Sài Gòn tang chế ký sự (Kỳ 2): Nghề sống nhờ xác chết
Trong giới dịch vụ mai táng, chỉ có những người tẩm liệm và bốc mộ mới tiếp xúc trực tiếp với xác chết. Trong suy nghĩ của nhiều người, đó là cái nghề kinh dị.
Ông Cao, người liệm xác lâu năm của trại hòm Vạn Phước
Ông chủ Chiêu của trại hòm Vạn Phước cho tôi biết dịch vụ mai táng bắt đầu bằng việc tẩm liệm cho người chết cho đến lúc an táng. Nhà nào gọi điện đặt hàng, trại hòm lập tức cử người đến. Trước đây người trang điểm, tẩm liệm hành nghề riêng biệt, nay dịch vụ phát triển, các trại hòm kiêm luôn việc này.
Hôm đó, tôi được đi cùng với ông Cao, một “chuyên viên” tẩm liệm, trang điểm của trại hòm. Ông Cao ngoài 50 tuổi, người dong dỏng, da ngăm đen, ánh mắt đục ngầu đặc trưng của dân hành nghiệp xác chết. Nhưng ông có giọng nói nhỏ nhẹ rất tình cảm. Khổ chủ hôm ấy là một người trẻ, chết vì tai nạn giao thông. Trước khi đi ông dặn kỹ, không được chụp hình lúc liệm xác, vì đó là điều cấm kỵ của cả dân nghề lẫn gia chủ. Căn nhà nhỏ nghi ngút nhang khói, tiếng khóc sụt sùi. Ông Cao vừa rít xong điếu thuốc, xoa hai tay vào nhau tiến lại cái giường nhỏ. Thuần thục và nhanh gọn như lập trình, ông cởi bỏ quần áo của người chết, dùng từng miếng bông gòn lớn thấm thứ chất lỏng gồm nước ấm và rượu lướt đều trên từng phần thi thể. Tôi thoáng rùng mình ngó trúng cặp mắt người chết hãy còn trợn ngược trên khuôn mặt trắng ệnh của người chết. Ông khẽ dùng tay vuốt cặp mắt ấy nhắm nghiền lại. Chưa đầy 15 phút, thi thể co quắp đã mềm mại, hai tay gác lên bụng, tươm tất bộ áo quan, như người đang ngủ.
Tôi thắc mắc tại sao gia đình không vuốt mắt thì được ông cho biết nhiều gia chủ sợ không dám vuốt.”Chấn thương nội, có lẽ bị xuất huyết não. Thôi thì cũng mừng vì ra đi còn nguyên vẹn”-ông tỉnh bơ chia sẻ. 30 năm làm nghề, tẩm liệm hàng trăm hàng ngàn người chết, ông ớn nhất là xác tai nạn. Có lần liệm cho một người bị tàu hỏa cán làm ba khúc. Ông phải nhặt từng bộ phận đem về ghép lại cho vào bao ni lông rồi bỏ vào quan tài. Loại thi thể thứ nhì mà ông ái ngại là chết trôi và người bị AIDS giai đoạn cuối. Ông kể có lúc đang rửa, da tróc ra từng mảng, thịt thối rửa lở loét bốc mùi tanh tươm.”Mấy ngày đầu đi làm, về ói mửa suốt ngày, không ăn uống gì được”-ông kể-”Giờ quen rồi, ngày nào cũng liệm xác, có ngày liệm vài đám”.
