Sách giáo khoa dùng chung: Chưa thể triển khai đại trà
Chỉ còn chưa đến 2 tuần nữa là khai giảng năm học mới 2022-2023. Việc triển khai mua sách giáo khoa (SGK) bằng ngân sách Nhà nước đưa vào thư viện trường học dùng chung đến nay vẫn chưa có giải pháp rốt ráo, chưa thể triển khai đại trà.
Học sinh đọc sách trong thư viện nhà trường. Ảnh: Ngọc Anh.
Số học sinh được mượn sách chưa nhiều
Bà Đặng Thị Quỳnh Diệp – Giám đốc Sở Giáo dục đào tạo (GDĐT) Hà Tĩnh cho biết, địa phương đang triển khai xây dựng thư viện dùng chung cho các nhà trường, cho giáo viên và học sinh (HS). Vừa qua, Hà Tĩnh đã nhận được hơn 500 bộ SGK do Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Giáo dục Hà Nội thuộc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trao tặng cho HS có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. “Đây là sách tặng riêng nhưng sau này có thư viện có thể dùng chung cho nhiều cháu”- bà Diệp nói và chia sẻ thêm một khó khăn lớn của địa phương đó là việc xảy ra thiên tai bão lũ, nếu không may xảy ra thì điều kiện học tập của HS bị ảnh hưởng. Cho nên Sở cũng mong muốn nhận sự đồng hành, hỗ trợ lâu dài của các tổ chức, cá nhân để tạo các điều kiện tốt nhất cho việc học tập của các em HS.
Tại Nghệ An, thống kê từ Công ty sách và thiết bị trường học Nghệ An cho thấy trung bình mỗi năm, công ty và các đại lý trên toàn tỉnh sẽ cung ứng từ 60 – 70% sách mới cho HS. Số còn lại, các nhà trường và các tổ chức, xã hội bằng nhiều phương thức như triển khai chương trình Thư viện cho em, huy động SGK cũ để cho HS mượn hoặc trao tặng sách cho giáo viên vùng khó.
Hiện Sở GDĐT tỉnh Nghệ An đang tổng hợp danh sách các HS khó khăn ở các địa phương; trên cơ sở đó sẽ phối hợp với tổ chức, cá nhân và các đơn vị cung ứng sách để hỗ trợ cho một số đối tượng thuộc diện hộ nghèo, khó khăn. Sở cũng vừa nhận 600 bộ SGK lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10 từ Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho HS có hoàn cảnh khó khăn. Trước đó, năm học 2020-2021, Sở GDĐT Nghệ An đã tham mưu UBND tỉnh cấp kinh phí 942 triệu đồng để mua 5.050 bộ SGK trang bị cho thư viện các trường tiểu học vùng khó khăn cho HS đăng ký mượn. Ngoài ra, Sở cũng huy động thêm nhiều nguồn lực xã hội hóa, vận động phong trào “Phòng giúp phòng, trường giúp trường” để chia sẻ trong ngành.
Ông Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GDĐT Nghệ An cho biết, Sở đang tiếp tục nhân rộng mô hình thư viện nhà trường tạo thành kho SGK để cho HS khó khăn mượn và sử dụng trong các năm học.
Bà Võ Thị Vinh – Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Tây Sơn (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) cho biết, với đặc thù có 100% HS người dân tộc Mông, phần lớn đến từ các hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa nên hàng năm, nhà trường đều trích từ kinh phí nguồn chi thường xuyên, đồng thời kêu gọi các nhà hảo tâm ưu tiên hỗ trợ mua SGK, đồ dùng, thiết bị học tập cho HS. Đây là truyền thống nhiều năm nay của nhà trường. “Những bộ sách của các HS lớp trên sau khi kết thúc năm học sẽ được để lại dùng cho các em khóa sau. Khi triển khai chương trình mới, thay hàng loạt SGK mới, để tiết kiệm cho gia đình HS, nhà trường chỉ đưa ra danh mục SGK bắt buộc phải có theo chương trình. Còn sách tham khảo, luyện tập giáo viên sẽ chủ động bù đắp bằng việc ra bài tập, phụ đạo kiến thức cho các em” – bà Vinh cho biết.
Không chỉ là xây dựng thư viện
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học mới ngày 12/8 vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ GDĐT phải rốt ráo để sớm báo cáo Chính phủ quyết định việc trích ngân sách nhà nước mua SGK, đưa vào thư viện trường học dùng chung.
