Săn sale đầu năm, “vớ” ngay được tai nghe Bluetooth thương hiệu Châu Âu chất lượng khá ổn, pin nghe cả tuần mà giá thì siêu mềm mịn!
Chiếc tai nghe “chuẩn Châu Âu” Defunc Go mới được giảm giá mạnh chỉ còn 349.000 đồng nhưng vẫn mang nhiều đặc điểm của một sản phẩm giá cao gấp nhiều lần.
Trở lại với chuyên mục săn sale công nghệ, trong đợt nghỉ Tết Nguyên Đán vừa rồi, WeBuy vừa mới tìm thấy một chiếc tai nghe đến từ thương hiệu lạ hoắc: Defunc. Theo tìm hiểu, đây là một công ty có trụ sở tại Thụy Điển với định hướng tạo ra những sản phẩm âm thanh với thiết kế tối giản đẹp mắt và tính năng cao cấp.
Defunc Go khi đang giảm giá trong đợt Tết Kỷ Hợi.
Chiếc tai nghe Bluetooth này có tên là Defunc Go, thiết kế dạng trùm đầu có thể gấp gọn với chất liệu chủ yếu là nhựa nhám. Sản phẩm mới có chương trình Flash Sale trên một website TMĐT lớn tại Việt Nam với mức giảm lên tới hơn 50%, từ 790.000 xuống chỉ còn 349.000 đồng. Số lượng sản phẩm có vẻ rất ít, và may mắn là WeBuy đã nhanh tay đặt ngay được một chiếc để trải nghiệm và gửi tới bạn đọc bài đánh giá này.
Thiết kế: Vẻ đẹp kém hoàn hảo
Đừng tin vào những hình ảnh quảng cáo trên website mua hàng. Chúng đều là ảnh dựng bằng máy tính và không hề thể hiện được những khuyết điểm của chiếc tai nghe này.
Phong cách tối giản mượt mà khá ấn tượng của Defunc Go.
Nhìn thoáng qua, Defunc Go mang trên mình phong cách thiết kế tối giản, hiện đại và rất hợp với giới trẻ. Tại Việt Nam, hãng này mới chỉ bán ra phiên bản màu đen vốn không đẹp bằng màu trắng hay xanh quân đội. Các chi tiết bên ngoài của tai nghe đều làm từ nhựa nhám phủ giả nhung mềm mịn. Phần khung làm từ kim loại sơn trùng màu hơi mềm, dùng tay cũng có thể bẻ cong được.
Phần đệm tai và choàng đầu của Defunc Go bọc một lớn mút xốp và da giả mềm, khá mỏng và khả năng cao là sẽ sớm mủn, rách nếu tiếp xúc nhiều với mồ hôi và nước. Chúng cho cảm giác đeo rất dễ chịu, không làm đau tai hay tì lên đỉnh đầu quá nhiều. Tuy nhiên, khả năng cách âm thì khá kém, bạn chỉ có thể nghe tốt khi dùng trong nhà hay ở văn phòng, còn khi dùng ngoài quán cafe hay trên xe bus, tàu điện thì sẽ phải tăng âm lượng lên vài mức mới át được tiếng ồn.
Các chi tiết, góc cạnh của Defunc Go.
Defunc Go được tích hợp khớp gập tai nghe nên bạn có thể gập gọn và cho vào trong cặp. Đáng tiếc, trong hộp sản phẩm lại không đi kèm túi đựng bảo vệ.
Điểm trừ lớn nhất trong thiết kế của Defunc Go là độ hoàn thiện của các chi tiết nhỏ, nhất là đèn LED chỉ báo, lỗ micro và các phím bấm.
Video đang HOT
Lỗi gia công tại đèn LED và lỗ micro thu âm cùng phần ear cup dễ dính bụi bẩn, mồ hôi.
Cảm giác bấm lên các nút điều khiển rất “rẻ tiền” bởi chúng không chắc chắn, phát ra âm thanh “cạch cạch” rất lớn, chẳng khác nào đồ chơi trẻ con. Lỗ micro và đèn LED thì gia công không tốt, các mép nhựa lem nhem, không ngay ngắn. Ngoài ra, lớp phủ nhung cũng làm tai nghe dính bẩn, mồ hôi dễ hơn và rất khó làm sạch.
