Sách tuyển sinh 10 “độc quyền” và những chiêu thức lập lờ
Việc in sách tuyển sinh 10 không bao giờ bị ế, bị dư thừa bởi sách luôn được in theo số lượng đăng ký của các nhà trường và đã được thu tiền đầy đủ từ trước.
Theo thông tin từ Nhà Xuất bản Giáo dục thì để chuẩn bị năm học 2019-2020 tới đây, Nhà Xuất bản này sẽ tung ra thị trường 108 triệu bản sách giáo khoa.
Tất nhiên, phụ huynh học sinh cả nước sẽ phải tiếp tục chi ra hàng nghìn tỉ đồng cho việc mua sách cho con em mình.
Nhưng có lẽ con số này cũng chỉ là “phần cứng” bởi ngoài sách giáo khoa ra thì còn rất nhiều loại sách “ăn theo” nữa như: sách bài tập, sách tài liệu…
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ đề cập đến bộ sách tuyển sinh 10 của một số địa phương- loại sách mà gần như là bắt buộc học sinh lớp 9 phải mua khi bước vào học kỳ II của năm học.
Sách tham khảo được bày bán la liệt nhưng học sinh cứ phải sách của sở giáo dục ( Ảnh: Thanh An)
Các môn thi ở kỳ thi tuyển sinh 10 hiện nay của đa phần các địa phương là 3 môn: Toán, Anh, Văn. Ngoài ra, một số địa phương còn áp dụng hình thức thi theo tổ hợp thì có nhiều môn thi hơn.
Việc thi môn nào sẽ có tài liệu ôn thi môn đó đã là truyền thống của một số sở giáo dục.
Bởi, theo lý giải của người viết sách, công văn chào bán sách thì đây là cách để nhằm nâng cao hiệu quả cho kỳ thi.
Song, theo chúng tôi, đây thực sự là hình thức ép mua sách mà thôi bởi giá sách thường rất cao mà nội dung thì được “cắt, dán” từ các tài liệu khác và sách giáo khoa hiện hành.
Nhưng, một khi sở giáo dục giới thiệu cho phòng giáo dục, rồi phòng giáo dục lại giới thiệu cho nhà trường và nhà trường sẽ trực tiếp chào bán sách cho học sinh.
Cái “vòng tròn khép kín” này được thực hiện thuần thục từ năm này sang năm khác và cũng chưa biết bao giờ sẽ kết thúc?
Những cuốn sách tuyển sinh 10 hiện nay thường là do vị chuyên viên phụ trách môn học của sở giáo dục thực hiện việc biên soạn.
Lúc đầu, khi còn bản thảo thì họ yêu cầu các giáo viên trong tỉnh góp ý để chỉnh sửa, khi chỉnh sửa xong rồi thì họ in thành sách.
Mỗi cuốn sách cho từng môn chỉ dao động từ 70-80 trang giấy nhưng giá thành thì không hề ít chút nào. Mỗi cuốn cũng dao động từ 35-40 nghìn đồng.
Và, tất nhiên khi đã được góp ý hoàn chỉnh thì năm nào sở giáo dục cũng cho tái bản để bán cho học sinh.
Chúng ta chỉ cần làm 1 phép tính nhỏ là nếu như tỉnh đó có 10 nghìn học sinh thi lớp 10, mỗi bộ sách (3 cuốn) từ 100-110 nghìn đồng thì đương nhiên sẽ có tổng thu đã là tiền tỉ.
Nhiều tỉnh có tới gần 60-70 nghìn thí sinh thi tuyển sinh 10- đương nhiên số tiền sẽ rất lớn sau khi chi cho việc xuất bản, vận chuyển, hoa hồng đối với các khâu trung gian.
Mỗi cuốn sách chỉ 1-2 tác giả và một số người “có trách nhiệm” thì sau mỗi kỳ thi họ sẽ bỏ túi một khoản tiền không nhỏ mà lại không phải bỏ công sức gì ngoài việc biên soạn từ hàng chục năm trước.
Việc bán sách tuyển sinh 10 hiện nay được thực hiện theo đường nội bộ, sở giáo dục gửi công văn về phòng giáo dục, phòng giáo dục gửi về trường.
Video đang HOT
Tất nhiên, bao giờ họ cũng quán triệt tinh thần, vai trò của kỳ thi tuyển sinh 10 và đề nghị nhà trường cho học sinh đăng ký mua.
