Sách giáo khoa ở ta cứ lùm xùm, ở các nước ra sao?
Có con đang học lớp 1 ở Dallas, Texas (Mỹ), chị Nguyễn Thị Thu Hồng (41 tuổi) cho biết gần như không tốn bất kỳ khoản chi phí nào để mua sách giáo khoa cho con bởi trường cho học sinh mượn sách dùng hết năm thì trả lại.
Học sinh lớp 1 ở Mỹ đọc sách – Ảnh: GETTY IMAGES
Dù là mượn, sách giáo khoa thường được để ở góc lớp và chỉ dùng khi thật sự cần thiết. Phần lớn không được mang về nhà.
Trường cho mượn về đọc
Chị Hồng thừa nhận chỉ biết được con học sách gì qua lời kể. Nhiều quyển chị còn chưa cầm tận tay do con không mang về nhà. Một số sách cơ bản bao gồm sách toán, tập đọc, khoa học, xã hội. Với môn tập đọc, học sinh được yêu cầu đọc nhiều sách.
Mỗi cuốn sẽ là một câu chuyện hoàn chỉnh, ít chữ, nhiều hình, có dung lượng để đọc từ 3-7 ngày ở nhà. Các quyển có độ khó tăng dần theo tiêu chí cuốn sau có từ vựng nhiều và khó hơn một chút so với cuốn trước.
Thông thường, giáo viên sẽ in bài tập về nhà lên giấy cho học sinh nếu cảm thấy cần thiết. Chẳng hạn, với môn toán là những bài tập đếm và đo lường đơn giản với nhiều hình ảnh bắt mắt học sinh.
Chị Hồng chia sẻ: “Trường mỗi năm đều đưa một danh sách các quyển sách có thể mượn đọc thêm để bổ sung. Dù không bắt buộc nhưng nếu các con thích đọc sách thì có thể mượn cho chúng”.
Theo Washington Post, sách lớp 1 thường được các tập đoàn giáo dục lớn biên soạn dựa trên quy chuẩn chung của các cơ quan phụ trách giáo dục liên bang và tiểu bang.
Do từng trường chọn sách, các công ty sẽ “chịu khó” điều chỉnh sao cho nội dung và ngôn ngữ phù hợp nhất với từng địa phương. Bởi thế, cùng một tựa sách tập đọc của một tập đoàn xuất bản nhưng chưa chắc giống nhau ở hai tiểu bang khác nhau.
Dù vậy, sách giáo khoa thường được xem chỉ là một trong nhiều công cụ giảng dạy. Sách giáo khoa thông thường chỉ chiếm tối đa 20% công cụ mà giáo viên sử dụng cho giảng dạy như các dự án, các video, các hoạt động nhóm…
Video đang HOT
TS Nguyễn Đông Hải – giảng viên ĐH Tennessee – có con đang học tiểu học cho biết cuối năm học sinh sẽ tham gia kỳ thi chung do bang tổ chức để kiểm tra chất lượng giảng dạy. Từ đó, các thầy cô, các trường sẽ đánh giá được cách dạy cũng như những công cụ giảng dạy của mình, trong đó có sách giáo khoa, để điều chỉnh cho phù hợp.
Nhiều thành phần viết sách
Phần Lan thường được mệnh danh là nơi tuyệt vời cho học sinh tiểu học khi các em chỉ học vỏn vẹn nửa buổi, sách giáo khoa cho các em, nhất là lớp 1, cũng được thoải mái. Tại quốc gia này, giáo viên không bắt buộc phải dạy theo tuần tự trong sách mà có thể “nhảy cóc”.
Hiểu tâm lý này, các nhóm viết sách và xuất bản thiết kế và sắp xếp để giúp giáo viên có thể linh hoạt giảng dạy mà không bị bó buộc bởi trình tự “nấc thang”.
Ở Phần Lan, mỗi quyển sách thường từ 6-8 người viết chính nhưng đầy đủ các thành phần từ giáo sư đến các giáo viên có nhiều kinh nghiệm đứng lớp bổ khuyết cho sách vừa mang tính hàn lâm, vừa có được sự gần gũi và thực tế.
Chẳng hạn, TS Niina Korpela – trưởng bộ phận Dịch vụ ứng dụng tại Finavia (Phần Lan) – từng tham gia viết một số cuốn sách giáo khoa khi còn là nghiên cứu sinh.
Bà Korpela cho biết sách giáo khoa lớp 1 ở bất cứ môn học nào thường được viết theo bộ tiêu chí lần lượt là bài học/vấn đề gần gũi với học sinh, đề cao tính trải nghiệm, cảm nhận và tương tác của các học sinh. Cuối cùng mới là những bài học mang tính lý thuyết hay khái niệm thường được đặt ở sau.
