Sách tiếng Việt công nghệ ‘tuổi 40′ sẽ ra sao?
Thông tin sách tiếng Việt 1 và toán của GS Hồ Ngọc Đại nhận đánh giá ‘không đạt’ của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa ngay từ vòng 1 đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
GS Hồ Ngọc Đại khẳng định không điều chỉnh và không nộp lại sách giáo khoa – TUYẾT MAI
Trải qua hơn 40 năm thăng trầm vẫn có sức sống mãnh liệt, liệu kết luận “không đạt” lần này có là “dấu chấm hết” cho cuốn sách tiếng Việt 1 – Công nghệ?
15/15 thành viên hội đồng thẩm định đánh giá chưa đạt
Chiều 12.9, đại diện của Hội đồng thẩm định sách giáo khoa (SGK) đã giải thích với một số báo chí lý do sách tiếng Việt 1 – Công nghệ và toán của GS Hồ Ngọc Đại bị đánh giá là không đạt ngay từ vòng 1.
Trả lời câu hỏi về tính thực tiễn và quá trình thực nghiệm, “sức sống” của sách tiếng Việt – công nghệ giáo dục hàng chục năm trời với hơn 930.000 học sinh (HS) ở các nhà trường có được coi là một yếu tố, một “trọng số” để cân nhắc trong quá trình thẩm định hay không, GS Trần Đình Sử, một thành viên của Hội đồng thẩm định, nói: “Mọi bộ SGK đang được thẩm định đều bình đẳng như nhau. Điều kiện tiên quyết để đánh giá SGK là cuốn sách ấy phải được soạn theo nội dung, mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông mới”.
15/15 thành viên hội đồng thẩm định đánh giá sách tiếng Việt 1 – Công nghệ của GS Hồ Ngọc Đại chưa đạt – Ngọc Dương
Lấy ví dụ cụ thể từ sách tiếng Việt 1 – Công nghệ của GS Hồ Ngọc Đại, GS Sử cho hay chương trình mới với môn tiếng Việt lớp 1 yêu cầu dạy HS 4 kỹ năng nghe – nói – đọc – viết; phân biệt được các trường hợp chính tả; biết viết những câu đơn giản; biết kể chuyện…; nhưng sách của GS Đại chủ yếu là dạy âm, chữ, dạy quy tắc chính tả. Sách có những ưu điểm nhưng những mặt khác mà chương trình yêu cầu thì không có. Bên cạnh đó, nội dung sách lại có những yêu cầu quá cao, hàn lâm hoặc không cần thiết đặt ra với HS lớp 1, vượt quá yêu cầu của chương trình.
Theo GS Sử, thành viên của Hội đồng thẩm định có những giáo viên đang trực tiếp dạy lớp 1, có người là hiệu trưởng, trưởng phòng giáo dục tiểu học ở những nơi đang sử dụng sách tiếng Việt 1 – Công nghệ, nhưng họ đều chỉ ra những bất hợp lý khi dạy theo sách này. “Do vậy, không phải ngẫu nhiên mà cả 15/15 thành viên Hội đồng thẩm định đều đánh giá là chưa đạt”, GS Sử khẳng định.
PGS Trần Kiều, thành viên của Hội đồng thẩm định SGK toán lớp 1, khẳng định về mặt nguyên tắc, khi chúng ta đã xây dựng và ban hành được chương trình mới thì phải xây dựng được một bộ SGK phù hợp cho chương trình mới. Hội đồng thẩm định SGK phải bám sát 4 điều, 13 tiêu chí và 40 chỉ báo trong Thông tư 33 của Bộ GD-ĐT về tiêu chuẩn SGK theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Theo PGS Trần Kiều, sau thẩm định vòng 1, một số bộ hoặc cuốn SGK không đạt vì vi phạm nguyên tắc “đủ và đúng”. Tuyệt nhiên hội đồng không thiên kiến, định kiến với tác giả nào, cứ đúng theo tiêu chí mà đánh giá, nên đạt hay không đạt đều căn cứ vào đó.
GS Đại: “Tôi sẽ không sửa để nộp lại”
Video đang HOT
Nói riêng về sách của GS Hồ Ngọc Đại, PGS Trần Kiều khẳng định cuốn sách có những nội dung rất hay, nhưng không phải tất cả và đặc biệt là không bám theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Hầu hết là “bê nguyên” sách hiện hành để gửi thẩm định. “Tôi mong GS Hồ Ngọc Đại sẽ bám theo chương trình giáo dục phổ thông mới để sửa, viết lại. Bộ chắc chắn sẽ mong đợi điều đó. Còn với sách gửi thẩm định như vừa qua thì tôi cho rằng Bộ GD-ĐT không thể thay chương trình để đi theo bộ sách của GS Đại được”, PGS Trần Kiều chia sẻ.
