Sai lầm nhiều phụ huynh mắc phải khi dạy con: Những “bức tường” cao lên cùng sự sợ hãi
“Cứ không hiểu, không biết, không kiểm soát được là cấm cái đã rồi tính sau. Là nhốt con trong bức tường mình đã xây lên chứ không còn là bảo vệ con nữa, càng yêu con bao nhiêu càng xây bức tường dày bấy nhiêu”.
Làm cha mẹ chưa bao giờ là việc dễ dàng. Còn bé thì lo sức khỏe, thể trạng, cân nặng. Lớn lên, đi học thì lại lo việc học hành, lo chơi với bạn bè thế nào, lo suy nghĩ, cách ứng xử của con. Thậm chí con 18, 20 tuổi vẫn lo chuyện tốt nghiệp đi làm ở đâu, thế nào. Rồi lo chuyện con yêu đương, kết hôn ra sao? Sinh ra một đứa con là tự khoác vào mình vô vàn lo lắng. Mà càng lo thì càng sợ, càng sợ thì càng xây lên những bức tường hòng bảo vệ con…
Những bức tường cao lên cùng sự sợ hãi
Có 1 câu rất hay “ Sinh con ra chính là dứt trái tim mình ra khỏi lồng ngực“. Chúng là trái tim của chúng ta đang lang thang ngoài kia. Cuộc sống càng hiện đại, mối lo của cha mẹ càng nhiều. Trước chỉ lo chúng nó đá bóng bị gãy chân, đi bơi bị đuối nước, bị bạn bè xấu lôi kéo này nọ. Giờ thì thêm vạn nỗi lo nữa từ mạng mẽo, từ những thứ mà chính cha mẹ cũng chưa được chuẩn bị tâm lý, kỹ năng để chia sẻ – đối thoại cùng con. Đó cũng là lý do khiến nhiều vị phụ huynh trở nên co cụm, sợ hãi chọn cách xây những bức tường bảo vệ con em họ trước những điều xấu xí ngoài kia.
Phải! Là những bức tường mang tên “ Cấm đoán”. Cứ không hiểu, không biết, không kiểm soát được là cấm cái đã rồi tính sau. Là nhốt con trong bức tường mình đã xây lên chứ không còn là bảo vệ con nữa, càng yêu con bao nhiêu càng xây bức tường dày bấy nhiêu. Thậm chí còn nhiều bức tường có cả dây thép gai bằng những hình phạt, những lô cốt chỉ có lỗ nhỏ từ cha mẹ để con hít khí trời. Mà cũng phải là khí trời do cha mẹ kiểm duyệt, đưa vào chứ không phải khí trời tự nhiên.
Một kiểu xây tường nữa, đó là xây tường bằng kinh nghiệm của cha mẹ. Ngày xưa cha mẹ cũng thế này nên ngày nay con cái cũng phải thế này. Không được sai, thậm chí không được đúng nếu như cái đúng đó không giống cái đúng của cha mẹ. Kinh nghiệm của người làm cha mẹ năm 1980 không thể áp dụng cho người làm cha mẹ năm 2018 được. Cơ mà họ vẫn áp dụng: “ Ngày xưa ông nội dạy bố, bà ngoại dạy mẹ thế này nên con cũng phải theo“.
Và một kiểu xây tường mà nhiều cha mẹ giờ vẫn hay áp dụng đó là “nghe người ta nói”. Đây cũng là một dạng xây tường cho cả hai phe: Cha mẹ và con cái. Cứ thấy trên mạng rộ lên cái gì là về xây tường bảo bọc con cái ngay. Đi một bước cũng đụng tường. Con cái phải đi theo sơ đồ chỉ dẫn của cha mẹ.
Tôi gọi việc này là SỐNG THAY CON.
Việc xây những bức tường bảo vệ con sẽ khiến con trở thành người thế nào?
Thực ra, xây tường cũng là bởi yêu con, lo lắng cho con. Trong mắt bố mẹ, con cái lúc nào cũng bé “xíu xìu xiu” mà. Nhưng việc xây quá nhiều những bức tường đầu tiên đó là chúng ta sẽ khiến con thụ động, mất kỹ năng ứng phó với cuộc sống mai này. Chúng ta bảo vệ con hay bảo bọc con? Chúng ta muốn giữ lũ trẻ tránh xa những thứ xấu xí hay chúng ta đang nhốt lũ trẻ vào một cái lồng kính vô trùng? Vẫn biết rằng ngoài kia nhiều thứ không tốt, nguy hiểm nhưng cái cách chúng ta tìm đường đi vòng qua nó hoặc không dám đi qua nó sẽ khiến những đứa trẻ nhiều tuổi mà vẫn chỉ là những đứa trẻ.
