Samsung: Từ 30.000 won đến chaebol số 1 Hàn Quốc
Ít người biết rằng trước khi là tập đoàn công nghệ nổi tiếng nhất Hàn Quốc, xuất phát điểm của Samsung chỉ là một cửa hàng nhỏ, chuyên kinh doanh mỳ ăn liền, cá khô tại thành phố Daegu.
Những chiếc điện thoại chất cao như núi trên sân nhà máy Gumi, mỗi phút lại nhiều hơn. Điện thoại, tivi, máy fax cùng các thiết bị khác vỡ toang khi bị ném xuống sàn, trong khi ông Lee Kun Hee và giám đốc đập nát chúng bằng búa. Sau đó, họ châm một ngọn lửa, quẳng mọi thứ vào trong.
2.000 nhân viên bắt đầu khóc, song không thể ngăn lại cơn lũ sản phẩm tiếp tục được mang đến. CEO Samsung khi ấy tức giận vì chất lượng sản phẩm tệ hại sản xuất tại nhà máy của mình vào đầu những năm 1990. Trong cơn giận dữ, ông ra lệnh tất cả phải bị phá hủy.
Cứ như thế, khoảng 50 triệu USD đã bị đốt cháy chỉ trong một ngày năm 1995 khi Samsung giương cao biểu ngữ “Chất lượng trên hết” và bắt đầu cuộc hành trình chậm chạp đến ngôi vị thống trị thế giới. Một Samsung Electronics rất khác nổi lên từ tro tàn…
Từ tôm tới bán dẫn
Với hầu hết mọi người, cái tên “Samsung” gắn liền với smartphone, tivi, tủ lạnh, lò vi sóng. Tuy nhiên, ít ai biết rằng trước khi có Samsung Electronics, Samsung chỉ là một công ty thương mại nhỏ, do ông Lee Byung Chull sáng lập năm 1938 tại Daegu với số vốn vỏn vẹn 30.000 won, chuyên chế biến hải sản khô và sản xuất mỳ ăn liền. Việc làm ăn thuận lợi giúp ông Lee mở thêm Samsung Mulsan (nay là Tập đoàn Samsung) năm 1948. Dù vậy, sau thời gian chăm chỉ phát triển Samsung Mulsan, ông Lee buộc phải từ bỏ tài sản của mình tại Seoul khi thành phố bị kẻ thù chiếm đóng.
Ông gần như trắng tay.
Câu chuyện của Samsung lẽ ra kết thúc ở đây, song ông Lee đã đến Busan để bù đắp mất mát và đưa Samsung Mulsan từ cõi chết trở về. Nền kinh tế chiến tranh tạo điều kiện cho tập đoàn non trẻ: chỉ trong vài năm, ông Lee có trong tay một vài doanh nghiệp nổi bật.
Từ đó, kỷ nguyên gia đình trị (chaebol) của Samsung bắt đầu. Ông Lee Byung Chull ngồi ở chiếc ghế cao nhất và theo thời gian, chuyển giao lại công việc cho 6 người con gái và 4 người con trai. Không ai xuất chúng hơn cậu con trai út Lee Kun Hee, người chính thức gia nhập tập đoàn năm 1968 sau khi học xong kinh tế học tại Đại học Waseda và lấy bằng MBA tại Đại học George Washington.
Năm 1969 chứng kiến sự ra đời của Samsung Electronics. Sản phẩm đầu tay của họ là những món đồ gia dụng khiêm tốn. Samsung bắt tay với Sanyo để sản xuất tivi đen trắng do họ không có kinh nghiệm, tiếp đó là tủ lạnh, máy điều hòa nhiệt độ, quạt điện.