Phu đào mộ trong giờ rảnh rỗi ở nghĩa trang Gò Dưa
Tôi thoáng thấy trong lỉnh kỉnh đồ nghề ông mang theo có mấy hộp đựng son phấn. “Cái này là để trang điểm cho người chết nếu gia chủ yêu cầu. Hồi trước cũng có nhiều người theo nghề chuyên biệt nhưng nay không còn nữa, trại hòm kiêm luôn”-ông phân tích. Xác chết dù là nam hay nữ đều dùng loại son phấn này. Mặt người chết hầu hết vàng ệnh, môi thâm tím. Ông sẽ phớt lớp phấn nhẹ lên mặt, tô son môi người cho hồng hào. Có nhiều người chết kỳ lạ, mắt vuốt mãi không khép, cứ dựng ngược lên. Phải lấy giấy tẩm rượu đốt huơ lên cho mí mắt mềm ra, lúc đó mới vuốt xuống được. “Thời này ít ai yêu cầu trang điểm, chỉ khi gặp xác chết “xấu” quá, cần xử lý lại cho tươm tất thì mới phải làm”-ông Cao tâm sự. Khó nhất là trang điểm cho những xác giữ lâu. Những người này thường là gia đình giàu có hoặc thân nhân ở nước ngoài. Ngoài việc trang điểm kỹ lưỡng đặt trong quan tài bằng kính để lộ mặt, xác còn phải được bảo quản bằng một công nghệ cực kỳ công phu. Xác chết muốn giữ được lâu phải tiêm ít nhất một lít Phoóc-môn vào vùng mặt và vùng bụng để giữ cho da dẻ hồng hào và vi khuẩn chậm phân hủy. Ngoài ra, còn phải lót xung quanh xác cả chục ký đá khô để giữ lạnh và mỗi ngày phải thay đá một lần. Giá mỗi lít Phoóc-môn như vậy giá 1 triệu đồng, đá khô thì 500 ngàn đồng, do trại hòm đặt từ Đài Loan mang về. Đám càng giàu, càng để lâu thì càng cần nhiều đá. Ông kể vừa đi làm cho đám nhà đại gia, dùng hết 100 ký đá, giữ xác cả tuần lễ để chờ con cháu nước ngoài về dự. Chỉ riêng tiền “ướp xác” cũng đã ngốn gần trăm triệu bạc.
Video đang HOT
Tiện miệng tôi hỏi luôn giá cả khâu tẩm liệm, ông Cao cười tâm sự, người tẩm liệm chỉ nhận tiền trả ơn của gia chủ, không có giá cố định. Thường thì vài trăm ngàn, đám nào “xộp” thì cỡ một triệu. Có đám nghèo quá quên luôn hậu tạ, ông cũng chẳng bao giờ phàn nàn. “Mình làm phước, có tiền hay không thì cũng phải nhẹ nhàng cẩn trọng để người ra đi yên lòng. Nghĩa tử là nghĩa tận mà”-ông nói nhẹ nhàng.
Nỗi buồn phu bốc cốt
Ngoài việc tẩm liệm, trước đây ông Cao từng hành nghề đào huyệt mộ, bốc cốt… tất tần tật những gì liên quan đến xác chết. Bây giờ đã vào “biên chế” trại hòm, công việc bó hẹp lại. Việc bốc cốt giờ đây cũng do các nghĩa trang tự đảm nhận, không còn bát nháo như trước. Từ chỉ dẫn của ông, tôi đến nghĩa trang Gò Dưa, Q.Thủ Đức. Gặp tôi, ông Sáu Trung, 54 tuổi, một phu đào mộ lâu năm ở nghĩa trang cười rất tươi. Ông già hiền lành đen nhẻm. Ở nghĩa trang này, ông cùng con trai chuyên chăm sóc mộ, đào huyệt và cả bốc cốt, một nghề cha truyền con nối. Ông Trung đã gắn bó với nghĩa trang Gò Dưa gần 25 năm. “Làm nghề này là hưởng lộc người chết để lại, hoa quả trái cây nhiều lắm. Nghề bốc cốt nó vậy, làm cái người ta không dám làm, ăn cái người ta không dám ăn”-ông lởi xởi nói rồi lấy dĩa trái cây trên mộ mời khách.
Một cảnh tẩm liệm cho người chết
Nghĩa trang Gò Dưa có hàng ngàn mộ, việc chăm sóc, đào huyệt và bốc cốt có hàng chục người làm, do ban quản trang quản lý. Hồi chưa vào nghĩa trang ông từng đi hành nghề bốc cốt. Danh tiếng ông “nổi” tới mức gặp “ca khó” người ta nghĩ ngay đến tên ông. Ông kể, khó nhất là mộ lính cũ được chôn trong thùng kẽm, đào đất xong phải khoan cắt. Hay những ngôi mộ bằng bê tông chắc, phải đào lỗ chuột, thò tay vào lần mò bên trong lấy ra từng khúc xương. Thấy tôi lợm giọng, như để tăng thêm phần kinh dị, ông Trung cười ha hả vỗ đùi nói: “Nhằm gì. Nhiều xác xương còn dính vào thịt, phải dùng tay gỡ ra”.-ông kể tiếp: Có nhiều hài cốt chôn cất thế nào không biết, thịt đã ra hết thành đất, duy chỉ còn cái hộp sọ là vẫn còn não và mắt nhầy nhục bên trong. Mỗi lần như thế, phải cho nước vào bên trong lắc mạnh cho đến khi thứ dịch nhầy nhụa ấy chảy ra hết mới thôi. Có lần ở Long An, nhóm ông nhận bốc mộ giữa cánh đồng nước. Vừa đào mộ lên gặp ngay cái xác nữ trong bao ni lông nổi lềnh bềnh. Nhóm ông phải khuân cái xác lên, tát hết nước trong mộ rồi chôn lại.
