Samsung ‘vùi dập’ không thương tiếc TV OLED của LG trong quảng cáo mới
Tình hình ‘chiến sự’ hai gã khổng lồ Hàn Quốc đang rất căng thẳng. Cả hai đều không ngừng công kích đối thủ qua truyền thông và quảng cáo. Mới đây, họ lại tiếp tục tung video ‘đấu đá’ nhau.
Mới đây, Samsung Vina và LG Việt Nam đã có ‘lời qua tiếng lại’ về một TVC đầy tranh cãi, được LG đăng tải ngày 18/12. Nhưng thực ra trên kênh truyền thông toàn cầu, cả hai đã liên tục công kích nhau từ giữa tháng Mười Một.
TVC được LG Global đăng tải ngày 19/11
TVC mà LG Việt Nam đang chạy truyền thông, vốn đã được kênh Youtube chính thức LG Global đăng lên từ ngày 19/11. Còn trong ngày 15/11 trước đó nữa, cả hai kênh Youtube chính thức của Samsung và LG còn cùng đăng tải video công kích lẫn nhau.
Trong hai video ‘đá xoáy’ ngày 15/11, TVC Samsung tấn công LG thậm chí còn ‘nặng nề’ hơn nhiều. Đây quả là một cuộc đấu mãn nhãn giữa hai đội truyền thông đối đầu nhau, đặc biệt là người yêu công nghệ sẽ có nhiều cái để nhìn vào trong các video so sánh.
Trước đó 4 ngày, LG Global đã có một TVC xoáy vào điểm yếu màu đen không sâu, có thể bị quầng sáng trên TV LCD bao gồm cả loại QLED
Video của Samsung được đầu tư rất công phu, tấn công TV OLED của LG trên nhiều phương diện như cấu trúc, độ sáng, sản lượng màu, góc nhìn,… Chúng ta sẽ đi vào từng phần để thấy nội dung trong TVC đã ‘vùi dập’ không thương tiếc TV LG OLED như thế nào.
Cấu trúc White OLED
Mở đầu TVC, Samsung đã nhắm vào tấm nền OLED trên tất cả các TV thương mại hiện nay, chỉ ra chúng là loại White OLED chứ không phải RGB OLED. Tấm nền thực chất chỉ toàn diode hữu cơ phát sáng trắng, sau đó đi qua tấm lọc màu để hiển thị. Không giống với loại RGB OLED mà Samsung từng theo đuổi trong quá khứ, tấm nền gồm các diode hữu cơ phát sáng màu và bố trí theo ma trận RGB Stripe, không có bộ lọc màu.
Samsung ‘đá xoáy’ các TV OLED hiện nay vẫn tồn tại bộ lọc màu giống TV LCD
Samsung công kích các TV OLED hiện nay không tự tạo ra màu sắc mà phải dùng đến bộ lọc màu. Đặc biệt, họ dùng từ “also” ám chỉ cấu trúc này cũng tương tự trên TV LCD, dùng bộ lọc màu để hiển thị hình ảnh. Sau đó, công ty gợi ý rằng TV hiển thị hình ảnh tốt đến đâu, phụ thuộc vào cách nó sử dụng tài nguyên của mình.
Sau khi công kích cấu trúc TV OLED chưa thực sự hoàn hảo, Samsung đi đến phần chính của TVC là muốn nhắm trực tiếp tới đối thủ LG OLED. Họ tự tin tuyên bố đây là bài thử nghiệm khách quan, cả hai TV được đưa vào cùng một môi trường ánh sáng, chung nguồn video hiển thị, chế độ màu sắc và tên mã TV cũng hiện rõ.
Samsung đầu tư hẳn camera Sony 65.000 USD và hai ống kính có giá gần 61.000 USD để thực hiện TVC công kích LG OLED
Hai chiếc TV được chọn là LG OLED E9 và Samsung QLED Q90R, cùng cỡ 65 inch. Để chứng minh hình ảnh so sánh là khách quan, Samsung đã đầu tư hẳn máy quay cinema Sony CineAlta F65, hai ống kính quay phim ARRI 25mm và 40mm. Camera Sony là 65.000 USD và hai ống kính ARRI có giá gần 61.000 USD, tổng trị giá riêng bộ này đã là hơn 125.000 USD, cho thấy mức độ đầu tư của Samsung.
