Sai chính tả trong ‘Từ điển chính tả tiếng Việt’
Không chỉ người nước ngoài và học sinh mà ngay cả những người trong cơ quan hành chính nhà nước… đều sử dụng từ điển tiếng Việt để tra cứu. Thế nhưng, thật trớ trêu, nếu như cuốn từ điển lại… sai.
Cuốn “Từ điển chính tả tiếng Việt” của GS.TS Nguyễn Văn Khang là một cuốn từ điển như vậy.
Bìa cuốn Từ điển chính tả tiếng Việt của GS.TS Nguyễn Văn Khang.
“Từ điển chính tả tiếng Việt” do tác giả GS.TS Nguyễn Văn Khang được NXB Đại học Quốc gia Hà Nội xuất bản từ năm 2018. Sách gồm 806 trang, khổ 10.5 x 18cm. Đơn vị liên kết Công ty TNHH Văn hoá Minh Tân – Nhà sách Minh Thắng.
Trong phần “Hướng dẫn cách sử dụng từ điển”, GS.TS Nguyễn Văn Khang cho biết: “Từ điển chính tả tiếng Việt” này được biên soạn dựa trên cách xử lí chính tả trong “ Từ điển tiếng Việt” của Viện Ngôn ngữ học” (Hoàng Phê chủ biên).
Tuy nhiên, thực tế cho thấy GS.TS Nguyễn Văn Khang hoàn toàn không “xử lí chính tả” theo tài liệu đã nêu, mà “xử lí” theo cảm tính chủ quan, hoặc căn cứ theo một nguồn tài liệu nào đó, dẫn đến rất nhiều sai sót.
Qua so sánh đối chiếu chúng tôi thấy cuốn Từ điển chính tả tiếng Việt (2018) và cuốn Từ điển chính tả tiếng Việt phổ thông (Nguyễn Văn Khang – NXB Khoa học Xã hội – 2003), gần như giống nhau hoàn toàn. Nghĩa là có tới gần như 100% số lỗi được bê nguyên xi từ cuốn trước (2003) sang cuốn sau (2018). Khác nhau có chăng là lỗi văn bản ở cuốn sau nhiều hơn cuốn trước.
Những sai sót trong cuốn “Từ điển chính tả tiếng Việt” của GS.TS Nguyễn Văn Khang, bao gồm rất nhiều mặt, như: sai chính tả do lẫn lộn CH với TR; S với X; D với R; GI với D; L với N; IU với ƯU; dấu hỏi (?) với dấu ngã (~), cũng là sai kiến thức, hiểu biết về thành ngữ tục ngữ, sai về từ ngữ Hán Việt…
Một trang sách có lỗi.
Thứ nhất, lẫn lộn giữa S thành X, X thành S. Ví dụ từ điển hướng dẫn: “sán: sán lạn. không viết: xán”, nhưng thực ra viết “xán lạn” mới đúng; “si: nguyên si. không viết: xi” (viết “nguyên xi” mới đúng); “xuất: khinh xuất. không viết: suất” (viết “khinh suất” mới đúng); “xuất: thống xuất. không viết: suất.” (viết “thống suất” mới đúng); “sử: sử kiện. không viết: xử” (viết “xử” mới đúng); “xử: sử tử. không viết: xử” (viết “xử tử” mới đúng); “sử: xét sử. không viết: xử” (viết “xét xử” mới đúng)…
Có ít nhất gần 30 lỗi dạng này, kèm theo lời khuyên hoàn toàn đi ngược lại với chuẩn chính tả hiện hành.
Video đang HOT
Thứ hai, lẫn lộn R với D; R với GI; R với D; IU với ƯU: “ron: con ron. không viết: don” (viết “con don” mới đúng). “rong: rong riềng không viết: dong” (viết “dong riềng” mới đúng). “giơ: Trục bánh xe bị giơ (= rơ)” (chỉ viết “bị rơ” mới chuẩn). “ăn giơ. không viết: dơ, rơ”. (viết “rơ” mới đúng). “rứt: rứt tình không viết: dứt” (viết “dứt tình” mới đúng). “trừu: trừu mến. không viết: trìu” (viết “trìu mến” mới đúng).
