Sách giáo khoa cho đổi mới giáo dục Kỳ 3: Nỗ lực chọn bộ sách tốt nhất
Theo tinh thần Nghị quyết 88 của Quốc hội, việc triển khai một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa (CT, SGK) sẽ xóa độc quyền, tạo điều kiện huy động các nguồn lực xã hội, môi trường cạnh tranh trong biên soạn, xuất bản SGK.
Đây không những là cơ hội để các địa phương chọn lựa dạy và học bộ SGK tốt, phù hợp với điều kiện của mình mà còn là tiền đề quan trọng thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo tinh thần Nghị quyết 29.
Học sinh chính là người thụ hưởng nền tảng tốt nhất từ bộ sách giáo khoa được lựa chọn. Ảnh: Hữu Cường
Chuẩn bị chu đáo, đúng lộ trình
Để đáp ứng kỳ vọng của GV và PHHS, lựa chọn được những bộ SGK chất lượng nhất, tốt nhất, kịp tiến độ triển khai CT GDPT mới, tới nay công việc chuẩn bị đang được Bộ GD&ĐT triển khai chu đáo, cẩn trọng, đúng theo lộ trình, thời gian.
TS Thái Văn Tài – Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho biết: Sau khi ban hành CT GDPT mới theo Thông tư 32, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các địa phương bằng Văn bản 344 để cụ thể hóa các nội dung chuẩn bị theo thẩm quyền các cấp.
Hiện nay, các địa phương đã tiếp nhận và chuẩn bị tích cực cho CT GDPT mới; thành lập ban chỉ đạo và ban hành các kế hoạch triển khai cụ thể theo điều kiện hiện có của địa phương. Thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức sơ kết việc thực hiện chỉ đạo chuẩn bị CT GDPT mới tại các địa phương.
Mặt khác văn bản hướng dẫn chuyên môn được các vụ chuyên môn liên quan (Bộ GD&ĐT) ban hành như: Nội dung chương trình GD địa phương; Tổ chức dạy học lớp 1 theo CT GDPT mới; Ban hành các văn bản liên quan đến môn học mang tính chất mới… Các yếu tố, tính chất mới trong CT GDPT mới cũng được các Vụ chức năng liên quan ban hành sớm trước một bước để địa phương và thầy cô giáo trải nghiệm ngay trong CT hiện hành.
Việc chuẩn bị tài liệu dạy học và SGK, được Bộ GD&ĐT ban hành kế hoạch rõ ràng. Trước ngày 30/10, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT dựa trên kết quả của Hội đồng thẩm định SGK sẽ công bố kết quả thẩm định SGK lớp 1.
Bộ GD&ĐT cũng đang lấy ý kiến rộng rãi về thông tư quy định, hướng dẫn các địa phương lựa chọn SGK theo đúng Luật GD và các quy định văn bản của Chính phủ. Thông tư này dự kiến sẽ ban hành trong tháng 12/2019. Từ đó địa phương thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình là lựa chọn SGK.
Sau khi có SGK và thông tư hướng dẫn, các địa phương sẽ thực hiện chức năng trong phạm vi quản lý hướng dẫn của mình là tập huấn chương trình đối với GV thực hiện chương trình…
Ảnh minh họa/ Internet
Theo TS Phạm Tất Thắng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, bộ SGK tốt phải đáp ứng được đúng chương trình; Chất lượng tốt (thể hiện ở lựa chọn những minh họa kiến thức quy định trong chương trình; Hình thức thể hiện của SGK phải hấp dẫn); Dễ sử dụng đối với cả người dạy, người học và PHHS; Giá thành SGK phải phù hợp với mức độ chi tiêu của đại đa số người dân…
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội với vai trò cơ sở giám sát đã dự kiến năm 2020, năm đầu tiên thực hiện CT và SGK mới theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, Ủy ban có thể đưa vào chương trình giám sát năm 2020 việc thực hiện Nghị quyết 88 trong thực tế; từ đó tiếp tục có những nhìn nhận đánh giá.
Video đang HOT
Bảo đảm quyền lợi của người học
Không có cạnh tranh, SGK khó phát triển và HS chính là đối tượng chịu thiệt hại. Khi thực hiện một chương trình nhiều bộ SGK, cạnh tranh bình đẳng là điều kiện tiên quyết để có một thị trường SGK lành mạnh. Tuy nhiên, không ít người lo ngại có sự cạnh tranh thiếu lành mạnh và bộ SGK tốt không đến được với HS. Như vậy, tìm ra giải pháp ngăn chặn hiện tượng này vô cùng cần thiết.
Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13, việc giám sát chất lượng GDPT còn những bất cập. Vì thế, Quốc hội ban hành Nghị quyết 88 về CT, SGK GDPT mới. Tinh thần của Nghị quyết 88 tiếp tục được thể hiện trong Luật GD sửa đổi. Trước đây, SGK là pháp lệnh cả nước dùng chung một bộ SGK thì nay CT là pháp lệnh còn SGK là cách thể hiện CT. – TS Phạm Tất Thắng
TS Thái Văn Tài cho biết: Bộ GD&ĐT thực hiện chức năng của mình là cùng HĐTĐ SGK thẩm định SGK một cách khoa học, công bằng, minh bạch với tất cả các khâu, để nhiều lực lượng cùng tham gia phản biện và đưa ra sản phẩm cuối cùng trình Bộ trưởng là những bộ SGK đúng và đảm bảo nhất.
Mặt khác, Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến rộng rãi ban hành thông tư quy định về hướng dẫn lựa chọn SGK cho các địa phương thực hiện. Bộ sẽ hướng dẫn, giám sát địa phương thực hiện chức năng lựa chọn SGK đến với HS theo đúng quy định, thẩm quyền.
Cùng đó, thời gian tới Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường chức năng giám sát kiểm tra theo chức năng quản lý để hướng dẫn, chấn chỉnh những địa phương làm sai, hoặc lúng túng trong quá trình thực hiện.
Bộ GD&ĐT sẽ giám sát để phát hiện những vấn đề liên quan đến quyền lợi người học, sự bất thường trong cân đối cung cầu của thị trường… đảm bảo phù hợp điều kiện chung các địa phương trên toàn quốc; đáp ứng được cả vùng thuận lợi và vùng khó khăn..
TS Phạm Tất Thắng nhận định, việc chuẩn bị của Bộ GD&ĐT với thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới CT, SGK GDPT bài bản, nghiêm túc. Quá trình chuẩn bị trong vài năm vừa qua có lộ trình, bước đi, kế hoạch, giải pháp để triển khai nghị quyết.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Nghị quyết 88, để SGK đi vào thực tiễn hệ thống giáo dục, qua đó đẩy mạnh đổi mới căn bản toàn diện, nâng cao chất lượng GDPT, theo TS Phạm Tất Thắng, những điều kiện triển khai CT, SGK trong thực tế hết sức quan trọng.
Trong quá trình chỉ đạo, thực hiện phải quan tâm đến đội ngũ GV. Cần có lộ trình để tập huấn đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ GV. SGK có tốt đến đâu mà đội ngũ GV không chuyển tải được sẽ không thể đem lại kết quả mong muốn.
Cùng đó, khi thực hiện CT mới, phương pháp mới đòi hỏi cơ sở vật chất trang thiết bị, đồ dùng dạy học mới. Như vậy, cần có sự chuẩn bị từ phía Bộ GD&ĐT và các địa phương. Điều kiện thực hiện của các địa phương khác nhau nên cần có các giải pháp chỉ đạo đồng bộ, hiệu quả và phù hợp. Làm sao để nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông một cách đồng đều.
Cũng theo TS Phạm Tất Thắng: Một trong 4 yếu tố để có bộ SGK tốt là giá thành SGK phải phù hợp với mức độ chi tiêu chung của đại đa số người dân.
Khi thực hiện 1 chương trình nhiều SGK là nhằm đến XHH việc biên soạn và xuất bản SGK. Sự cạnh tranh lành mạnh giữa các NXB, các nhóm tác giả sẽ có được những bộ SGK chất lượng tốt và giá thành phù hợp. Quá trình cạnh tranh lành mạnh này, nếu NXB hay tác giả nào xuất bản SGK có giá thành cao sẽ không thuận lợi trong quá trình lựa chọn thực tế.
Về mặt quản lý Nhà nước, SGK là mặt hàng đặc biệt liên quan đến quyền học tập của người dân và trẻ em. Như vậy, Nhà nước sẽ có sự kiểm soát giá SGK theo quy định luật giá.
Mặt khác với cơ chế ban hành về biên soạn và xuất bản SGK hiện hành, giá SGK phải được đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước (Bộ Tài chính). Khi có sự thay đổi về giá SGK phải có sự đồng ý của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.