Đỉnh sáng
Ở màn đấu đầu tiên, Samsung không ngần ngại khoe đỉnh sáng của TV QLED vượt trội so với OLED. Mẫu LG đo được 733 nit, còn của Samsung là 2.179 nit, gấp khoảng 3 lần.
LG OLED E9 có đỉnh sáng chỉ bằng 1/3 Samsung QLED Q90R
Chi tiết vùng tối
Sau độ sáng là đến các tái hiện chi tiết vùng tối. Samsung đã hạ độ sáng của cả hai TV từ từ, đồng thời cho hiển thị một hình ảnh tông tối chủ đạo. Những gì diễn ra cho thấy, hình ảnh trên TV OLED bị quyện vào nhau một cách không rõ ràng, trong khi bên TV QLED vẫn phân biệt được các chi tiết.
Samsung một lần nữa nhấn mạnh rằng công nghệ của họ giúp TV có dải ánh sáng cao hơn, hiển thị rõ ràng chi tiết vùng tối hơn đối thủ. Dường như đây là so sánh có chủ ý nhắm vào khả năng hiển thị màu đen cực sâu của OLED?
Samsung khẳng định TV QLED cung cấp nhiều chi tiết hơn trong các cảnh tối
Sản lượng màu
Samsung khoe khoang thông số về dải màu đáp ứng trên TV QLED, lên đến 101% không gian DCI-P3. Ở bên chiếc LG OLED, dải màu chỉ đáp ứng được 78%. Kết luận, Samsung tuyên bố TV của mình có sản lượng màu dồi dào hơn mẫu của LG đến 23%.
Và cuối cùng, Samsung đánh vào điểm yếu chí mạng của tấm nền White OLED. Vốn ở thời kỳ đầu, White OLED được tiến sĩ Junji Kido của Đại học Yamagata phát minh năm 1993. Dùng ma trận RGB Stripe để lọc ánh sáng trắng từ diode hữu cơ, do bộ lọc màu hấp thụ quá nhiều nên lượng ánh sáng đi qua được rất thấp, dẫn đến độ sáng rất kém.
Ban đầu White OLED (ngoài cùng bên phải) có độ sáng rất thấp, Kodak đã dùng bộ lọc màu RGBW để tăng độ sáng, sau đó LG Display mua lại công nghệ này và thương mại nó theo hướng White OLED kết hợp bộ lọc màu RGBW
Phải đến năm 2008, hãng khai sinh ra công nghệ OLED là Kodak đưa ra sáng kiến áp dụng bộ lọc màu RGBW thay cho RGB Stripe. Lúc này, tấm nền White OLED mới được chú ý vì ánh sáng của diode hữu cơ đi xuyên qua một điểm ảnh phụ White đã bù cho lượng ánh sáng bị phần lọc RGB chặn mất, giúp đạt được độ sáng mong muốn mà không cần cấp quá nhiều điện năng.
Samsung xoáy sâu vào việc bổ sung điểm ảnh phụ White khiến màu sắc bị pha loãng của LG OLED, trong khi TV QLED dùng chấm lượng tử lại giúp sản sinh màu nhiều hơn
Đến năm 2009, LG Display nhìn thấy tiềm năng của White OLED có thể thương mại hóa, đã bỏ khoảng 100 triệu USD để thâu tóm nó. Tuy nhiên, việc thêm vào điểm ảnh phụ White đã dẫn đến hệ quả màu sắc bị pha loãng, không còn tinh khiết. Bão hòa màu bị giảm để đánh đổi cho độ sáng cao hơn, như Samsung đã đề cập.
TV QLED Q90R có dải màu dồi dào hơn OLED E9 23%
Với công nghệ chấm lượng tử QDEF, TV Samsung QLED dễ dàng ‘ghiền nát’ LG OLED ở khía cạnh này
Để cho thấy chênh lệch 23% này có ý nghĩa như nào, Samsung tiếp tục cho hai TV hiển thị một ảnh tĩnh gồm ba màu cơ bản. Từ hình ảnh mà máy quay Sony ghi nhận, trên màn hình TV OLED xuất hiện banding khi màu sắc không mịn, lộ rõ các vệt trông kém tự nhiên. Ở cảnh tiếp theo, Samsung công kích LG khi hiển thị bãi cỏ kém sống động. Màu cỏ không xanh mướt như trên TV họ mà có dấu hiệu bị loãng, một số vệt cỏ bạc màu.