Thứ ba, hướng dẫn viết các thành ngữ tục ngữ thiếu chính xác. Tác giả từ điển chính tả tỏ ra thiếu am hiểu về thành ngữ tục ngữ (kể cả gốc Hán). Rất nhiều dị bản thiếu chính xác, không tồn tại trong thực tế đã được đưa ra làm ngữ liệu hướng dẫn viết chính tả (phần trong ngoặc là đính chính của chúng tôi).
Ví dụ: “Nghe: nghe gà hoá cuốc” (“nhìn gà…”); “nhường: nhường cơm xẻ áo” (“…sẻ áo”); “tụng: khẩu tụng tâm suy” (“…tâm duy”); “tàn: tàn che ngựa cưởi” (“…ngựa cưỡi”); “tay: tay cắt ruột xót” (“tay đứt…”); “tay: tay dùi dục, chân bàn chổi” ( “…bàn cuốc”); “trái: trái trứng trái nết.” ( “trái chứng…”); “trèo: trèo đèo lặn suối” (“…lội suối”); “trông: trông gà hoá cáo” (“…hoá cuốc”); “thâm: thâm nghiêm cùng cốc” (“thâm sơn…”)… Thống kê chưa hết, đã 23 lỗi dạng này.
Thứ tư, nhiều chỉ dẫn giữa các mục từ tiền hậu bất nhất. Ví dụ : “chóc: chim chóc, giết chóc. không viết: tróc”. Đến mục “giết” lại hướng dẫn cả hai dạng: giết chóc, giết tróc”. “chỗi: Đang nằm chỗi (= ngồi dậy). không viết: trỗi”. Đến mục “trỗi” lại viết: không trỗi dậy nổi. không viết: chỗi”…
Thứ năm, nhầm lẫn, đánh đồng phương ngữ, từ ít dùng, từ cũ, với chuẩn chính tả hiện hành (mục có dấu [?] chúng tôi nghi ngờ tính xác thực của từ ngữ). Ví dụ: “đởm: Nghèo mà đởm (= đảm)”. “chủi: Cầm chủi (= chổi) quét nhà”. “chưởi = chửi: chưởi nhau”. “cọng: Tính cọng (= cộng)”. “khút = khuất; Khút sau rặng tre”.[?]. “kiêu: Cây kiêu (= cao) bóng cả.”. “lả: Đốt lả (= lửa)”. “rớp: Nhà có rớp (= dớp)”. “sỉn: không viết: xỉn”[?]. “soai soải (= thoai thoải)”[?]. “tho: Đành chịu tho (= thua)”. “tràng: Tràng (= sàng) gạo” [?].
Thứ sáu, quá nhiều lỗi văn bản (Phần nhiều số lỗi đến bản năm 2018 mới xuất hiện. Chữ viết trong ngoặc đơn là đính chính của chúng tôi). Ví dụ: “Chen cổ không thở được” (chẹn); “chiêm khẽ mùa thối” (khê); “chuông treo chí mành” (chỉ); “đau lờ” (đan); “Đen sáng choang” (đèn); “đĩ trực báo oán” (dĩ); “vồ loài” (vô); “tề chính” (chỉnh); “xéo phái gai” (phải); “chú nhà đi vắng” (chủ); “văn vèo” (vằn); “thấy bỏ thì đào” (bở); “gái rỏ thèm của chua” (rở); “tay sốt đo tay nguội” (đổ). “tử tán” (tứ); “rổ sẻ” (sề)…
Còn nhớ đầu năm 2020, hai ấn phẩm liên kết xuất bản giữa NXB Đại học Quốc gia Hà Nội và Công ty Dịch vụ văn hóa Minh Long, mắc lỗi đạo văn và nhiều sai sót phải thu hồi, tiêu huỷ như “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam” của nhóm tác giả Dương Thị Dung, Đặng Thúy Hằng, Nguyễn Thảo Nguyên; “Từ điển chính tả Tiếng Việt” do PGS.TS Hà Quang Năng chủ biên.
Đến nay NXB Đại học Quốc gia Hà Nội lại tiếp tục cấp phép cho cuốn “Từ điển chính tả tiếng Việt” của GS.TS Nguyễn Văn Khang với rất nhiều sai sót, có hại cho tiếng Việt.