Vậy làm sao để vẫn bảo vệ con mà không xây tường bịt kín lối con?
Nuôi dạy con là cả một nghệ thuật đối với những người làm cha làm mẹ.
Hãy xây những cây cầu
Video đang HOT
Hãy xây những cây cầu. Tôi nghĩ thế! Cuộc sống này phát triển là nhờ xây những cây cầu chứ không phải là xây những bức tường. Chính cha mẹ hãy trở thành những cây cầu của các con. Hãy cùng con kết nối với thế giới bên ngoài bằng việc đồng hành cùng đám trẻ. Hãy cho con được quyền sai để tìm ra đáp án đúng.
Tôi vẫn hay nói về việc vấp ngã và đứng dậy. Đừng “đánh chừa” đất để khiến trẻ học cách đổ lỗi. Nhưng cũng đừng bỏ mặc trẻ vấp ngã để trẻ tự đứng dậy. Nhiều cha mẹ hay chọn cách để trẻ tự đứng dậy và học từ thất bại nhưng như thế cũng chưa đúng. Việc trẻ bị bỏ mặc cũng sẽ khiến trẻ bị tổn thương, cảm giác bỏ rơi. Việc muốn trẻ thất bại để trưởng thành cũng vậy, sẽ khiến trẻ nhìn cuộc đời tiêu cực. Tôi nghĩ cha mẹ hãy trở thành những cây cầu có tay vịn cho trẻ. Tức là trẻ vấp ngã, đừng đánh chừa đất, đừng bỏ mặc. Hãy cổ động trẻ đứng dậy, cùng trẻ bàn luận về việc đứng dậy thế nào, tại sao chúng ta ngã, chúng ta có thể thay đổi điều gì ở chúng ta để sau này không ngã lặp lại không? Tôi nghĩ trẻ luôn cần những tham vấn từ cha mẹ. Nghĩ trẻ còn bé là sai mà nghĩ trẻ cần tự lập để trưởng thành cũng là sai. Phải là trưởng thành cùng trẻ.
Phải! Là cùng con trưởng thành. Cùng con sai để tìm đáp án đúng. Cùng con xây dựng thế giới này theo cách mà con muốn và bố mẹ an tâm. Tôi vẫn cho rằng chúng ta – những người làm cha làm mẹ cũng cần phải học mỗi ngày. Kiến thức sẽ giúp chúng ta thoát khỏi sợ hãi. Kiến thức sẽ giúp chúng ta giải quyết được những nỗi sợ hãi. Mà phải học cùng con những kiến thức đó. Xây thêm nhiều cây cầu chính ý nghĩa là vậy. Đập bỏ bức tường sợ hãi đi, cùng con bước ra thế giới ngoài kia. Đừng sống thay con – hãy sống cùng con là vậy!
Những đứa trẻ trưởng thành
Những đứa trẻ được cha mẹ xây cho những cây cầu thì sẽ đi xa hơn, tiếp cận và trải nghiệm với thế giới bao la ngoài kia nhiều hơn. Có trưởng thành nào mà không phải vượt qua đôi ba lần đau đớn? Nhưng đau đớn đó, vấp ngã đó một khi có cha mẹ ở bên, ngã cùng hoặc chia sẻ cùng thì hẳn là trưởng thành đó sẽ bớt đi nhiều phần đau đớn.
Những ngày tôi giữ chuyên mục Chánh Văn trên báo Hoa Học Trò, thứ mà tôi luôn tâm niệm đó là trưởng thành cùng độc giả của tôi. Không phải qua từng câu trả lời suốt 12 năm đằng đẵng đó mà là sự lắng nghe trong suốt 12 năm đó. Bởi đôi khi, trưởng thành cùng con chỉ đơn giản là dành cho con mình một đôi tai mở: từ cha mẹ! Là tin vào con mình và cho chúng thấy chúng luôn có 1 người tin tưởng chúng. Là xây thêm nữa nhiều cây cầu giúp con vượt qua những khó khăn của năm tháng dậy thì. Tôi nghĩ, đó mới chính là những gì tốt đẹp nhất mà chúng ta có thể dành tặng con mình!