Thậm chí khi hiển thị màu đỏ trên áo người mẫu, TV LG còn làm mất chi tiết, trong khi Samsung vẫn hiện rõ
Góc nhìn
Kế tiếp, Samsung thẳng thắn ‘dìm hàng’ LG ở yếu tố góc nhìn. Hãng công nghệ Hàn Quốc ‘chê bai’ LG OLED dùng bộ lọc màu nên độ tinh khiết không cao, khi chuyển góc nhìn sẽ thấy màu sắc bị sai khác. Ngược lại, Samsung QLED ít bị biến đổi màu sắc nhờ độ tinh khiết cao hơn.
Samsung tiếp tục công kích vào góc nhìn của TV OLED
Lỗi burn-in
Samsung như thường lệ, tiếp tục xoáy sâu vào điểm yếu burn-in cố hữu của công nghệ OLED. Lần này họ không minh họa bằng LG OLED E9 mà chuyển qua mẫu OLED B7, ra mắt vào năm 2017 tức từ hai năm trước. Thậm chí hãng còn giục người dùng lên mạng tìm kiếm về trường hợp TV bị burn-in.
Samsung chú thích thêm rằng hiện tượng burn-in xảy ra trên mẫu OLED B7 được trưng bày ở cửa hàng bán lẻ, với 10 giờ chạy mỗi ngày trong hơn 15 tháng. Rõ ràng chỉ trong những điều kiện nhất định, TV OLED mới bị burn-in. Chính Samsung cũng phải thừa nhận điều này khi dùng từ “may occur” để mô tả về xác suất bị burn-in.
Samsung không hề nhân nhượng LG, sẵn sàng vùi dập họ trực tiếp trên mọi khía cạnh
Kết luận
Kết thúc video, Samsung điểm lại những chiến thắng mà TV QLED giành được trước LG OLED. Đó là độ sáng cao hơn, màu sắc dồi dào hơn, chi tiết trong các cảnh tối rõ nét hơn, góc nhìn được tối ưu. Cuối cùng, không quên nhắc nhở bạn rằng với TV QLED, hoàn toàn không phải lo lắng về hiện tượng burn-in.
Hãng cũng không quên nhắc nhở người dùng rằng bản thân là thương hiệu truyền hình bán chạy nhất toàn cầu 13 năm liên tiếp, và tái khẳng định lập trường không sản xuất TV OLED, khi mà nó không đem lại nhiều lợi ích như QLED họ đang theo đuổi. Samsung rõ ràng đã không nhân nhượng LG một chút nào!
Công ty Hàn Quốc tái khẳng định lập trường không sản xuất TV OLED
Nhưng nếu bạn nghĩ LG chỉ châm chọc nhẹ nhàng cái tên “TV QLED” trong các TVC thì bạn đã lầm! Tại Hàn Quốc, LG cũng có đăng tải hai video tấn công trực diện Samsung, một là về độ phân giải 8K trên thế hệ QLED năm nay, hai là về bản chất các TV của họ vẫn chỉ là LCD được cải tiến bằng chấm lượng tử. Độc giả quan tâm có thể đọc lại bài viết được đính kèm ở phía trên cùng của bài. Còn bây giờ, mời các bạn xem cụ thể TVC ‘vùi dập’ LG OLED được Samsung đầu tư rất công phu dưới đây.
TVC công kích trực tiếp LG OLED đăng tải ngày 15/11
Theo VN Review
Samsung Vina khiếu nại LG vì so sánh với TV QLED, LG phản pháo như thế nào?
Samsung gửi đơn khiếu nại LG về TVC quảng cáo TV OLED vi phạm luật quảng cáo khi so sánh TV QLED của Samsung.
Tuy nhiên LG đã lên tiếng khẳng định không phạm luật và không có chủ ý so sánh bất kỳ một sản phẩm, thương hiệu cụ thể nào trong TVC quảng cáo này.
Samsung gửi đơn khiếu nại LG về TVC quảng cáo TV OLED vi phạm luật quảng cáo khi so sánh TV QLED của Samsung. Tuy nhiên, LG lên tiếng khẳng định không phạm luật và không có chủ ý so sánh bất kỳ một sản phẩm, thương hiệu cụ thể nào trong TVC quảng cáo này.
Trao đổi chiều ngày 28/11/2019, đại diện truyền thông của Samsung cho biết, Samsung đã gửi văn bản cho phía LG về vụ việc này.
