Sẵn sàng cho năm học mới 2018-2019: Bài 2: Kiên quyết với vấn đề lạm thu trong trường học
Một trong những vấn đề được nhắc đến đầu năm học mới là lạm thu. Mặc dù, lạm thu là một trong những căn bệnh không mới nhưng đến hẹn lại lên, đầu năm học, vấn đề này tiếp tục được đưa ra.
Giáo viên đứng ra thu sai quy định
Những ngày cuối tháng 8/2018, một số phụ huynh có con vào lớp 1, trường Tiểu học Việt Hưng (Hà Nội) phản ánh về một số khoản thu của nhà trường không hợp lý. Theo đó, phụ huynh phải đóng tiền mua sách giáo khoa và đồ dùng học tập với giá 734.000 đồng/học sinh, không đi kèm với bảng kê chi tiết. Bên cạnh đó, các phụ huynh còn phản ánh, họ còn phải đóng thêm các khoản như điều hòa, giá để cốc, để dép, giá sách, gối, chăn, tủ bán trú… Đây là những khoản được trường đặt ra là tiền cơ sở vật chất 1.000.000 đồng. Khoản này được giáo viên chủ nhiệm đọc miệng, thu hộ trường và không có biên lai.
Trước những phản ánh này, bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đô thị Việt Hưng phủ nhận về việc trường thu những khoản thu như trên. Nếu giáo viên thu sai thì sẽ phải trả lại cho phụ huynh học sinh. Đồng thời, những giáo viên này sẽ chịu trách nhiệm về việc thu này.
Đây là một sự việc về lạm thu được phản ánh kịp thời trước thềm năm học mới. Sau đó, những khoản thu sai đã được trả lại tới phụ huynh học sinh. Nhưng nhiều phụ huynh học sinh lo lắng, năm học mới vẫn chưa thực sự bắt đầu. Bởi sau khi học sinh vào học 1, 2 tuần thì những cuộc họp phụ huynh mới chính thức. Lúc này, liệu những vấn đề thu không đúng quy định, thu trá hình còn tồn tại?
Đặc biệt, trước thềm năm học mới, Chỉnh phủ thống nhất chủ trương thực hiện miễn học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh THCS trường công lập và hỗ trợ đóng học phí đối cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập, đặc biệt đối với thôn xã đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa. Nhiều ý kiến băn khoăn việc có nơi có thể lợi dụng chủ trương đúng đắn này để đưa ra các khoản thu không hợp lý.
Tuy nhiên, trả lời về vấn đề này ông Trần Tú Khánh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ GD – ĐT cho biết, bên cạnh việc soát các văn bản pháp quy để hạn chế tối đa các việc này, Bộ sẽ gắn kết với các kế hoạch thanh kiểm tra và chỉ đạo các địa phương rà soát. Đồng thời, Ban đại diện cha mẹ học sinh và phụ huynh cả nước cần hiểu đúng các khoản được và không được thu. Các khoản thu kêu gọi xã hội hóa và tài trợ rất cần sự ủng hộ của hội phụ huynh, học sinh nhưng tùy mức độ, khả năng của từng gia đình; cấm thu áp đặt, cào bằng; đặc biệt, công tác quản lý phải công khai minh bạch với các khoản thu này. Đây có thể coi như khoản ngân sách, cần thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về xây dựng, đấu thầu, mua sắm…
Bộ và địa phương ráo riết thắt chặt quy định
Thời điểm tựu trường, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD – ĐT) Hà Nội đã công bố các số điện thoại đường dây nóng của các quận, huyện, thị xã để người học, phụ huynh và nhân dân kịp thời phản ánh các hiện tượng thu chi không đúng quy định năm học 2018-2019 tại các trường trên địa bàn.
Video đang HOT
Sở GD-ĐT cũng lưu ý, để phản ánh thông tin về các hiện tượng thu chi không đúng quy định tại các trường thuộc địa bàn quận, huyện, thị xã nào, đề nghị phản ánh trực tiếp về số điện thoại đường dây nóng của quận, huyện, thị xã đó.
Nhưng khác với cách làm này của Hà Nội, Sở GD – ĐT TP Hồ Chí Minh hướng đẫn thu, sử dụng học phí và các khoản thu khác đối với các trường công lập trên địa bàn năm học 2018- 2019. Theo đó, các đơn vị trường học phải thông báo đầy đủ, công khai bằng văn bản đến từng phụ huynh học sinh, phải nêu rõ nội dung các khoản thu theo quy định, khoản theo thỏa thuận và thu hộ – chi hộ, khi thu phải cấp hóa đơn thu tiền cho từng học sinh qua bộ phận tài vụ của trường. Đặc biệt, tuyệt đối không giao cho giáo viên thu – chi các khoản tiền.
