Sách Tiếng Việt lớp 1 “quên” quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa: Giải trình của NXB
Xung quanh thông tin cuốn sách Tiếng Việt lớp 1 tập Hai của NXB Giáo dục Việt Nam có bức ảnh bản đồ Việt Nam không thể hiện rõ quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, chiều 21/3, ông Ngô Trần Ái – Giám đốc NXB đã có cuộc trao đổi với PV báo Dân trí.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Ngô Trần Ái – Giám đốc nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam nhấn mạnh: “Diện tích của bản đồ Việt Nam trong SGK rất nhỏ (3cm x 5cm). Người vẽ bản đồ đã có ý thức thể hiện quần đảo Hoàng Sa (cụm chấm đen bên phải tương ứng với TP Đà Nẵng đi ra) và quần đào Trường Sa (cụm chấm đen trên nền phớt vàng ở góc dưới). Vì diện tích của Bản đồ quá nhỏ nên không thể hiện, chú thích rõ hơn được. Đây là hình minh họa cho bài tập điền vần trong SGK Tiếng Việt lớp 1, không phải là bản đồ hành chính được dạy trong môn Địa lý”.
Ông Ngô Trần Ái cũng cho biết thêm, bản đồ này không phải do Biên tập viên hay họa sĩ NXB từ vẽ ra mà chụp lại từ bản đồ hành chính nhà nước. Tuy nhiên do thu nhỏ lại nên chưa được tường minh và rõ ràng. Trong đợt tái bản năm 2013 sẽ làm rõ ra bằng cách nới rộng diện tích chiều ngang đủ để thể hiện chính xác và tường minh hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, việc thể hiện hình ảnh sẽ được in đậm hơn.
Hình ảnh bản đồ trang 78 do phóng viên Dân trí chụp từ cuốn Tiếng Việt lớp 1, tập 2 in tái bản năm 2012 (phần phóng viên khoanh tròn mầu đen là những hình ảnh thể hiện quần đào Hoàng Sa và Trường Sa theo sự giải thích của ông Ngô Trần Ái).
Với việc có ý kiến cho rằng cần phải chú thích rõ tên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa vào bản đồ này, Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam chia sẻ: “Đây là cuốn sách dành cho học sinh lớp 1. Ở trang này, học sinh tập làm quen với vần iêt và uyêt. Chúng ta nên nhớ là các em đang làm quen với việc ghép vần vì thế có ghi chú thích bằng chữ thì các em cũng không đọc được. Trong đợt tái bản tới, chúng tôi cũng sẽ không ghi chú thích mà chỉ thể hiện tường minh và rõ ràng hơn”.
Cũng theo ông Ái, ngay sau khi nhận được phản ánh từ báo chí (ngày 21/3 – PV), NXB đã báo cáo vấn đề này lên Ban tuyên giáo Trung ương, Cục Xuất bản – Bộ Thông tin – Truyền thông. Bên cạnh đó cũng đã có công văn yêu cầu NXB giáo dục tại 3 miền, các Công ty cổ phần Sách và Thiết bị giáo dục miền dừng in ngay cuốn sách Tiếng Việt lớp 1, tập 2 để sửa chữa bản đồ Việt Nam (trang 78). Các đơn vị sẽ tiếp tục tổ chức in cuốn sách này khi có chế bản film mới.
Liên quan đến sự việc, PV Dân trí cũng đã liên hệ với Cục xuất bản – Bộ Thông tin – Truyền thông. Bà Phan Thị Tuyết Nga – Trưởng phòng Quản lý xuất bản cho biết: “Sau khi nhận được phản ánh thì Cục đã có công văn gửi NXB Giáo dục Việt Nam yêu cầu thu hồi triệt để số sách đang lưu hành để chỉnh sửa lại bản đồ Việt Nam thể hiện đúng chủ quyền quốc gia, có đầy đủ các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và đảo Phú Quốc. Nếu tái bản cuốn sách thì NXB phải chỉnh sửa nội dung trên”. Bà Nga cũng cho biết thêm, Cục cũng đã nhận được báo cáo của NXB Giáo dục Việt Nam giải thích về vấn đề này.
Báo cáo của NXB Giáo dục Việt Nam với các đơn vị quản lý.
Khi được hỏi về việc “thu hồi triệt để” như thế nào, ông Ngô Trần Ái nêu quan điểm: “Trước hết phải khẳng định, bản đồ ở trang 78 vẫn thể hiện quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và đảo Phú Quốc do đó NXB không có sai sót vì thế chẳng lý gì lại phải thu hồi. Chúng tôi cũng đã trao đổi với Cục Xuất bản và họ cũng đồng tình như vậy. Vấn đề ở đây là sự thể hiện đó là chưa tường minh và rõ ràng nên chúng tôi sẽ làm rõ ở lần tái bản thứ 12. Hiện nay SGK dành cho năm học 2013 – 2014 vẫn chưa được in và phát hành chính vì thế việc chỉnh sửa sẽ không có gì khó khăn”.