(*Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả)
Theo Helino
Bận rộn đến mấy cha mẹ thông thái vẫn luôn duy trì cùng con 10 thói quen dưới đây
Phụ huynh thông minh vẫn duy trì được sự kết nối với con đều đặn, ngay cả khi con đã bước vào tuổi teen, nhờ họ duy trì những thói quen dưới đây một cách thường xuyên.
Rất nhiều cha mẹ phàn nàn rằng càng lớn lên càng thấy con đang dần xa cách mình. Không ít người còn buồn phiền vì có cảm giác mình không còn ảnh hưởng tới con như trước kia nữa, vị trí của mình chỉ xếp sau bạn bè, giáo viên... của con. Từ đó mà cha mẹ nảy sinh suy nghĩ "Liệu mình đã làm gì sai trong quá trình nuôi dạy con?".
Các chuyên gia tâm lý cho rằng khoảng cách giữa cha mẹ và con cái sẽ dần "giãn" ra khi con trẻ ngày một khôn lớn. Tuy nhiên, những phụ huynh thông minh vẫn duy trì được sự kết nối với con đều đặn, ngay cả khi con đã bước vào tuổi teen, nhờ họ duy trì những thói quen dưới đây một cách thường xuyên.
1. Ăn tối cùng nhau
Thiết lập thói quen ăn tối cùng nhau mỗi ngày sẽ là cơ hội tạo ra khoảng thời gian cùng con kết nối mối quan hệ tốt đẹp. Nhờ đó, kể cả khi con đã bước vào giai đoạn tuổi teen, bố mẹ vẫn duy trì được sự kết nối đều đặn cùng con.
2. Bỏ điện thoại xa bàn ăn và khi lái xe
Nhiều người thừa nhận rằng quyết định này đầu tiên được thúc đẩy bởi sự sợ hãi và tội lỗi. Nói cách khác, bố mẹ cảm thấy tội lỗi vì lướt Facebook trong khi ăn tối và sợ rằng nếu con thấy bố mẹ nhắn tin trong xe, con sẽ bắt chước hành vi đó.
Đôi khi nỗi sợ hãi và tội lỗi ảnh hưởng tốt với chúng ta. Đây là một thói quen đã giúp thiết lập một tiêu chuẩn cho cách chúng ta tương tác với nhau trong thế giới số. Thời gian ở bàn ăn và trong xe là những khoảnh khắc trò chuyện tập trung nhất trong ngày của cả gia đình. Bố mẹ sẽ thấy vui vì học được cách bỏ các tiện ích và sử dụng thời gian đó để kết nối với con cái.
3. Dành thời gian để nói về những hoạt động trong ngày
Trong khi bố mẹ bận rộn đi làm, con cái bận rộn học hành thì việc dành thời gian để tìm hiểu về một ngày hoạt động của nhau là rất cần thiết. Có thể là thông qua tin nhắn hoặc email, nhưng phải thật phù hợp. Khi con trưởng thành, cứ mỗi chủ nhật cuối tuần con gọi hỏi thăm bố mẹ, lúc đó bố mẹ sẽ cảm ơn bản thân vì nỗ lực này.
4. Ôm nhau
Nhà tâm lý trị liệu người Mỹ Virginia Satir trình bày trong "Liệu pháp gia đình" rằng mọi người "cần 4 cái ôm mỗi ngày để sống sót, 8 cái ôm mỗi ngày để tồn tại và 12 cái ôm mỗi ngày để tăng trưởng".
Càng lớn lên, trẻ sẽ càng "lười" ôm cha mẹ. Vì vậy, hãy cố gắng duy trì thói quen ôm con. Có lẽ đó chỉ là một cái ôm nhanh chóng vỗ lưng hoặc vuốt tóc nhưng sẽ giúp tăng cường sự gắn kết giữa bố mẹ và con cái, ngay cả khi con đã bước vào tuổi ô mai.
5. Cùng con hiểu về công nghệ
Công nghệ đang thay đổi liên tục và do đó, cha mẹ sẽ khó có thể biết được hết về các ứng dụng mới nhất. Đó là một dấu hiệu nguy hiểm.
