Sân khấu, logo, tiền thưởng Olympia thay đổi thế nào sau 20 năm
Gần như năm nào cũng làm mới sân khấu, từng 4 lần thay đổi logo là một số điều không phải khán giả nào theo dõi “Đường lên đỉnh Olympia” 20 năm qua cũng để ý.
20 năm trước, Đường lên đỉnh Olympia lần đầu tiên phát sóng và nhanh chóng trở thành chương trình truyền hình được khán giả cả nước đón nhận.
Không chỉ gây ấn tượng bởi hàng trăm gương mặt học sinh THPT xuất sắc mỗi năm, Olympia còn mang đến nhiều câu hỏi hóc búa, thú vị cùng những giây phút từ nghẹt thở tới vỡ òa cảm xúc khi chinh phục “đỉnh núi kiến thức”.
Năm 2019, tức năm phát sóng thứ 20, đánh dấu một số thay đổi của chương trình có tuổi đời dài nhất VTV. Bên cạnh luật chơi mới, sân khấu mới của chương trình cũng được ra mắt từ trận thi thứ 9.
Sân khấu mới của “Đường lên đỉnh Olympia” năm 20. Ảnh: Fanpage Olympia.
Hầu như năm nào cũng đổi mới sân khấu
Tại cuộc thi tuần Đường lên đỉnh Olympia vừa lên sóng chiều 17/11, khán giả được chiêm ngưỡng sân khấu mới, thay thế cho hình ảnh quen thuộc của gần 3 năm trước.
“Rất mới mẻ. Rất tươi trẻ. Đúng với tinh thần tuổi 20″ là cảm nhận của MC Diệp Chi về sự thay đổi này.
Bục đứng của 4 thí sinh được thay đổi thiết kế từ hình chữ nhật sang hình trụ và được đặt cách xa nhau hơn. Bục đứng của hai MC, cùng họa tiết trang trí sân khấu chủ yếu là các khối hình thoi lớn, có màu sắc rực rỡ.
Nổi bật trên sân khấu là số 20 cách điệu – tượng trưng cho 20 năm phát sóng của chương trình – được đặt ở vị trí trưng bày vòng nguyệt quế.
Sân khấu Olympia của các năm 2, 7, 8, 14. Ảnh chụp màn hình.
Trước đó, từ năm phát sóng đầu tiên, gần như năm nào ban biên tập cũng bố trí lại sân khấu để tạo sự mới mẻ.
Chỉ có một số năm thiết kế sân khấu giống nhau (năm 10-11, năm 17-19) hoặc ít thay đổi (năm 15, 16 tương đồng khoảng 40%, khác ở chỗ đứng của thí sinh và bục trả lời ở chính giữa sân khấu).
Vị trí đứng của 4 “nhà leo núi” hầu hết đều được bố trí ở phía bên trái sân khấu và đối diện với MC, theo hướng nhìn của khán giả.
Chỉ có năm thứ 7 MC được bố trí đứng giữa các thí sinh. Năm 13-14, 4 “nhà leo núi” được sắp xếp đứng ở trên cùng, chính giữa sân khấu, trong khi bục đứng của người dẫn chương trình ở bên trái. Đây cũng là 2 năm hàng ghế khán giả được thiết kế ngay bên cạnh sân khấu, đối diện với MC.
4 lần thay đổi logo
Lần gần nhất Đường lên đỉnh Olympia thay đổi logo là năm thứ 16. Vòng nguyệt quế quen thuộc được thay thế bằng một vòng ít lá hơn. Hai nhánh nguyệt quế tạo thành hình tròn, tô điểm xung quanh đỉnh núi Olympia. Toàn bộ logo màu vàng.
Trước đó, logo của Olympia được đổi mới với 3 mốc: 7 năm đầu, năm 8-13, năm 14-15.
Thiết kế của 3 lần này đều là hình vòng nguyệt quế với chiếc nơ to ở chính giữa, bên cạnh là tên chương trình. Điều duy nhất thay đổi là màu sắc.
Logo Olympia thay đổi qua các năm. Ảnh: Olympia.
Năm 2016 cũng là lần đầu tiên trong lịch sử Olympia không có sự đồng hành của LG như nhà tài trợ chính. Điều này đồng nghĩa với việc phần thưởng dành cho trường không còn, chỉ còn cho thí sinh.
Trước đó, các trường có thí sinh vô địch thường nhận được TV, đầu DVD, tủ lạnh, máy giặt… Từ năm 16, phần thưởng gồm giải nhất, nhì, ba được trao giải bằng tiền mặt.
Thí sinh dẫn đầu mỗi cuộc thi được trao vòng nguyệt quế tượng trưng cho chiến thắng. Nhà vô địch của năm nhận suất học bổng giá trị 35.000 USD và học bổng 100% nếu học tập tại ĐH Kỹ thuật Swinburne (Australia).