Video đang HOT
Ông Ái cũng cho biết, dự kiến một hai ngày tới sách sẽ được in và chắc chắn lỗi kỹ thuật này sẽ được khắc phục. Ngoài ra đối với các đầu sách khác, NXB tiếp tục tiến hành rà soát kỹ lưỡng để tránh những lỗi “kỹ thuật” tương tự.
Trong quá trình viết bài này, PV Dân trí phát hiện ra sự khác biệt khá lớn giữa bản chụp trang 78 của một số cơ quan báo chí với hình ảnh thực của sách Tiếng Việt lớp 1, tập 2. Bản chụp của một số báo chỉ ra rằng, ở bản đồ này không có sự hiển thị (cụm chấm đen) của quần đảo Hoàng Sa. Qua đây cho thấy trên thị trường đang tồn tại những cuốn sách với phần thể hiện bản đồ ở trang 78 là không giống nhau?
Bản đồ cũng ở trang 78 do một số báo chụp lại có sự khác biệt rất lớn so với bản của PV Dân trí.
Theo lãnh đạo NXB Giáo dục Việt Nam thì SGK Tiếng Việt lớp 1 được in và phát hành bắt đầu từ năm 2002. Hàng năm, NXB in khoảng 500 -700 ngàn cuốn phục vụ cho các địa phương. Chỉ có duy nhất một bản thảo gửi đến các đơn vị để xuất bản và phát hành. Vậy lý do gì lại có sự khác nhau ở phần thể hiện bản đồ trang 78? Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu để thông tin đến bạn đọc về vấn đề này.
Nguyễn Hùng
Theo dân trí
Phụ huynh ép trẻ học chữ trước
Việc học chữ khi tâm lý chưa sẵn sàng rất nguy hại cho trẻ. Thế nhưng năm nào cũng vậy, phụ huynh lại rầm rộ cho con đi học chữ trước khi vào lớp 1. Có nhiều lý do nhưng trước hết chính là tâm lý "lo con không theo kịp bạn bè".
Lo con thua... bạn
Dự tính sẽ không cho con học chữ trước khi vào lớp 1, nhưng khi thấy nhiều bé học lớp 5 tuổi cùng con mình đã đọc chữ thành thạo, chị Minh Hồng (ngụ ở Q.5, TPHCM) quyết tâm đưa con đến lớp luyện chữ. Chi nghĩ rằng, nếu con mình không biết viết, biết đọc như các bạn thì khi vào học chắc chắn sẽ không thể nào theo kịp.
Mặc cho vợ phản đối, anh Nguyễn Minh Đạo, có con đang theo học tại một trường mầm non ở Q.3, TPHCM cũng mời gia sư về nhà kèm cặp học chữ để tháng 9 tới cháu đến trường. Không chỉ học chữ, tin tưởng vào gia sư là sinh viên của Trường ĐH Sư phạm TPHCM, anh còn cho cháu học trước môn Toán lớp 1.
Người cha này cho rằng, nhờ học trước bây giờ con anh đã có thể đọc truyện vanh vách, làm toán và tỏ ra rất yên tâm con mình sẽ vào lớp 1 một cách "ngon lành".
Bé gái tên Vân (nhà ở Q.12, TPHCM), ngồi trước nhà làm học viết, học đọc sau khi từ lớp học chữ về. Tháng 9 tới, Vân mới vào lớp 1.
Tâm lý sợ con không theo kịp bạn bè là một trong những nguyên nhân đầu tiên phụ huynh "gò" con học chữ trước. Chẳng những học chữ, nhiều trẻ đang độ tuổi lớp Lá đã phải học nguyên chương trình lớp 1 về Toán, Tiếng Việt... theo yêu cầu của bố mẹ để "đón đầu" kiến thức, để hơn bạn bè.
Tuy nhiên, vấn đề phụ huynh chưa nhìn nhận một cách thấu đáo là liệu việc con học trước có đảm bảo cho việc trẻ sẽ theo kịp bạn bè hay không? Họ muốn con phải học giỏi ngay, phải bằng bạn ngay trong những ngày đầu đi học mà không biết học là một quá trình.
Không để con đi học trước, chỉ một lời dặn của GV về nhà anh chị kèm cặp thêm, rèn chữ thêm cho cháu họ đã quy ngay... con mình không theo kịp bạn. Thậm chí cò người còn nghĩ cô giáo "làm khó" con mình và tự trách sao không cho con học trước. Họ chưa nhìn thẳng rằng, trẻ học trước còn phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn.
Trước lo lắng của nhiều phụ huynh, nếu con không biết chữ trước thì lúc đầu rất khó khăn cả bố mẹ lẫn con, nhiều GV nhấn mạnh việc học chữ đầu năm lớp 1 không quá phức tạp. Khó khăn giúp con học chữ ban đầu đơn giản hơn rất nhiều việc phải "chỉnh" lại thái độ, nề nếp học tập và khả năng tập trung cho những em "chạy trước" hay học chữ sai cách.
