Sân chơi trẻ em hay những biến tướng thành tích?
Câu chuyện về cuộc thi ViOlympic (giải toán trên mạng) khiến lãnh đạo của ngành Giáo dục phải lập tức ra công văn chấn chỉnh toàn ngành, rà soát lại các cuộc thi trong trường học.
Nguyên nhân là việc trẻ em tham gia các cuộc thi trí tuệ như một cuộc vui chơi, chơi mà học đang lại bị biến tướng thành những cuộc đua với những thành tích không tưởng.
Tuần này, phụ huynh có “nick” Le Dung đã gây bão tranh luận khi phản ánh sự mệt mỏi, bức xúc khi con mình tham cuộc đua không “cân sức” với những đứa trẻ 6 tuổi.
Những sân chơi dành cho học sinh có đang bị biến tướng?
Với hơn 30 bài toán trong cuộc thi ViOlympic, phụ huynh Le Dung cho biết con mình mất hơn 30 phút để hoàn thành các vòng thi tự do và xếp hạng 147.000 trên cả nước.
Hạng nhất thuộc về một thí sinh 6 tuổi khác với thành tích 5 phút 47, một con số “không tưởng” theo nhận định của một chuyên gia Toán học.
Để đạt được mục tiêu thứ hạng trong cuộc thi, nhiều câu chuyện được chia sẻ trên các trang mạng giữa các vị phụ huynh, giáo viên xung quanh các cuộc thi này.
Video đang HOT
Nào là lập tới 28 “nick” để cho con luyện thi, nào là tìm kiếm các đường link để “hack” vào phần mềm các vòng thi… Tuần này cũng đang là thời điểm bước vào vòng thi cấp trường ViOlympic.
Vậy là dù đang lo đối phó với thi học kỳ I, thầy cô, phụ huynh, học sinh đều vẫn phải dành thời gian ít ỏi còn lại sau giờ học cả ngày ở trường để vượt qua 9 vòng thi tự do, chưa kể 6, 7 vòng ngoài cho các Cuộc thi ViOlympic Vật lý, thi tiếng Anh qua mạng…
Phụ huynh nào cũng muốn con em mình được vui chơi và lại càng đáng khuyến khích hơn khi chơi lại kết hợp được rèn luyện kiến thức bổ ích.
Chính vì vậy mà các sân chơi giải Toán, thi tiếng Anh qua mạng rồi các cuộc thi trí tuệ “Trạng nguyên nhỏ tuổi”, “Chinh phục vũ môn”… càng ngày càng lan tỏa trong các trường học.
Tuy nhiên, đặt vào vị trí các con thì không hiểu người lớn có còn thấy vui thích với các cuộc thi này hay không? Không nói thì ai cũng hiểu, mục tiêu giật giải trong các kỳ thi này quan trọng thế nào đối với học sinh khi đây là điều kiện bắt buộc để có được một suất vào trường chuyên, lớp chọn.
Các cuộc thi này sẽ chỉ là những sân chơi trí tuệ đơn thuần cho học trò. Nhưng trước mục tiêu, sự áp đặt, can thiệp của người lớn, một lần nữa học sinh lại được đặt lên những cuộc đua tranh đầy áp lực thay vì được vui chơi đúng với lứa tuổi.
Theo Vinh Hương / An Ninh Thủ Đô
Thi giải toán trên mạng biến tướng vì sức ép thành tích
Kỳ thi giải toán trên mạng ViOlympic 2016 đang ở vòng cấp trường và gây ra tranh cãi trên mạng xã hội.
Mục tiêu của cuộc thi ViOlympic như công bố của ban tổ chức là nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học tại các trường phổ thông, tạo sân chơi trực tuyến môn Toán, Vật lý cho học sinh cấp tiểu học và THCS.
Đây cũng là môi trường thân thiện để học sinh tích cực giao lưu, học tập. Tuy nhiên, thực tế cuộc thi đang diễn biến theo nhiều chiều hướng, trong đó bao gồm cả ảnh hưởng tiêu cực trước sức ép thành tích.
Các cuộc thi qua mạng vô hình trung biến thành cuộc đua thành tích. Ảnh: An Ninh Thủ Đô.
Cuộc đua 'việt dã'
Trước khi vào vòng thi cấp trường, từ ngày 19 đến 23/12, học sinh tham gia cuộc thi ViOlympic 2016 phải vượt qua 9 vòng thi. Thay vì làm lần lượt từng vòng mỗi tuần theo chương trình thực học cho mỗi lớp, nhiều học sinh chỉ tập trung làm trong vài ngày để vượt qua điều kiện được tham dự vòng thi cấp trường.
