‘Sách Trắng’ báo động đỏ về nhân lực VN
Những cảnh báo mới đây về sự thiếu hụt nguồn nhân lực lao động từ các tổ chức quốc tế lớn tại VN một lần nữa cho thấy việc cải tổ chất lượng giáo dục – đào tạo không thể chậm trễ hơn.
Theo thống kê, 70% sinh viên tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin cần phải qua đào tạo lại mới có thể đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Hơn 50% phải đào tạo lại
Nhiều năm qua, các công ty nước ngoài đã cảnh báo với chất lượng đào tạo hiện nay, việc tìm kiếm đủ nguồn nhân lực trong các lĩnh vực đầu tư trọng yếu như: công nghệ thông tin (CNTT), tài chính, quản trị là cực kỳ khó khăn.
Video đang HOT
Trong một báo cáo của ĐH Harvard (Mỹ) vào năm 2008, các tác giả lấy trường hợp của Intel như một ví dụ điển hình.
Báo cáo viết: “Khi tập đoàn này kiểm tra đầu vào với 2.000 sinh viên ngành CNTT cho nhà máy lắp ráp và kiểm định chip tại khu công nghệ cao TP.HCM, kết quả cuối cùng là chỉ có 40 ứng viên đủ trình độ tiếng Anh để được tuyển. Intel xác nhận đây là kết quả tệ nhất tập đoàn này gặp phải trong tất cả các nước mà họ đầu tư vào”. Đến nay cho dù người phát ngôn của Intel, ông Nick Jacobs, khẳng định với Thanh Niên chất lượng nguồn nhân lực đầu vào đã có những “tiến triển khả quan” trong suốt 5 năm qua thông qua các chương trình liên kết đào tạo giữa Intel và VN, các chuyên gia vẫn cho rằng khó có thể nói đã giải quyết triệt để cuộc khủng hoảng nguồn nhân lực toàn diện đối với các lĩnh vực đầu tư quan trọng.
Theo Sách Trắng 2014 của Phòng Thương mại châu Âu tại VN (EuroCham) – tổng hợp quan điểm của các doanh nghiệp thành viên EuroCham về các vấn đề cụ thể trong môi trường kinh doanh tại VN trong năm 2013 – các doanh nghiệp ngành CNTT ở VN hiện phải đầu tư rất lớn cho đào tạo kỹ năng nghề, tiếng Anh và kỹ năng mềm khi tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp. Tài liệu này dẫn số liệu của Bộ Thông tin – Truyền thông cho thấy trung bình hằng năm nhu cầu nhân lực trong ngành CNTT tăng 13%; trong 5 năm tới, các doanh nghiệp sẽ cần thêm 411.000 lao động trong lĩnh vực này. Thế nhưng, theo Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, khó có thể đáp ứng nhu cầu trên vì mỗi năm chỉ có thể đào tạo 60.000 lao động trong ngành.
Đó là về số lượng. Tình hình càng bi đát hơn khi theo một nghiên cứu gần đây của Viện Thông tin – Truyền thông quốc gia, 70% sinh viên tốt nghiệp ngành này cần phải qua đào tạo lại mới có thể đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp.
Tình hình cũng không sáng sủa gì hơn đối với một lĩnh vực quan trọng khác là du lịch và nhà hàng – khách sạn. Sách Trắng chỉ rõ: “Ngành du lịch hiện vẫn thiếu nguồn nhân lực được đào tạo bài bản. Phần lớn hoạt động đào tạo hiện nay đều do các trung tâm đào tạo triển khai”.
Bà Nicola Connolly, Phó chủ tịch EuroCham phụ trách lĩnh vực nguồn nhân lực và đào tạo, trích dẫn các nghiên cứu gần đây cho thấy tỷ lệ các công ty nước ngoài khẳng định phải đào tạo lại đội ngũ nguồn nhân lực nội địa luôn ở mức từ 40% đến 50%. Các doanh nghiệp này cho biết chính việc thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao là lý do lớn nhất họ không thể đầu tư tối đa ở VN hay tệ hơn nữa là chọn một thị trường khác trong khu vực.
Bà Connolly nói với Thanh Niên: “VN có đội ngũ lao động trẻ và dồi dào nhưng tất cả các công ty nước ngoài lẫn trong nước đều phải mất trung bình 6 tháng (riêng công ty của tôi là một năm) để đào tạo lại từ đầu, về mọi phương diện bao gồm cả những kỹ năng mềm như hành vi ứng xử tại nơi làm việc, cho đội ngũ nhân viên mới”.
Thay đổi trước hết từ các trường sư phạm
Trong bối cảnh VN đang đứng trước một cuộc cải tổ giáo dục toàn diện, cả Ngân hàng Thế giới và EuroCham đều đưa ra những kiến nghị thiết thực và phù hợp với quan điểm của các nhà giáo dục trong nước, xoáy sâu vào các vấn đề muôn thuở: đổi mới phương pháp giảng dạy và hệ thống thi cử, cải cách tiền lương giáo viên, tăng quyền tự chủ cho các trường ĐH… Tuy nhiên, điều quan trọng các tổ chức này muốn nhấn mạnh, chẳng hạn theo EuroCham: “Cần có chương trình nghị sự về giá trị của việc đầu tư vào giáo dục và ngân sách cần thiết cho những cải cách phù hợp”. Các chuyên gia giáo dục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đặt ra những mục tiêu phù hợp, thiết thực trong công cuộc canh tân giáo dục và bám theo những mục tiêu đó cho đến cùng.
Các chuyên gia giáo dục đều nhất trí lĩnh vực nhiều thử thách nhất cuộc cải cách cần nhắm tới là giáo dục ĐH. Giáo sư Dennis McCornac (ĐH Loyola Maryland, Mỹ) nói với Thanh Niên: “Các trường ĐH đào tạo giáo viên phải được cải tổ trước tiên. Nhưng cuộc cải tổ phải diễn ra ở mọi cấp độ và nếu nó thất bại hay nửa vời, nền kinh tế VN sẽ vẫn mãi là nền kinh tế nhân công rẻ, lao động thủ công với nền sản xuất thấp. Lúc đó, VN khó có cơ hội cạnh tranh ngay trong khối ASEAN, chứ đừng nói là sánh vai cùng Nhật Bản hay Hàn Quốc”.
Gặp khó về thời hạn lao động trình độ cao nước ngoài
Ngoài ra, theo các chuyên gia, những yếu kém, khiếm khuyết của lực lượng lao động trong nước dự báo sẽ càng bộc lộ rõ ràng hơn khi mà Nghị định 102/2013/NĐ-CP về thuê lao động nước ngoài vừa có hiệu lực từ ngày 1.11.
Một trong những điểm đáng chú ý nhất của nghị định này là giảm thời hạn tối đa của giấy phép lao động từ 3 năm xuống còn 2 năm. Các chuyên gia cho rằng, với hệ thống giáo dục hiện nay và sự thiếu hụt nghiêm trọng nguồn lao động có trình độ cao, điều khoản này sẽ làm giảm thời gian chuyển giao tri thức, khiến các doanh nghiệp nước ngoài lẫn nội địa càng lao đao hơn để tuyển dụng đội ngũ nhân viên đáp ứng các tiêu chuẩn cần thiết.
Luật sư Lê Thành Kính (Đoàn Luật sư TP.HCM) đặt vấn đề: “Thời hạn giấy phép lao động theo quy định là 2 năm có đủ để người lao động trong nước, người sử dụng lao động học hỏi, tiếp thu và thay thế cho người lao động có trình độ chuyên môn cao hay không?”.
Theo VNE