Điều đáng nói, GS.TS Nguyễn Văn Khang là người đã từng biên soạn và tham gia biên soạn hàng chục cuốn từ điển, với hàng trăm công trình khoa học đã công bố. Bởi vậy, những sai sót này thật khó chấp nhận, đặc biệt là sai sót lặp lại trong hai cuốn từ điển, cuốn sau cách cuốn trước 15 năm.
PGS.TS Phạm Văn Tình: Gặp lỗi chính tả như ăn phải hạt sạn
Từ điển là cẩm nang hướng dẫn người dùng, đòi hỏi phải chuẩn. Từ điển chính tả tiếng Việt là cẩm nang về cách viết thế nào cho đúng.
Cuốn "Từ điển chính tả tiếng Việt" (Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội) của PGS, TS Hà Quang Năng (chủ biên) và thạc sĩ Hà Thị Quế Hương, có nhiều sai sót, nhầm lẫn khó chấp nhận, gây xôn xao dư luận. Ngày 12/6, NXB HQG Hà Nội đã ra quyết định thu hồi cuốn sách nêu trên.
Việc xuất bản một cuốn "Từ điển chính tả tiếng Việt" mà lại sai chính tả là điều đáng tiếc. Bởi chuẩn chính tả là một vấn đề có tính bắt buộc đối với mọi thành viên trong cộng đồng ngôn ngữ. Đề cập vấn đề này, phóng viên VOV.VN có cuộc trao đổi với PGS, TS Phạm Văn Tình, Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam.
"Từ điển chính tả tiếng Việt" bị sai chính tả.
PV: Thưa PGS .TS Phạm Văn Tình, không rõ Việt Nam hiện có bao nhiêu cuốn từ điển chính tả tiếng Việt?
PGS .TS Phạm Văn Tình: Hiện có rất nhiều cuốn từ điển chính tả tiếng Việt. Cũng có nhiều cuốn chất lượng tốt như của GS Hoàng Phê.
PV: Vậy thưa PGS, trong cuộc sống như ông nói, có rất nhiều từ điển để hướng dẫn về mặt chính tả. PGS có thể liệt kê những cuốn từ điển nào thiết thực với cuộc sống, một cách đơn giản nhất hiện nay?
PGS .TS Phạm Văn Tình: Nếu mà nói từ điển phục vụ cho cộng đồng thì có nhiều. Thứ nhất là phải có những cuốn Từ điển giải thích, tức là Từ điển tường giải. Cuốn đầu tiên là của Huỳnh Tịnh Của, nhan đề là Đại Nam Quốc Âm Tự Vị. Cuốn này xuất bản từ năm 1895-1896, là cuốn Từ điển tiếng Việt đầu tiên của nước ta, được chính quyền Pháp ở Nam Kỳ xuất bản.
Hiện nay có nhiều Từ điển giải thích. Gần nhất là cuốn Từ điển tiếng Việt của GS Hoàng Phê chủ biên, xuất bản năm 1988 và được tái bản nhiều lần. Đấy là cuốn hướng dẫn người nói về mặt từ ngữ. Và còn nhiều cuốn khác như Từ điển đồng nghĩa, trái nghĩa, Từ điển vần, rồi Từ điển chính tả.
Từ điển chính tả là cẩm nang về cách viết thế nào cho đúng. Một cuốn hướng dẫn nói, một cuốn hướng dẫn viết, thì Từ điển chính tả là cuốn hướng dẫn người ta viết thế nào cho chuẩn.
Sau này có nhiều cuốn Từ điển chính tả. Đến nay, tôi biết một trong những cuốn từ điển chính tả khá cổ là cuốn của GS Lê Ngọc Trụ. Từ điển chính tả thực tế là một cách cụ thể hoá từ điển giải thích tiếng Việt. Bởi bản thân cuốn Từ điển giải thích cũng đã bao hàm ý nghĩa của Từ điển chính tả. Nhưng Từ điển chính tả đưa ra các khả năng sử dụng và hướng người dùng đến biến thể chuẩn.