Trước đó, tháng 6/2022, Bộ GDĐT đề xuất lần đầu tiên với Chính phủ về việc trích ngân sách để mua sách cho thư viện trường học, sử dụng nhiều lần. Sau đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp về học phí phổ thông và SGK vào chiều 2/8 đã giao Bộ GDĐT có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện hồ sơ về phương án dùng ngân sách nhà nước mua SGK cho HS mượn, trình Chính phủ kịp triển khai từ năm học 2022 – 2023, báo cáo Thủ tướng.
Trong buổi làm việc với TPHCM chiều 5/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gợi mở TPHCM sẽ đi tiên phong trong việc dùng ngân sách mua khoảng 70% SGK để HS sử dụng, giữ từ năm này sang năm khác. Theo tính toán, cả nước mỗi năm chi khoảng 2.000 tỷ đồng cho SGK. Nếu chia ra cho 63 tỉnh, thành thì con số không phải là quá lớn.
Video đang HOT
Tuy vậy, tất cả mới đang là kết luận trên giấy còn phương án triển khai cụ thể ra sao, thời gian thực hiện thế nào, đối tượng thụ hưởng… vẫn chưa được thông báo chính thức. Năm học mới đang cận kề và mỗi địa phương, mỗi nhà trường đang tích cực, chủ động các phương án để đảm bảo mọi HS đều có SGK khi đến lớp bằng cách trích một phần ngân sách, tìm kiếm các nguồn xã hội hóa, kêu gọi tài trợ…
Dẫu vậy, vẫn cần một chính sách mang tính tổng thể, dài hơi và áp dụng thông suốt trong năm học này và các năm học kế tiếp để những HS còn khó khăn không bị động về SGK khi năm học mới cận kề. Bên cạnh đó, như ông Nguyễn Xuân Khang – Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) nhìn nhận, câu chuyện mượn SGK không chỉ là xây dựng thư viện, tủ sách dùng chung mà còn bao gồm bảo quản, tổ chức cho mượn, sử dụng sách hiệu quả, tránh lãng phí qua từng năm học. Nguồn kinh phí từ Nhà nước, các địa phương là cần thiết nhưng cũng cần vận động nhiều nguồn lực xã hội dựa trên kế hoạch cụ thể của ngành giáo dục các địa phương bởi theo tiến độ đổi mới chương trình, SGK tiếp tục làm cuốn chiếu nhiều năm tới nên hàng năm đều phải mua mới.
Hối hả tu sửa trường lớp, giáo viên đến tận nhà vận động học sinh đi học
Hơn 1 tuần nữa bước vào năm học mới 2022- 2023. Không khí hối hả chuẩn bị đang diễn ra ở khắp các trường học.
Đối với trường vùng cao dù còn khó khăn song nhà trường, thầy cô, phụ huynh đều nỗ lực để tạo ra những điều kiện học tập tốt nhất cho học trò.
Giáo viên, phụ huynh cùng tu sửa trường lớp đón năm học mới
Đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất
Do khó khăn đặc thù nên công tác chuẩn bị trường lớp đón năm học mới ở các trường vùng cao luôn đòi hỏi công sức, nhiệt huyết của người thầy.
Cô Phạm Thị Lương, Phó Hiệu trưởng Trường THPT số 1 Bắc Hà (Lào Cai) trao đổi: Năm học này số học sinh vào lớp 10 tăng, đồng nghĩa phòng học cần nhiều hơn song trường không được đầu tư xây thêm phòng học, phòng chức năng. Trường tháo gỡ bằng cách triển khai dạy học 2 ca sáng, chiều để có đủ phòng học.
Với khó khăn thực tế, Ban giám hiệu xác định phải chuẩn bị kĩ lưỡng cơ sở vật chất trường lớp để đảm bảo yêu cầu dạy và học. Ngoài quét dọn phòng lớp học, vệ sinh toàn trường, khu bán trú, nhà ăn... giáo viên còn kiểm tra, sửa chữa từng bộ bàn ghế, cửa sổ, cửa ra vào, đồ dùng dạy học. Không chỉ làm thợ sơn, thợ mộc, các thầy giáo còn làm thợ điện, tháo dỡ từng chiếc quạt trần trong các lớp để lau chùi, tra dầu mỡ, siết lại ốc vít, cánh quạt...
Cô Lương cho biết, 100% giáo viên tự nguyện tham gia chuẩn bị năm học mới ngay sau trả phép đầu tháng 8. Không khí lao động khẩn trương và dự tính sẽ kết thúc trước 30/8 để kịp đón học sinh trở lại.
Giáo viên Trường THPT số 1 Bắc Hà (Lào Cai) rà soát và sửa chữa lại toàn bộ hệ thống quạt điện trong lớp học.