Đối với các khoản thu, các trường học thực hiện giãn thời gian thu, không tổ chức gộp nhiều khoản thu cùng một thời điểm để giảm áp lực cho phụ huynh. Đối với kinh phí, hoạt động của Ban đại diện Cha mẹ học sinh phải thực hiện theo đúng Thông tư 55 của Bộ GD-ĐT về Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh.
Sở GD-ĐT TPHCM sẽ thành lập các đoàn kiểm tra tình hình thu chi đầu năm học tại các cơ sở giáo dục để kịp thời chấn chỉnh tình trạng thu các khoản không đúng quy định. UBND các quận huyện cũng thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra này.
Về phía Bộ GD – ĐT, tháng 3/2018, Bộ GD – ĐT đã có văn bản số 1029/BGDĐT-KHTC về việc chỉ đạo điều hành giá và thực hiện các khoản thu lĩnh vực GD- ĐT trong năm học 2018-2019 gửi các địa phương, hướng dẫn, chấn chỉnh lạm thu.
Ông Trần Tú Khánh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ GD – ĐT cho biết, văn bản 1029 Bộ GD- ĐT gửi tất cả các địa phương, trong đó có nhiều nội dung. Thứ nhất là ưu tiên các nguồn lực để huy động và phân bổ ngân sách cho giáo dục đảm bảo chi thường xuyên: tiền lương, phụ cấp, các khoản có tính chất lương và các hoạt động giảng dạy, học tập cho các cơ sở giáo dục đảm bảo đúng quy định. Thực hiện rà soát các văn bản quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với các có sở giáo dục công lập và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, công khai minh bạch các khoản thu chi tài chính theo đúng quy định.
Thứ 2, tuyệt đối cấm lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản thu ngoài quy định. Việc tiếp nhận các nguồn viện trợ, tài trợ, quà biếu tặng tại các cơ sở giáo dục thực hiện theo quy định tài Thông tư số 29/2012/TT-BGDĐT. Tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các khoản thu, chi trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn và xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ sở giáo dục và trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục trên địa bàn đã để xảy ra tình trạng lạm thu…
Văn bản này gửi đến các địa phương. Nhiều địa phương đã triển khai, có văn bản chỉ đạo đến các cơ sở giáo dục, các cấp quản lý, huyện, Sở GD- ĐT, phòng GD- ĐT và các sở ban ngành liên quan.
Bộ GD- ĐT đã có hướng dẫn công tác thanh kiểm tra việc triển khai các kế hoạch đào tạo trong năm; đặc biệt thanh kiểm tra với lạm thu; giao cho các Sở GD- ĐT phải triển khai để phát hiện kịp thời những hiện tượng lợi dụng Ban đại diện cha mẹ học sinh, lợi dụng xã hội hóa, hoặc lợi dụng thông tư 29 để triển khai thu áp đặt, cào bằng, dẫn đến bất bình trong phụ huynh học sinh và người dân cả nước.
Một trong những vấn đề nhắc đến trong lạm thu có sự trợ giúp của Ban đại diện cha mẹ học sinh. Nhiều người ví đây là “cánh tay nối dài” cho hiệu trưởng các trường lạm thu. Ông Trần Tú Khánh cho rằng, mặc dù đã được truyền thông, nhưng chính Ban đại diện cha mẹ học sinh và phụ huynh, nhiều vẫn hiểu chưa rõ, nắm chưa chắc quy định Ban đại diện cha mẹ học sinh được và không được thu gì.
Theo quy định tại Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT, Ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu các khoản: bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường. Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ thu các khoản phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh.
Ông Trần Tú Khánh cho biết, Bộ GD – ĐT đang lấy ý kiến rộng rãi để bổ sung, sửa đổi thông tư 55. Bên cạnh thông tư 55, thông tư 29 để giải quyết những vấn đề kêu gọi, cho biếu, tặng, tài trợ…, Bộ GD- ĐT cũng đang tiến hành sửa đổi, đã lấy ý kiến của địa phương, Sở GD- ĐT và đặc biệt ý kiến các chuyên gia, để kêu gọi được nguồn tài trợ cho ngành Giáo dục, để nâng cao chất lượng, đáp ứng điều kiện cơ sở vật chất trong giai đoạn hiện nay, làm sao để cải cách hành chính nhất, dễ thực hiện nhất. Dự kiến, thông tư sẽ được ban hành trước thềm năm học mới để địa phương áp dụng.
