Sai lầm của phụ huynh châu Á về tuyển sinh Mỹ
Phụ huynh châu Á quen với tư duy điểm kiểm tra quyết định tương lai của học sinh, nhưng hội đồng tuyển sinh các trường đại học Mỹ không nghĩ như vậy.
Greg cùng anh trai, Kevin sáng lập trang tư vấn tuyển sinh PrepMaven và giảng dạy ngành Kỹ thuật tại Đại học Princeton (Mỹ). Với nhiều năm kinh nghiệm tư vấn tuyển sinh đại học tại Mỹ, anh chia sẻ năm suy nghĩ sai lầm hầu như phụ huynh châu Á nào cũng gặp phải.
Trong 12 năm qua, tôi và Kevin đã tư vấn cho hàng nghìn gia đình, một nửa trong số họ là người gốc Hoa, Ấn Độ hoặc Hàn Quốc đến từ châu Á hoặc là người nhập cư Mỹ. Chúng tôi đã trả lời nhiều câu hỏi lặp đi lặp lại và nhận ra một số quan niệm sai lầm của phụ huynh châu Á.
1. Quy trình tuyển sinh không bí mật
Trường đại học Mỹ luôn cẩn thận tiết lộ thông tin về quy trình tuyển sinh hàng năm. Nếu họ tiết lộ quá nhiều thông tin, những chuyên gia tư vấn tuyển sinh sẽ có mánh khóe tiếp cận gia đình tiềm năng, bỏ qua ứng viên có điều kiện kém hơn hoặc có nhiều bất lợi hơn. Và do đó quy trình tuyển sinh không còn công bằng.
Tuy nhiên, nếu không tiết lộ thông tin, các trường sẽ nhận chỉ trích vì thiếu minh bạch. Ngoài ra, nhiều chuyên gia tư vấn sẽ bịa đặt thông tin tuyển sinh là bí mật, chỉ những người “trong ngành” mới biết, từ đó thu lợi từ gia đình học sinh.
Thực tế, quy trình tuyển sinh của các trường đại học Mỹ luôn được công bố rộng rãi đến mọi người thông qua các nguồn tin, như: sách hướng dẫn của cựu giám khảo tuyển sinh, bài báo cập nhật thông tin hoặc phỏng vấn hội đồng tuyển sinh. Phụ huynh học sinh có thể tìm hiểu từ những nguồn tin đó nhưng cần cẩn thận, tránh bị ảnh hưởng bởi tin xấu, tin bịa đặt.
2. Điểm chuẩn hóa chỉ là một phần của hồ sơ
Chúng tôi thường nhận được câu hỏi như “Con tôi đạt 1.580 điểm SAT sau ba lần thi thử, làm thế nào để cháu lên 1.600?”. Thực tế, điểm chuẩn hóa như SAT, ACT rất quan trọng nhưng không phải tất cả.
Trong văn hóa châu Á, mọi người đã quen với tư duy điểm của một kỳ thi là yếu tố chính để quyết định tương lai và sự nghiệp của học sinh, ví dụ kỳ thi tuyển sinh vào đại học gaokao của Trung Quốc. Khi chuẩn bị hồ sơ du học Mỹ, phụ huynh châu Á cũng áp dụng tư tưởng này, dồn quá nhiều tâm tư và kỳ vọng vào các bài kiểm tra tiêu chuẩn.
Tuy nhiên, ứng viên có thể chỉ đạt điểm kiểm tra ở mức tối thiểu để cạnh tranh, không nhất thiết phải giành điểm cao nhất vì các trường đại học Mỹ sẽ lựa chọn tân sinh viên một cách toàn diện.
Điều này có nghĩa là ngoài thành tích học tập, các trường sẽ nhìn vào hoạt động ngoại khóa và phẩm chất đạo đức, sở thích của từng cá nhân. Chúng tôi coi ba tiêu chí, điểm học tập, thành tích ngoại khóa, tính cách cá nhân là ba trụ cột của thành công. Nếu chỉ tập trung cho điểm học tập, học sinh có thể rơi vào trường hợp đạt điểm kiểm tra hoàn hảo nhưng vẫn bị từ chối do thể hiện yếu ở hai tiêu chí còn lại.