Trường PTDTBT THCS Khao Mang thuộc vùng khó huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) có tổng số 575 học sinh cũng được "thay áo mới" trong tháng 8 khi 26 cán bộ, giáo viên trở lại trường. Các thầy cô lên kế hoạch dọn dẹp, vệ sinh toàn trường, lớp học, khu bán trú; trồng hoa cây cảnh, cắt cỏ tỉa cây vườn trường... Sau đó huy động gần 500 phụ huynh cùng tham gia lao động. Đến 18/8, việc dọn dẹp, tu bổ đã hoàn thành. Trường lớp gọn gàng, sạch đẹp sẵn sàng cho ngày khai giảng.
Thầy Hà Trần Hồng, Phó Hiệu trưởng chia sẻ: Do huy động được đông đảo phụ huynh vào hoạt động chuẩn bị cơ sở vật chất nên đội ngũ giáo viên đỡ vất vả và dành thời gian tối đa còn lại của tháng 8 cho việc tập huấn, xây dựng kế hoạch nhà trường, giáo án triển khai chương trình lớp 6,7 theo CT GDPT mới ...
Thầy Hồng cũng cho biết thêm, theo chỉ đạo của Phòng GD&ĐT từ 24/8 trường đã tập trung 164 học sinh khối 6 để dạy học Tiếng Anh, Tin học (do chưa được tiếp cận ở Tiểu học). Với học sinh khối 7, 8, 9 thông tin từ nhóm giáo viên làm công tác điều tra phổ cập, các gia đình và học sinh đã cam kết sẽ trở lại trường vào 29/8. Sách giáo khoa lớp 7 theo CT GDPT mới cũng được trường hỗ trợ đặt mua và về tới trường đầy đủ 100%. Một số đồ dùng thiết bị dạy học được trang cấp từ nguồn ngân sách công thì trường vẫn đang đợi.
Giáo viên, phụ huynh Trường PTDTBT THCS Khao Mang (Mù Cang Chải, Yên Bái) cùng rẫy cỏ vườn trường.
Từ huyện vùng cao biên giới Đồng Văn (Hà Giang), cô Dương Thị Thành, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học xã Ma Lé vui mừng chia sẻ việc chuẩn bị cơ sở vật chất trường lớp đón 743 học sinh được lên kế hoạch từ sớm; Trường còn tham mưu với UBND xã triển khai công tác vận động học sinh ra lớp hiệu quả. Biên chế trường lớp cơ bản hoàn thành. Công tác sơn sửa, tu bổ, tổng vệ sinh trường lớp cho 29 lớp học tại 1 điểm trung tâm và 7 điểm lẻ đã hoàn tất.
Thầy Nguyễn Văn Lục, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Thải Giàng Phố (Bắc Hà, Lào Cai) cho biết từ 8/8, toàn bộ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đã triển khai chuẩn bị đón năm học mới. Thầy cô cùng rửa dọn vệ sinh các phòng lớp học, phòng bán trú, bếp ăn tập thể; Lau và sơn lại toàn bộ khung giường sắt; giặt và phơi khô hơn 100 trăm chăn đắp mùa đông, gia cố sửa chữa nhiều bàn ghế cũ...
Thầy Lục cho biết, trường triển khai mô hình "Trường học du lịch" nên việc đầu tư, chuẩn bị kĩ càng cơ sở vật chất trường lớp từ đầu năm học là việc quan trọng. Nó không những tạo nên môi trường học tập, sinh hoạt chất lượng, học sinh hứng thú học tập mà phụ huynh thêm tin tưởng khi gửi con tới trường.
Giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Thải Giàng Phố (Bắc Hà, Lào Cai) lau dọn vệ sinh lại khu bếp ăn bán trú
Không để học sinh bỏ học, thiếu sách
Với nhiều trường vùng khó, việc đảm bảo đủ sách giáo khoa và tỉ lệ chuyên cần đầu năm học mới vẫn là "bài toán" khó. Chỉ bằng nỗ lực của thầy cô, nhà trường mới có thể tháo gỡ.
Cô Phạm Thị Lương, Phó Hiệu trưởng Trường THPT số 1 Bắc Hà (Lào Cai) trao đổi: Từ 22/8 giáo viên toàn trường được chia thành nhiều nhóm, tỏa xuống từng xã, thôn để vận động học sinh trở lại trường lớp. Năm nay, dù khai giảng sát gần nhưng còn khoảng 40 học sinh đỗ trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 chưa tới trường làm thủ tục nhập học.
Giáo viên đã phải xuống từng nhà học sinh vận động trực tiếp. 2/3 trong số 40 học sinh đã đồng ý tới trường làm thủ tục nhập học, 1/3 vì nhiều lý do khác nhau quyết định dừng học. Vì vậy nhà trường phải làm kế hoạch bổ sung, gọi thêm học sinh không đỗ đợt 1.