Ông Lee xác định nhu cầu ngày một lớn đối với điện tử tiêu dùng sẽ có ý nghĩa rất lớn với Samsung. Song có một vấn đề là nhiều linh kiện trong sản phẩm đến từ nước ngoài, đặc biệt là Nhật Bản. Do sức ảnh hưởng của các thương hiệu Nhật như Sony, doanh nghiệp điện tử Hàn Quốc phụ thuộc vào nhập khẩu linh kiện và kiến thức ngoại nhập.
Năm 1974, Samsung mua cổ phần trong công ty bán dẫn Korea Semiconductor để giảm lệ thuộc vào nước ngoài. Không phải ai trong Samsung cũng đồng ý với quyết định này, vì vậy ông Byung Chull giải quyết vấn đề bằng tiền riêng. Korea Semiconductor đổi tên thành Samsung Semiconductor năm 1978, Samsung cũng sớm tự sản xuất bán dẫn, nước đi đem đến thành công lớn vài thập kỷ sau đó.
Cố Chủ tịch Samsung Lee Kun Hee
Hầu hết những năm 1970, Samsung Electronics sản xuất thiết bị giá rẻ như tivi màu để xuất khẩu. Đến thập niên 80, Samsung Group trở thành một trong các chaebol lớn nhất Hàn Quốc. Dù vậy, khách hàng nước ngoài vẫn “ngó lơ” các sản phẩm điện tử của hãng. Ai lại muốn mua tivi Samsung khi xếp cạnh tivi Sony trên kệ? Điều tệ hơn là những người cho Samsung một cơ hội lại phát hiện sản phẩm quá tệ, song ông Byung Chull không có đủ thời gian để giải quyết việc này.
Tạm biệt Lee Byung Chull, xin chào Lee Kun Hee
Video đang HOT
Bầu trời Seoul giăng đầy mây đen vào ngày ông Lee Byung Chull qua đời (20/11/1987) vì căn bệnh ung thư gan. Chỉ hai tuần sau, ông Lee Kun Hee tiếp nhận Tập đoàn Samsung và trở thành Chủ tịch đời thứ hai. Ông không ngần ngại loại bỏ hai người anh trai do không làm tốt nhiệm vụ. “Họ không phù hợp với vị trí lãnh đạo. Cuộc đời một người rất ngắn nhưng một tập đoàn thì không”, ông trả lời trên tạp chí Time năm 1976.
Nhiệm kỳ của ông Kun Hee gắn với các khoảnh khắc mang tính quyết định đối với hướng đi của cả tập đoàn. Tầm nhìn của ông Lee chính là Samsung ngồi trên đỉnh ngành công nghiệp thế giới, tầm nhìn đó không có chỗ cho những sản phẩm tệ hại và hoạt động bất cẩn mà ông chứng kiến ngày qua ngày.
Năm 1993, ông tới Đức và triệu tập khoảng 200 lãnh đạo Samsung, làm rõ tầm nhìn trong 3 ngày. “Thay đổi mọi thứ, trừ vợ và con các ông”, ông Lee nói. Samsung Electronics đang gặp rắc rối và mọi người trong căn phòng đó cần phải thay đổi nhanh chóng.
Dù vậy, dường như mọi người đã sớm quên thông điệp của Chủ tịch. Năm 1995, ông Lee gửi một số điện thoại Samsung mới nhất làm quà tặng năm mới, để rồi bị bẽ mặt vì nhận được thông báo chúng không hoạt động tốt. Chất lượng tiếp tục trượt dốc, ông quyết định phải vào cuộc. Đó là nguyên nhân dẫn đến vụ tiêu hủy 50 triệu USD sản phẩm cùng năm.
Từ đây, Samsung Electronics nỗ lực gấp đôi vào R&D. Việc bổ nhiệm CEO Yun Jong Yong vào tháng 12/1996 chứng minh hiệu quả. Ông lèo lái Samsung Electronics qua nhiều giai đoạn khó khăn như khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Ông giúp Samsung Electronics chuyển từ một nhà sản xuất thiết bị thường thường sang hiện đại. Ngoài ra, đầu tư sớm vào bán dẫn cho phép Samsung cạnh tranh theo cách mà các hãng điện tử khác – như Sony – không kịp chuẩn bị.
