Sài Gòn mưa lớn, ‘mù khô’ giảm, đường lại ngập
Cơn mưa lớn kéo dài gần một giờ vào trưa nay, 8.10, đã giúp giảm phần nào tình trạng “mù khô”, nhưng một số đoạn đường như Kinh Dương Vương (quận Bình Tân, TP.HCM) lại ngập nặng.
Đoạn ngập kéo dài khoảng 200 m trên đường Kinh Dương Vương (phường An Lạc, quận BÌnh Tân) gây khó khăn cho người đi đường – Ảnh: Phạm Hữu
Sau cơn mưa vào trưa nay, không khí ở Sài Gòn trở nên thoáng hơn, khi chạy xe có thể quan sát dễ dàng và đứng từ quận 2 có thể thấy rõ những nhà cao tầng ở quận 1 hơn so với thời điểm buổi sáng cùng ngày.
Sau cơn mưa hiện tượng “mù khô” giảm bớt phần nào. Ảnh chụp lúc 17 giờ ngày 8.10: Phạm Hữu
Theo bà Lê Thị Xuân Lan, cơn mưa vào trưa nay đã giúp cho không khí ở TP.HCM trở nên thoáng hơn và tình trạng “mù khô” cũng giảm bớt.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng khuyến cáo thêm, hiện tượng “mù khô” xảy ra không chỉ ở Việt Nam mà xuất hiện trên toàn khu vực Đông Nam Á. Vì vậy những trận mưa cục bộ chỉ làm thuyên giảm phần nào lượng “mù khô” tại khu vực có mưa đó và trong khoảng thời gian nhất định. Và hiện tượng “mù khô” ở những nơi khác sẽ tiếp tục bay đến làm bảo hòa không khí trở lại.
Video đang HOT
Khi đứng ở khu vực quận 2 có thể quan sát rõ các tòa nhà cao tầng ở quân 1. Ảnh chụp lúc 17 giờ ngày 8.10 – Ảnh: Hoài Nhơn
Tuy nhiên, cơn mưa lớn trưa nay đã khiến đường Kinh Dương Vương trở nên ngập nặng. Theo người dân tại đây, khi cơn mưa chỉ mới được 15 phút, nhiều đoạn trên đường này đã ngập đến 30 cm. Đến khoảng 30 phút sau nước đã tràn vào đến thềm nhà.
Mực nước trên đường Kinh Dương Vương lên đến nửa bánh xe – Ảnh: Phạm Hữu
Đoạn đường ngập kéo dài khoảng 200 m qua địa bàn phường An Lạc, quận Bình Tân. Mực nước tại đây có khi lên đến nửa bánh xe; bên cạnh đó, nước cống đen ngòm trào lên kèm theo mùi hôi thối nồng nặc.
Con đường nhánh cạnh đường kinh Dương Vương cũng không tránh khỏi tình trạng ngập – Ảnh: Phạm Hữu
Nhiều cửa hàng buôn bán trên đường này bị đình trệ hoàn toàn và người dân dựng “bờ kè” tạm để tránh nước tràn vào, thâm chí một tiệm sửa xe máy còn dùng bình ắc quy để che chắn nước.
Dùng bình ắc quy để làm “đê” chắn sóng – Ảnh: Phạm Hữu
Phạm Hữu – Hoài Nhơn
Theo Thanhnien
Không khí 'mù khô' ở TP.HCM: Đề phòng các bệnh về hô hấp
Trước tình trạng không khí 'mù khô' xuất hiện dày đặc tại TP.HCM trong những ngày qua, bác sĩ khuyến cáo người dân nên cẩn thận đề phòng các bệnh về đường hô hấp.
Cần đặc biệt chú ý đề phòng các bệnh hô hấp cho trẻ nhỏ trong không khí "mù khô" - Ảnh: Nguyên Mi
Hôm nay, bác sĩ Trần Anh Tuấn, Trưởng Khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết: Nếu như các phương tiện truyền thông đưa tin, hiện tượng "mù khô" những ngày qua là do ảnh hưởng của cháy rừng ở Indonesia hay do ô nhiễm môi trường thì chắc chắn nó sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, hệ hô hấp của người lớn cũng như trẻ em. Bởi lẽ, trong không khí "mù khô" có rất nhiều hạt bụi, vật thể rắn nhỏ li ti. Qua việc hít thở, các hạt nhỏ li ti này sẽ thâm nhập vào đường hô hấp, gây viêm đường thở có thể từ nặng đến nhẹ. Người bị bệnh nhẹ có thể bị viêm hô hấp trên, nặng thì bị viêm phế quản.
Đặc biệt, bác sĩ Tuấn cảnh báo đối với những người có bệnh mạn tính về hô hấp, dị ứng đường hô hấp hay hen suyển thì trong không khí như thế này bệnh càng dễ chuyển nặng, viêm nhiễm và dễ bị lên cơn suyển.
Bên cạnh đó, theo bác sĩ Tuấn, trẻ em cũng là đối tượng cần được chú ý phòng bệnh hô hấp trong không khí "mù khô" những ngày nay.
"Ở trẻ, đường thở ngắn nên bụi, các chất lạ rất dễ xâm nhập sâu và đường hô hấp, phổi. Mặt khác, niêm mạc hô hấp của trẻ cũng mỏng, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, sức đề kháng yếu nên khó chống lại các yếu tố gây hại từ bên ngoài xâm nhập. Vì vậy, trẻ rất dễ mắc các bệnh hô hấp và dễ chuyển biến nặng", bác sĩ Tuấn lưu ý.
"Mù khô" giữa trưa tại TP.HCM - Ảnh: Nguyên Mi
Để đề phòng các bệnh về hô hấp trong không khí "mù khô", bác sĩ Tuấn khuyên người dân ở nhà thì nên đóng kín cửa để tránh bụi mù. Khi ra ngoài đường nên đeo khẩu trang. Có thể rửa mũi bằng cách nhỏ nước muối sinh lý đối với cả người lớn và trẻ nhỏ, súc miệng bằng nước muối loãng.
Trong những ngày qua, điều kiện thời tiết nắng mưa thất thường cũng khiến số bệnh nhi mắc các bệnh về đường hô hấp tăng cao. Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng 1, số bệnh nhi mắc các bệnh hô hấp đang nằm viện những ngày vừa qua đều trên 100 ca/ngày.
Trong khi đó, bác sĩ Trịnh Hữu Tùng, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), cho biết số bệnh nhi đến khám và nhập viện với các triệu chứng về hô hấp những ngày qua luôn nằm trong top đầu (cùng với sốt xuất huyết và tay chân miệng), đặc biệt viêm phổi rất nhiều.
Vì vậy, theo các bác sĩ, nếu "mù khô" vẫn còn kéo dài, kết hợp với thời tiết đang thất thường và số lượng bệnh hô hấp đang cao thì có thể bệnh này sẽ còn "đà" tăng tiếp.
Nguyên Mi
Theo Thanhnien
Cháy rừng ở Indonesia gây hiện tượng mù khô tại Sài Gòn Dữ liệu quan trắc trên biển và đất liền cho thấy hiện tượng mù khô ở TP HCM và Nam Bộ do khói cháy rừng ở Indonesia bay sang. Trao đổi với VnExpress, ông Đặng Văn Dũng - Phó giám đốc Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ - cho biết, dữ liệu ở các trạm quan trắc khí tượng trên...