Sách giáo khoa lớp 1 mới: Được triển khai giảng dạy ra sao?
Năm học 2020 – 2021 là năm đầu tiên các trường tiểu học giảng dạy sách giáo khoa (SGK) lớp 1 mới. Sau gần một học kỳ triển khai, các trường tiểu học trong tỉnh đã dần bắt nhịp với những thay đổi mới, phù hợp với thực tiễn của địa phương.
Khởi đầu khó khăn
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên học sinh (HS) trước khi vào lớp 1 ở nhà khá lâu. Các em hầu như không được học chương trình mầm non cho trẻ 5 tuổi, không được học nhận biết các mặt chữ và các hướng dẫn làm quen học tập, chuẩn bị tâm lý, tinh thần trước khi vào lớp 1. Đối với HS dân tộc thiểu số không được tăng cường tiếng Việt trong thời gian hè… là trở ngại rất lớn cho giáo viên. Mặt khác, các năm học trước, HS lớp 1 có 2 tuần tựu trường trước khi khai giảng để cô và trò làm quen, nhưng năm học này việc học chính thức diễn ra ngay sau khai giảng. Các em không có nhiều thời gian làm quen nền nếp học tập…
Sở GD&ĐT tổ chức sinh hoạt chuyên môn tại Trường Tiểu học thị trấn Trà Xuân (Trà Bồng).
Trong bối cảnh khó khăn như vậy, SGK lại hoàn toàn mới, nên những ngày đầu đến lớp cô và trò khá bỡ ngỡ. Ngay tháng đầu tiên triển khai chương trình, dư luận phản ánh SGK môn tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều có một số ngữ liệu chưa phù hợp. Ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã yêu cầu Hội đồng Quốc gia thẩm định SGK và tác giả tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý để chỉnh sửa cho phù hợp. Tại Quảng Ngãi, bộ sách Cánh Diều được Trường IEC và Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh chọn đưa vào giảng dạy.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Trà Xuân (Trà Bồng) Bùi Thị Thanh Phú cho biết: “Lúc đầu, nhiều phụ huynh cũng phản ứng vì cho rằng việc thay đổi SGK diễn ra liên tục. Đầu năm học nhà trường đã họp phụ huynh giải thích những đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông 2018. Sau một thời gian triển khai phụ huynh dần ủng hộ vì thấy chương trình khá gần với chương trình 2016 và con em có thể học tốt nên họ ủng hộ”.
Video đang HOT
Hỗ trợ về chuyên môn
Ngay từ đầu năm học, Sở GD&ĐT thành lập các tổ chuyên môn hỗ trợ các trường trong quá trình dạy và học. Các tổ tăng cường dự giờ, thăm lớp, phối hợp với các nhà xuất bản, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, hỗ trợ chuyên môn cho giáo viên. Giáo viên chủ động ghi lại những bất cập, khó khăn, vướng mắc khi sử dụng SGK trong từng tiết dạy, từ đó có phương án khắc phục khi phát hiện lỗi trong SGK. Đến nay, tỉnh ta đã có 6 đợt hội thảo, sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học tổ chức quy mô cấp tỉnh đối với cấp tiểu học.
Tổ trưởng Tổ bộ môn tiếng Việt (Sở GD&ĐT) Bùi Văn Hội chia sẻ: “Để giúp các trường dạy môn tiếng Việt, tổ sinh hoạt chuyên môn đưa ra những chuyên đề, cách thức, phương pháp dạy giúp HS tiếp cận chương trình tốt nhất. Trong một tiết dạy thì chúng tôi chỉ đưa ra định hướng. Còn thực tế diễn ra thế nào thì tùy theo giáo viên và tùy từng đối tượng HS khác nhau. Những trường đảm bảo điều kiện thì nhà trưởng tổ chức dạy học đạt được tất cả nội dung SGK. Những trường có điều kiện khó khăn thì linh hoạt, chỉ cần đạt mục tiêu của chương trình. Chẳng hạn HS miền núi, nông thôn có năng lực hạn chế hơn, điều kiện học cũng khó hơn thì giáo viên chỉ cần dạy cho các em biết âm, vần…”.