Samsung Electronics không cố tiên phong trong các lĩnh vực chưa phổ biến. Thay vào đó, họ chọn ra các thị trường có tiềm năng và kiên trì đánh bại đối thủ. Chẳng hạn, Samsung sản xuất màn hình TFT-LCD đầu tiên vào giữa những năm 1990 và bỏ ra số tiền đáng kể để cải thiện chất lượng sản xuất, độ sắc nét, kích cỡ do nhu cầu màn hình phẳng tăng mạnh từ cuối thập niên 90.
Di động cũng là một cơ hội khổng lồ. Chiến lược dựa trên đầu tư khủng và phát triển nhanh đã giúp Samsung vượt lên đối thủ, tương tự họ đã làm được trên thị trường màn hình. Cách tiếp cận này có thể gọi là “tán xạ”. Dù là điện thoại phổ thông hay điện thoại thông minh, Samsung Electronics luôn cho ra đời sản phẩm mới với tốc độ ánh sáng để xem phản ứng của người dùng. Điều đó dẫn tới một số lượng lớn thiết bị có vòng đời cực ngắn, đôi khi chỉ vài tháng, nhưng lại là tiền đề cho các thành công sau này.
Năng lực sản xuất đáng kinh ngạc, sự tận tâm với tốc độ và hiệu quả, mức độ “điên rồ” của các nhà lãnh đạo và sự sẵn sàng vứt bỏ mọi sản phẩm “khuyết tật”, tất cả đã góp phần giúp Samsung thống trị gần như mọi ngành công nghiệp mà họ tham gia.
Đại chiến kinh điển giữa 2 gia tộc LG và Samsung: Từ là bạn, là sui gia đến kẻ thù không đội trời chung và 'thỏa thuận ngừng chiến' sau gần 3 thập kỷ
Từng là thông gia nhưng ít ai biết 2 gia tộc LG và Samsung vốn là kẻ thù không đội trời chung suốt nhiều thập kỷ.
Tại hội chợ công nghệ diễn ra ở Berlin, Đức vào năm 2014 xảy ra một vụ việc đáng xấu hổ. Theo đó, Samsung đã buộc tội giám đốc mảng thiết bị gia đình của LG phá huỷ hàng loạt máy giặt cao cấp của hãng được trưng bày tại đây với mức giá 2.700 USD mỗi chiếc.
Phía Samsung chỉ ra tên đích danh của lãnh đạo LG là ông Jo Seong-jin. Tuy vậy thông qua người phát ngôn, ông Jo từ chối lời buộc tội này và khẳng định máy giặt hỏng là do Samsung thiết kế cửa lồng giặt quá yếu. Vụ việc sau đó đã được giải quyết ổn thoả nhưng sự thật thì mối thâm thù giữa hai tập đoàn hàng đầu của Hàn Quốc này vẫn âm ỉ cháy suốt gần nửa thế kỷ qua.
Hai tập đoàn này luôn rượt đuổi nhau không ngừng trên thị trường quốc tế với những sản phẩm như ti vi, tủ lạnh, điện thoại thông minh...
Tại quê nhà Hàn Quốc, thậm chí cuộc chiến giữa Samsung và LG còn trở nên khốc liệt hơn rất nhiều. Cả 2 luôn dùng mọi cách để có thể vượt qua nhau, thường xuyên tuyên bố sản phẩm mới và tìm câu trả lời xem ai là người bán nhiều thiết bị hơn hay ai đánh cắp bí mật công nghệ của bên còn lại. Cho tới bây giờ, thậm chí cuộc đấu giữa Samsung và LG không dừng lại việc "xưng vương" ở Hàn Quốc, mà là cả châu Á và thế giới.