Trước khi nộp hồ sơ tuyển sinh, học sinh nên trau dồi cả ba tiêu chí trên, phân bổ thời gian giữa học tập và tham gia hoạt động ngoại khóa. Ngoài ra, học sinh nên tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Mình thực sự muốn gì?”, “Điểm mạnh và điểm yếu của bản thân mình là gì?”, hay “Với những tính cách này, mình thích hợp với công việc gì?”. Sau đó, suy nghĩ về cách các em sử dụng điểm mạnh của bản thân trong việc giúp đỡ mọi người xung quanh như thế nào. Trường đại học Mỹ không chỉ quan tâm đến thành tích cá nhân mà rất chú ý đến lợi ích chung và cách ứng viên kết nối, chia sẻ với mọi người xung quanh.
Đại học Princeton (Mỹ). Ảnh: Shutterstock.
3. Thiếu kỹ năng đọc và viết
Trong thời đại công nghệ phát triển chóng mặt như hiện nay, giáo dục ngày càng dành nhiều sự quan tâm đến STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học). Năm 2011, Kinh tế, Chính trị và Lịch sử là những ngành hot nhất tại Đại học Princeton, nhưng năm 2018 Khoa học máy tính mới là ngành thu hút nhiều ứng viên nhất.
Video đang HOT
Ngoài ra, trong mắt quốc tế, học sinh châu Á thường rất giỏi các môn Khoa học. Vì vậy, học sinh châu Á thường có xu hướng tập trung vào những môn này để thể hiện năng lực của bản thân, từ đó có thể đánh mất kỹ năng viết và đọc hiểu. Đây là những kỹ năng cần có trong việc học các môn, ngành học khác tại trường đại học và cũng quan trọng trong công việc tương lai.
Vì vậy, phụ huynh châu Á không nên cho con tập trung quá nhiều vào các môn Khoa học mà quên trau dồi thói quen đọc và viết. Khi có thời gian, các em nên đọc bất cứ tài liệu nào có thể từ tiểu thuyết, sách khoa học, bài báo và đọc để hiểu.
4. Không có công thức trúng tuyển
“Tôi phải làm gì để con vào đại học Harvard?”, đây là câu hỏi tôi nhận được thường xuyên. Suy rộng ra, những phụ huynh đặt câu hỏi này hy vọng sẽ nhận “công thức ma thuật” nào đó để khiến con họ chắc chắn giành suất vào các trường đại học Mỹ.
Tôi rất lấy làm tiếc phải khẳng định rằng không có công thức nào cho việc trúng tuyển đại học Mỹ. Không có gì có thể đảm bảo dù các em có điểm học tập hoàn hảo, là thủ khoa đầu ra tại trường phổ thông hay thậm chí là ngôi sao trẻ.
Ban đầu, hội đồng tuyển sinh sẽ lựa chọn số lượng ứng viên nhất định thông qua hồ sơ tuyển sinh. Ví dụ, Đại học Princeton sẽ chấm điểm hồ sơ ở hai phần, phần cứng (điểm GPA, SAT, giải thưởng) và phần mềm (bài luận, thành tích ngoại khóa, kê khai tài chính) theo thang điểm 5. Những hồ sơ được chọn tiếp tục được hội đồng đọc đi đọc lại, mang ra đánh giá và thảo luận chung để tìm ra ứng viên phù hợp nhất. Điểm số của học sinh chỉ là điểm khởi đầu, không phải là kết thúc trong chuỗi tuyển sinh này.
Bên cạnh đó, trường đại học vẫn sẽ có những ưu tiên nhất định cho một số nhóm học sinh bao gồm: là con cái của cựu sinh viên, giảng viên, nhà tài trợ lớn, người nổi tiếng hoặc có tầm ảnh hưởng; là tài năng xuất chúng (ví dụ vận động viên, siêu sao, ca sĩ); là ứng viên theo nhu cầu của Bộ Giáo dục hoặc các chương trình giáo dục (ví dụ nhà khoa học máy tính nữ).