Theo lời ông, nghề bốc cốt hãi hùng như vậy nên không nhiều người dám làm. Hồi thập niên 80, 90 thế kỷ trước, giá mỗi lần bốc cốt rẻ cũng năm trăm ngàn đồng, đắt thì một triệu, số tiền không nhỏ. Bây giờ đã vào nghĩa trang, gia đình bốc cốt có hợp đồng, nghĩa trang cho lại bao nhiêu hưởng bấy nhiêu. Cộng với việc chăm mộ và đào huyệt, ông cũng đủ nuôi gia đình. “Làm cái nghề này chỉ mong đủ sống, chứ có ai mong giàu. Mình làm cả đời có khi không bằng người ta bỏ tiền chôn một đám”-ông nói rồi kể. Hơn chục năm trước, ông chứng kiến một lễ chôn cất của một cô gái bị bệnh chết trẻ ở Bình Thạnh. Cả nhà cô đều định cư bên Pháp, của cải ê hề. Gia đình chôn theo người chết cả trăm cây vàng, đeo và rải quanh người. Quan tài người chết được đúc bê tông thành khối dày cả mét bao quanh rồi chôn xuống đất. Sau này bốc mộ, người ta thuê cả xe cầu trọng tải lớn mang khối bê tông ấy xuống Bình Dương chôn cất. “Đó chú thấy, người chết giàu gấp trăm người sống. Đời nó vậy buồn làm chi”-chỉ vào người con trai đang cặm cụi bên mấy ngôi mộ, ông tiếp: “Tui vào nghề hồi nó biết chạy. Giờ nó cũng đã theo nghề hơn chục năm rồi. Cả nhà bốn miệng ăn nhờ cả vào nó”.
Tôi hỏi tiếp xúc với xác chết, với xương cốt hoài ông ám ảnh không? Thì ông cười xòa làm riết rồi quen. Người chết không sợ, chỉ sợ người sống. “Làm cái nghề này riết người ta gọi mình là “cô hồn sống”, chẳng ai dám lại gần”-ông Trung cười chua chát. Đã chọn nghề này là chấp nhận cô đơn, buồn tủi. Ông nói hàng ngày hai cha con chỉ có nhau là bạn, quân quẩn ở nghĩa trang nói chuyện với nhau. Riết rồi nghĩa trang như nhà, xã hội bên ngoài nhiều khi cha con ông không biết đến. “Ai cũng lo sợ xa lánh thì lấy ai lo cho người nằm xuống? Nhiều lúc cũng muốn kiếm nghề khác làm nhưng lại thấy bứt rứt. Thôi thì mình cứ làm thôi, coi như lấy việc phúc làm của cho con cháu”-ông nói rồi lặp lại giọng cười hiu hắt.
Theo Xahoi
Sài Gòn tang chế ký sự (Kỳ 1): Cay cực đời họ đạo
Trong vô số dịch vụ tiễn đưa người đã khuất, họ đạo là nghề cực nhọc nhất. Nhưng đó chỉ là phần nổi...
Đưa vào lò hỏa táng
LTS: Sài Gòn mỗi năm có chừng 40 ngàn người chết, nhẩm sơ sơ, mỗi ngày có gần 110 con người vĩnh biệt thành phố sang bên kia thế giới. Tổ chức đám ma, an táng cho người chết đang là một dịch vụ nở rộ dưới nhiều hình thức và từ lâu đã trở thành một cái "nghề" rất nghiêm túc của nhiều người. Ròng rã tháng trời theo chân những người làm nghề mai táng, phóng viên đã tiếp cận được cái nhìn toàn cảnh về ma chay Sài thành và cả những bi hài nghề nghiệp cùng góc khuất trong số phận của nghề "sống nhờ người chết".