Tính đến thời điểm hiện tại, Samsung có phần "nhỉnh hơn" khi là chaebol lớn nhất Hàn Quốc với doanh thu năm 2014 đạt 206,2 nghìn tỷ won (tương đương 171 tỷ USD), chiếm tới 17% tổng GDP Hàn Quốc.
Trong khi đó, LG hiện đứng thứ 4 trong top 5 chaebol của Hàn Quốc và theo số liệu của Ủy ban Thương mại Tự do Hàn Quốc, trong năm 2014, 3 mảng kinh doanh điện tử, hóa chất và viễn thông của LG mang về doanh thu 116 nghìn tỷ won (104 tỷ USD). Còn theo người phát ngôn của LG Group, doanh thu của tập đoàn này trong năm 2014 là 150 nghìn tỷ won (136 tỷ USD).
Tình bạn, tình sui gia
Vào năm 1938, ông Lee Byung-chull lập ra một công ty thương mại ở tỉnh Gyeongsang, cũng là quê hương ông, và đặt tên nó là Samsung. Tuy nhiên, sau chiến tranh với Nhật Bản, ông Lee gần như mất tất cả. Với số vốn ít ỏi còn lại, ông lập ra một công ty tinh luyện đường mang tên Sugar BC.
Trong khi đó, nhà sáng lập LG, Koo In-hwoi cũng sinh ra tại Gyeongsang. Sau khi thành công tương đối ở việc kinh doanh hàng khô và nhập khẩu, ông mở công ty mỹ phẩm Luk Hai - chuyên sản xuất kem "Lucky" vào năm 1947.
Đến năm 1958, ông tiếp tục thành lập Goldstar - gốc rễ hình thành nên LG Electronics sau này. Goldstar nổi tiếng với chiếc A-501, thiết bị radio gia đình đầu tiên của Hàn Quốc. Có thể nhận thấy, LG đã đi trước Samsung một bước khi tiến vào thị trường điện tử.
Vốn cùng quê, 2 nhà sáng lập Byung-chull và In-hwoi có mối quan hệ bạn bè khá thân thiết và tôn trọng lẫn nhau. Thậm chí, 2 vị này còn học tiểu học cùng nhau và đặc biệt khi lớn lên, họ có quan hệ thông gia khi con gái thứ hai của ông Byung-chull kết hôn với con trai thứ ba của ông In-hwoi. Sau khi trở thành vợ chồng, con trai của ông In-hwoi đã về làm cho Samsung một thời gian.
Đại chiến giữa các vì sao
Nói như vậy là bởi, chữ Samsung trong tiếng Hàn Quốc có nghĩa là "ba ngôi sao", còn nguyên gốc của chữ "G" trong LG có nghĩa là "Goldstar" - "ngôi sao vàng". Đây được coi là 2 đại diện ưu tú, 2 ngôi sao sáng bậc nhất trên bầu trời Hàn Quốc.
Với vị thế là người đi trước đón đầu trong lĩnh vực điện tử, LG đã nhận được sự hỗ trợ rất nhiều từ chính phủ và nhờ vậy, họ đã phát triển rất vững mạnh. Mọi chuyện bắt đầu nảy sinh khi nhà sáng lập Samsung cũng nhận thấy được tiềm năng lớn và quyết định dấn thân vào lĩnh vực này.
Theo lời kể lại của con trai ông Lee thì nhà sáng lập của Samsung đã gặp trực tiếp ông Koo để thông báo kế hoạch tấn công vào thị trường điện tử. Dĩ nhiên ông Koo đón nhận thông tin này với một thái độ không mấy dễ chịu bởi trước đó họ từng có cam kết ngầm không bao giờ nhảy vào lĩnh vực của nhau. Nhà sáng lập LG thậm chí đã lớn tiếng quát mắng vị thông gia. Ngược lại, ông Lee cũng bất ngờ trước phản ứng của ông Koo và bỏ về.