Chữ Việt là ghi âm, cho nên rất đơn giản là âm nói thế nào thì viết như thế. Chỉ có điều giữa âm và chữ trong tiếng Việt nó có sự vênh nhau. Vênh nhau vì sao? Bởi vì hệ thống âm vị được sử dụng chữ cái Latin để sáng tạo ra chữ Quốc ngữ nó có một số bất hợp lí. Chẳng hạn như hiện nay 3 con chữ R, GI, và D thể hiện âm vị d. Rắc rối, duyên dáng, hay già dặn, thực ra đều phát âm bằng âm d. Chữ NG thì tại sao đi với I còn E thì lại phải là NGH; nếu đi với A hay Ô, ví dụ như ngô nghê thì ngô phải viết NG nhưng nghê thì viết NGH. Rất nhiều những cái có thể nói là bất hợp lí. Cho nên nếu không thuộc chính tả thì có thể dẫn đến viết sai.
PGS, TS Phạm Văn Tình, Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam.
Liên quan đến từ ngữ thì có Từ điển tiếng Việt giải thích, cách viết thì có Từ điển chính tả. Vì vậy cần có một cuốn Từ điển chính tả bên cạnh, tôi cho rằng là 1 điều cần thiết đối với những người làm công việc viết lách như nhà báo, những người viết sách, người nghiên cứu vẫn cần thiết phải tra để đỡ mất công.
PV: Từ điển chính tả giống như 1 bản mẫu để người dân soi chiếu . Vậy , việc một cuốn T ừ điển về chính tả tiếng Việt lại sai chính tả, thì chắc đó là điều không chấp nhận được?
PGS .TS Phạm Văn Tình: Từ điển là cẩm nang hướng dẫn người dùng, đòi hỏi phải chuẩn. Từ điển chính tả cũng thế. Nguyên tắc làm từ điển là phải thu thập tất cả các ngữ liệu. Nó là cơ sở để biên soạn một cuốn từ điển. Từ điển chính tả cũng thế. Ngữ liệu trong cuộc sống vô cùng đa dạng. Việc đầu tiên là phải sắp xếp, phân loại các ngữ liệu xem cái nào được coi là chuẩn, cái nào được coi là phổ biến và được chấp nhận. Chứ không phải bất luận cái nào xuất hiện là ta đưa vào từ điển. Những người làm Từ điển chính tả phải xem xét trong những ngữ liệu mang về, xem cái nào được lựa chọn để đưa vào làm chuẩn.
Người làm từ điển việc đầu tiên phải dựa vào các nguyên tắc để giải thích, dựa vào nguyên tắc phân định từ loại để chia ra làm danh từ, hay tính từ, động từ hay trợ động từ hay là thán từ, rồi từ đó mới tìm cách định nghĩa.
Từ điển chính tả thì cũng phải dựa vào những nguyên tắc sau: nguyên tắc âm vị học; Từ nguyên học; Theo thói quen; Cú pháp học và tu từ học. Những nguyên tắc này gần như là căn cứ quan trọng, là kim chỉ nam, là thước đo để người soạn từ điển chính tả phân loại và đưa vào cuốn từ điển của mình, hướng dẫn cho mọi người trong cộng đồng viết thế nào cho đúng.
PV: Như PGS vừa nói, sự biến thế có rất nhiều và dẫn ra cái sai từ cái gốc của vấn đề . N gay cả trên báo chí, phóng viên sử dụng ngôn từ nhiều lúc cũng không có sự đồng nhất trong chính tả tiếng Việt , vậy thưa PGS để thay đổi điều này chắc không thể ngày một, ngày hai?
PGS .TS Phạm Văn Tình: Chuẩn chính tả vừa mang tính xã hội vừa mang tính lịch sử, liên quan đến nhận thức. Hiện nay trên báo chí sai lệch chính tả nhiều. Tôi nói ví dụ như y với i, nhiều người không ai chịu ai. Quy định này đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn cụ thể và học sinh, giới ngôn ngữ học cũng đã chấp nhận.
Chính tả vừa có tính pháp lý, vừa có tính logic ngôn ngữ học, vừa có tính văn hoá nữa. Vấn đề này có những hiệu ứng dây chuyền nếu không đưa ra 1 chuẩn chính tả cho mọi người. Tất nhiên tôi biết chính tả là câu chuyện thuộc về kĩ năng, nên ta có thể viết sai. Bản thân những người làm ngôn ngữ nhiều khi cũng viết sai. Vì có những từ lần đầu tiên làm quen hoặc rất ít khi viết. Vì thế không còn cách nào khác phải tra từ điển. Lúc đó từ điển trở thành trọng tài, mà trọng tài sai thì làm sao đưa ra kết quả phân đúng sai được.
