Sai lầm chết người khiến trẻ nhỏ, người già nhập viện ồ ạt khi rét đậm
Trời rét đậm khiến nhiều trẻ nhỏ và người cao tuổi phải vào viện vì bệnh đường hô hấp, tim mạch, huyết áp, đặc biệt là viêm phổi và đột quỵ.
Những đối tượng này nhạy cảm với thời tiết nên nếu không điều trị kịp thời, bệnh sẽ nặng thêm, thậm chí đe dọa tính mạng.
Điều dưỡng chăm sóc trẻ bị viêm đường hô hấp tại Bệnh viện Nhi T.Ư Ảnh: Th.Hà
Mỗi ngày có hàng trăm trẻ, đặc biệt dưới 12 tháng tuổi, đến phòng khám nhi hoặc khoa nhi các bệnh viện khám với các triệu chứng như sốt, ho, khò khè, khó thở, sổ mũi… Nguyên nhân do nhiễm virus ở đường hô hấp trên, một vài trường hợp do vi khuẩn hoặc do dị ứng (hen) gây ra.
Những nguyên nhân này làm sưng nề cuốn mũi gây ngạt, chảy mũi, làm nề thanh quản gây ho, khò khè, khàn tiếng; làm sưng nề đường thở gây các triệu chứng khó thở. Đặc biệt, ở trẻ em, phản xạ thở miệng chưa có, đường thở từ mũi xuống phổi còn hẹp nên chỉ cần hơi phù nề đã có thể gây ngạt mũi, khó thở trầm trọng. Vì thế, cần phải đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế càng sớm càng tốt.
Để phòng tránh bệnh cho trẻ khi trời lạnh, PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai), nhấn mạnh, trẻ nhỏ, nhất là với trẻ sơ sinh, cần được giữ đủ ấm miệng, mũi, cổ và chân. Vấn đề chăm sóc dinh dưỡng, tiêm chủng, rửa tay sạch sẽ cho trẻ luôn phải được quan tâm. Khi trẻ bị ho kéo dài, cần đưa trẻ đến phòng khám chuyên khoa để được bác sĩ can thiệp, không nên tự điều trị tại nhà. Nhiều trường hợp trẻ nhiễm virus nhưng người lớn tự ý cho dùng kháng sinh khiến bệnh không đỡ mà còn nặng lên vì không được điều trị đúng cách. Ngoài ra, cần chú ý không ủ ấm trẻ quá mức khiến mồ hôi túa ra, ngấm ngược vào người, dễ gây viêm phổi.
PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viên Nhi T.Ư, cho biết, cần theo dõi các triệu chứng nặng và nguy hiểm cho trẻ như sốt cao, li bì, co giật, tinh thần kém hoặc không tỉnh táo; khó thở, thở bất thường; rối loạn tiêu hóa nặng. Khi có các triệu chứng trên, cần đưa trẻ nhập viện ngay. Thời tiết lạnh là những lúc nhiều bệnh về đường hô hấp xuất hiện, nhất là ở các tỉnh miền Bắc.
Video đang HOT
Vì thế, cần giữ gìn sức khỏe cho trẻ đúng cách. Triệu chứng bệnh thường rầm rộ và dễ diễn biến xấu, vì thế, tốt nhất nên đưa trẻ đi khám sớm để được điều trị kịp thời, tránh biến chứng nặng. Điều trị theo đúng phác đồ của bác sĩ đưa ra. Theo dõi và chăm sóc trẻ thật tốt. Bình tĩnh, không quá lo lắng và căng thẳng. Đa số trẻ em bị ốm vào mùa này, nhưng chỉ cần điều trị đúng, trẻ sẽ sớm bình phục.
Những sai lầm người cao tuổi thường mắc
Không chỉ trẻ em, người lớn, người cao tuổi mắc các bệnh tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cũng nhập viện nhiều hơn. Các bác sĩ cảnh báo, nhiều bệnh nhân chủ quan cho rằng, bệnh huyết áp chỉ cần điều trị một đợt là ổn định, nên đã không uống thuốc đều và đủ, dẫn đến đột quỵ khi thời tiết rét đậm. Hoặc có bệnh nhân bị tăng huyết áp đột ngột vì rét đậm, nhưng lại tưởng nhầm là trúng gió, dẫn đến nhập viện muộn và bị tai biến mạch máu não.