TS Thái Văn Tài, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT, cho biết đến thời điểm này, Hội đồng thẩm định đang tiến hành thẩm định vòng 2 đối với SGK lớp 1 và dự kiến công bố kết quả thẩm định sau 2 vòng vào tháng 10 tới. Sau vòng 1, ngoài sách tiếng Việt và toán của GS Hồ Ngọc Đại được hội đồng thẩm định đánh giá là chưa đạt, còn có những cuốn ở các môn khác. Tuy nhiên, Bộ cũng chưa nhận được bất cứ phản ứng nào với kết quả thẩm định vòng 1.
Sau vòng 1, ngoài sách tiếng Việt và toán của GS Hồ Ngọc Đại được hội đồng thẩm định đánh giá là chưa đạt, còn có những cuốn ở các môn khác – Hoàng Trung
Ông Tài khẳng định nhiệm vụ của các hội đồng quốc gia thẩm định SGK không phải là tuyển lựa và xếp hạng cao thấp các SGK được gửi đến thẩm định, mà là đánh giá các SGK này theo các tiêu chí quy định để có kết luận cuối cùng là: “đạt”, “đạt cần sửa chữa” hay “không đạt”.
“Như vậy, sự khác biệt giữa các SGK được thẩm định thể hiện ở chỗ có đạt được tiêu chuẩn nghiêm ngặt đối với SGK hay không. Với những SGK không đạt không có nghĩa là dấu chấm hết, nếu các tác giả sửa lại và đăng ký thẩm định thì sẽ được tiến hành thẩm định lại từ đầu”, ông Tài nói.
Về phía GS Hồ Ngọc Đại, khi trả lời câu hỏi của truyền thông về việc liệu ông có chỉnh sửa sách phù hợp hơn để tiếp tục được thẩm định sau này, ông đã lập tức khẳng định: “Tôi sẽ không sửa để nộp lại. Nếu nói điều chỉnh có nghĩa là tôi không cẩn thận, không tính toán. Tôi không điều chỉnh gì hết, vì đó là công trình tôi nghiên cứu cả một đời. Tôi đã phải làm thực nghiệm mấy chục năm rồi và nghiên cứu mới điều chỉnh. Tôi dạy phép toán đại số cho học sinh lớp 1, hệ đếm, phép toán trên tập hợp. Đối với các vị là cao, nhưng trẻ con chấp nhận được”.
“Không thể học những thứ viển vông”
GS Hồ Ngọc Đại chia sẻ: “Tôi biết điều này sẽ xảy ra, tôi không bất ngờ”. Trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên về việc làm thế nào để bộ SGK của ông có thể “sống” tiếp sau khi đã bị loại bởi Hội đồng thẩm định, GS Đại khẳng định: “Cuộc sốngnày không có tình huống nào không có lối thoát, chân lý tồn tại chứ. Tôi dự cuộc làm việc với Hội đồng thẩm định công bố kết luận, chủ tịch hội đồng hỏi tôi có ý kiến gì không, tôi bảo “không”, rồi tôi đi về”.
GS Đại tâm sự ông rất kỳ vọng vào lần đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT lần này. Còn cá nhân ông thì cảm thấy yên lòng bởi những gì 50 năm qua mình đã làm và khẳng định: “Tôi viết SGK căn cứ vào sự phát triển của trẻ em làm chuẩn. Một chương trình có hiệu quả hay không là chương trình có mang lại lợi ích cho trẻ em mỗi ngày; mỗi giờ học đều mang lại lợi ích, cái mới, niềm vui cho trẻ em. Học tiếng Việt với tôi là ai cũng học được, học gì được nấy, học đâu chắc đấy. Chúng ta hay phản ứng sự thực dụng, nhưng học phải cần cho cuộc sống, không thể học những thứ viển vông”.
Hàng trăm nội dung, chi tiết không phù hợp ?
15/15 thành viên Hội đồng quốc gia thẩm định SGK đều biểu quyết đánh giá không đạt với sách tiếng Việt 1 – Công nghệ của GS Hồ Ngọc Đại với lý do chính: theo các quy định của Bộ GD-ĐT tại Thông tư 33 quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK, sách tiếng Việt của GS Hồ Ngọc Đại chỉ đạt về điều kiện tiên quyết của SGK, nhưng không đạt tất cả các tiêu chí còn lại.
