‘Săn’ học sinh học nghề
Một số chuyên gia và đại diện các trường cho rằng dự thảo Đề án phân luồng học sinh sau THCS tại TP.HCM đến năm 2020 xa rời thực tế.
Sẽ có 30% học sinh tốt nghiệp THCS vào học nghề; 100% các trường THCS của TP.HCM có 1 – 2 giáo viên chuyên trách làm công tác hướng nghiệp… là những nội dung dự thảo Đề án phân luồng học sinh sau THCS tại TP.HCM đến năm 2020 do Sở GD&ĐT soạn thảo.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia và đại diện các trường, dự thảo đang đi xa rời thực tế.
Phân luồng học học sinh sau THCS đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Ảnh: Tiền Phong.
30% học nghề
Mấy năm nay, trường Trung cấp Kỹ thuật cơ khí giao thông ở TP.HCM không tuyển được học sinh, phải giải thể. Lượng học viên khan hiếm khiến nhiều trường không mở được lớp. Đơn cử như trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật miền Nam trong đợt tuyển sinh vừa qua không mở được lớp vì số lượng người nhập học đếm trên đầu ngón tay.
Trong khi đó, theo báo cáo của Phòng giáo dục chuyên nghiệp, Sở GD&ĐT TP.HCM, việc phân luồng để đạt 30% học sinh sau tốt nghiệp cấp 2 đi học nghề vào năm 2020 là cần thiết để định hướng tương lai cho học sinh.
Công tác phân luồng học sinh thời gian qua không hiệu quả được báo cáo nhận định là do xã hội vẫn còn xem trọng bằng cấp, nhất là bằng đại học, mà chưa thấy được tầm quan trọng của giáo dục nghề nghiệp.
Trong khi đó, một số cơ sở đào tạo vẫn chưa hấp dẫn người học, phương pháp giảng dạy lạc hậu, thiếu thốn trang thiết bị, học sinh tốt nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp nên khó tìm việc.
Vì vậy, dự thảo Đề án phân luồng học sinh sau THCS tại TP.HCM giai đoạn 2016 – 2020 do Sở GD&ĐT soạn thảo nêu các quận huyện định hướng phân luồng ngay từ đầu cấp và huy động học sinh tốt nghiệp THCS vào học giáo dục nghề nghiệp đạt tỷ lệ năm 2017 là 18%, năm 2018 là 20%, 2019 là 25% và năm 2020 là 30%…
Ông Lương Quang Ngọc, Hiệu trưởng trường Trung cấp Bến Thành, TP.HCM cho rằng tỷ lệ 30% vào học giáo dục nghề nghiệp là viễn vông và xa rời thực tế. Theo ông, hàng năm, tỷ lệ học sinh vào lớp 10 đã trên dưới 90%, gồm các loại hình như trường công, tư thục, trung tâm giáo dục thường xuyên… nên “lấy đâu ra 30% học sinh đi học nghề”.
“Năm học 2010 – 2011, tỷ lệ học sinh vào hệ trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) là 7,9%; năm học 2011- 2012, tỷ lệ này là 10,6%; năm 2012- 2013 chỉ 1,7%; năm 2013 – 2014 là 2,5%; năm 2014 – 2015 là 3,6% và năm 2015 – 2016 khoảng 6 – 7%. Nếu chiếu theo đề án thì năm 2017, tỷ lệ học sinh vào TCCN là 18% tăng gần gấp 3 lần so với năm trước đó và đến năm 2020 là 30%, tôi cho rằng không thể nào đạt được”, ông Ngọc nói.
Video đang HOT
Cần thực tế
Ngoài mục tiêu 30% học sinh tốt nghiệp THCS theo học nghề, dự thảo còn đặt ra mục tiêu đến năm 2020, 100% các trường THCS của TP.HCM có từ 1 – 2 giáo viên chuyên trách làm công tác hướng nghiệp, hỗ trợ 100% học phí cho học sinh học nghề đối tượng tốt nghiệp THCS, đầu tư 50 – 100 tỷ đồng/trường/năm…
Tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Nhơn, Trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Thạnh cho rằng mục tiêu đầu tư từ 50 đến 100 tỷ đồng/trường/năm để trang bị cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập tham gia đề án là không khả thi.
“Có trường nghề tại quận Bình Thạnh xin 3 tỷ đồng/năm mà còn chật vật giờ nghe 50 tỷ không biết lấy nguồn đâu ra?”, ông Nhơn nói.
Ông Lương Quang Ngọc nói để đạt được con số theo đề án, sở GD&ĐT cần phải phân bổ lại chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 vào các trường công, trường tư và đặc biệt là phải xóa bỏ mô hình trung tâm giáo dục thường xuyên như hiện nay.