"Họ đạo" là thuật ngữ giới trong nghề mai táng gọi những người phu khiêng hòm. Trong vô số dịch vụ tiễn đưa người đã khuất, họ đạo là nghề cực nhọc nhất. Nhưng đó chỉ là phần nổi. Còn nhiều nỗi cay cực khác mà người ngoài khó có thể hình dung hết.
Nhiều ngày lân la thuyết phục, tôi được ông chủ Chiêu của trại hòm Công Thọ (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho nhập vai họ đạo. Đúng hẹn, ông chủ Chiêu gọi điện thoại cho tôi đến nhận đồng phục, bắt đầu gia nhập đội quân họ đạo. Hôm ấy có hai đám trùng lịch, người chết đều được mang đi thiêu. Tôi được tự do lựa chọn một trong hai điểm đến: Bình Hưng Hòa hoặc lò thiêu ở Dĩ An.
Đêm trắng họ đạo
Chưa đến 3 giờ sáng, đèn đường hiu hắt trước trại hòm mờ tỏ trên đường Phan Đăng Lưu, Q.Bình Thạnh. Vài chục họ đạo nườm nượp bên quán cà phê, khói thuốc trắng ngắt, đặc quánh cả một vùng. Phía trước quán, hai chiếc xe tang đợi sẵn chờ đến giờ xuất phát. Còn hơn một giờ đồng hồ nữa mới đến giờ động quan (đưa quan tài đi), những gương mặt đờ đẫn thi nhau ngáp vặt. Thấy "lính mới", một người đàn ông đứng tuổi đến bắt chuyện: "Mới vô hả? Suy nghĩ kỹ chưa mà chọn nghề này?". Tôi thoáng chút khó hiểu, ông vỗ vai nói luôn: "Nghề này thức đêm ngủ ngày, cực khổ lắm. Đã vô rồi khó có đường trở ra lắm". Ông giới thiệu tên là Diện, 56 tuổi, nhà ở Hóc Môn. Vì ở xa nên mỗi khi có lệnh gọi của trại hòm, ông phải đi trước từ nhiều giờ đồng hồ. Công việc mai táng bắt đầu từ rạng sáng cho đến chiều hôm sau. Ông chỉ kịp về nhà tắm rửa, giấc ngủ ngày chập chờn ngắn ngủi, đến tối đã có điện thoại đi đám khác. Ông làm họ đạo từ năm 21 tuổi và chưa biết bao giờ mới được "nghỉ hưu".
Họ đạo lên đường khiêng xác
Tôi quan sát nhiều họ đạo khác xung quanh, tất cả đều luống tuổi, đặc biệt họ có điểm chung: những đôi mắt thâm quầng, những ngón tay vàng đục vì nghiện thuốc lá nặng. Họ đạo không thuộc biên chế của bất cứ trại hòm nào, là nghề tự do. Mỗi lần có đám mới được các chủ trại hòm gọi, tiền công tính theo từng đám, không hề có lương tháng, bảo hiểm hay bất cứ gì khác. Nhà Ông Diện nhiều miệng ăn, sinh hoạt học hành con cái nhờ cả vào việc khiêng xác chết. "Làm cái nghề này chỉ đủ sống, chẳng bao giờ khá lên được, lại rước đủ thứ bệnh vào người" - ông nói. Ngoài thức khuya dậy sớm, nghề họ đạo lắm lúc cũng lang bạt kỳ hồ. Nhiều đám ở miền Tây, miền Đông, ngoài miền Trung hay xa tít Hà Nội, Lạng Sơn... phu hòm đều phải đưa đi. Đó là những cuộc hành xác thật sự. Họ đạo ngồi chung quanh quan tài, vắt vẻo trên rồng (thực chất là xe tải có trang trí phụ kiện đám ma) chạy như bay. Mỗi chuyến đi dài ngày như vậy, dân họ đạo cứng người ê ẩm, suy nhược nặng vì mất ngủ.