Sau 20 năm, áo thi đấu của các “nhà leo núi” chủ yếu là màu trắng, in logo màu vàng hoặc đỏ. Một số năm có màu áo đặc biệt như xanh lá cây (năm 14) hay đỏ (năm 16).
Áo thi đấu của các thí sinh năm 1, 14, 16 và 19. Ảnh: VTV, Việt Hùng, Duy Hiệu.
Cải tiến luật chơi
Qua nhiều năm phát sóng, Đường lên đỉnh Olympia năm 20 có thêm những cải tiến và luật chơi mới.
Ở phần thi Khởi động, các “nhà leo núi” sẽ trải qua số câu hỏi không giới hạn trong vòng 60 giây, thay vì 12 thử thách như 10 năm trước.
Trước đó, luật chơi Khởi động ở những năm đầu tiên như sau: Có sáu loại câu: Ai? Cái gì? Khi nào? ở đâu? Như thế nào? Tại sao? Người chơi chọn lần lượt 2 câu hỏi; bấm chuông trả lời trong vòng 30 giây, trả lời trong 10 giây đầu được 30 điểm, trong 20 giây được 20 điểm, trong 30 giây được 10 điểm.
Phần thi Về đích của năm thứ 20 gồm có 3 gói 10, 20 và 30 điểm. Thí sinh được quyền tạo ra gói câu hỏi bất kỳ. Trước đó, thí sinh chỉ có quyền lựa chọn giữa 3 gói 40, 60 và 80 điểm.
Bên cạnh luật chơi, chương trình đưa ra quy chế mới từ năm thứ 17. Học sinh lớp 12 không còn được tham gia Đường lên đỉnh Olympia để có thể hoàn thành tốt kỳ thi THPT quốc gia và không đi ngược với mục tiêu ban đầu của chương trình.
Olympia 2016 là năm cuối cùng học sinh lớp 12 được tham gia. Ảnh: Việt Hùng.
Cụ thể, Olympia mỗi năm có 53 số (bao gồm các cuộc thi tuần, tháng, quý, chung kết) được phát sóng hàng tuần. Sự chênh lệch giữa số ngày trong năm và số chương trình phát sóng dẫn đến việc thời điểm diễn ra chung kết mỗi năm bị đẩy lùi xuống một tuần.
Ở năm 14, trận chung kết diễn ra vào ngày 3/8, sang năm 15 là 16/8, còn năm 16 là 21/8, đồng nghĩa việc cách xa ngày học sinh lớp 12 tốt nghiệp. Điều này đi ngược với mục tiêu ban đầu chương trình – sân chơi trí tuệ dành riêng cho các học sinh khối trung học phổ thông.
Quan trọng hơn, kỳ thi THPT quốc gia mang tính bước ngoặt với tương lai của học sinh lớp 12 nên cần được ưu tiên.
Bên cạnh đó, sự thay đổi của Olympia còn thể hiện ở bộ nhạc hiệu và nhạc nền (bao gồm nhạc nền câu hỏi, nhạc tính giờ, trả lời đúng…) của chương trình, do nhạc sĩ Lưu Hà An sáng tác, biên soạn và hòa âm phối khí (kể từ năm thứ 7).
Sau mỗi năm, nhạc nền được thay đổi cho phù hợp với luật chơi mới của năm kế tiếp. Từ năm thứ 11 đến nay, nhạc nền hầu như ít thay đổi. Năm 20 chứng kiến sự thay đổi cả ở đồ họa hiển thị trên màn hình và nhạc hiệu.
Dù có nhiều đổi mới sau mỗi năm, điều duy nhất không thay đổi là bài nhạc Đường lên đỉnh núi (do nhạc sĩ Hoàng Vân soạn nhạc và viết lời) đã được sử dụng xuyên suốt 20 năm chương trình Đường lên đỉnh Olympia.
Theo Zing
'Đường lên đỉnh Olympia' năm 20 kịch tính hơn với luật chơi mới
Trong cuộc thi mở màn Olympia năm 20 với luật chơi mới ở phần Khởi động và Về đích, Nguyễn Xuân Huy có màn "lội ngược dòng" ấn tượng để giành vòng nguyệt quế vinh quang.
Nam sinh 'lội ngược dòng' ấn tượng nhờ luật chơi mới ở Olympia năm 20. Bước vào lựa chọn gói câu hỏi Về đích khi có 145 điểm, Nguyễn Xuân Huy (THPT Thăng Long, Hà Nội) đưa ra lựa chọn hợp lý và bứt phá giành vòng nguyệt quế cuộc thi tuần này.
Hành trình Đường lên đỉnh Olympia năm 19 vừa khép lại bằng trận chung kết cách đây một tuần với sự đăng quang của tân quán quân Trần Thế Trung (THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An).