XHH biên soạn, xuất bản SGK, Nhà nước vẫn có những giải pháp để kiểm soát việc ấn định giá SGK sao cho hài hòa giữa quyền lợi của doanh nghiệp nhưng cũng phải đảm bảo khả năng chi tiêu của người dân. Qua đó mới đảm bảo quyền học tập của trẻ em và người học.
Đức Trí
Theo GDTĐ
Sách giáo khoa cho đổi mới giáo dục Kỳ 2: Những người nhặt "sạn"
Mục đích cuối cùng của việc thẩm định SGK là lựa chọn được những bộ sách chất lượng nhất cho GV, HS. Điều đó cho thấy, vai trò của Hội đồng thẩm định (HĐTĐ) vô cùng quan trọng. Mặt khác, việc thành lập HĐTĐ cũng phải dựa trên quy trình hết sức chặt chẽ.
Bộ sách giáo khoa chuẩn là phương tiện quan trọng phục vụ yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Ảnh: Hữu Cường
Sửa chữa là điều tất yếu
Có ý kiến cho rằng bên cạnh sự độc lập của HĐTĐ SGK cần thêm những kênh khác như lấy ý kiến của GV, HS, đánh giá của thực tiễn về các bộ SGK để đảm bảo khách quan, công bằng.
PGS.TS Phạm Văn Tình - Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam thẳng thắn bày tỏ: "Dư luận nói rằng lấy thực tiễn làm tiêu chuẩn của chân lí. Và nghi ngờ HĐTĐ khi thầy cô giáo, HS, những nhân vật nổi tiếng đánh giá bộ SGK GDCN tốt như vậy vẫn bị loại... Tuy nhiên, chúng ta phải xem những luận cứ đó dựa trên tính khách quan. Nếu căn cứ vào một vài ý kiến để nghi ngờ HĐTĐ là không thỏa đáng".
Theo ông Phạm Văn Tình, SGK cải tiến có yêu cầu khác hẳn các sách khác. SGK là hệ thống tài liệu quan trọng trong CT GDPT nên luôn phải điều chỉnh đổi mới cho phù hợp.
"Tôi được chứng kiến quá trình thẩm định, các tiêu chí... có nhiều trường hợp HĐTĐ đã trao đổi quyết liệt, không khoan nhượng. Họ làm việc không phải cho xong mà để đảm bảo trước toàn dân sẽ đưa ra một bộ SGK chuẩn cho HS học. Vì vậy, không có chuyện xuê xoa hay nhẹ tay..."
PGS.TS Phạm Văn Tình
Trong lịch sử, năm 1981 đã điều chỉnh một lần. Năm 2002 lại điều chỉnh tiếp. Đến năm 2020 tiếp tục điều chỉnh. Như vậy, ta mới có thể đuổi kịp dòng chảy chung của giáo dục và tri thức cần có đối với HS. Không thể phủ nhận những bộ SGK cũ với sức sống riêng nhưng đã đạt yêu cầu chưa lại là vấn đề hoàn toàn khác.
Thậm chí PGS.TS Phạm Văn Tình khẳng định: "Bộ SGK GDCN có 330 chi tiết cần chỉnh sửa, tôi thấy là hơi ít (nếu là chi tiết quan trọng). Bởi trên thực tế có bộ SGK phải điều chỉnh tới 1.000 chi tiết liên quan đến tổng thể. Vì vậy, chúng ta không nên băn khoăn đến số lượng chi tiết phải điều chỉnh, mà quan trọng là cái đó có đạt tới định hướng và có tính khả thi trong việc sửa chữa hay không. Nếu xuất phát từ tinh thần cầu thị và vì giáo dục thì cần xem xét lại ý kiến của HĐTĐ có xác đáng và chủ biên của cuốn sách có sửa chữa hay không".
Theo ông Tình: "Đã đi thi phải tuân theo một quy định mà giám thị trường thi yêu cầu. Trường hợp kết quả đó không thỏa đáng có quyền phúc khảo. Bộ không khó khăn gì để thành lập HĐTĐ khách quan nhất để đưa ra một kết quả tốt hơn".
TS Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng bày tỏ: Quá trình thẩm định một yếu tố nào đó liên quan đến xã hội thì việc lấy ý kiến phản hồi từ xã hội là việc làm cần thiết.
Tuy nhiên, bất cứ một bộ SGK nào để thực hiện CT GDPT mới phải thể hiện được CT GDPT mới. Nó phải được biên soạn trên tinh thần của CT GDPT mới.