"Ngán nhất là những đám ở Miền Tây. Đám chôn trên đất ruộng nhão nhoét. Họ đạo khiêng quan tài đi trên đất bùn ngập gần đến nửa thân người, phải lê từng bước" -anh Trung, một họ đạo ngoài 40 tuổi nói. Anh tếu táo kể có lần đám ở Long An, bùn nhiều quá lem hết cả bộ đồng phục. Chiếc quần họ đạo rộng trễ xuống dẫm phải đè luôn xuống bùn. Họ đạo quá nửa "mất quần" nhưng chịu phải mặc quần đùi khiêng tiếp, vì trên vai là quan tài nặng quá cỡ, không thể dừng lại được. Nhà anh Trung ở Gò Vấp, một vợ hai con tất cả đều trông chờ vào tiền công làm họ đạo của anh. Họ đạo thường được chia theo nhóm, thường là 10 người hoặc nhiều hơn. Đám nào giàu có, dùng quan tài nặng và đắt tiền có khi phải 20 người khiêng.Tiền công thường được chủ trại hòm trả 100 ngàn đồng/người/đám. Ngoài ra, họ còn được chia tiền "dán đầu hòm". Đó là tiền gia chủ thường dán tiền lên đầu quan tài coi như tạ ơn người khiêng hòm. Khoản này được chia đều cho các họ đạo. Thường là một triệu, đám giàu dán nhiều hơn, nghèo thì ít đi. Có đám nghèo quá, dán đầu hòm được 100 ngàn, chia không được thì mua lít rượu đế, vài cái đầu cổ vịt cùng rau gỏi làm bữa nhậu coi như là "thành quả". "Nghề này toàn tiếp xúc với xác chết, phải uống rượu, uống nhiều đâm nghiện, chẳng họ đạo nào không nghiện rượu" -anh Trung nói.
Tiếp xúc nhiều họ đạo, tôi mới biết, thì ra việc "ăn chia" tiền dán đầu hòm cũng có những luật lệ riêng. Đối với trại hòm người Việt, một nhóm họ đạo chừng 10 người có một nhóm trưởng chỉ đạo việc khiêng hòm. Tiền dán đầu hòm chia đều nhau. Nhưng đối với đám ma người Hoa ở khu Chợ Lớn thì nhóm trưởng lấy hết 40% tiền, còn lại chia đều ra nhiều suất, trong đó nhóm trưởng cũng có suất, tiền đến tay họ đạo không còn được bao nhiêu. Mỗi tháng có khi họ đạo đi khiêng 30 đám, tiền thu nhập trung bình 6 triệu đồng/người. Nghe qua thì có vẻ không tồi nhưng trừ lá cà phê, tiền ăn nhậu, tiền mang về cho vợ không được phân nửa. "Tháng nào ít đám, không có tiền, phải chạy vạy khắp nơi vay mượn tiền lo cho vợ con. Chờ đến khi có đám mới tính tiếp" -anh Trung tâm sự.
Sinh nghề tử nghiệp
Chủ trại hòm vừa phát lệnh lên đường. Tôi cùng hơn chục họ đạo khác lên xe rồng hướng đến một con hẻm ở Q.Bình Thạnh để thỉnh quan tài mang xuống lò thiêu ở Dĩ An. Sau nhiều hồi khấn nguyện, lễ nghi, một người lớn tuổi nhất trong nhóm họ đạo đảm nhận vai trò "cai quan" điều hành lễ rước quan tài, đường bệ trong bộ quan phục. Cai quan lạy xong, họ đạo vào việc. Chiếc quan tài từ từ được dời đi, lướt nhẹ nhàng trên lưng họ đạo một cách thuần thục. Chiếc quan tài len qua con hẻm hẹp rồi được đặt lên xe tang chờ sẵn nơi đầu hẻm. Họ đạo từng người thoăn thoắt nhảy lên xe, ngồi cạnh quan tài. Chiếc xe bắt đầu lăn bánh, sáng Sài Gòn đặc quánh, hàng ngàn ánh mắt đổ dồn vào xe rồng nơi đội quanh họ đạo vắt vẻo lắc lư cạnh quan tài, theo từng nhịp rồ ga, xốc lên xốc xuống. Anh Trung kêu tôi ngồi cạnh, lại rút thuốc. Đôi môi đen sì khói thuốc của người họ đạo thi thoảng lắm mởi nở được một nụ cười chua chát. "Làm nhiều rồi quen. Vất vả cực khổ chịu được hết nhưng buồn tủi, cô đơn thì không mấy người chịu được" -anh nói. Đã vào nghề họ đạo thì phải chấp nhận ít, thậm chí không có bà con. Hơn chục năm làm họ đạo anh không biết mặt anh em ruột thuở trước. Họ tránh mặt vì coi anh là điềm gỡ. "Nhiều lúc anh em bà con đổ bệnh mình cũng không được vào thăm. Mình đến lại sợ họ nói mình trù hẻo, trông cho họ chết" -anh nói trong giọng khản đặc đứt quãng. Tôi thoáng thấy trong ánh mắt đục ngầu có một vệt buồn rưng rức. Tôi cũng buồn. Vì cái nghề nghĩa hiệp và cao quý như vậy vào mắt người đời không lẽ lại cay nghiệt đến thế? Rồi lại mông lung rằng ai trong đời rồi cũng có lúc nằm xuống, nếu không có những con người này, ai sẽ tiễn người chết sang bên kia thế giới một cách trịnh trọng đàng hoàng?