Tuy nhiên, nhóm này chỉ được quyết định theo chiến lược phát triển hàng năm của trường và sẽ thay đổi theo thời gian. Tôi liệt kê ví dụ này ra để thấy có rất nhiều yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của phụ huynh, chỉ phụ thuộc vào nhà trường nên không thể có công thức thành công tuyệt đối.
Vì vậy, phụ huynh nên tập trung tốt nhất vào những điều có thể đạt được trong tầm tay. Cha mẹ nên nhắc nhở con học tập chăm chỉ, phát triển niềm đam mê cá nhân, duy trì phẩm chất đạo đức tốt đẹp.
5. Coi trọng bảng xếp hạng và các trường nổi tiếng
Chúng tôi từng tư vấn cho một bà mẹ người châu Á có con gái được nhận vào Đại học Berkeley và một số trường đại học có chất lượng tốt khác, nhưng trượt Đại học Princeton. Vì vậy, bà mẹ quyết định cho con ôn luyện lại một năm để vào Đại học Princeton nhưng vẫn không thành công. Bà mẹ tìm đến sự tư vấn của chúng tôi nhằm giúp con gái ôn luyện lần thứ ba.
Không có gì sai khi phụ huynh coi trọng những trường đại học hàng đầu. Mối nguy hiểm nằm ở chỗ chỉ tập trung vào các bảng xếp hạng, thương hiệu của các trường mà không nhìn thấy ưu điểm của những nơi khác.
Tôi hiểu rằng mục tiêu của phụ huynh không chỉ là con cái đỗ vào đại học danh giá mà rộng hơn là muốn các em trở thành người trưởng thành độc lập và thành công. Điều cần bàn ở đây là phụ huynh đang nhầm lẫn, đánh đồng sự thành công trong tương lai của con cái với thương hiệu của các trường danh tiếng. Không gì có thể đảm bảo rằng học trường top sẽ đạt thành công trong tương lai, còn chọn trường thấp hơn sẽ thất bại.
Chúng ta cùng nhìn vào ví dụ thực tế từ những người nổi tiếng thành công. Tỷ phú Jeff Bezos (CEO của công ty công nghệ đa quốc gia Amazon) hay tỷ phú Bill Gates không thành công vì học tại Đại học Princeton hay Đại học Harvard. Họ là những người giỏi giang, thành công và tình cờ theo học những trường đại học tuyệt vời này. Ngược lại, tỷ phú Jack Ma (CEO của tập đoàn thương mại Alibaba) từng bị Đại học Harvard từ chối nhưng vẫn trở thành một trong những người giàu nhất thế giới.
Lời khuyên cuối cùng của tôi là trường đại học không khiến con cái bạn thành công, chính các em phải biến mình thành người thành công.
Tú Anh
Theo PrepMaven/VNE
Quản trị trường phổ thông trong đổi mới giáo dục: Thách thức năng lực của hiệu trưởng
Ngày 26/11, Học viện Quản lý Giáo dục đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề: "Quản trị trường phổ thông trong bối cảnh đổi mới giáo dục".
Đây là diễn đàn để các nhà nghiên cứu giáo dục, cán bộ quản lý giáo dục chia sẻ, bày tỏ quan điểm trước xu thế hội nhập.
Tham dự hội thảo là các nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục của gần 20 đoàn quốc tế đến từ các trường đại học Mỹ, Úc, New Zealand, Đan Mạch, Philipin, Đài Loan, Malaysia, Đài Bắc, Lào... và các tổ chức quốc tế như WB, ADB, UNESCO, ĐH Anh Quốc tại Việt Nam; đại diện Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT, viện nghiên cứu, trường đại học, giảng viên, giáo viên và nghiên cứu sinh, học viên lĩnh vực quản lý giáo dục.