Hiếu Vân
Theo baotintuc.vn
Hà Nội vẫn nhiều nơi lạm thu tiền trường
Chỉ còn hơn một tuần nữa là đến khai giảng năm học mới 2018-2019, thế nhưng câu chuyện lạm thu tiền trường đầu năm học vẫn tiếp tục đeo bám các bậc phụ huynh. Nhà trường luôn "sáng kiến" với các khoản thu, còn phụ huynh vì lo lắng chuyện học cho con mà đa số chịu cảnh ấm ức.
Vẫn có hàng loạt các khoản thu bất hợp lý đầu năm học. Ảnh minh họa: KT
Phát hoảng vì bị "dội" tiền trường
Trong tuần qua, nhiều phụ huynh có con học lớp 1 Trường Tiểu học Đô thị Việt Hưng (ở Long Biên, Hà Nội) phản ánh, cuối tháng 7, khi họ đăng ký nộp hồ sơ cho con vào học tại trường thì nhận được thông báo mua SGK, đồ dùng học tập nhưng không ghi giá tiền. Đầu tháng 8, khi nhận sách và đồ dùng học tập, phụ huynh phải nộp lên tới hơn 734.000 đồng/học sinh. Ngoài ra, phụ huynh còn phải đóng thêm nhiều khoản khác như: Đồng phục, mũ, ghế với số tiền 895.000 đồng; học kỹ năng sống 300.000 đồng; tạm ứng sửa cơ sở vật chất 1 triệu đồng. Tổng các khoản phụ huynh phải đóng trước năm học mới lên tới gần 3 triệu đồng, nhưng lại không có biên lai thu tiền.
Sau khi phụ huynh phản ánh, theo chỉ đạo của quận, nhà trường phải trả lại hết cho phụ huynh các khoản thu sai trong ngày 27/8. Lãnh đạo Phòng GD&ĐT quận Long Biên cho biết: Đại diện nhà trường đã làm việc với các phụ huynh và đã trả lại những khoản thu không đúng. Những gì nhà trường thu chưa đúng, Phòng GD&ĐT quận Long Biên đã chỉ đạo trả lại cho phụ huynh. Tới nay, cơ bản đã hoàn lại đủ tiền, đối với những khoản tiền khác còn lại, nhà trường sẽ cử người đến tận nhà để trả hết và yêu cầu cha mẹ học sinh ký xác nhận đã hoàn lại. Còn nhà trường cho biết, số tiền này đã được trả lại cho phụ huynh học sinh do giáo viên tự ý thu sai.
Trước đó, một bức "tâm thư" kêu gọi đóng góp từ phụ huynh lên tới gần 1 tỷ đồng khiến cộng đồng mạng "sửng sốt". Theo bức thư kêu gọi này, nhà trường đã đưa ra kế hoạch bổ sung và sửa chữa trang thiết bị phục vụ cho giảng dạy và học tập như sau: Mua mới 5 phòng và sửa chữa bàn ghế học sinh: 256,250 triệu đồng; lắp camera cho các lớp bán trú: 265 triệu đồng; sửa chữa khu bếp ăn bán trú và các phòng chức năng 450 triệu đồng. Tổng là 971,250 triệu đồng. Được biết, bức thư kêu gọi này là của một trường Tiểu học ở TP Hải Phòng và mới chỉ dừng lại ở mức "kêu gọi".
Trên đây là hai trường hợp xảy ra hiện tượng thu sai, vận động quyên góp chưa đúng quy định đầu năm học 2018 - 2019. Trong khi phần lớn các trường công lập hiện nay đang ở mức "nghe ngóng", chỉ thực hiện thu sau buổi họp phụ huynh đầu năm. Trong khi phụ huynh lo lắng với các khoản tiền trường có thể "biến tấu", Bộ GD&ĐT lại cho rằng, để xảy ra vấn đề "lạm thu", nguyên nhân chủ yếu là một số cơ sở giáo dục cố tình thực hiện sai quy định của Nhà nước nhiều hoạt động biến tướng để thu tiền học sinh, phụ huynh mượn danh nghĩa "tự nguyện" hay "thu các khoản thu ngoài quy định của nhà Nước"; Ban Đại diện cha mẹ học sinh chưa làm hết trách nhiệm của mình.
