lấy tổng cộng gần 2 triệu mẫu xét nghiệm RT-PCR và hơn 9,5 triệu mẫu test nhanh kháng nguyên.
Theo ông Dũng, thời gian vừa qua thành phố đã có kết quả tích cực ban đầu trong công tác phòng chống dịch như tiêm vaccine cho nhóm nguy cơ cao; phát triển mô hình chăm sóc, điều trị F0 tại nhà hiệu quả và đảm bảo cơ sở y tế đủ oxy cho người bệnh. Kết quả rõ ràng nhất là số bệnh nhân tử vong giảm rõ rệt.
Trong thời gian tới, ông Dũng đề xuất, TP HCM cần chuyển chiến lược với Covid-19 từ "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, thắng chắc". Đồng thời, ông cho rằng việc "sống chung" với dịch là tất yếu. Bởi nếu quét sạch Covid-19 lần này cũng chưa đảm bảo dịch sẽ không đến một lần nữa.
Lực lượng y tế lấy mẫu cho người dân phương 11, quận Bình Thạnh, ngày 23/8. Ảnh: Quỳnh Trần
"Nếu đánh trận cuối cùng, chúng ta dùng hết sức, còn không phải tính toán sao cho hiệu quả, đừng tốn quá nhiều sức dẫn đến kiệt quệ", ông Dũng nói và cho rằng thành phố hôm nay quét sạch Covid-19, nhưng không thể đảm bảo được tháng sau, năm sau dịch không trở lại. "Lúc đó liệu thành phố có tiếp tục phong tỏa, truy vết, làm xét nghiệm diện rộng được nữa không?".
Ông Dũng nhận định Việt Nam có thể tiêu diệt Covid-19, nhưng không thể hết trong hôm nay, tháng này, năm nay mà phải trong vài năm tới, cùng các quốc gia khác chứ không thể đơn độc. Vì thế, ông đề nghị ngành y tế thành phố không nên tiếp tục xét nghiệm diện rộng, truy vết vì rất tốn kém, mà phải chuyển sang xét nghiệm người nguy cơ cao, triệu chứng.
Ý kiến trên cũng được PGS Vũ Minh Phúc, cố vấn Bộ môn Nhi, Đại học Y Dược TP HCM đồng quan điểm. Còn GS Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Dược TP HCM, đặt vấn đề thành phố cần có biện pháp gì, xử lý như thế nào với F0 sau khi xét nghiệm "thần tốc". Câu hỏi này cần được trả lời, nhất là khi thành phố đã chuyển giai đoạn, không còn theo mục tiêu không Covid-19.
Theo ông Tuấn, xét nghiệm để tách và chuyển F0 đi nơi khác nhằm giữ khu dân cư xanh. Tuy nhiên theo cách này, việc truy vết phải thực hiện mãi vì kết quả xét nghiệm chỉ giá trị trong 3 ngày. Vì vậy, thành phố cần thống nhất quan điểm không cần thiết xét nghiệm diện rộng. Nguồn lực lúc này cần tập trung vào việc bao phủ vaccine tới người dân, nhất là người nguy cơ cao, trên 65 tuổi.
Tại cuộc họp, đề cập vấn đề mở cửa, phục hồi kinh tế , PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho rằng TP HCM cần xác định "sống chung" và tính toán mở cửa kinh tế từng phần để phục hồi. Các tiêu chí kiểm soát dịch của Bộ Y tế trên bình diện chung là đúng nhưng khi đạt được một số tiêu chí quan trọng, TP HCM có thể tính toán việc mở cửa trong điều kiện an toàn.
"Việc mở cửa cần tính toán ưu tiên các hoạt động sản xuất hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Nếu doanh nghiệp phát hiện ca nhiễm, biện pháp xử lý chỉ liên quan ca mắc đó thay vì bắt đóng cửa, dừng hoạt động tất cả", ông Dũng nói..
Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright Vũ Thành Tự Anh cho rằng việc "mở cửa" là cấp thiết. Bởi hệ luỵ của dịch tác động rất lớn đến nền kinh tế, đến tổng sản phẩm nội địa (GDP) của thành phố. Doanh nghiệp bây giờ kiệt quệ cần được cứu kịp thời, còn để lâu không kịp. Tương tự, sau 3,5 tháng chống dịch, người dân nghèo rất vất vả. Đặc biệt, ngân sách thành phố và Trung ương đang gặp khó khăn.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nói rằng đến giờ phút này, ngành y tế thành phố đã có nhiều bài học, kinh nghiệm trong phòng chống dịch, tỷ lệ tiêm chủng hiện đã cao. Đặc biệt nhận thức của người dân đã tốt lên, đoàn kết, chấp nhận "đồng cam cộng khổ", thắt lưng buộc bụng cùng thành phố vượt qua khó khăn.
Theo ông Nên, sức chịu đựng của xã hội, nền kinh tế cũng có giới hạn, nếu để dịch kéo dài sẽ nguy hiểm. TP HCM đã chuẩn bị 14 chiến lược để chuẩn bị cho trạng thái "bình thường mới", trong đó trụ cột nhất là chiến lược y tế. Ngoài ra, còn có các chiến lược an sinh, xã hội, truyền thông, giáo dục...
Bình Dương: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lần thứ 4 đến kiểm tra công tác phòng, chống dịch Ngày 16/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã có buổi làm việc với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Bình Dương về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh trong trạng thái bình thường mới. Đây là lần thứ 4 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về tỉnh Bình Dương kiểm tra công tác phòng chống...