GS.TS Phạm Quang Trung, Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục
Phát biểu đề dẫn hội thảo, GS.TS Phạm Quang Trung, Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục cho biết, hội thảo nhằm tăng cường sự hợp tác trong nghiên cứu khoa học và đào tạo giữa các cơ sở giáo dục trong nước, trong khu vực và trên thế giới.
Đồng thời, đây cũng là diễn đàn để các nhà nghiên cứu giáo dục, hoạch định chính sách, cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo trong nước và quốc tế chia sẻ những quan điểm, kinh nghiệm thực tiễn và kết quả nghiên cứu về quản trị trường phổ thông trong bối cảnh đổi mới căn bản toàn diện giáo dục ở Việt Nam.
Phải chuẩn hóa đội ngũ quản lý giáo dục
Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ về phát triển năng lực quản trị nhà trường của cán bộ quản lý; quản trị trường phổ thông trước yêu cầu đổi mới giáo dục; mô hình trường bán công tự chủ tài chính toàn phần và các chủ trương chính sách, cơ chế và điều kiện để nâng cao chất lượng quản trị phổ thông trong bối cảnh đổi mới giáo dục...
Đặc biệt, nhiều bài tham luận tại hội thảo đã bàn về quản trị chiến lược nhà trường; quản trị các hoạt động giáo dục học sinh; quản trị tổ chức hành chính; quản trị nhân sự...
Các đại biểu quốc tế tham dự hội thảo
Nói về năng lực quản trị cho hiệu trưởng trường tiểu học trước bối cảnh đổi mới giáo dục và cuộc cách mạng cách mạng 4.0, bà Lê Thị Bình, Phòng GD&ĐT Quận 1, TP.HCM cho rằng, xây dựng và chuẩn hóa đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục là một giải pháp quan trọng trong các nhóm giải pháp lớn để thực hiện chiến lược phát triển giáo dục.
"Vấn đề này phải được đặt ra một cách cấp bách, bởi đây là yêu cầu và đòi hỏi của việc thực hiện chương trình đổi mới giáo dục phổ thông mới tại Việt Nam" - bà Bình nhấn mạnh.
Theo bà Bình, quản trị trường tiểu học là quá trình tổ chức, vận hành, kiểm soát hoạt động của nhà trường nhằm đạt được mục tiêu một cách tối ưu nhất. Năng lực quản trị của Hiệu trưởng trường tiểu học là tổ hợp những đặc điểm tâm lý của hiệu trưởng, đáp ứng các yêu cầu của hoạt động quản trị và quyết định sự thành công của nhà trường.
Bà Bình khuyến nghị cần phải bồi dưỡng nâng cao năng lực quản trị cho hiệu trưởng trường tiểu học trước bối cảnh đổi mới giáo dục và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Để thực hiện tốt điều này cần triển khai thực hiện quy trình gồm 4 bước: - Xác định mục tiêu và chuẩn đầu ra chương trình bồi dưỡng hiệu trưởng; - xây dựng kế hoạch bồi dưỡng hiệu trưởng; - tổ chức bồi dưỡng cho hiệu trưởng; - đánh giá nội dung bồi dưỡng năng lực quản trị cho hiệu trưởng.
Hơn 50 tham luận của đại biểu quốc tế và trong nước gửi tới hội thảo khoa học quốc tế về Quản trị trường phổ thông trong bối cảnh đổi mới giáo dục
Hành lang pháp lý chưa rõ ràng trong quản trị nhà trường
Ông Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội cho biết, trong xu thế hội nhập hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã tiến hành giao quyền tự chủ cho các trường phổ thông từ lâu và thực hiện có hiệu quả. Ở Việt Nam tự chủ giáo dục phổ thông và giáo dục đại học đã được tạo cơ chế thuận lợi từ nhiều năm nay.
Tuy nhiên, ông Nhâm cho rằng, dưới 3 góc độ tự chủ cơ bản đó là chuyên môn, tài chính và nhân sự nhằm tạo hành lang pháp lý cho giáo dục phổ thông vẫn còn nhiều hạn chế, có thể đó là một phần nguyên nhân khiến mô hình này chưa được phát triển.