Kể từ đó, hai nhà lãnh đạo LG và Samsung không bao giờ thân thiết trở lại nữa. Ngay sau vụ việc, con trai của ông Koo (và cũng là con rể của ông Lee) nhanh chóng rời khỏi Samsung.
Khác biệt của 2 nền văn hoá
Những tài liệu ghi lại cho thấy gia đình của ông Koo rất tôn sùng Nho giáo - loại tôn giáo truyền thống của Triều Tiên. Điều này khiến cho nền văn hóa doanh nghiệp của LG, đến tận bây giờ vẫn bị cho là "cổ hủ" so với các chaebol khác. Ví dụ điển hình là việc LG tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc "trao ngôi cho con trưởng".
Koo Cha-kyung, con trai trưởng của ông In-hwoi, kế thừa ngôi vị chủ tịch của cha, và sau đó cũng trao lại ngôi vị này cho con trai trưởng của mình, Koo Bon-Moo. Ông Bon-Moo không có con trai, và bởi vậy đã nhận cháu ruột của mình làm con nuôi - và vị này đang được kỳ vọng sẽ kế nghiệp tại LG trong tương lai.
Trong khi đó, Samsung lại tuân thủ theo văn hoá "cân nhắc tất cả các lựa chọn rồi mới đi đến quyết định".
Minh chứng rõ ràng nhất cho văn hóa này là lựa chọn kế nhiệm của nhà sáng lập Samsung: Ông lựa chọn con trai thứ ba - Lee Kun-Hee làm người kế nghiệp. Và thật may mắn, chính quyết định này đã mang vinh quang về cho Samsung. Thời gian đó, LG vẫn dẫn đầu trong mảng điện tử và hoá chất tuy nhiên, dưới sự dẫn dắt của người con trai thứ 3 Lee Kun-hee, Samsung đã có sự tăng tốc thần kỳ.
Chữ Samsung trong tiếng Hàn Quốc có nghĩa là "ba ngôi sao", còn nguyên gốc của chữ "G" trong LG có nghĩa là "Goldstar" - "ngôi sao vàng". Đây được coi là 2 đại diện ưu tú, 2 ngôi sao sáng bậc nhất trên bầu trời Hàn Quốc.
Trước sức ép từ không chỉ từ Samsung mà từ nhiều đối thủ khác, một lần nữa, dưới thời kỳ cai trị của thế hệ thứ 2 là ông Koo Cha-kyung, LG lại đi tiên phong trong việc tuân thủ triết lý "chất lượng trên số lượng". Thậm chí, vị chủ tịch này còn trực tiếp thuyết giảng triết lý này tới đông đảo người tiêu dùng.
Song, Samsung cũng không hề kém cạnh. Chủ tịch Lee Kun-Hee đã nhanh chóng "học hỏi" và mang thông điệp này tới người tiêu dùng. Hơn nữa, Samsung còn biết cách để làm cho người khác chú ý tới mình hơn. Cụ thể, trong một buổi nói chuyện với truyền thông, chủ tịch Lee gọi các thiếu sót trên sản phẩm là "các khối u". Đến năm 1995, ông Lee thậm chí còn không ngần ngại ra lệnh tiêu hủy 150.000 mẫu điện thoại di động lỗi ngay trước cửa nhà máy để thể hiện quan điểm mạnh mẽ của mình.
Chiến thắng nhờ "cái đầu lạnh"
Lịch sử Samsung ghi nhận cột mốc quan trọng vào năm 1983 khi chủ tịch công ty Lee Byung-chull tuyên bố họ sẽ tham gia vào lĩnh vực sản xuất chip bán dẫn. Rất nhiều người cho rằng đây là hành động quá "liều lĩnh" trong bối cảnh các ông lớn Nhật Bản như NEC, Toshiba và Hitachi là những tên tuổi số 1 thế giới về chip nhớ. Ngay cả các tập đoàn lớn của Mỹ như Motorola, Texas Instruments hay National Semiconductor cũng phải chịu cúi đầu trước Nhật Bản.