“Nếu mô hình này vẫn tồn tại, cộng với tâm lý ưa chuộng bằng cấp thì những em tốt nghiệp THCS không vào được lớp 10 sẽ chuyển hết qua các trung tâm giáo dục thường xuyên”, ông Ngọc nói.
Theo quy định, học sinh học nghề đối tượng THCS được hưởng chế độ miễn giảm học phí nhưng buộc các em phải đóng tiền rồi sau đó mới trả lại.
“Nhiều em phải 2 – 3 lần lên xuống mới lấy được tiền nên cảm thấy mệt mỏi, chán nản”, ông Ngọc nói.
Bên cạnh đó, việc hệ trung cấp, cao đẳng chuyển về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý ít nhiều đã gây khó khăn trong tâm lý người học như quản lý chương trình, liên thông giữa các cấp học khiến việc học nghề càng mất sức hấp dẫn.
Vì vậy, theo các chuyên gia, chính sách phân luồng nghề nghiệp chỉ đạt hiệu quả khi có một hệ thống giáo dục thống nhất, không bị cắt cúp hay ngắt quãng, không phân biệt trường công trường tư…
Trao đổi với phóng viên về tính thực tế của dự án, ông Phạm Ngọc Thanh, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho rằng, đây chỉ là dự thảo, đưa ra để góp ý. Những con số này là dựa trên cơ sở pháp lý của các văn bản pháp luật, hiện đang tìm giải pháp để đạt được con số này.
Theo Nguyễn Dũng / Tiền Phong
Tuyển sinh 2016: Hàng loạt trường trung cấp 'thoi thóp'
Mùa tuyển sinh năm 2016 với các trường trung cấp chuyên nghiệp sắp bắt đầu nhưng sẽ rất khó khăn, nhất là khi nhiều trường đại học tuyển sinh vừa qua cũng không đủ chỉ tiêu.
Tại hội nghị tổng kết giáo dục chuyên nghiệp Hà Nội vừa diễn ra ngày 22/9, ông Lê Việt Dương, Phó phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết Hà Nội có 54 trường cao đẳng (CĐ) và trung cấp chuyên nghiệp (TCCN).
Năm 2015, 54 trường này tuyển đạt 57,39% chỉ tiêu được giao, giảm 7% so với năm 2014. Trong số 48 trường TCCN, chỉ có 5 trường tuyển vượt chỉ tiêu, 12 trường tuyển sinh đạt tỷ lệ trên 50%, 19 trường đạt tỷ lệ dưới 50% và 12 trường không tuyển sinh được.
Sẽ rất khó khăn
Bà Nguyễn Thị Hải, Hiệu trưởng trường TCCN Kinh tế - Tài nguyên và Môi trường cho biết mấy năm qua, trường chỉ tuyển được khoảng 200 học viên trong tổng số 600 chỉ tiêu được giao.
"Chúng tôi là con đẻ của Bộ GD&ĐT nhưng lại được đối xử như con nuôi. Đó là do những hạn chế về cơ chế chính sách. Những năm qua, chúng tôi tìm mọi cách để thoi thóp sống", bà Hải chia sẻ.
Theo bà Hải, những "cách" mà trường tìm để "sống" đó là đào tạo liên kết, đào tạo ngắn hạn theo đơn đặt hàng của các công ty, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước.
Ngoài ra, bà Hải cũng cho hay với chương trình đào tạo 3 năm (đối với học sinh tốt nghiệp THCS), tuy có nhiều nguồn, có nhiều cơ hội nhưng với các trường ngoài công lập thì bị loại ngay từ vòng "gửi xe".
Trường dạy nghề hiu hắt học viên. Ảnh minh họa: Hồng Vĩnh/TiềnPhong.
Vì học phí cao, người học không được hỗ trợ gì khác. Ông Vũ Đức Tuấn, Hiệu trưởng trường TCCN đa ngành Sóc Sơn cho hay về lý thuyết, trường có 10 mã ngành nhưng chính thức hoạt động chỉ có 7 mã ngành.
Năm đầu, trường tuyển được 500 học sinh. Dần dần, số lượng càng tụt giảm. Hệ hai năm đến nay dồn tất cả các loại hình đào tạo cũng chỉ tuyển được rất ít. Ông Tuấn dự đoán những năm tới chỉ còn hệ 3 năm. Vì hệ hai năm, các trường CĐ đã "vớt" hết.