Đại diện của LG cũng xác nhận việc công ty điện tử Samsung Vina gửi đơn khiếu nại tới một số cơ quan quản lý, cho rằng LG đang vi phạm luật Quảng cáo vì có ý so sánh với TV QLED của Samsung trong quảng cáo OLED TV.
"Chúng tôi xin khẳng định rằng LG không phạm luật quảng cáo và không có chủ ý so sánh bất kỳ một sản phẩm, thương hiệu cụ thể nào trong TVC quảng cáo của chúng tôi. Đối tượng so sánh là 2 công nghệ TV nói chung: LED và OLED. TVC này vẫn đang được phép trình chiếu, phát sóng ở nhiều nước trên thế giới", đại diện LG nói.
Đại diện LG cho rằng, LG hiện là nhà sản xuất sở hữu đầy đủ các công nghệ màn hình TV phổ biến nhất, bao gồm cả LED và OLED. TV LED nói chung là các dòng TV sử dùng các đèn LED nền hoặc LED viền để chiếu sáng. Trong khi đó, OLED là công nghệ hiển thị hoạt động dựa trên cơ chế điểm ảnh tự phát sáng bằng các diot phát quang hữu cơ. Mục đích của quảng cáo "LG OLED TV - Đẳng cấp khác biệt" nhằm phân biệt, nêu bật các ưu điểm của công nghệ OLED so với dòng TV LED nói chung, trong đó có cả các dòng TV LED thông thường của LG.
"Về việc so sánh chất lượng, chúng tôi hoàn toàn tự tin khẳng định là TV công nghệ LED sẽ không thể so sánh được với TV OLED tiên tiến. Với TV OLED của LG, khách hàng sẽ được trải nghiệm một màu đen tuyệt đối, độ tương phản sắc nét, chất lượng âm thanh hoàn mỹ, thiết kế mỏng như giấy và đặc biệt là sẽ không có sự khác biệt về chất lượng hình ảnh ở các góc nhìn khác nhau. Tất cả những yếu tố này, nhiều TV LED chưa làm được. Điều đó được minh chứng một cách khách quan, khi trong vòng 5 năm gần đây, TV OLED của LG luôn đứng vị trí số 1 trên các bảng xếp hạng TV tốt nhất thế giới do các trang công nghệ uy tín nhất trên thế giới như trên Digital Trends, Rting, Cnet, Forbes", đại diện LG nói.
Trong bảng xếp hạng TV trên thế giới thì dòng TV OLED của LG vượt xa so với các dòng TV LED, kể cả các dòng TV LED được cải tiến thêm chấm lượng tử, hay thêm nanocell.
Theo đại diện của LG, hiện đã có 15 hãng TV khác đang mua lại màn hình OLED của LG để sản xuất TV của mình, trong đó các hãng lớn như Sony; Panasonic, Phillip... Điều này khẳng định OLED là xu hướng, là hướng đi đúng đắn mà các hãng lựa chọn theo LG. TVC này cũng nhằm đưa thông điệp, LG OLED TV với những ưu điểm vượt trội, hoàn toàn khác biệt so với công nghệ LED và đang là xu hướng thay thế cho các công nghệ cũ.
TVC của LG chỉ so sánh TV OLED với các dòng TV LED thông thường nói chung, không so sánh tới QLED của Samsung, nhưng trong công văn khiếu nại, Samsung cho rằng những khuyết điểm của dòng TV LED thông thường trong TVC chính là nhằm nói về TV QLED của họ. Như vậy Samsung khẳng định QLED chính là công nghệ LED.
"Trước đó, nhiều ý kiến cho rằng việc Samsung đặt tên QLED khiến họ hiểu nhầm công nghệ cùng chung cấu trúc/đẳng cấp với OLED. Chính vì vậy, TVC này của chúng tôi là lời giải thích hợp lý để người dùng nhận biết và phân biệt sự khác nhau giữa các công nghệ, đồng thời chỉ ra những ưu việt của công nghệ OLED giúp khách hàng đưa ra sự lựa chọn đúng đắn", đại diện LG nhấn mạnh
Theo ITC News
TV Samsung trải qua 145 bài 'thử lửa' mới về đến nhà bạn TV Samsung trước khi được xuất xưởng, đến tay người dùng phải vượt qua 145 bước kiểm tra nghiêm ngặt đạt tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng, độ bền. Thông qua video 60 giây, Samsung công bố quy trình kiểm tra chất lượng khắc nghiệt các dòng TV tại nhiều nhà máy trên thế giới. Theo hãng, những bài kiểm tra mô...