4 gương mặt "xông đất" cho Olympia năm 20 ở cuộc thi tuần một, tháng một, quý I là Nguyễn Huy (THPT chuyên Huỳnh Mẫn Đạt, Kiên Giang), Trần Phạm Anh Tuấn (THPT Lương Thế Vinh, Quảng Bình), Nguyễn Xuân Huy (THPT Thăng Long, Hà Nội) và Nguyễn Tuấn Anh (THPT Triệu Quang Phục, Hưng Yên).
Ngay từ đầu chương trình, khán giả bất ngờ khi MC Diệp Chi và Ngọc Huy thông báo luật chơi có sự thay đổi. Hành trình năm 20 hứa hẹn sẽ thêm phần kịch tính khi sự cạnh tranh giữa các thí sinh được đẩy lên cao hơn.
Cụ thể, ở phần thi Khởi động, các "nhà leo núi" sẽ trải qua số câu hỏi không giới hạn trong vòng 60 giây, thay vì 12 thử thách như những năm trước.
Luật chơi này khá giống với phần thi Khởi động của năm thứ 6 (chỉ khác là không có luật dừng chơi nếu không trả lời đúng 5 câu liên tiếp), đồng thời cũng từng được áp dụng trong trận chung kết năm thứ 11.
Nguyễn Xuân Huy là chủ nhân của chiếc vòng nguyệt quế đầu tiên trong Olympia năm 20. Từ trái qua: Nguyễn Huy, Tuấn Anh, Xuân Huy và Anh Tuấn. Ảnh: Fanpage Olympia.
4 "nhà leo núi" bắt nhịp khá nhanh với luật chơi mới. Cụ thể, Tuấn Anh là người chiếm ưu thế đầu tiên với 80 điểm. Trong khi đó, Xuân Huy bám sát với 70 điểm, Nguyễn Huy và Anh Tuấn cùng có 50 điểm.
Ở vòng thi Vượt chướng ngại vật với luật chơi được giữ nguyên, chỉ sau một hàng ngang gợi ý được lật mở, Anh Tuấn nhấn chuông xin trả lời và ghi thêm 80 điểm nhờ câu trả lời đúng "Cà phê".
10X vươn lên dẫn đầu "đoàn leo núi" với 140 điểm. Lúc này, Xuân Huy có 90 điểm,Tuấn Anh 80 điểm và Nguyễn Huy 60 điểm.
Sau 4 cơ hội ghi điểm của phần thi Tăng tốc, tương quan điểm số của 4 "nhà leo núi" có sự thay đổi. Cụ thể, Anh Tuấn vẫn dẫn đầu với 230 điểm, Nguyễn Huy vươn lên vị trí thứ 2 khi có 200 điểm, Tuấn Anh và Nguyễn Huy cùng có 160 điểm.
Nam sinh THPT Thăng Long, Hà Nội gây ấn tượng với màn "lội ngược dòng" ở vòng thi Về đích. Ảnh cắt từ clip.
Trước khi bước vào phần thi Về đích, Anh Tuấn nhận xét luật chơi mới ở vòng này khá thú vị và giúp thí sinh chơi an toàn hoặc bứt phá.
Cụ thể, khác với 12 mùa trước, phần thi Về đích gồm có 3 gói 10, 20 và 30 điểm. Thí sinh được quyền tạo ra gói câu hỏi bất kỳ.
Nguyễn Xuân Huy là người tận dụng tốt nhất mặt "bứt phá" của luật chơi mới này. 10X lựa chọn 2 câu 20 điểm và một câu 30 điểm cùng ngôi sao hy vọng.
Với 3/3 câu trả lời đúng, quỹ điểm của nam sinh tăng từ 145 điểm (xếp cuối "đoàn leo núi") lên 245 điểm - chỉ cách thí sinh đang tạm dẫn đầu Anh Tuấn 10 điểm.
Sau đó, nhờ liên tiếp giành quyền trả lời ở gói Về đích của bạn chơi khác, cộng với sự kém may mắn của Anh Tuấn ở câu hỏi cuối cùng, Nguyễn Xuân Huy trở thành chủ nhân vòng nguyệt quế đầu tiên của Olympia năm 20 với 250 điểm.
Anh Tuấn tiếc nuối khi vụt mất chiến thắng trong gang tấc. Cậu giành giải nhì với 235 điểm. Với lần lượt 210 và 100 điểm, hai thí sinh Nguyễn Huy, Tuấn Anh về thứ 3 chung cuộc.
Theo Zing
Một loạt những 'kỷ lục ngầm' của sân chơi Đường lên đỉnh Olympia ít người biết đến Trải qua mùa giải thứ 20, sân chơi Đường lên đỉnh Olympia dần chứng minh vai trò cũng như sức ảnh hưởng của mình đến với các bạn học sinh, đặc biệt là những thế hệ trẻ với biết bao ước mơ chinh phục chiếc vòng nguyệt quế đầy vinh quang của chương trình. Với 20 năm phát sóng, Đường lên đỉnh Olympia...