Trường THPT số 1 Bắc Hà (Lào Cai) đến từng nhà vận động học sinh không bỏ học.
Cô Bùi Thị Minh Khuyên, giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Pa Ủ (Mường Tè, Lai Châu) cho biết, do giáo viên làm sớm và tốt công tác vận động nên học sinh năm nay vào lớp 1 đã tự trường đủ 100%; Để đảm bảo tỉ lệ học sinh khối 2, 3, 4, 5 đi học đông đủ, trường huy động toàn bộ giáo viên triển khai vận động trong 2 ngày 28&29/8 tại 11 thôn/bản.
Cô Khuyên khẳng định, vài năm gần đây tình trạng học sinh bỏ, trốn học sau nghỉ hè giảm. Song để đạt tỉ lệ trên 95% trở lại trường ngày khai giảng thì giáo viên vẫn vô cùng vất vả với công tác vận động trước đó. Không những thế, còn tình trạng học sinh tham gia khai giảng, học 1-2 buổi lại trốn về nhà. Giáo viên lại phải tiếp tục vào thôn bản đón học sinh trở lại trường.
Trường PTDTBT Tiểu học Pa Ủ (Mường Tè, Lai Châu) không chỉ "nóng" về tình trạng học sinh bỏ, nghỉ học đầu năm học mới mà vấn đề đảm bảo sách giáo khoa cũng đòi hỏi nhà trường, giáo viên tích cực huy động ngoài xã hội và tháo gỡ bằng cách ứng tiền mua sách trước rồi trừ dần tiền vào nguồn hỗ trợ chi phí học tập hàng tháng của học sinh vùng khó.
Giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Pa Ủ (Mường Tè, Lai Châu) xuống từng thôn bản đón học sinh lớp 1 tựu trường.
"Bên cạnh hỗ trợ học sinh tiền mua sách giáo khoa, hầu hết giáo viên đều tự bỏ tiền xăng xe cho quá trình đi vận động học sinh đi học. Mỗi dịp đầu năm lại tăng thêm chi phí vài trăm nghìn tiền xăng tuy nhiên chẳng giáo viên nào vì vất vả, hay đong đếm thiệt hơn mà không giúp học sinh. Muốn có trò đến lớp, học sinh học tập có sách giáo khoa thì giáo viên chấp nhận cả những thiệt thòi...", cô Khuyên bày tỏ.
Thầy Phạm Như Ý, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học xã Quyết Tiến (Quản Bạ, Hà Giang) cũng cho biết thực tế: Số học sinh thuộc khu vực 3 được hỗ trợ kinh phí học tập chỉ chiếm 1/3 toàn trường. 2/3 học sinh thuộc khu vực nông thôn mới, không được hỗ trợ nhưng điều kiện gia đình khó khăn không mua được sách cho con.
Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học xã Quyết Tiến (Quản Bạ, Hà Giang) được nhà trường hỗ trợ mua sách giáo khoa đầy đủ trước năm học mới.
Để đảm bảo học sinh không học "chay", trường rà soát thực trạng, lên danh sách gia đình không đủ điều kiện mua sách để đăng ký số lượng với đơn vị cung ứng. Ngoài ra trường cũng tận dụng tủ sách dùng chung để giảm bớt đầu sách phải mua. Việc nhận sách trước, thanh toán sau đều có sự đồng thuận từ 2 bên cung ứng và phụ huynh . Trường chỉ đóng vai trò mua hộ, thu hộ.
"Nhiều trường hợp phụ huynh không thể thanh toán dịp cuối năm học, trường chấp nhận ứng trước để cho đơn vị cung ứng sách và đợi phụ huynh trả khi có điều kiện. Đây là cách làm tốt nhất thời điểm này dù giáo viên bận rộn hơn trong việc kiểm đếm, thu hộ, bọc sách vở, thậm chí chấp nhận "nợ xấu"... Miễn sao học sinh đủ sách giáo khoa, yên tâm bước vào học tập...", thầy Ý chia sẻ.
Nghệ An: TH Nguyễn Trãi vẫn đóng gói SGK lẫn sách bài tập, Hiệu trưởng nói gì? Theo phản ánh của phụ huynh, một bộ sách phải mua cho học sinh lớp 3 là 776.000 đồng, nếu mua thêm vở ô ly (20 quyển) thì đóng thêm 180.000 đồng. Vừa qua, phản ánh tới Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một số phụ huynh của Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (Thành phố Vinh, Tỉnh Nghệ An) có con...