Đi kèm tai nghe còn là một cáp sạc microusb và dây nối 3.5mm. Đây là một điểm cộng lớn cho các loại tai nghe không dây, nhưng kì lạ là nó lại chỉ dài cỡ vài chục cm, không đủ để dùng với hầu hết các thiết bị, kể cả smartphone hay laptop.
Hộp đựng, thông tin và các phụ kiện đi kèm Defunc Go.
Chất lượng âm thanh: Đủ lớn, đủ tốt nhưng hơi sai sai
Với một chiếc tai nghe không dây giá chỉ vài trăm ngàn đồng, chẳng mấy ai dám đòi hỏi nhiều về chất lượng âm thanh. Với Defunc Go cũng vậy, những gì bạn nhận được hoàn toàn xứng đáng với số tiền 350.000 đồng bỏ ra, không hơn, không kém.
Hầu hết trường hợp, Defunc Go cho ra chất âm hơi thiên bass và mid. Dải treb của nó khá mờ nhạt, chỉ đủ nghe chứ không thể hiện tốt được các bản nhạc mang hướng tươi sáng.
Dải trầm của Defunc Go hơi đục, thể hiện chưa tốt lắm trong những bản nhạc EDM hay Pop Dance. Dải mid cũng gặp tình trạng tương tự, hơi nhiều âm vang và không thể hiện rõ được giọng hát của ca sĩ.
Không rõ lỗi là tại đâu, nhưng chất âm của Defunc Go đôi khi bị biến đổi hoàn toàn khi kết nối với các thiết bị khác nhau. Khi dùng cả Bluetooth lẫn cắm dây với các mẫu smartphone Android/iOS hay Macbook thì không có vấn đề gì xảy ra, nhưng khi kết nối với một laptop Asus chạy Windows 10 thì chất âm khác một trời một vực.
Chất lượng âm thanh của Defunc Go có vẻ bị phụ thuộc rất nhiều vào thiết bị phát.
Cụ thể, WeBuy nhận thấy khi dùng Bluetooth với một chiếc laptop Asus Zenbook 3, chất âm của Defunc Go thiên sáng nhiều, đôi khi bị sibilance với giọng nữ cao. Tuy nhiên, khi chuyển sang dùng dây 3.5mm thì nó lại trở thành thiên bass với lượng cực kì nhiều, nếu không phải một basshead chính hiệu thì sẽ không thể chịu nổi.
Thời lượng pin: “Treo đầu chó, bán thịt dê”
Thông tin về thời lượng pin của Defunc Go đều được mặc định ở mức 8 tiếng dùng liên tiếp trên cả website quảng cáo lẫn hộp tai. Thế nhưng, con số khi sử dụng thực tế lại cao gấp gần 3 lần.
Thử nghiệm của WeBuy cho thấy, nếu dùng Bluetooth nghe nhạc với mức âm lượng 50%, tai nghe sẽ dùng được trong khoảng 20 giờ mới phải sạc lại. Tức là, nếu mỗi ngày bạn chỉ nghe nhạc trong khoảng 3 giờ thì phải tới gần 1 tuần mới cần cắm sạc.
Một số điện thoại có thể hiển thị % pin của Defunc Go nhưng lại không hề chính xác.
Tốc độ sạc cho viên pin 300mAh bên trong Defunc Go thì đạt đúng 2 giờ như quảng cáo, không nhanh nhưng cũng chẳng chậm, nhất là khi bạn không phải lo cắm sạc hàng ngày.
Kết nối không dây: Nhanh, mượt nhưng kém ổn định
Defunc Go sử dụng kết nối Bluetooth chuẩn 4.1 đủ dùng. Dù được quảng cáo là khoảng cách lên tới 10 mét nhưng thực tế thì không được như vậy, nhất là khi có tường và đồ vật chắn giữa thiết bị phát. Đôi khi, chỉ cần bạn dùng tay hay món đồ nào đó che lên tai nghe thôi là đã thấy âm thanh tậm tịt.