Vì thế, trước khi cho học sinh đăng ký mua thì nhà trường sẽ sinh hoạt trước cờ, sinh hoạt chủ nhiệm và họp phụ huynh học sinh để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh 10.
Vấn đề quan trọng là bán sách tuyển sinh 10 được các ban giám hiệu nhà trường sinh hoạt rất kĩ.
Khi đã làm xong tư tưởng, có được số liệu đăng ký và thu tiền sách thì nhà trường sẽ tập hợp lên phòng giáo dục và chuyển số liệu về sở giáo dục.
Chính vì vậy, việc in sách tuyển sinh 10 không bao giờ bị ế, bị dư thừa bởi sách luôn được in theo số lượng đăng ký của các nhà trường và đã được thu tiền đầy đủ từ trước.
Điều trớ trêu ở chỗ là sách ôn thi tuyển sinh 10 có “nội dung cố định” ngay từ năm đầu sách giáo khoa hiện hành áp dụng đại trà (năm 2002) đến nay.
Ngoài nội dung ôn tập thì cuối mỗi cuốn sách này có 5 đề thi tuyển sinh 10 của 5 năm gần nhất.
Nghĩa là mỗi năm tái bản sách thì chỉ bổ sung thêm 1 đề thi mới của năm học trước và đồng thời bỏ đi 1 đề thi cũ để đảm bảo có 5 đề thi trong mỗi cuốn sách.
Nhưng, lãnh đạo từ nhà trường trở lên cứ lập lờ để bắt buộc học sinh phải mua sách mới?
Những giáo viên trực tiếp ôn thi tuyển sinh 10 đề nghị với nhà trường là nói rõ cho học sinh biết, em nào có điều kiện thì mua sách mới, em nào khó khăn thì phô tô sách, hoặc học sinh có anh chị học khóa trước thì lấy sách đó ôn tập.
Việc sách có bổ sung thêm 1 đề gần nhất thì giáo viên ôn tập sẽ cập nhật cho các em học sinh nhưng bao giờ ban giám hiệu cũng đều không đồng ý và cấm giáo viên ôn thi tiết lộ chi tiết này cho học trò!?
Nếu học sinh có hỏi thì nói là sách năm nay khác với sách năm trước.
Bởi, ban giám hiệu nói là nếu trường không mua sách theo số lượng học sinh đã đăng ký thi tuyển sinh 10 thì khi họp ở phòng giáo dục sẽ bị lãnh đạo phê bình!
Việc “phê bình” có lẽ chỉ là cách nói để bán sách mà thôi bởi phía sau chữ “phê bình” này sẽ là “hoa hồng” được rót về cho phòng giáo dục và nhà trường.
Càng bán được nhiều sách cũng đồng nghĩa là hoa hồng sẽ được tăng lên.
Lợi ích chỉ có một số người được hưởng nhưng tốn kém thì thuộc về hàng chục ngàn phụ huynh học sinh trong toàn tỉnh. Chính vì thế mà sách cũng chỉ được “dùng 1 lần” rồi phải bỏ đi.
“Cái lợi” của việc mua sách tuyển sinh 10 là tác giả viết sách cũng là người sẽ ra đề thi tuyển sinh 10 nên nội dung, câu hỏi cơ bản là tái hiện lại kiến thức đã có trong sách ôn tuyển sinh.
Đáp án khi chấm cũng sẽ là những nội dung đã được thể hiện trong sách này nên giáo viên ôn tập phải bám sát vào sách hướng dẫn ôn tập của sở giáo dục.
Điều này cũng đồng nghĩa là học sinh có sách này thì thường dễ học, dễ ôn, dễ được điểm cao hơn.
Lãnh đạo sở, phòng giáo dục và ban giám hiệu là người đứng ra bán sách, “khách hàng” là phụ huynh học sinh nên mọi “sự biết” và ý kiến của giáo viên ôn thi tuyển sinh 10…không có giá trị trong việc này.
Thực tế, việc ôn thi tuyển sinh 10 hay bất kỳ một một kỳ thi nào đó có lẽ công bằng hơn cả là nội dung sách giáo khoa hiện hành.
Nhưng, vì lợi ích mà nhiều lãnh đạo ngành giáo dục ở một số địa phương đang tìm cách lập lờ để trục lợi bằng nhiều chiêu thức, nhiều lời lẽ hoa mỹ “đầy trách nhiệm”.