Cụ thể, có khoảng 300 nội dung, chi tiết cần sửa, hoặc bỏ. SGK của GS Đại còn có một số nội dung không phù hợp hoặc vượt quá quy định trong chương trình tiếng Việt lớp 1 như các yêu cầu cần đạt về các kỹ năng đọc, viết, nói và nghe; kiến thức (tiếng Việt, văn học); ngữ liệu…
Môn toán chưa thể hiện đúng và đầy đủ nội dung của chương trình, còn nhiều nội dung vượt quá chương trình lớp 1.
Học sinh học sách tiếng Việt 1 – Công nghệ tăng
Năm 1978, tài liệu tiếng Việt 1 – Công nghệ giáo dục được khuyến khích các địa phương sử dụng.Từ đó đến nay, với bao thăng trầm của những lần “thay sách”, nhưng theo thống kê của Bộ GD-ĐT 3 năm gần đây cho thấy, số HS và trường, lớp học theo sách tiếng Việt 1 – Công nghệ ngày càng tăng. Năm 2017 có 6.651 trường và 23.885 lớp với 678.800 HS thì năm 2018, con số này lần lượt là 7.511 trường, 27.981 lớp và 771.777. Đến năm học 2018 – 2019, con số này là 8.198 trường, 30.522 lớp và 923.842 HS.
Theo Thanh niên
'Sách của GS Hồ Ngọc Đại dạy một mớ kiến thức không cần thiết'
Thông tin từ Hội đồng thẩm định cho hay nếu tính chi tiết từng tiêu chí, bản thảo sách giáo khoa của GS Hồ Ngọc Đại có 300 nội dung, chi tiết cần sửa, bỏ.
Trả lời báo chí chiều 12/9, Hội đồng thẩm định sách Tiếng Việt và Toán đã nêu rõ lý do sách giáo khoa (SGK) Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại không đạt.
Hội đồng thẩm định sách giáo khoa cho biết các bản thảo này không đáp ứng đầy đủ 13 tiêu chí của SGK theo chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó có những tiêu chí như điều kiện tiên quyết của sách giáo khoa, nội dung, phương pháp giáo dục, đánh giá kết quả giáo dục, cấu trúc, ngôn ngữ sử dụng, hình thức trình bày.
Sách Công nghệ Giáo dục vượt quá chương trình
GS Trần Đình Sử - Chủ tịch Hội đồng thẩm định môn tiếng Việt - cho hay SGK chương trình mới phải viết theo Thông tư 33/2017/TT-BGDĐT. Để thẩm định sách, hội đồng dựa vào rất nhiều tiêu chí, tiêu chuẩn khác nhau.
Sách Tiếng Việt 1 của chương trình mới có các tiêu chí là nghe, nói, đọc, viết, dạy phân biệt chính tả, biết kể chuyện... Tuy nhiên sách Tiếng Việt Công nghệ giáo dục 1 của GS Hồ Ngọc Đại chủ yếu dạy âm, chữ, quy tắc chính tả, thậm chí vượt quá chương trình.
"Sách Tiếng Việt lớp 1 không cần phải có kiến thức, cấu trúc về ngữ âm, không cần khái niệm âm đầu, âm đệm, âm cuối, âm đôi. Sách của GS Hồ Ngọc Đại có tính hàn lâm và quá tải" - GS Trần Đình Sử nói.
GS Trần Đình Sử, Chủ tịch Hội đồng thẩm định môn Tiếng Việt. Ảnh: Q.Q.
GS Trần Đình Sử cho hay trong 15 người của hội đồng thẩm định chỉ có 2 giáo sư, còn lại là 5 giáo viên dạy lớp 1 và hiệu trưởng cấp tiểu học, có người đã triển khai sách Công nghệ Giáo dục tại cơ sở.
Những người này cho rằng để dạy sách của GS Hồ Ngọc Đại, giáo viên phải tranh thủ nhiều thời gian khác để dạy những điều còn thiếu, còn yếu. Hàng năm, cơ sở giáo dục đã báo cáo về những khó khăn khi dạy học theo cuốn sách này.
Lý do khác khiến cuốn sách của GS Hồ Ngọc Đại bị loại do ông nộp bản thảo giống như sách cũ, chỉ viết thêm một quyển tự học. Nếu sách của chương trình mới là 430 tiết, sách của GS Đại chỉ có 70 tiết.