Một lỗi nhỏ nữa mà WeBuy vẫn chưa rõ bắt nguồn từ đâu, khi mà âm thanh của tai bên phải sẽ tự nhiên nhỏ dần trong khoảng vài phút, sau đó lại tự động “nhảy số” về cân bằng như cũ. Lỗi này có vẻ chỉ xuất hiện khi pin của tai nghe sắp cạn, còn khi sạc đầy thì không thấy xảy ra.
Dùng Defunc Go khi xem phim rất tuyệt vì gần như không có độ trễ âm thanh.
Bù lại cho hai vấn đề trên, điểm cộng cho Defunc Go là độ trễ trong quá trình truyền âm thanh gần như là không có, rất phù hợp để xem phim và chơi game vì không phải lo hình chạy trước, tiếng theo sau như chiếc tai nghe không dây SBH24 của Sony.
Kết
Defunc Go vẫn là một sản phẩm đáng mua ở tầm giá dưới 400.000 đồng.
Nhìn chung, với mức giá sale chỉ còn chưa đầy 400.000 đồng thì Defunc Go hoàn toàn xứng đáng để bạn bỏ tiền ra nếu đang tìm kiếm một chiếc tai nghe trùm đầu đeo trong nhà hay ở cơ quan. Đúng là Defunc go còn nhiều khuyết điểm nhưng với một sản phẩm được bảo hành chính hãng với thiết kế đẹp, pin “trâu” và âm thanh ổn như vậy thì thực sự không hề dễ tìm trong tầm giá này.
Theo Genk
Những lưu ý trước khi mua một chiếc tai nghe true wireless. Cách vệ sinh và bảo quản
Ở bài trước mình đã viết về một số vấn đề ở tai nghe true-wireless, hôm nay mình sẽ chia sẻ một vấn đề mà cá nhân mình quan tâm khi chọn cho mình một chiếc tai nghe true wireless.
Mình có làm một khảo sát nhỏ và nhận thấy chất âm là thứ mà anh em quan tâm hàng đầu, tuy nhiên với cá nhân mình thì hiện khi chọn một chiếc tai nghe true wireless thì dưới đây là các vấn đề mà mình quan tâm theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống. Anh em có kinh nghiệm nào thì chia sẻ thêm ở dưới nha
1/ Thiết kế
Thiết kế là điều mà mình quan tâm hàng đầu khi mua một chiếc tai nghe true wireless. Nguyên nhân là vì chúng ta sẽ sử dụng nó hằng ngày nên một thiết kế hợp lý mang lại cảm giác thoải mái giúp đeo trong thời gian dài là rất quan trọng. Chưa kể do nếu đeo không khít vào tai thì nguy cơ rơi rớt mất là điều chắc chắn không thể tránh khỏi. Các tai nghe đa phần thường kèm nhiều cỡ tips khác nhau, anh em mua về nên lựa chọn cho mình cỡ phù hợp và đeo chắc chắn nhất.
2/ Khả năng chống nước
Phần đông anh em mua tai nghe bluetooth thường sử dụng ngoài đường và đi tập thể thao. Do đó ae nên lưu ý để chỉ số chống nước của sản phẩm để lựa chọn cho mình chiếc tai nghe phù hợp. Anh em nào tập thể thao mồ hôi nhiều thì nên mua những sản phẩm có chỉ số chống nước càng cao càng tốt.
3/ Kết nối
Lỗi kết nối là vấn đề thường thấy ở các tai nghe true wireless, do đó anh em nên lựa chọn tai nghe có thương hiệu cũng như test kỹ vấn đề này trước khi mua để tránh tình trạng rớt tín hiệu giữa 2 bên tai.
Một vấn đề nữa là tình trạng trễ tiếng khi chơi game hay xem video, cái này thì ae cần để ý chỉ có những tai nghe hỗ trợ aptx LL mới không bị tình trạng này.
Một số anh em cần khả năng kết nối được nhiều thiết bị, hiện chưa có nhiều tai nghe true wireless hỗ trợ vấn đề này. Do đó nếu cần tính năng này thì anh em có rất ít lựa chọn.