Thông thường, mỗi nội dung trong sách phải trải qua đến 5 vòng chỉnh sửa. Bài học được khơi mào bằng một câu chuyện, một tình huống, hoặc một bức ảnh ấn tượng. Tiếp theo đó, tác giả sẽ lý giải cho học sinh vì sao cần có bài học này và khi học xong các em có thể giải quyết được những vấn đề gì trong thực tế.
Mỗi bản thảo sách giáo khoa được lấy ý kiến rộng rãi của học sinh, giáo viên, chuyên gia… Nhờ vậy, nội dung có đủ góc nhìn, từ những đứa trẻ trực tiếp thụ hưởng từ sách, đến các giáo viên giảng dạy, các nhà xã hội học để “tính toán” cả những tác động của quyển sách đến cộng đồng.
Dựa trên những phản hồi này, nhóm viết sách sẽ điều chỉnh và viết thêm cho phù hợp, rồi soạn thêm các tài liệu khác như sách bài tập, bài giảng điện tử.
Cha mẹ tham gia chọn sách
Pháp có một hội đồng quốc gia để phê chuẩn và giám sát các sách xuất bản, trong đó có sách giáo khoa. Trên cơ sở đó, từng nhóm giáo viên sẽ thảo luận với lãnh đạo nhà trường để chọn sách. Danh mục sách cuối cùng được chọn sẽ phải được hội đồng trường và đại diện phụ huynh học sinh thông qua.
Với học sinh lớp 1, tài liệu quan trọng nhất là hai môn toán và tiếng mẹ đẻ. Sách toán chủ yếu về số và các bài toán cộng trừ đơn giản. Với sách tiếng Pháp, học sinh được làm quen với các từ, nhóm từ ở mức đơn giản.
Những bài học ngữ pháp sẽ được lồng ghép trong suốt bậc tiểu học, không dồn tất cả vào lớp 1. Các trường cũng không bắt học sinh khi hết lớp 1 có thể đọc thành thạo tất cả các văn bản, loại sách. Thậm chí ở một số trường, học sinh lớp 1 gần như không dùng sách giáo khoa mà sử dụng các tập giấy tài liệu do giáo viên cung cấp.
Tinh gọn mà hữu ích nhất
Theo Đài DW, hằng năm sau khi cơ quan phụ trách giáo dục các bang ở Đức ban hành tiêu chí các loại sách giáo khoa được sử dụng, các trường phổ thông sẽ tự do lựa chọn.
Tuy nhiên, sự lựa chọn này được cân nhắc rất kỹ bởi chính quyền bang thường quy định số tiền tối đa mà một gia đình Đức có thể bỏ ra cho chuyện sách vở của con.
Điều này nhằm hạn chế chuyện nhà trường “bắt tay” cùng các nhà xuất bản để “vẽ” ra nhiều loại sách, buộc phụ huynh phải mua hết. Ở góc độ khác, hội đồng chuyên môn của nhà trường cũng sẽ lựa chọn sao cho tinh gọn mà hữu ích nhất.
Giáo viên nghĩ sách giáo khoa đã được thẩm định!
Nhiều giáo viên nhìn nhận còn chủ quan khi lựa chọn sách giáo khoa vì nghĩ đã được Bộ GD-ĐT, Hội đồng thẩm định quốc gia phê duyệt.
Sách giáo khoa lớp 1 - NGỌC THẮNG
"Thật sự đã có phần chủ quan"
Theo kết quả lựa chọn sách giáo khoa (SGK) lớp 1 của TP.HCM, có khoảng 20% số trường tiểu học lựa chọn bộ sách Cánh Diều, tùy theo từng môn, có môn nhiều, có môn ít.
Theo chia sẻ của một giáo viên (GV) lớp 1 ở Q.Tân Bình, quy trình lựa chọn 5 bộ sách đã được Bộ GD-ĐT phê duyệt thực hiện qua các bước như tiếp cận, nghiên cứu trao đổi... giữa các GV, thành viên hội đồng lựa chọn của nhà trường. Hầu như GV chú trọng đến tiến độ thực hiện chương trình thế nào, có phù hợp với thời lượng phân bổ số tiết hay không? "Thật sự đã có phần chủ quan vì nghĩ rằng các bộ sách đã được Bộ, Hội đồng thẩm định quốc gia phê duyệt thì đương nhiên phải đảm bảo những yêu cầu về tính giáo dục", GV này cho biết.