Chương trình này thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội và được Bộ GD&ĐT ban hành qua Thông tư 32, 33. SGK phải đảm bảo được nội dung chương trình theo Thông tư 32 và các yêu cầu theo Thông tư 33. Như vậy, điều kiện cần là phải đáp ứng đủ cả Thông tư 32 và 33. Còn điều kiện đủ: Trong Nghị quyết 88 có nói SGK khi được biên soạn theo tinh thần của Nghị quyết 88 cần được thử nghiệm dạy trong thực tế; và cần có điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện dạy và học hiện nay.
Ảnh minh họa/ Internet
HĐTĐ làm việc trách nhiệm, khách quan
TS Thái Văn Tài - Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) thêm một lần nữa nói rõ các vấn đề xung quanh HĐTĐ SGK quốc gia.
HĐTĐ được thành lập trên quy trình chặt chẽ (có đầy đủ đại diện các lực lượng gồm GV, nhà quản lý, nhà khoa học chuyên sâu, nhà phương pháp đang giảng dạy ở các trường ĐH) và xét đến yếu tố vùng miền Nam Trung Bắc, thuận lợi, khó khăn.
Trong thiết kế chương trình làm việc, có 15 ngày để HĐTĐ tiếp cận với bản thảo SGK một cách độc lập. Và sau đó có 7 ngày để các thành viên thảo luận với nhau để đi đến quyết định cuối cùng về bản thảo.
Theo quy định, tất cả các bản thảo SGK đánh giá đạt nhưng phải sửa chữa hay không đạt thì thông qua NXB trình, tác giả có quyền chỉnh sửa cho đúng với CT hơn, và được thẩm định lại. HĐTĐ sẽ tiếp tục thẩm định và thực hiện theo đúng quy trình.
Như vậy với sự lựa chọn và làm việc nghiêm túc về thời gian, số lượng, thành phần hội đồng..., các sản phẩm lao động của HĐTĐ chắc chắn sẽ nghiêm túc, khách quan. Các sản phẩm được thẩm định có cơ sở khoa học và căn cứ.
Ông Thái Văn Tài khẳng định: HĐTĐ SGK lần này không khác so với các HĐTĐ SGK trước. Quyết định của HĐTĐ không phải đưa ra cho một số phận bộ SGK duy nhất mà có nhiều bộ SGK (theo chủ trương XHH giáo dục) và có nhiều nhóm tác giả đã trình SGK theo luật.
HĐTĐ thay mặt Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và dựa trên chuyên môn để rà soát xem những bộ SGK có đúng luật, đúng quy định, đúng chuyên môn hay không... Từ đó, đưa ra quyết định SGK có đúng quy định và đạt hay không.
HĐTĐ đang giúp tác giả lọc sạn, hoặc những điều mà SGK chưa hợp với CT GDPT mới để tác giả cùng HĐTĐ làm ra những SGK cho tốt hơn. Cuối cùng người học sẽ được "hưởng" những bộ SGK tốt và đúng với CT nhất.
TS Thái Văn Tài cho biết: Những ngày qua HĐTĐ làm việc vô cùng trách nhiệm, khách quan bởi HĐTĐ chịu trách nhiệm phải giải thích sản phẩm đã thẩm định trước xã hội và nhóm tác giả với nhau...
Đến thời điểm kết thúc vòng thẩm định đầu tiên cho 5 bộ SGK, các tác giả chưa có phản hồi chính thức nào (cá nhân hoặc thông qua NXB trình duyệt) về HĐTĐ tới Bộ GD&ĐT.
SGK là một trong những tài liệu quan trọng để cho GV và HS được sử dụng trong quá trình học tập của mình. SGK không chỉ phục vụ ngoài đối tượng HS mà còn cả cha mẹ học sinh để thực hiện đúng tinh thần môi trường giáo dục: Nhà trường, gia đình, xã hội... Một tài liệu dạy học mà người nào tập huấn chuyên sâu mới sử dụng được hay nhóm nhỏ GV quan tâm lớn được tập huấn thì thực hiện tốt thì chưa phải là đại diện của bộ SGK đáp ứng yêu cầu của CT GDPT mới. - TS Thái Văn Tài
Đức Hạnh
Theo GDTĐ
Thẩm định sách giáo khoa như "rọc phách chấm thi" PGS.TS Phạm Văn Tình, Tổng thư ký hội Ngôn ngữ học Việt Nam cho biết: "Thẩm định sách giáo khoa theo phương pháp đánh số, ký hiệu và xoá tên tác giả và những người tham gia biên soạn giống như "rọc phách chấm thi" để tránh sự thiên vị". Sách giáo khoa mới sẽ được triển khai từ lớp 1, năm học...