Với 33 năm kinh nghiệm dạy lớp 1, cô giáo Vương Thị Hồng, công tác tại Trường Tiểu học thị trấn Trà Xuân nhận định: “SGK hiện hành giúp HS nắm bắt bài rất tốt; tranh ảnh sinh động, phù hợp với lứa tuổi HS lớp 1. Nội dung SGK đảm bảo nhưng có một số tiếng quá dài, vần nhiều. Có bài tới 3 vần gây áp lực cho cả cô và trò. Vì vậy, giáo viên phải chủ động bố trí thời lượng phù hợp, tránh nhồi nhét…”.
Chương trình dạy học được vận dụng linh hoạt
Chương trình lớp 1 được xây dựng theo hướng mở, SGK không biên soạn theo bài, theo tiết có sẵn như trước đây, mà biên soạn theo chủ đề, mạch kiến thức. Nhà trường nghiên cứu chương trình, SGK, đặc điểm của HS để xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với từng đối tượng. Vì vậy, cùng một chủ đề trong SGK, nhưng tùy vào đối tượng HS mà trường này có thể dạy 2 tiết, nhưng trường khác có thể dạy 3, 4 tiết. Học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp học, không ra thêm bài tập về nhà.
SGK nhiều "sạn", lỗi thuộc hội đồng thẩm định
Liên quan đến trách nhiệm để xảy ra vụ "lùm xùm" về sách giáo khoa (SGK) môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều vừa qua, PV Báo SGGP trao đổi với GS Nguyễn Lân Dũng, Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực.
Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp, TPHCM trong một tiết học. Ảnh: HOÀNG HÙNG
PHÓNG VIÊN: Bộ GD-ĐT vừa có báo cáo gửi đại biểu Quốc hội về vấn đề SGK năm học 2020 - 2021. Theo đó, Bộ GD-ĐT cho rằng: Việc chỉnh sửa/hiệu đính SGK vẫn thường xuyên được thực hiện. Tuy nhiên, để xảy ra bức xúc trong dư luận về một số điểm chưa phù hợp trong SGK môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều có trách nhiệm của Bộ GD-ĐT, hội đồng thẩm định và tác giả. Trong đó, công tác truyền thông về việc triển khai thực hiện chương trình, SGK mới chưa tốt; việc phản hồi các phản ánh về những điểm chưa phù hợp trong SGK môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều còn chưa kịp thời. Ông nhận xét gì về giải trình này của Bộ GD-ĐT?
GS NGUYỄN LÂN DŨNG: Không chỉ SGK Tiếng Việt lớp 1 tập 1 của bộ sách Cánh Diều có "sạn" mà tập 2 cũng nhiều "sạn". Như thế là không ổn. Với nội dung SGK Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều, rõ ràng học sinh lớp 1 không thể học Lev Tolstoy (nhà văn Nga) hay ngụ ngôn La Fontaine. Bộ sách Cánh Diều này do GS Nguyễn Minh Thuyết (Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới) chủ biên. Theo tôi, đã làm Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới thì không nên chủ biên SGK.
Bộ GD-ĐT đã thống nhất sẽ sửa các nội dung mà dư luận phản ánh đồng thời yêu cầu nhà xuất bản và tác giả khẩn trương xây dựng phương án chỉnh sửa, hiệu đính để kịp thời cho giáo viên dạy học. Trước mắt, Bộ GD-ĐT hướng dẫn, hỗ trợ giáo viên sử dụng các ngữ liệu được thay thế, bổ sung để thực hiện hoạt động dạy học các bài nằm trong chương trình học kỳ 1. Theo ông, giải pháp này đã ổn chưa?
Tôi cho là chưa phù hợp. Nếu chỉnh sửa, hiệu đính rồi in tài liệu chỉnh sửa đính kèm thì cũng sẽ là tài liệu rất dài, gây thêm khó khăn cho giáo viên, học sinh. Và phát miễn phí cho học sinh thay thu tiền? Điều đó không đơn giản. Chính vì vậy mà nhiều ý kiến đề nghị thu hồi SGK Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều, thay bằng sách của bộ khác. Dù với cách nào thì tôi cũng thấy rất lãng phí. SGK phải dùng đi dùng lại nhiều năm để tránh lãng phí, chỉ vì sai sót mà sách phải bỏ đi thì vô cùng lãng phí, đáng tiếc. Ở nhiều nước, SGK họ dùng nhiều năm. Dù phương án nào thì tổng số tiền bị lãng phí rất lớn, là tiền của của người dân cả, trong đó không ít người nghèo.
