Sách quên Hoàng Sa, Trường Sa: Bộ trưởng Luận trần tình
Trong buổi chất vấn chiều 22/3 của đại biểu quốc hội, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã phải trả lời về các cuốn sách tham khảo in cờ Trung Quốc hay quên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Trong buổi chất vấn chiều 22/3, đại biểu Lê Minh Thông – Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội đặt vấn đề về trách nhiệm của Bộ GD-ĐT khi để sách giáo khoa có bản đồ thiếu Hoàng Sa, Trường Sa, sách mầm non lại vẽ cờ Trung Quốc…
Quan điểm trên cũng được đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) hết sức tán thành khi nhớ lại thời ông còn cắp sách đến trường cũng chưa bao giờ có hiện tượng sách tập đánh vần cho trẻ lại in cờ Trung Quốc.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận trả lời đại biểu và cử tri về những cuốn sách tham khảo in cờ Trung Quốc và sách giáo khoa “quên” Hoàng Sa, Trường Sa.
Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết trong số các sách in cờ Trung Quốc chỉ có một cuốn do nhà xuất bản thuộc hệ thống của Bộ Giáo dục ấn hành. Ngoài ra, một số cuốn dạy trẻ đánh vần hay kể chuyện cho trẻ có vẽ cờ Trung Quốc… không thuộc hoàn toàn trách nhiệm của Bộ GD-ĐT vì những sách này do các nhà xuất bản bên ngoài sản xuất.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng chia sẻ thêm: “Sách lưu hành trong nhà trường, bộ có danh mục rất đầy đủ. Nhưng đây là sách của các NXB nằm ngoài quyền quản lý của Bộ GD-ĐT, không còn thuộc trách nhiệm quản lý của bộ. Trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT, Bộ Thông tin và truyền thông sẽ cùng nghiên cứu để ra văn bản quy định quản lý các dạng sách này một cách cụ thể”.
Video đang HOT
Đối với cuốn sách Tiếng Việt 1 tập Hai do NXB Giáo dục Việt Nam phát hành được dư luận cho rằng hình ảnh bản đồ không có hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Bộ trưởng Luận lý giải trên cuốn này có in đảo, nhưng chú thích nhỏ. Lãnh đạo NXB Giáo dục Việt Nam đã báo cáo với Bộ GD-ĐT sẽ sửa chữa lỗi này. Được biết, sau khi báo chí phản ánh ngay trong ngày 22/3, NXB Giáo dục Việt Nam cũng đã hoàn thành việc in lại cuốn sách Tiếng Việt lớp 1 tập Hai có hình ảnh rõ nét kèm theo chú thích rõ ràng về 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Hình ảnh bản đồ đã thể hiện và chú thích rõ tên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trong sách Tiếng Việt lớp 1, tập 2 bản vừa hoàn tất in sáng 22/3.
Xung quanh câu chuyện về sách giáo khoa, sách tham khảo xuất hiện nhiều lỗi như thời gian vừa qua đại biểu Huỳnh Nghĩa đặt câu về trách nhiệm của Bộ GD-ĐT khi chậm trễ trong việc đưa kiến thức lịch sử xác lập chủ quyền Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa vào dạy học trong nhà trường.
Ông Nghĩa không quên nhấn mạnh: “Trong khi đó ngày càng xuất hiện nhiều sai sót khó có thể chấp nhận trong việc giáo dục ý thức chủ quyền đất nước trong một số sách do ngành Giáo dục biên soạn và xuất bản như vừa qua?”.
Tuy nhiên, câu trả lời của người lãnh đạo Bộ GD-ĐT không khiến đại biểu quốc hội thỏa mãn khi những thắc mắc vẫn chưa được giải đáp thấu đáo. Cũng liên quan đến những vấn đề này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa băn khoăn đặt câu hỏi về trình độ của những người viết sách cho trẻ tại Việt Nam.
Ông Nghĩa đặt câu hỏi tại sao những cuốn sách như sách đánh vần tại sao Việt Nam không viết được mà phải nhập từ Trung Quốc. Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Luận khẳng định những người viết sách ở Việt Nam hoàn toàn đủ trình độ viết sách cho trẻ. Trên thị trường hiện nay cũng có rất nhiều đầu sách chất lượng cho trẻ do tác giả Việt Nam viết.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Luận cũng cho rằng những sách tốt vẫn được khuyến khích dịch. Việc để xảy ra những lỗi trong thời gian vừa qua là do các nhà xuất bản đã dịch một cách tràn lan, thiếu sự kiểm định chặt chẽ. Người đứng đầu Bộ GD-ĐT cho rằng việc quản lý các nhà xuất bản không thuộc thẩm quyền của Bộ.
Ông Luận cũng hứa trong thời gian tới sẽ phối hợp với Bộ Thông tin Truyền thông để quản lý tốt hơn việc xuất bản sách tham khảo của những nhà xuất bản này.
Theo VTCNews
Mũ bảo hiểm và sách tham khảo
Hai chuyện tưởng chừng không liên quan này có điểm chung là người dân đang bó tay trước sản phẩm kém chuẩn, trong khi các nhà quản lý "gác cổng" chặn hàng rởm chưa hết loay hoay.