TS Trần Lan Hương, chuyên gia nghiên cứu trẻ em của Bộ GD-ĐT cho rằng, nhiều phụ huynh cho con đi học chữ trước khi vào lớp 1 vì họ ngộ nhận sự chuẩn bị là tập trung vào việc hình thành các kỹ năng học tập, những thứ cơ bản trẻ học ở lớp 1 như viết, đọc, đếm... Trong khi sự chuẩn bị cần thiết cho trẻ vào lớp 1 là phát triển các chức năng tâm sinh lý để đảm bảo cho việc học với 4 yếu tố: sẵn sàng về mặt thể chất, về cảm xúc và quan hệ xã hội, về mặt ngôn ngữ và về mặt nhận thức.
Chuyên gia này cảnh báo, trẻ không hào hứng và chưa "chín" về các kỹ năng như phát triển cơ tay nhỏ, khả năng tập trung... mà bị ép học thì các con chữ, chữ số sẽ trở thành nỗi sợ hãi của trẻ. Điều này làm mất hứng thú học tập, mất tập trung và khi việc học ổn định, trẻ sẽ rất khó khăn để bắt đầu rèn lại kỹ năng tập trung.
Làm gì để phụ huynh yên tâm?
Cùng với nỗi lo con thua bạn, việc phụ huynh muốn con học chữ trước, theo nhiều nhà giáo là hậu quả của việc có thời kỳ một số trường tiểu học ở các thành phố lớn thực hiện khảo sát HS vào lớp 1. Việc khảo sát này thực hiện chưa đúng và trước đây bậc mầm non chưa có chương trình chuẩn bị tốt cho trẻ 5 tuổi chuẩn bị đi học.
Hơn nữa, phải thừa nhận có những GV dạy lớp 1 nhưng dạy trên tâm thế... các trẻ đều đã biết chữ nên phụ huynh khó tránh được lo lắng nếu con mình không học trước.
Cần để trẻ được học những dòng chữ đầu đời đúng với tuổi, tâm sinh lý.
Vì thế, muốn "chặn" việc học chữ trước thì phải đẩy mạnh tuyên truyền một cách khoa học, giúp phụ huynh hiểu vấn đề. Giữa bậc mầm non và tiểu học cần có sự gắn kết chặt chẽ hơn giúp trẻ đến trường dễ dàng; đòi hỏi GV dạy lớp 1 phải thật sự tâm lý, kiên nhẫn, đảm bảo chương trình, không "đốt" giai đoạn.
Trước tình trạng một lớp có trẻ biết chữ trước và chưa biết chữ, GV cần phát huy cách dạy theo phương pháp cá thể hóa giúp trẻ đã biết chữ không bị nhàm chán, còn trẻ chưa biết chữ không có tâm lý sợ hãi.
Đầu năm học trước, Sở GD-ĐT TPHCM đã ra quy định yêu cầu GV tuyệt đối không phân biệt HS biết hay chưa biết đọc, viết, không bỏ qua bài học. Hai tuần đầu tiên, không nên cho điểm HS mà chỉ ghi nhận xét mang tính động viên, khích lệ các em. Đồng thời không dọa nạt, to tiếng làm trẻ sợ hãi mà cần nhẹ nhàng để trẻ tự tin, thích thú với việc đi học.
TS.BS tâm lý Phạm Toàn, nguyên trưởng khoa Tâm lý trị liệu, Trung tâm sức khỏe tâm thần Hamilton - Madison New York, Hoa Kỳ cho hay phụ huynh ở Việt Nam cho con học trước vì họ gặp sức ép từ những người xung quanh, từ nhà trường và tâm lý sợ con mình thua bạn bè.
Thế nên việc thay đổi cần cả hệ thống. Ngành giáo dục cần có chương trình tốt, phù hợp, còn phụ huynh vượt qua tâm lý lúc nào cũng bắt con "chạy" theo bạn, vì còn người này học thì người kia sẽ học.
"Ỏ Mỹ trẻ không "cày" chữ trước như ở Việt Nam, chương trình nào thì người ta học tốt chương trình đó. Việc học trước tuổi có thể gây căng thẳng, chán ngán cho trẻ dẫn đến việc không muốn học, ảnh hưởng lâu dài về sau", TS Phạm Toàn nhấn mạnh.
Hoài Nam
Theo dân trí
Thu hồi quyết định cho phép 57 ngành đào tạo trình độ Tiến sĩ Bộ GD-ĐT vừa có văn bản thu hồi Quyết định cho phép đào tạo 57 chuyên ngành trình độ tiến sĩ do không đảm bảo điều kiện quy định về đội ngũ giảng viên cơ hữu của 27 trường đại học, học viện. Đây là lần đầu tiên Bộ GD-ĐT đưa ra hình thức xử lý với hàng loạt chuyên ngành đào tạo...