Tuy nhiên, với những thành tựu gồm sản xuất thành công chip nhớ DRAM 64KB, 256KB và RAM 4MB... Samsung đã lần lượt vượt qua các đối thủ và trở thành nhà sản xuất chip nhớ số 1 thế giới, và cho đến nay họ vẫn vững vàng trên ngôi vị này.
Trong khi đó, dù chỉ bước sau Samsung 1 bước trong cuộc đua chip bán dẫn nhưng may mắn đã không mỉm cười với LG. Tới năm 1997, trong khuôn khổ chương trình tái cơ cấu do chính phủ Hàn Quốc, LG buộc phải bán lại mảng chip bán dẫn của mình cho Hyundai. Và như vậy, họ đã mất đi vũ khí quan trọng để đối đầu với Samsung.
Ngoài chip bán dẫn, LG và Samsung còn rượt đuổi nhau trong cuộc đua thiết kế màn hình ti vi và điện thoại di động.
Dù Samsung là người tiến quân ra thị trường Mỹ và châu Âu trước nhưng LG mới là người đạt được thành tựu "khủng" với siêu phẩm "điện thoại socola" vào năm 2005. Sản phẩm này đã rất được ưa chuộng tại thị trường Mỹ. Thời gian đó, cả Samsung và LG đã cùng nhanh chóng đuổi kịp Nokia - hãng điện thoại đến từ Phần Lan.
Tuy nhiên, với sự tập trung cao độ và đặc biệt đổi mới không ngừng nghỉ về thiết kế, một lần nữa may mắn lại mỉm cười với Samsung khi công ty này trở thành nhà sản xuất điện thoại lớn thứ 2 thế giới (thống kê năm 2006) và LG khiêm tốn nằm ở vị trí thứ 5. Hiện tại, khoảng cách này càng được nới rộng hơn khi Samsung leo lên ngôi vị là nhà sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới về doanh số bán hàng (lượng điện thoại được bán ra trong Q1/2014 là 93,15 triệu chiếc) và LG vẫn giậm chân tại vị trí số 5 (lượng điện thoại bán ra trong Q1/2014 là 11,74 triệu chiếc).
Thỏa thuận ngừng chiến
Giữa năm 2015, Samsung và LG đã tuyên bố rằng họ sẽ chấm dứt tất cả tranh chấp về mặt pháp lý để mang lại không khí hoà bình cho cả 2. "Cả hai công ty nói họ đang kết thúc tranh chấp để tập trung cải thiện chất lượng sản phẩm và dịch vụ khách hàng. Hai bên sẽ giải quyết những bất đồng "thông qua hội thoại và hợp tác thay vì những hành động pháp lý".
Từ xa xưa người Hàn Quốc đã có câu: "Những kẻ đánh nhau thì thường giống nhau". Với trường hợp của LG và Samsung cũng vậy. Cả 2 đã cùng tạo dựng nên một câu chuyện dài trong quá khứ, tuy nhiên chắc chắn xứ Kim Chi đã rất khác nếu không có sự tồn tại của họ.
Cho đến nay, người ta vẫn chưa thể kết luận được kẻ thắng và người thua cuộc. Tuy nhiên, bản thân LG và Samsung dường như cũng cảm thấy rằng họ "kiệt sức".
Hàn Quốc tham vọng thành cường quốc bán dẫn bằng 453 tỷ USD Chính phủ Hàn Quốc vừa công bố kế hoạch 453 tỷ USD và ưu đãi thuế nhằm củng cố khả năng cạnh tranh của các nhà sản xuất chip trong nước. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In (thứ năm từ trái qua) thăm trung tâm sản xuất bán dẫn Samsung hôm 13/5. (Ảnh: Yonhap) Hôm 13/5, Hàn Quốc công bố kế hoạch...