PV: Vậy k hông chỉ với nhà ngôn ngữ mà với mỗi nhà báo trong làm nghề cũng cần phải có cuốn Từ điển chính tả tiếng Việt bên cạnh?
PGS .TS Phạm Văn Tình: Nên có, vì không ai nắm tay đến tối, gối tay đến sáng. Vì ngôn ngữ của dân tộc có quá nhiều tri thức mình phải tiếp nhận. Liên quan đến từ ngữ thì có Từ điển tiếng Việt giải thích, cách viết thì có Từ điển chính tả. Vì vậy cần có một cuốn Từ điển chính tả bên cạnh, tôi cho rằng là 1 điều cần thiết đối với những người làm công việc viết lách như nhà báo, những người viết sách, người nghiên cứu vẫn cần thiết phải tra để đỡ mất công. Và hơn hết là có một ngữ liệu để kiểm chứng độ đúng sai của mình. Vì mục tiêu của người viết báo là viết chuyện này chuyện kia, viết những nội dung hay suy nghĩ tình cảm trong truyện hay hồi kí...Để không mất quá nhiều thời gian băn khoăn về mặt chính tả phải có cuốn Từ điển chính tả trong tay. Tất nhiên không phải lúc nào cũng tra, chỉ khi mình nghi ngờ, không tự tin về cách viết đó, thì mới hỏi tới "trọng tài" từ điển. Và thường khi chúng ta vấp 1 lần, 2 lần thì chắc lần thứ 3 ít vấp hơn. Đó là 1 trong những yếu tố hình thành kĩ năng như mọi kĩ năng khác trong cuộc sống.
PV: Theo PGS nhận định, T ừ điển chính tả có rất nhiều nhưng sai sót cũng không ít. Vậy thì những người làm biên soạn và xuất bản liệu có quá dễ dãi với chính mình và công trình của mình?
PGS .TS Phạm Văn Tình: Đa số Từ điển chính tả của chúng ta là tốt. Cuốn của bên ngôn ngữ học hay cuốn của GS Hoàng Phê làm và những cuốn gần đây. Hơi tiếc là có những cuốn còn nhiều sơ suất, điển hình nhất là cuốn Từ điển chính tả tiếng Việt của NXB ĐHQG Hà Nội xuất bản cách đây 3 năm.
Cả cuốn từ điển mấy ngàn từ sai một vài từ thì cũng gây ra hiệu ứng không tốt trong xã hội. Đây là những đồng nghiệp tôi biết, họ là những người có trình độ, nhưng để xảy ra sai sót thì có mấy lý do, một là chủ biên đã uỷ nhiệm cho những cán bộ dưới để sai sót không kiểm soát hết. Thứ 2 là NXB cũng không cẩn thận trong khâu biên tập. Vì nếu khâu biên tập mà phát hiện ra rồi cảnh báo thì sẽ giúp tác giả sửa chữa 1 cách tốt hơn, tỉnh táo hơn trong quá trình giải quyết các vấn đề liên quan đến chính tả tiếng Việt. Tôi hy vọng, sau những sự kiện như thế cũng là một lời nhắc nhở, giúp chúng ta phải cẩn trọng trong việc xử lý tư liệu và đưa các tư liệu đó vào trong từ điển thế nào cho hợp lý chuẩn xác và giúp cho cộng đồng có những định hướng tốt trong việc sử dụng chính tả.
PV: Vâng, xin cảm ơn PGS.TS Phạm Văn Tình./.
'Có từ điển xào xáo vô tội vạ, sai sót kinh hoàng' Đáng ra phải là chuẩn mực để người đọc tra cứu, song một số cuốn từ điển ngôn ngữ lại có sai sót, được xào xáo, "chế biến" thành những đầu sách khác nhau rồi đưa ra thị trường. Mới đây, cuốn Từ điển chính tả tiếng Việt (PGS.TS Hà Quang Năng chủ biên, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội) có nhiều...