Trời lạnh đột ngột dễ gây co thắt mạch toàn bộ cơ thể, huyết áp tăng cao, dẫn đến biến chứng nguy hiểm là nguyên nhân để một số bệnh về tim mạch có xu hướng tăng mạnh, đặc biệt là tỷ lệ tai biến mạch máu não. Thực tế cho thấy, những ngày thời tiết lạnh kéo dài, số lượng bệnh nhân nhập viện luôn tăng, vì biến chứng của tăng huyết áp, trong đó có bệnh nhân biến chứng nặng như đột quỵ, phình mạch máu não, tắc mạch máu não gây hôn mê.
Vì thế, các chuyên gia lão khoa khuyến cáo người cao tuổi cần chú ý ăn uống đủ chất, không nên tập thể dục vào tối và sáng sớm trong những ngày rét đậm. Đặc biệt, tránh ra ngoài trời lạnh hay đột ngột từ phòng ấm ra ngoài trời lạnh, vì chênh lệch nhiệt độ đột ngột dễ khiến người cao tuổi ngã bệnh. Những người có bệnh mạn tính, huyết áp, cần sử dụng thuốc hằng ngày và đo huyết áp thường xuyên.
Dùng kháng sinh sai cách: Xin đừng đầu độc gia đình vì... tiện
Miền Bắc sắp đón một đợt gió mùa với nền nhiệt giảm tương đối sâu, vào ban đêm có thể xuống dưới 10 độ C.
Nhiều gia đình có con nhỏ lo lắng cho những chứng bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ như viêm mũi họng, cúm, viêm phế quản... Riêng đối với lực lượng y tế, một vấn đề nguy hiểm, đáng lo lắng hơn rất nhiều đang thường trực trong cộng đồng chính là tình trạng kháng thuốc kháng sinh ở nước ta.
Ảnh minh họa.
Kháng kháng sinh (AMR) xảy ra khi vi khuẩn, vius, nấm và ký sinh trùng thay đổi theo thời gian và không còn đáp ứng với thuốc. Do tình trạng kháng thuốc, thuốc kháng sinh và các loại thuốc chống vi trùng khác trở nên vô hiệu và nhiễm trùng ngày càng trở nên nặng hơn. Điều đó có nghĩa là những bệnh thông thường sẽ trở nên khó chữa hơn, tốn kém hơn và thậm chí là không thể chữa khỏi.
AMR là một trong những thách thức sức khỏe cộng đồng lớn nhất của chúng ta ngày nay. Bi kịch hơn, AMR do chính chúng ta tạo ra cũng giống như cách chúng ta đã tạo ra vô số vấn đề khác. Bằng cách kê thuốc kháng sinh tùy tiện, mua kháng sinh tùy tiện và uống kháng sinh tùy tiện, chúng ta đã tạo ra nó.
Một câu hỏi được đặt ra là liệu có cần đi khám bác sĩ khi chỉ bị viêm họng hay không? Liệu rằng chúng ta có nên bỏ ra nửa ngày chờ đợi và một khoản chi phí khám chữa bệnh không phải nhỏ để có được đơn thuốc mà ta đã biết thừa và chỉ cần 5 phút để mua ở hiệu thuốc đầu ngõ? Và chúng ta có nên để đứa trẻ bị sốt với những triệu chứng khó chịu và cần bố mẹ theo dõi sát sao những dấu hiệu nguy hiểm để giúp tăng cường sức đề kháng của chúng hay sẽ ngay lập tức uống kháng sinh và mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn chỉ sau 1 đến 2 ngày?
Hãy nhớ rằng, mỗi lần bạn uống thuốc kháng sinh khi không cần thiết, hiệu quả của thuốc kháng sinh sẽ giảm đi và nó có thể không có tác dụng vào lần tiếp theo. Mỗi khi một người dùng thuốc kháng sinh, vi khuẩn nhạy cảm sẽ bị tiêu diệt nhưng vi khuẩn kháng thuốc có thể vẫn phát triển và sinh sôi. Lúc này, kháng sinh lại trở thành những liều thuốc bổ khiến vi khuẩn phát triển hơn. Những con "siêu bọ" (cách các chuyên gia vẫn thường gọi vi khuẩn kháng kháng sinh) này, có thể lây từ người sang người giống như cách lây lan của các vi khuẩn khác. Đây là điều nguy hiểm nhất mà chúng mang lại.
Bức tranh ngày càng trở nên tối hơn. Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, mỗi năm có tới ít nhất 2,8 triệu người ở Mỹ gặp vấn đề về AMR và có hơn 35.000 người đã tử vong vì AMR.