Còn lãnh đạo một phòng giáo dục có 3 trường tiểu học lựa chọn sử dụng bộ sách Cánh Diều cho hay ngay khi nhận ý kiến phản ánh về việc sách có những từ ngữ địa phương, một số câu chuyện có nội dung chưa phù hợp với năng lực nhận thức của học sinh (HS) lớp 1 thì đã có những điều chỉnh. Chẳng hạn, phòng đã hướng dẫn các trường đưa những ngữ liệu có nguồn gốc rõ ràng, phù hợp với HS để đảm bảo mục tiêu kiến thức của nội dung đó. Hoặc khi dạy đến bài có những từ ngữ có tính chất phương ngữ thì nên giới thiệu từ ngữ có tính chất chuẩn sau đó mới mở rộng về phương ngữ...
10 tiêu chí chọn sách giáo khoa
Trao đổi với PV Thanh Niên, tiến sĩ Giáp Văn Dương, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Times School, cho biết khi chọn SGK cho nhà trường, có 10 tiêu chí để xác định.
Đầu tiên cần lưu ý là bộ SGK này có tương thích với triết lý giáo dục, giá trị cốt lõi, phương pháp giáo dục của trường hay không. Nếu thấy có thể tương thích, hoặc ít nhất cũng ở mức không xung đột, thì sẽ xem xét lựa chọn.
Thứ hai là nội dung của cuốn sách, bao gồm cả bố cục và nội dung chi tiết, hình minh họa có khoa học và phù hợp với mong đợi của nhà trường không? Các nội dung này có phù hợp với trình độ của GV để giảng dạy, và có phù hợp với tâm sinh lý của HS để học tập?
Thứ ba là ngữ liệu và hình ảnh minh họa có phù hợp với lứa tuổi, vùng miền? Ví dụ trường ở Hà Nội, vậy các từ ngữ và hình ảnh minh họa có quá xa lạ với HS thành phố? Nếu có thì mức độ có chấp nhận được hay không?
Thứ tư là tính liên thông của các môn học khác nhau trong cùng một bộ sách có tệ quá không? Vì thực tế, đây là một nhược điểm của các bộ SGK của chúng ta, khi các tác giả của các bộ môn khác nhau có vẻ không trao đổi với nhau để đồng bộ hóa chương trình giáo dục.
Thứ năm là SGK có hàm chứa những nội dung có thể khơi gợi sự sáng tạo để HS khám phá, có phù hợp để triển khai phương pháp "Đồng kiến tạo" của nhà trường, có dành không gian cho GV và HS, hay chỉ có thể dạy theo lối dập khuôn, máy móc?
Thứ sáu là nhóm tác giả viết SGK đó là ai? Có phải là những chuyên gia mà nhà trường có hiểu biết trực tiếp và có sự tin tưởng?
Thứ bảy là việc kiểm tra đánh giá thi cử của bộ SGK sẽ được tiến hành ra sao? Hình thức và nội dung của việc kiểm tra đánh giá HS có được thể hiện rõ và có phù hợp với nhà trường hay không? Nếu không, trường sẽ xử lý như thế nào?
Thứ tám là các tài liệu đi kèm như sách GV, sách bài tập có phù hợp với bộ SGK và với mong đợi của nhà trường? Nếu không, thì sẽ phải xử lý như thế nào?
Thứ chín là tìm hiểu và cảm nhận xem nhóm tác giả này thực sự làm SGK với tâm huyết và hiểu biết, hay chỉ là một dự án giáo dục cần được giải ngân, hay một dự án kinh doanh của nhà xuất bản.
Thứ mười là trực giác và cảm quan trực tiếp khi cầm bộ SGK, xem trong số 5 bộ SGK hiện hành, thì bộ sách này có đủ hay, đủ đẹp, đủ thuyết phục mình phải lựa chọn hay không?
"Chúng tôi đã chọn SGK năm nay dựa trên 10 tiêu chí đó. Tuy không được hoàn hảo như kỳ vọng, nhưng chúng tôi hài lòng với lựa chọn đó", TS Giáp Văn Dương bày tỏ.
Sách có 'sạn' phải truy trách nhiệm cả những người phản biện Nhiều ý kiến cho rằng những điều không phù hợp trong sách giáo khoa lớp 1 mà dư luận phản ảnh, ngoài trách nhiệm của nhóm làm sách thì cũng đặt vấn đề trách nhiệm của người phản biện. Học sinh lớp 1 trong giờ học môn tiếng Việt - NGUYỄN LOAN Nhóm phản biện sách cũng vô trách nhiệm Nhận định về...