"Đó là bộ sách vá víu, chúng tôi không thể chấp nhận được vì chúng ta phải có trách nhiệm với học trò. GS Hồ Ngọc Đại phải tôn trọng chương trình mới của Bộ GD&ĐT. Nếu đáp ứng sách của GS Đại thì chủ trương phải là nhiều chương trình, nhiều SGK. Trong khi đó hiện tại chúng ta đang thực hiện một chương trình, nhiều bộ SGK" - GS Sử nói.
GS.TS Mai Ngọc Chừ - thuộc hội đồng thẩm định SGK Tiếng Việt lớp 1 - thông tin chương trình mới bao gồm nhiều yếu tố về giáo dục toàn diện, bảo vệ môi trường, bình đẳng giới chứ không phải chỉ có việc dạy viết, đánh vần.
Theo ông, sách của GS Hồ Ngọc Đại dạy "một mớ kiến thức không cần thiết về ngữ âm". Giáo viên dạy sách thầy Đại thậm chí ban đêm phải bổ sung kiến thức của SGK hiện hành, tăng thêm giờ làm việc 2-3 lần. Các thầy cô cũng cho rằng sách mở nhưng giáo viên phải dạy như cái máy.
Những câu thành ngữ, tục ngữ như bé xé ra to, con cà con kê, trăm thứ bà giằng, vắt chanh bỏ vỏ... là kiến thức khó. Học sinh phải tiếp cận với kiến thức ngôn ngữ học, khái niệm âm đệm, nguyên âm đôi. Theo Hội đồng thẩm định, kiến thức này là quá sức với học sinh lớp 1, trong khi nguyên tắc của chương trình mới là giảm tải nội dung khó, nâng cao.
Không viết theo chương trình của Bộ GD&ĐT chắc chắn sách không được thẩm định
PGS Trần Kiều - Chủ tịch Hội đồng thẩm định môn Toán - thông tin hội đồng thẩm định sách giáo khoa phải bám sát vào 4 điều, 13 tiêu chí và 40 chỉ báo trong Thông tư 33 của Bộ GD&ĐT về tiêu chuẩn sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Ông thông tin từ trước đến nay, lần thẩm định này là chặt chẽ, tỉ mỉ và có tiêu chí rõ ràng nhất. Theo đó, hội đồng gồm 13 người, thẩm định căn cứ vào 13 tiêu chí, ghi nhận từng cái một để đánh giá đạt hay không. Ví dụ, nội dung sách phải đúng, đủ theo chương trình. Sách không đủ hoặc đúng, đều không thể thông qua.
GS Trần Kiều, Chủ tịch Hội đồng thẩm định môn Toán. Ảnh: Q.Q.
Sách của GS Hồ Ngọc Đại có những nội dung rất hay, nhưng không phải tất cả đều thế và đặc biệt là không bám theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
PGS Trần Kiều mong muốn GS Hồ Ngọc Đại sẽ bám theo chương trình giáo dục phổ thông mới để sửa, viết lại. Bởi cuốn sách gửi thẩm định như vừa qua chắc chắn Bộ GD&ĐT không thể duyệt. Bộ cũng không thể thay chương trình để đi theo bộ sách của GS Đại. Chúng ta chỉ có một chương trình, đó là văn bản pháp quy và duy nhất.
"SGK các nước còn thẩm định đơn giản hơn, ở Việt Nam làm thế này là chặt chẽ. Vì vậy những thông tin cho rằng hội đồng thẩm định có việc làm nhập nhèm, đen tối khi không duyệt sách của GS Hồ Ngọc Đại là xúc phạm các thành viên", GS Trần Kiều nêu quan điểm.
Trước thông tin bộ SGK lớp 1 Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại bao gồm các môn Tiếng Việt, Toán bị chấm "Không đạt" trong đợt thẩm định đầu tiên GS Hồ Ngọc Đại đặt câu hỏi: 15 người trong hội đồng thẩm định hơn hay 930.000 học sinh đang theo học bộ sách này, đã tồn tại 40 năm qua, hơn? Giữa bộ sách đang thuê người viết vội được thông qua hay bộ sách ông nghiên cứu cả cuộc đời hơn?
Theo Zing
900.000 học sinh đang học theo sách công nghệ giáo dục lớp 1 bị... loại Bộ sách giáo khoa lớp 1 - công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại đã bị Hội đồng thẩm định SGK quốc gia đánh giá không đạt và loại khỏi vòng thẩm định đầu tiên. Trong khi hiện tại, riêng sách Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục 1 được triển khai dạy học cho khoảng 900.000 học sinh. Loại...