Chính vì vậy, trước khi con đến tuổi thiếu niên, bố mẹ cần tìm hiểu về những điều gì mới trong thế giới công nghệ của chúng và kiểm tra cách con đang sử dụng công nghệ. Bố mẹ đặt giới hạn về sử dụng công nghệ và duy trì việc quản lý ngay cả khi con bước vào tuổi thiếu niên.
6. Dành thời gian với bạn bè của con
Trong khi mọi người vẫn nói rằng chúng ta không thể chọn bạn bè chon con, nhưng chắc chắn bạn có thể biết bạn của con là ai. Bắt đầu thói quen này bằng cách làm bạn với con, từ đó con sẽ dễ dàng chia sẻ với bố mẹ về những người bạn xung quanh mình. Bố mẹ cần chú ý đến dấu hiệu cảnh báo này: nếu con nói về những người mà bố mẹ chưa bao giờ gặp và không biết gì về họ, thì hãy làm quen, tìm hiểu thông tin về người đó nhiều hơn.
7. Hiểu sở thích của con
Có những điều con thường nói có thể nhàm chán với bố mẹ nhưng quan trọng với chúng, bố mẹ hãy lắng nghe như thể nó cũng quan trọng với mình. Sẵn sàng hiểu những gì quan trọng đối với con là cách tạo xây dựng mối quan hệ lớn tốt hơn với con.
8. Tìm một sở thích chung để chia sẻ
Có người tìm được môn thể dục thể thao để cùng con tập luyện. Chơi thể thao không những giúp đốt cháy kích thích tố trước tuổi teen của con mà còn khởi động sự trao đổi chất của bố mẹ, và trên hết những bài tập cũng tạo liên kết chung giữa cha mẹ và con cái.
Khi con thành một thiếu niên, con có thể có cuộc chạy đua cùng bố mẹ, có thể lúc đó con nhanh hơn bố mẹ nhưng không sao cả, điều quan trọng nó là sợi dây gắn kết cha mẹ - con cái.
9. Kết nối với con trên giường
Bố mẹ thông minh thường dành 3 phút đầu tiên sau khi trẻ thức dậy và 3 phút cuối trước khi chúng đi ngủ để chơi cùng con trên giường. Đó là thời điểm tốt nhất để kết nối với chúng.
Sự kỳ diệu ở chỗ cuộc trò chuyện trước khi đi ngủ rất đơn giản: trẻ em sẽ làm bất cứ điều gì, thậm chí kể chi tiết những việc chúng làm trong ngày với bố mẹ. Trước khi con bước vào tuổi thiếu niên, đây là thời điểm tuyệt vời để hiểu và thân thiết với con. Đó cũng là một thói quen có thể duy trì cả khi chúng lớn hơn.
10. Để con được vấp ngã
Khi nuôi dạy con cái, nhất là những người lần đầu làm cha mẹ, phụ huynh thường nơm nớp lo lắng suốt ngày xem con có ăn nhầm thứ gì độc hại, con có va chạm hay ngã cầu thang hay không...
Đó là loại cảnh giác hình thành như một thói quen khó có thể bỏ. Tuy nhiên, khi lớn lên, cha mẹ không phải lúc nào cũng kè kè bên cạnh con, đỡ con lên khi ngã và bảo con không nên ăn thứ nọ thứ kia. Vì vậy, tốt nhất là cha mẹ nên sớm bắt đầu rèn luyện con tự mình thử mọi thứ. Con phải biết đồ ăn nào không nên ăn. Con cần biết tự đứng lên khi vấp ngã... Bằng cách đó, đến lúc con lớn lên con có đủ tự tin, kinh nghiệm để tự mình làm được mọi thứ.
Theo Helino
Để nuôi dạy con trở thành người mạnh mẽ, thành công, cha mẹ thông thái sẽ không bao giờ làm 13 việc này Dưới đây là 13 lỗi phụ huynh cần tránh khi nuôi dạy con để "nhào nặn" những đứa trẻ có "tinh thần thép". Đó cũng là những điều mà cha mẹ thông thái không bao giờ mắc phải. Nuôi dạy con cái trưởng thành không phải là việc ngày một ngày hai, càng không phải là công việc đơn giản với những công...