Xác định trách nhiệm thì mới không lặp lại sai sót, không để lãng phí, nhất là chúng ta đã, đang và sẽ làm SGK mới từ lớp 2 đến lớp 12. Từ sự việc này, theo ông, chúng ta phải truy rõ trách nhiệm của ai: tác giả viết sách, hội đồng thẩm định hay Bộ GD-ĐT?
Ở đây, lỗi lớn nhất là Hội đồng thẩm định SGK quốc gia. Không thể trách người viết sách được vì mỗi người một quan điểm. Khi đã khẳng định chương trình là pháp lệnh, SGK là tham khảo thì người viết SGK có quyền viết sách theo quan điểm của họ. "Ai viết SGK cũng được" nhưng vai trò thẩm định của Hội đồng thẩm định SGK quốc gia mới là quan trọng. Người viết sách có thể do trình độ, quan điểm, tư tưởng nên viết SGK theo cách của họ nhưng trách nhiệm của hội đồng thẩm định chính là người "gác cửa". Nếu cho qua thì sách mới được Bộ GD-ĐT phê duyệt. Nếu "gác cửa" không tốt thì đó là lỗi. Đó là chưa kể, tôi nghe có thành viên hội đồng thẩm định nói đã góp ý rồi, yêu cầu chỉnh sửa rồi mà nhóm tác giả không nghe. Điều đó lại càng phi lý. Hội đồng thẩm định SGK quốc gia có toàn quyền, không thể có chuyện tác giả viết sách không nghe.
Tôi chưa nói tới trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, vì thực ra, theo quy định Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm về SGK nhưng người thẩm định mới là người phải chịu trách nhiệm trực tiếp nhất. Đó là lý do mà nhiều ý kiến nói Hội đồng thẩm định SGK quốc gia nếu làm không hết trách nhiệm của mình thì phải thay bằng Hội đồng thẩm định SGK quốc gia khác.
Ông có cho rằng, quy trình thẩm định SGK còn lỗ hổng, cần phải có quy trình thẩm định chặt chẽ hơn?
Về góc độ quản lý nhà nước, tôi biết Bộ GD-ĐT cũng đã ban hành những văn bản hướng dẫn về việc biên soạn SGK, thẩm định SGK, trách nhiệm của hội đồng thẩm định. Do đó, hội đồng, từng cá nhân trong hội đồng thẩm định phải thể hiện đúng vai trò "gác cửa" của mình.
Xin cảm ơn ông!
Ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Cần thẩm định kỹ hơn
Về trách nhiệm, theo quy định của luật đã rõ: Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm về SGK. Về góc độ quản lý nhà nước, Bộ GD-ĐT cũng đã ban hành những văn bản hướng dẫn về việc biên soạn SGK, thẩm định SGK, trách nhiệm của hội đồng thẩm định. Vì vậy, tôi cho rằng, sau trường hợp cụ thể với bộ sách Cánh Diều, việc hướng dẫn biên soạn SGK như thế nào cũng cần kỹ lưỡng hơn, nêu các yêu cầu cụ thể hơn; trách nhiệm của hội đồng thẩm định cũng phải thẩm định kỹ lưỡng hơn và có yêu cầu cương quyết hơn với các tác giả.
Mặt khác, Bộ GD-ĐT phải tăng cường lấy ý kiến của dư luận thông qua các kênh khác nhau, mời các chuyên gia độc lập phản biện trước khi hội đồng thẩm định thông qua và Bộ GD-ĐT chính thức cho phép triển khai vào thực tế.
Nhiều sách giáo khoa có "sạn" Không chỉ sách Tiếng Việt 1 của bộ Cánh Diều mà sách Tiếng Việt của bộ sách khác cũng bị chỉ ra nhiều "sạn" khó chấp nhận Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) trong báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về sách giáo khoa (SGK) ngày 22-10 cho biết bộ này đã làm việc với hội đồng thẩm định, Nhà...