Chấp nhận hay "vùng lên"?
Dù Bộ GD&ĐT chỉ ra được nguyên nhân của lạm thu cũng như đề nghị các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện xử lý những nơi xảy ra sai phạm. Tuy nhiên, có thể thấy năm học 2017 - 2018 vừa qua, "được mùa" xử lý một loạt các sai phạm thu tiền tại một số trường học ở Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương khác, nhiều lãnh đạo trường bị kỷ luật. Có thể thấy vai trò trong phòng chống lạm thu lại là... phụ huynh, bởi nếu không có sự lên tiếng của phụ huynh, chắc hẳn nhiều vụ việc đã không bị phơi bày. Thực tế cho thấy, một số nơi tái diễn lạm thu do sự "tiếp sức" từ phụ huynh, đặc biệt là Ban Đại diện cha mẹ học sinh.
Lo con bị trù dập khi thắc mắc, khiếu nại về các khoản tiền trường, nhất là khoản thu "đeo mác" tự nguyện, nhiều phụ huynh dù bức xúc nhưng vẫn ngậm ngùi đóng cho xong vì lo lắng con bị "ra rìa" nếu không đóng tiền. "Đầu năm học khi được giáo viên thông báo các khoản, Ban Phụ huynh cũng dự chi rất nhiều khoản mua sắm kinh phí lớn... biết là hoạt động sai nguyên tắc của các khoản thu tự nguyện, nhưng hầu hết phụ huynh không bằng lòng nhưng vẫn phải đóng. Hơn nữa, nếu biết mình đi phàn nàn ở nơi khác, chỉ có nước chuyển trường cho con vì nhà trường cho rằng mình chống đối, kiện cáo", anh Trần Trung Tuyên, phụ huynh ở Hà Nội tâm sự.
Về giải pháp chống lạm thu, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, trên thực tế hiện nay khi ngân sách chưa đủ để đảm bảo các hoạt động giáo dục, nên rất cần sự ủng hộ về vật chất từ xã hội, đặc biệt là phụ huynh. Tuy nhiên, cách thức hoạt động trong công tác thu tiền xã hội hóa hiện ở một số nơi chưa đảm bảo yếu tố minh bạch trong thu chi. Khâu phát động, quyên góp còn thực hiện theo phương thức "bổ đầu", gây bức xúc đối với phụ huynh. Ngoài ra, một số trường còn tự ý thu các khoản khi chưa được ngành Giáo dục chấp thuận, phụ huynh thông qua. Do đó, nếu quản lý chặt sẽ hạn chế được lạm thu.
Cũng theo PGS Trần Xuân Nhĩ: "Trong phòng chống lạm thu, không nên đẩy hết trách nhiệm lên các bậc phụ huynh vì nhiều người không dám lên tiếng. Do đó, ngoài yêu cầu các địa phương chỉ đạo các trường phải thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ GD&ĐT thông qua các văn bản đã ban hành về quản lý thu, chi đầu năm. Tất cả các khoản thu tiền trường phải được công khai, minh bạch cho phụ huynh biết. Bộ GD&ĐT cùng các địa phương cần vào cuộc quyết liệt hơn để xử lý lạm thu".
Trong những năm gần đây, các vụ việc phát hiện lạm thu tiền trường chủ yếu thông qua các phản ánh của phụ huynh tới các cơ quan báo chí. Ngành Giáo dục và địa phương cũng đã vào cuộc xác minh, làm rõ và xử lý nhiều vụ việc. Đầu năm học 2018 - 2019, Bộ GD&ĐT cũng đã có văn bản gửi các địa phương yêu cầu tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động thu, chi đầu năm học, bảo đảm các khoản thu đúng quy định hiện hành; khắc phục triệt để tình trạng lạm thu; xử lý nghiêm người đứng đầu cơ sở giáo dục xảy ra vi phạm.
Quang Anh
Theo giadinh.net.vn
Khánh Hòa nghiêm cấm may, bán quần áo cho học sinh đầu năm học Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa lưu ý các đơn vị, trường học không tổ chức các dịch vụ may, bán quần áo học sinh dưới bất kỳ hình thức nào trong năm học mới 2018-2019. Học sinh ở Nha Trang trong một dịp khai giảng năm học mới Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa - ông Lê Tuấn Tứ vừa ký văn...