Phụ huynh học sinh trường Tiểu học Kim Đồng (Hà Nội) cho biết cả tuần nay, hai mẹ con "ôm" máy tính suốt buổi tối để luyện các vòng ViOlympic. Vấn đề là nếu chỉ thi mỗi vòng một lần thì cũng không thành vấn đề nhưng để đạt thành tích tốt nhất, học sinh được giáo viên hướng dẫn lập nhiều tài khoản nhất có thể để thi được nhiều lần như một cách luyện thi.
Tâm sự của một phụ huynh được đăng tải trên mạng về cuộc thi này khiến các bậc phụ huynh và nhà giáo dục đều giật mình. "Một đứa trẻ bình thường mất từ 30 - 50 phút cho 8 vòng thi ở lần làm bài đầu tiên, nhưng sau vài chục lần làm đi làm lại thì chỉ hoàn thành trong 10 phút. Đó có phải trí tuệ và sự sáng tạo?
Hoàn toàn không, đó là thành tích, kiểu thuần Việt. Nó không khác mấy trò chơi điện tử, càng chơi càng thành thục, càng thành thục càng nhanh. Vậy người lớn chúng ta cần gì từ việc đó?", phụ huynh này đặt vấn đề.
Ngay cả giáo viên cũng thừa nhận trong thời điểm chuẩn bị thi học kỳ I, học sinh phải luyện đủ 10 vòng Toán, 6 vòng Vật Lý, 6 vòng Toán tiếng Anh để kịp thi cấp trường. Nếu chỉ thi theo kiểu tự nguyện thì không sao nhưng với nhiều trường, kỳ thi này được coi như một cách để đánh giá chất lượng, phong trào dạy và học của cô trò. Điều này khiến cả học sinh, giáo viên, phụ huynh đều bị cuốn vào cuộc thi với tâm lý khá nặng nề.
Kết quả cao 'không tưởng'
Theo đánh giá của một chuyên gia giáo dục am hiểu về các cuộc thi trên mạng, việc học sinh luyện đến mức làm 30 bài toán trong vòng 5 - 10 phút là không tưởng. Theo chuyên gia này, nếu một vòng thi thiết kế 30 bài toán trong vòng 60 phút thì việc học sinh làm trong vòng 5 - 10 phút chỉ có thể lý giải nguyên nhân là phần mềm cuộc thi đã bị "hack".
Còn nếu như học sinh luyện đến mức chỉ bấm máy một cách thành thục để đạt thời gian ngắn nhất, ý nghĩa của cuộc thi lại sai mất mục tiêu ban đầu. Đây là vấn đề mà ban tổ chức cuộc thi cần nghiên cứu và có phản hồi chính xác.
Trước một số ý kiến cho rằng đề thi năm nay khó hơn các năm trước, bà Nguyễn Thị Ngọc - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ học đường (ĐH FPT) - Trưởng dự án ViOlympic khẳng định: "Đề thi của ViOlympic đều bám sát chương trình của Bộ GD&ĐT. Đề thi luôn được ban nội dung biên soạn với tỷ lệ 40% là câu hỏi dễ, 40% câu hỏi trung bình, 20% câu hỏi khó. Để đạt được 300 điểm, học sinh phải nắm chắc kiến thức tổng hợp và kỹ năng làm bài trên máy tính".
Để khắc phục tình trạng phụ huynh vì thành tích giúp học sinh lập nhiều tài khoản để thi đi thi lại, trong năm học 2016 - 2017, Violympic đã bổ sung tính năng "Thi lại" đối với các vòng thi tự do từ 1 đến 9. Tính năng này nhằm giúp học sinh ôn luyện bằng cách được phép thi lại chính vòng thi đó mà không cần tạo thêm tài khoản mới.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là những biện pháp kỹ thuật. Còn việc nhà trường, phụ huynh khai thác cuộc thi theo cách thức nào lại là vấn đề khác. Rõ ràng cuộc thi bị biến tướng, tạo áp lực không cần thiết cho học sinh, bị lệch hướng thành một nơi tìm kiếm các giải cấp thành phố, quốc gia để phục vụ việc xét tuyển vào trường chuyên, lớp chọn thực tế đang diễn ra.
Theo Vinh Hương / An Ninh Thủ Đô
Vẫn chuộng đánh giá theo điểm số Các trường tiểu học tại TP.HCM đang ráo riết tổ chức làm đề phục vụ cho kỳ thi kiểm tra cuối học kỳ. Đây là học kỳ đầu tiên áp dụng việc đánh giá, nhận xét theo Thông tư 22. Kể từ ngày 6/11, Thông tư 22 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) sửa đổi, bổ sung Thông tư 30 về...