Họ đạo khiêng hòm, bên trên là tiền dán đầu hòm, một phần trong thu nhập ở mỗi đám ma
Mót, chàng họ đạo 22 tuổi, trẻ nhất trong đoàn vỗ vào vai, lôi sượt tôi ra khỏi dòng suy tưởng. Mót bảo, ít người trẻ chọn cái nghề bạo bẽo này như cậu, chỉ người già mới chịu làm. Cha Mót trước cũng làm họ đạo, duyên cớ thế nào mà truyền lại rồi ứng vào cậu, cha truyền con nối đúng nghĩa. Mót kể cậu đi làm họ đạo từ năm 16 tuổi, nhiều lần nghỉ việc di làm tài xế, bảo vệ. Nhưng chịu. Không có công việc nào suôn sẻ, luôn bất trắc cuối cùng phải quay lại làm họ đạo. Làm riết rồi đâm "yêu" nghề, chỉ khi khiêng xác chết cậu mới cảm thấy hăng say, mới thấy vui vẻ trong lòng. Tôi hỏi chuyện gia đình riêng, Mót nhoẻn miệng cười chua chát: "Làm phu khiêng xác đứa nào dám ưng? Mấy ông kia khôn lắm, cưới vợ rồi mới đi làm họ đạo. Vậy mà vẫn có người bị vợ bỏ vì sợ lây tử khí. Hỏi chi thêm buồn". Nhìn thấy ánh mắt Mót, tôi biết cậu nói thật. Lại quặn lòng vì quá nhiều lời nguyền vô lý như những làn khói lởn vởn bám quanh những con người thật thà, dễ mến.
7 giờ sáng, xe đến lò thiêu Dĩ An (Bình Dương) đã thấy trong ngoài nêm chặt hơn chục chiếc xe tang khác. Đợi mấy tiếng đồng hồ mới đến lượt khổ chủ vào lò thiêu. Hôm ấy là ngày đẹp theo lịch âm nên có rất nhiều đám mai táng. Đến lượt đám của trại Vạn Thọ, từ xe tang, chục họ đạo lại nhẹ nhàng uyển chuyển khiêng quan tài lách qua rừng người đông nghẹt đặt lên bục trong nhà mai táng. Không khí nặng nề, đặc quành mùi nhang khói, mùi lò thiêu khét lẹt. Sau hồi tụng niệm của sư chùa, nhân viên lò thiêu nhấn nút, chiếc quan tài to đùng chìm dần xuống từ từ rồi tự động chuyển vào lò thiêu trong tiếc khóc, tiếng gào thét của thân nhân.
Ngày họ đạo kết thúc, chiếc xe tang lăn bánh nhằm hướng Sài Gòn. Họ đạo mệt lử, kẻ ngồi người nằm ngay trên chỗ lúc nãy vừa đặt quan tài. Về đến trại hòm đã gần trưa. Họ lặng lẽ tản đi, chẳng còn nhiều chuyện trò. Trước mắt sẽ là một giấc ngủ ngày ngắn ngủn và nặng nề. Sau đó có thể là vài chén rượu trắng để lấy lại sinh lực. Chờ đến giữa đêm, những con người ấy lại tụ mặt cà phê trước cửa trại hòm, chờ đưa người khác sang bên kia thế giới...
Theo Xahoi
TPHCM: Miễn phí dịch vụ để khuyến khích người dân hỏa táng Nhằm tiết kiệm chi phí, quỹ đất, xây dựng nếp sống văn minh đô thị và bảo vệ môi trường, TPHCM đang định hướng miễn phí hỏa táng để khuyến khích người dân cùng tham gia. Hỏa táng là hình thức mai táng thích hợp đối với những thành phố lớn, đất chật người đông như TPHCM. Theo đó, sắp tới UBND sẽ...