Khi chế tài xử phạt yếu, nguồn hàng kém chất lượng không bị chặn từ gốc, nếu các bộ, ngành chỉ kêu gọi - người tiêu dùng cần "nâng cao nhận thức", nhà quản lý cần "tăng cường trách nhiệm" - e mãi đó cũng chỉ là khẩu hiệu.
Tại buổi Bộ GD-ĐT gặp mặt các cơ quan báo chí chiều 14/3 trao đổi về sách tham khảo (STK) được dư luận rất quan tâm, vì có "sạn" và kém chất lượng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Phạm Ngọc Định nhắc lại Công văn số 6631 do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ký từ 2008, yêu cầu các cơ quan quản lý giáo dục, các trường phổ thông không bắt buộc học sinh mua sách tham khảo. Bộ sẽ tiếp tục thực hiện công văn này với các biện pháp mạnh hơn, kiên quyết hơn. Trách nhiệm cũng cần được tăng lên từ giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm tới hiệu trưởng, lãnh đạo các Sở...
Chắc chỉ ai cực lạc quan mới có thể hy vọng và yên tâm nghe điều này. Lâu nay Bộ vẫn khuyến cáo phụ huynh và học sinh cần lựa chọn kỹ càng, không nên ôm đồm STK kẻo tốn kém không cần thiết, nhưng loại sách này của NXB Giáo dục VN (Bộ GD-ĐT) in đều đều đâu phải ít?
Sách cho trẻ vào lớp 1 in cờ Trung Quốc
"Trước đây Bộ GD-ĐT từng đưa ra một danh mục những STK được sử dụng trong thư viện nhà trường nhưng rồi ngừng lại vì bị dư luận xã hội phản ứng, bị cho là tạo điều kiện để nảy sinh tiêu cực trong xuất bản sách giáo dục. Trong bối cảnh này có nên đưa trở lại danh mục này? Nếu có danh mục này thì cách làm thế nào để phù hợp với Luật Xuất bản?"- ông Nguyễn Công Hinh, Vụ trưởng Vụ GD Thường xuyên đặt câu hỏi. Thực tế dù Bộ GD-ĐT tạm ngừng đưa danh mục STK dùng trong thư viện nhà trường nhưng Danh mục này vẫn được NXB Giáo dục thuộc Bộ công bố. Theo Danh mục mà NXB này công bố đầu tháng 3 năm nay, từ năm học 2012 - 2013, số đầu STK lên tới 737, kể cả STK dùng chung cả 3 cấp và tranh ảnh, bản đồ, băng đĩa. Trong đó STK chỉ của tiểu học đã là 203, của cả 3 cấp học là 591. Nhìn vào mê hồn trận này, khuyến cáo phụ huynh hãy lựa chọn kỹ e là ngang... thách đố?
Vậy tiêu chí lựa chọn kỹ càng mà Bộ khuyến cáo cụ thể là gì? Vừa qua các thầy cô soạn sách nhiều kinh nghiệm, người làm sách của trường ĐH mà còn cẩu thả để sót những lỗi "chết người" như vụ việc phát hiện mới đây, thì sự kêu gọi chung chung của ngành cho thấy các nhà quản lý còn khá loay hoay với nạn "sạn sách". Sách sạn phát hiện tới 5 cuốn trong 2 tuần qua đều do giới truyền thông và phụ huynh chung tay, đâu thấy thầy cô, nhà quản lý nào rà soát?
Cũng như tình trạng loạn cẩm nang tuyển sinh trước mùa thi, với rất nhiều kênh thông tin tuyển sinh như sách cẩm nang, báo đài, internet... , lượng thông tin về tuyển sinh vô cùng nhiều và đa dạng. Mặt trái của vấn đề này là chất lượng của cẩm nang tuyển sinh không được kiểm soát và đảm bảo gây hỏa mù cho thí sinh và phụ huynh.
Trở lại với quy định liên bộ về xử phạt người đội mũ bảo hiểm không chuẩn vừa bị hủy bỏ, do bắt lỗi người tiêu dùng chưa đủ thuyết phục. Tới đây nếu Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Thông tin Truyền thông xây dựng thông tư liên tịch để tổ chức rà soát và tăng trách nhiệm xuất bản STK giáo dục của các NXB..., hy vọng sẽ không bị tuýt còi như vụ mũ bảo hiểm và không nhạt nhòa chung chung. Kẻo công văn, thông tư cứ ban hành mà sách rởm cứ bán đều đều nhiều năm, tái bản mới biết sai, mới tha hồ xin lỗi, xin thu hồi!
Theo 24h
Bát nháo sách tham khảo Sách tham khảo, đặc biệt là sách dành cho trẻ, liên tiếp gặp nhiều sai sót nghiêm trọng đã khiến dư luận bức xúc vì cách làm cẩu thả của những người làm sách cũng như sự buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng. Theo đánh giá của một chuyên gia, những sai sót nghiêm trọng đối với sách tham khảo...