Cụ thể, các trường phổ thông công lập tự chủ chưa cao trong việc quyết định việc cung cấp dịch vụ giáo dục cho người học. Chưa có khung chương trình, nội dung dạy học mở để các nhà trường có điều kiện lựa chọn nội dung phù hợp với đặc thù của nhà trường.
Đặc biệt, cơ chế vận hành, hành lang pháp lý chưa rõ ràng dẫn đến những hạn chế trong việc vận dụng và phát huy những nguồn lực sẵn có về cơ sở vật chất hay phát huy tối đa sự năng động nhiệt huyết của đội ngũ giáo viên.
Các trường chịu giám sát quá chặt chẽ của nhiều cơ quan quản lý, can thiệp sâu vào hoạt động từ phân bố tài chính, chỉ tiêu tuyển sinh, tuyển dụng nhân sự, các trường chỉ có thể tự chủ một phần kinh phí sau khi tiết kiệm các khoản chi thường xuyên.
Bên cạnh đó, theo ông Nhâm, nghiên cứu về trường phổ thông công lập tự chủ ở Việt Nam về mặt chính sách mà thiếu đi những nghiên cứu về năng lực quản trị nhà trường khiến nhiều cán bộ quản lý còn e ngại chưa dám mạnh dạn tiếp cận mô hình với những lo lắng về khối lượng công việc lớn; không được hỗ trợ ngân sách, năng lực tuyển sinh trong điều kiện mức học phí thu cao hơn mô hình công lập rất nhiều để đảm bảo chi phí vận hành nhà trường.
Các đại biểu tham dự hội thảo
Hiệu trưởng phải là người quản lý năng động sáng tạo
Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, tăng quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình là một trong những mục tiêu trọng tâm của đổi mới quản lý giáo dục Việt Nam, là nhân tố cơ bản thúc đẩy trường học tạo ra những điều kiện tốt hơn cho dạy và học, mang tới cơ hội thực hiện các phương thức quản lý trường học tiên tiến trong quản trị trường phổ thông.
Theo ông Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú - Hà Nội, nếu trong mô hình công lập truyền thống thiên về hành chính, luôn chấp hành, thực hiện triển khai theo các hướng dẫn chỉ thị theo phân cấp quản lý giáo dục thì mô hình tự chủ hướng nhà trường chủ động để ra những định hướng phát triển phù hợp với điều kiện cụ thể.
"Cần hướng hiệu trưởng thành người cán bộ quản lý năng động sáng tạo nhằm cải thiện không ngừng mối quan hệ với học sinh và phụ huynh ở điều kiện cơ sở vật chất, điều kiện giáo dục, chất lượng giáo viên... mục đích cuối cùng là đảm bảo công bằng, hiệu quả và chất lượng giáo dục Việt Nam" - ông Nhâm nhấn mạnh.
Ông Nhâm cho rằng, từ chủ trương thực hiện tự chủ đến tổ chức thực hiện thành công là một quá trình. Không vì những rào cản thách thức mà hiệu trưởng các nhà trường e ngại trước xu thế và chiến lược phát triển giáo dục đúng đắn này.
Để làm được điều đó thì hiệu trưởng nhà trường phổ thông công lập tự chủ cần được trang bị bồi dưỡng những kiến thức, kỹ năng và thái độ cần thiết và có đủ năng lực để lãnh đạo nhà trường thành công từ tự chủ từng phần tới tự chủ toàn phần.
Hồng Hạnh
Theo Dân trí
Nữ sinh Việt chinh phục học bổng 4,7 tỷ đồng tới Mỹ nhờ ước mơ làm nghề cơ khí Nữ sinh chuyên Ams Vũ Mai Linh khiến không ít người bất ngờ khi em quyết tâm theo đuổi ngành cơ khí. Chọn một ngành thường dành cho phái nam, nữ sinh Việt đã thuyết phục hội đồng tuyển sinh 6 trường đại học chấp nhận, trong đó có suất học bổng 4,7 tỷ đồng cho 4 năm học tại ĐH Rochester (top...