Đa phần phụ huynh không biết được mánh khóe phía sau những “lo lắng” về hiệu quả, về chất lượng của kỳ thi là một cách làm tiền trắng trợn nhưng được “núp bóng” bằng những ngôn từ…giả dối!
THANH AN
Theo giaoduc.net.vn
Nên bỏ dòng khuyến cáo "vô duyên" trên sách giáo khoa
Với nội dung và chất lượng sách hiện nay thì việc in dòng chữ "Hãy giữ gìn sách giáo khoa để dành tặng cho các em học sinh lớp sau" cũng rất khó thực hiện.
Câu chuyện độc quyền sách giáo khoa của Nhà Xuất bản Giáo dục trở thành chủ đề nóng trên các mặt báo và ngay cả nghị trường Quốc hội trong một khoảng thời gian dài của năm 2018.
Và, bước vào những ngày đầu năm 2019 này thì Nhà Xuất bản Giáo dục đã dự kiến tăng giá sách giáo khoa cho năm học 2019-2020 nhưng bất thành sau cuộc họp với lãnh đạo Bộ Giáo dục vào ngày 6/3 vừa qua.
Điều khác biệt của sách giáo khoa trong năm học tới là sẽ có dòng chữ " Hãy giữ gìn sách giáo khoa để dành tặng cho các em học sinh lớp sau" trên trang 1 của mỗi cuốn sách.
Đây cũng là điều đáng trân quý bởi dòng chữ này rất nhân văn và đầy trách nhiệm nhưng... giá như dòng chữ này được in sớm hơn có lẽ sẽ tốt hơn rất nhiều cho phụ huynh học sinh.
Sách giáo khoa hiện nay màu sắc rất đẹp nhưng chất lượng lại thường không cân xứng - (Ảnh minh họa: Báo Lao động)
Thực tế, dòng chữ này có ý nghĩa nhưng trong thời điểm này mới đưa vào e rằng nó cũng chỉ mang tính tượng trưng là chủ yếu. Nếu như, ngay từ khi áp dụng đại trà sách giáo khoa hiện hành từ năm 2002 thì dòng chữ này được in vào.
Thời điểm này mới đưa vào thì có lẽ dòng chữ này cũng chỉ mang tính trấn an dư luận nhiều hơn là giá trị của việc "giữ gìn" sách giáo khoa của học sinh.
Bởi, từ năm học 2020-2021 là áp dụng sách giáo khoa của chương trình giáo dục phổ thông mới được áp dụng ở lớp 1. Năm học 2021-2022 là áp dụng sách giáo khoa mới cho lớp 2 và lớp 6.
Năm học 2022- 2023 là áp dụng sách giáo khoa mới cho lớp 3, lớp 7 và lớp10. Như vậy, thực tế các bộ sách giáo khoa hiện hành đang chuẩn bị được thay thế dần vào các năm học tới đây.
Định tăng giá nhưng...Bộ không cho
Theo phản ánh thì từ cuối tháng 1, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam có công văn gửi tới các đơn vị thành viên thông báo về dự kiến giá bìa sách giáo khoa phục vụ năm học 2019 - 2020, kèm theo là danh mục cụ thể từng cuốn sách giáo khoa gồm có giá cũ, giá mới.
Theo dự kiến, sách giáo khoa phổ thông hiện hành gồm 158 từ lớp 1 đến lớp 12, đều dự kiến điều chỉnh giá tăng.
Trong đó, chỉ có 22 cuốn tăng dưới 10% so với giá bìa hiện hành. Những cuốn còn lại đều tăng từ 10 - 40%.
Như vậy, nếu tính theo dự kiến của Nhà Xuất bản Giáo dục thì tất cả các bộ sách đều tăng trên 10%. Bộ sách mà tỷ lệ tăng ít nhất là sách giáo khoa lớp 4 (9 cuốn) cũng đã tăng 12%.
Việc Bộ không cho tăng giá sách giáo khoa trong năm tới cũng là điều phù hợp. Bởi tăng giá sẽ kéo theo rất nhiều những hệ lụy mà có thể sẽ đón nhận sự phản đối lớn của dư luận.
Thực tế, sách giáo khoa những năm qua đã cố định về giá. Mỗi bộ sách giáo khoa truyền thống không phải là quá cao, chỉ dao động trong khoảng 200 nghìn trở lại.