4/ Thời lượng pin
Đây là vấn đề mình nghĩ nhiều anh em sẽ quan tâm. Các tai nghe hiện nay pin ngày 1 tốt hơn, đặt được 4-5h cho 1 lần sạc. Tuy nhiên các tai nghe giá rẻ thường có thời lượng pin thấp chỉ độ 2-3h. Anh em nào nếu sử dụng nhiều thì nên để ý vấn đề pin của sản phẩm
5/ Chất lượng đàm thoại
Đa phần các tai nghe true wireless trên thị trường hiện nay chỉ nghe gọi được một bên tai. Các hãng cũng đã bắt đầu giải quyết vấn đề này nên hiện cũng đã có nhiều mẫu hỗ trợ nghe gọi cả 2 bên. Anh em nên test kỹ micro khi mua hàng nhất là anh em hay chạy xe ở ngoài đường.
6/ Các tính năng khác: trợ lý ảo, cảm ứng
Đây là các tính năng phụ thêm nên tuỳ vào nhu cầu sử dụng mà anh em nên xem sản phẩm mình mua có hỗ trợ không. Hầu hết các mẫu tai nghe cao cấp hiện nay đều có trợ lý ảo.
7/ Phải làm gì khi mất một bên tai nghe True wireless
Việc mất tai nghe true wireless có lẽ là tai nạn hi hữu và không ai muốn gặp phải. Lỡ như anh em gặp phải trình trạng đó thì cứ yên tâm vì hầu hết các hãng đều hỗ trợ bán lại một bên. Tuy nhiên, 1 số hãng chỉ cần mua 1 bên khác rồi bỏ vào case là cả 2 sẽ tự động tự pair lại với nhau. Tuy nhiên một số hãng chúng ta phải mang lên để nhờ họ chạy lại phần mềm thì cả 2 mới nhận ra nhau. Nói chung anh em cố gắng giữ kỹ để đừng để mất là tốt nhất.
8/Làm thế nào để vệ sinh và bảo vệ tai nghe của bạn
Có nhiều người mà mình biết sử dụng tai nghe true wireless để nghe gọi điện thoại cả ngày. Ngoài ra nhiều anh em cũng sử dụng tai nghe true wireless để tập luyện thể thao với nhiều mồ hôi trong nhiều giờ liền. Điều này đồng nghĩa thời gian trên tai là rất nhiều và chắc chắn ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến vấn đề vệ sinh của tai. Chúng ta cần vệ sinh tai nghe đơn giản bằng cách dùng tăm bông nhúng ít nước ( không nên dùng cồn vì sẽ làm bay màu sơn hoặc ảnh hưởng đến vỏ ngoài cũng như eartips) là được. Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý không nên đeo tai nghe quá lâu mà cần phải cho lỗ tai nghỉ ngơi thông thoáng vì việc đóng kín khoang tai cũng tạo điều kiện để vi khuẩn sinh sôi.
Bên cạnh vấn đề vệ sinh, anh em cũng nên mua thêm case đựng cho chiếc tai nghe yêu dấu của mình. Cơ bản các tai nghe true wireless đều có case sạc đẹp và nhỏ gọn, cho nên để tránh chuyện rơi rớt làm tổn hại vẻ đẹp đó cũng như hư hỏng thì việc đầu tư một case đựng theo mình cũng giúp anh em đỡ quên mất chiếc tai nghe hơn.
Một vài chia sẻ từ thực tế cá nhân mình, hi vọng anh em sớm có thể kiếm được cho mình một chiếc tai nghe true wireless ưng ý
Theo Tinh Te
Làm gì khi tai nghe Bluetooth 'mất tích'? Thỉnh thoảng bạn sẽ gặp trường hợp tai nghe Bluetooth không hiển thị trong danh sách kết nối trên điện thoại thông minh. Dưới đây là những cách khắc phục. Cách khắc phục tai nghe Bluetooth không hiển thị trong danh sách thiết bị Bluetooth trên điện thoại. - Kiểm tra xem bạn đã thực sự bật kết nối Bluetooth trên điện thoại...