Còn theo báo cáo của trung tâm phòng chống bệnh tật châu Âu (ECDC), hằng năm, châu lục này có trên 25 nghìn bệnh nhân chết vì nhiễm phải vi khuẩn đa kháng thuốc. Và thực trạng ở nước ta cũng nguy hiểm không kém.
Theo Cục Quản lý khám chữa bênh, Bộ Y tế, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ kháng kháng sinh cao trong khu vực châu Á. Một số vi khuẩn đã có tỷ lệ kháng kháng sinh lên tới 60 -70%, thậm chí là 90%.
Ở Việt Nam, các bác sĩ đã phải sử dụng tới kháng sinh thế hệ 3 và 4 trong khi nhiều quốc gia phát triển đang còn sử dụng kháng sinh thế hệ 1 mà vẫn có hiệu quả. Đáng lo ngại hơn, ở nước ta đã xuất hiện một vài loại siêu vi khuẩn kháng lại tất cả các loại kháng sinh. Phổ biến nhất là nhóm vi khuẩn gram âm đường ruột.
Với tình hình này, WHO dự tính đến năm 2050, cứ 3 giây sẽ có một người tử vong do các siêu vi khuẩn kháng thuốc, tương đương với khoảng 10 triệu người mỗi năm trên toàn thế giới. Khi đó, các bệnh thông thường như ho hay chỉ một vết cắt cũng có thể gây tử vong.
Một bức tranh thực sự đáng sợ ở trong tương lai không xa. Nhưng may mắn thay, việc hạn chế nó lại đơn giản đến không ngờ. Dịch Covid-19 đã dạy cho toàn thế giới về lợi ích của những việc vô cùng đơn giản mà chúng ta đã làm rất thành công như rửa tay và đeo khẩu trang. Điều đó giúp hạn chế đến mức thấp nhất những mầm bệnh dễ lây lan. Và chỉ nên sử dụng kháng sinh khi có chỉ định của bác sĩ.
Nên nhớ rằng, không phải bất kỳ hiện tượng nhiễm trùng nào cũng cần kháng sinh. Mỗi quyết định sử dụng kháng sinh ghi trong đơn thuốc đều gắn liền với sự cần thiết phải dùng kháng sinh, đúng loại kháng sinh, đúng liều lượng trong khoảng thời gian phù hợp với mỗi cá nhân khác nhau. Đây vốn là những kiến thức mà các bác sĩ đã phải vất vả trong nhiều năm học tập để có được.
Việc chúng ta chỉ dùng kháng sinh khi có chỉ định cần thiết chính là một món quà giá trị nhất mà chúng ta trao tặng cho con trẻ để tương lai của chúng khỏe mạnh hơn. Chúng sẽ dễ dàng vượt qua những chứng bệnh thông thường và sẽ không tốn tiền, thời gian và thậm chí cả tính mạng chỉ vì chúng ta đã lựa chọn việc dễ hơn, tiện hơn vào thời điểm này.
Trên hết, cần lưu ý rằng thông tin về các loại bệnh và thuốc trên mạng internet chỉ giúp chúng ta có thêm hiểu biết và không phải lo lắng thái quá về những chứng bệnh gặp phải. Xin hãy nhớ, chúng ta không phải là thiên tài để có thể trở thành bác sĩ chỉ bằng vài cái click chuột trong vòng nửa giờ.
Hà Nội đang lạnh, hãy rửa tay thường xuyên hơn, đeo khẩu trang, giữ ấm cơ thể khi đi ra ngoài trong thời tiết này để hạn chế mầm bệnh. Đừng bao giờ uống thuốc kháng sinh khi chưa hỏi ý kiến bác sĩ dù chỉ là những liều kháng sinh nhẹ nhất. Điều đó tốn kém hơn, mất thời gian và công sức hơn nhưng nó sẽ tốt hơn nhiều cho tương lai của chúng ta và con trẻ. Đừng tự đầu độc gia đình mình chỉ vì tiện.
Sự thật về tin đồn trẻ bú nằm dễ bị viêm tai giữa Viêm tai giữa là bệnh dễ gặp ở trẻ nhỏ, nhất là khi thời tiết giao mùa. Có tin đồn rằng trẻ bú nằm dễ bị viêm tai giữa. Liệu sự thật có đúng như vậy? Bệnh viêm tai giữa là gì? Viêm tai là một trong những bệnh phổ biến ở trẻ dưới 3 tuổi, đặc biệt là vào những tháng mùa...