Nhưng, trớ trêu ở chỗ là những loại sách bài tập, sách bổ trợ lại rất cao và giá cả thường thay đổi trong từng năm.
Các loại sách này cũng được sử dụng song hành cùng với sách giáo khoa, nhất là đối với cấp Tiểu học thì gần như học sinh đều phải mua tất cả các loại sách bài tập cho từng môn học.
Trong khi, các loại sách bài tập và bổ trợ này lại có giá cao hơn nhiều lần sách giáo khoa? Đó là chưa kể bộ sách VNEN đang được triển khai trên một diện rộng trong nhiều năm qua.
Sách VNEN về cơ bản giống nội dung của sách giáo khoa truyền thống (sách năm 2000) nhưng được làm khác đi theo từng chủ đề và chỉnh sửa hàng năm.
Đây là bộ sách có giá cao khác thường, gấp 3-4 lần sách giáo khoa truyền thống và đầu mối cũng là sách của Nhà Xuất bản Giáo dục.
Chính vì vậy, việc tăng hay không tăng giá sách giáo khoa cũng không phải là trở ngại quá lớn đối với phụ huynh và học sinh bởi thực tế mỗi bộ sách giáo khoa có tăng giá thì mỗi bộ sách cũng chỉ tăng lên một vài chục nghìn đồng.
Vấn đề mấu chốt là sách bài tập và sách bổ trợ, sách VNEN có lên giá hay không mà thôi. Bởi vì những loại sách này mới là điều mà dư luận đặt sự hoài nghi nhiều nhất.
Dòng chữ khuyến cáo có ý nghĩa nhiều không?
Việc có thêm dòng chữ " Hãy giữ gìn sách giáo khoa để dành tặng cho các em học sinh lớp sau" trong thời điểm giao thời này chợt mất đi ý nghĩa thực tế.
Bởi, mấu chốt của vấn đề là sách bài tập của cấp phổ thông- những cuốn sách có giá gấp nhiều lần sách giáo khoa đa phần là chỉ học một lần.
Và, chắc chắn những năm còn áp dụng chương trình hiện hành thì những cuốn sách này vẫn được giữ nguyên về nội dung.
Nghĩa là vẫn chỉ dùng 1 lần rồi vứt bởi không dại gì mà Nhà Xuất bản Giáo dục lại đi biên soạn lại các loại sách này.
Đó là chưa kể một số địa phương đã bắt đầu sử dụng một số sách giáo khoa phát triển theo năng lực như ở một số môn Tin học, Mỹ thuật, tiếng Anh...cũng chỉ có thể dùng được 1 lần rồi thôi.
Nói thật, với nội dung và chất lượng sách hiện nay thì việc in dòng chữ " Hãy giữ gìn sách giáo khoa để dành tặng cho các em học sinh lớp sau" cũng rất khó thực hiện.
Bởi, nhiều cuốn sách chỉ học được một vài tháng đã bắt đầu bong, rách, giấy cong queo thì rất khó có thể học được vào những năm tiếp theo.
Chúng tôi hy vọng, những bộ sách giáo khoa của chương trình giáo dục phổ thông mới tới đây sẽ được các nhà xuất bản chú trọng vào khâu nội dung, không phải chỉnh sửa, bổ sung hành năm.
Chú trọng vào chất lượng giấy, chất lượng in, đóng cuốn. Và, khi đó thì dòng chữ " Hãy giữ gìn sách giáo khoa để dành tặng cho các em học sinh lớp sau" mới thực sự ý nghĩa.
Bộ sách giáo khoa hiện hành gần như đã an bài và sắp hết sứ mệnh của mình rồi thì thêm một vài chữ vào để khuyến cáo học trò cũng đâu có giải quyết được vấn đề gì nữa.
NGUYỄN NGUYÊN
Theo giaoduc.net.vn
Phân bổ hơn 1.200 tấn gạo hỗ trợ học sinh UBND tỉnh Nghệ An vừa có Quyết định số 452/QĐ-UBND về việc phân bổ gạo hỗ trợ học sinh trên địa bàn tỉnh, học kỳ II, năm học 2018 - 2019. Các em học sinh miền núi Nghệ An nhận gạo phân bổ. Theo đó, trong đợt này, toàn tỉnh có 20.525 em học sinh được hỗ trợ 1.231.500 kg gạo. Trong đó,...