Trong khi đó, các trường trung cấp khối y dược những năm vừa qua được đánh giá là khối ngành tuyển sinh tốt nhất thì từ năm nay, dự đoán sẽ rất khó khăn do thông tư 26, 27 của liên Bộ Y tế và Nội vụ quy định mã ngành đối với một số ngành liên quan y dược.
Ông Phạm Văn Đại, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết theo quy định của liên Bộ, đến năm 2018, các trường trung cấp y dược sẽ phải dừng tuyển sinh một số mã ngành.
"Vì vậy, những trường không đủ tiêu chuẩn nâng lên CĐ thì sẽ đối diện với nguy cơ phải giải thể do không tuyển sinh được. Do đó, các trường phải tìm giải pháp để thích ứng với điều này. Tôi đồng ý là xin cơ chế đặc thù nhưng nếu không được thì sao?", ông Đại nói.
Tháo gỡ cách nào?
Cũng theo ông Đại, hiện trên địa bàn thủ đô có rất nhiều các trường trung cấp y, dược đào tạo chất lượng tốt nhưng không thể nâng cấp lên CĐ vì diện tích không đủ theo quy định của Bộ GD&ĐT (quy định là phải đạt 5 ha) như trung cấp y dược Lê Hữu Trác.
Do đó, các trường khó có thể đạt được theo quy định. Giải pháp mà ông Đại đưa ra là các trường khối Y dược có thể hợp tác với nhau trong đào tạo để tạo thành sức mạnh đáp ứng yêu cầu mới.
"Tuy nhiên, điều này phụ thuộc rất lớn vào ý chí của lãnh đạo các trường, vì trường nào cũng thích làm riêng", ông Đại nhấn mạnh.
Mặt khác, ông Đại cũng cho hay các trường TCCN đang đối mặt vấn đề nữa là chuyển đổi cơ quan quản lý.
"Quan điểm của chúng tôi là ai quản lý thì các trường vẫn tự chủ. Muốn tồn tại và phát triển mỗi trường sẽ phải có một ngành mũi nhọn. Giải pháp nữa là các trường hợp tác với nhau để có một ngành đào tạo đặc biệt", ông Đại cho hay.
Khó khăn nữa đối với hệ thống giáo dục nghề nghiệp hiện nay theo ông Đại là không bộ, ngành nào cho biết họ đang thiếu bao nhiêu việc làm ở những vị trí nào, cần những lao động năng lực như thế nào.
"Hà Nội nói đang rất thiếu nhân lực du lịch. Tôi đảm bảo chúng tôi có thể đáp ứng được nếu thành phố cho chúng tôi biết cần bao nhiêu, năng lực như thế nào. Vấn đề hiện nay là không minh bạch. Xã hội, các ngành cần bao nhiêu, ở mức nào? Các ngành đều không trả lời được câu hỏi này. Do đó, hiện tại, giáo dục đang phải loay hoay đào tạo cái gì cũng có", ông Đại khẳng định.
Phát biểu tại buổi tổng kết, ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT cho biết thực tế, các trường TCCN vẫn còn rất nhiều nguồn tuyển. Đó là khoảng 250.000 học sinh tốt nghiệp THCS, không đi học THPT, không đi học nghề và THPT không đi học ĐH, CĐ.
"Muốn tận dụng được nguồn này, không có cách nào khác các trường TCCN phải tìm đến các trường THCS, THPT để học sinh làm quen với trường. Phổ thông lấy đâu ra đủ giáo viên để làm hướng nghiệp. Các trường cũng cần phải thay đổi cấu trúc chương trình. Các môn chung như giáo dục quốc phòng để dạy sau. Dạy trước các môn thực hành, kỹ năng để học sinh có hứng thú học, giữ chân các em", ông Vinh đề xuất.
Hà Nội có 54 trường CĐ và TCCN. Năm 2015, 54 trường này tuyển đạt 57,39% chỉ tiêu được giao, giảm 7% so với năm 2014. Trong số 48 trường TCCN chỉ có 5 trường tuyển vượt chỉ tiêu, 12 trường tuyển sinh đạt tỷ lệ trên 50%, 19 trường đạt tỷ lệ dưới 50% và 12 trường không tuyển sinh được.
Theo Nghiêm Huê/ Tiền Phong
Học nghề phổ thông: Lộ kẽ hở chạy điểm Trên thực tế, việc dạy học, cấp chứng chỉ còn có kẽ hở để các trường làm ẩu, học sinh học đối phó, không mang lại hiệu quả. Theo công văn hướng dẫn về thi và cấp chứng nhận nghề phổ thông của Bộ GD&ĐT ra cách đây 16 năm (tháng 3/2000) quy định hàng năm Sở Giáo dục tổ chức thi cấp...