Sách được trả về thư viện sau khi quá hạn mượn gần… 60 năm
David Harrington, một thủ thư tại thư viện trung tâm Middlesbrough, cho biết một cuốn sách gần đây đã được trả lại sau ngày hết hạn mượn tới 58 năm.
Cuốn sách được trả về trong tình trạng còn khá nguyên vẹn dù đã gần 60 năm trôi qua
Ngày 12/10 vừa rồi, UPI đưa tin về một chuyện khó tin tại thư viện ở Anh. Các nhân viên tại thư viện này kể rằng gần đây, một cuốn sách đã bị bỏ vào thùng trả lại sau gần 60 năm kể từ ngày hết hạn.
Thư viện Trung tâm Middlesbrough cho biết cuốn sách đó là “The Buried Stream”, một tuyển tập thơ của nhà thơ người Anh Geoffrey Faber. Cuốn sách đã được để vào thùng trả sách của cơ sở trong tháng này.
Các nhân viên tại thư viện tiết lộ cuốn sách đã quá hạn 58 năm với ngày đáo hạn chính xác là vào tháng 12/1962.
“Chúng tôi thực sự biết ơn người ẩn danh đã trả lại cuốn sách này cho chúng tôi vì cuốn sách sẽ được thêm trở lại kho và đặt trong thư viện sách tham khảo cho các thế hệ tương lai thưởng thức”, nhân viên thư viện và trung tâm sách cộng đồng David Harrington nói.
Harrington cho biết cuốn sách được tính phí trả chậm là 650 đô là Mỹ (hơn 15 triệu đồng). Tuy nhiên, tiền phạt trả muộn sẽ được “đình chỉ” do đại dịch COVID-19.
Harrington nói: “Chúng tôi cũng kêu gọi bất kỳ khách hàng nào của chúng tôi – trong quá khứ và hiện tại – trả lại bất kỳ cuốn sách quá hạn nào của thư viện mà họ có thể đang giữ, với sự đảm bảo rằng chúng tôi hiện không tính phí phạt”.
Khám phá bí ẩn lòng đất bên dưới Điện Kremlin
Có hay không những kho báu ẩn giấu, hầm trú ẩn hay boongke bí mật bên dưới một trong những pháo đài nổi tiếng nhất thế giới - Điện Kremlin.
Bản vẽ phác thảo lòng đất bên dưới Điện Kremlin. Ảnh: RBTH
Điện Kremlin là pháo đài lớn nhất còn sót lại ở châu Âu, và có liên quan đến nhiều bí mật. Nhiều thế hệ các nhà nghiên cứu đã tìm cách hé mở những bí ẩn đó. Chẳng hạn, có hay không thư viện của Ivan Bạo chúa bên dưới lòng đất, hay những đường hầm ngầm dẫn từ Kremlin tới các khu vực khác trong thành phố? Và còn nhiều câu hỏi khác nữa vẫn chưa có câu trả lời chính xác. Theo trang Russia Beyond The Headlines, dưới đây là những hạ tầng có thể tồn tại bên dưới lòng đất Điện Kremlin.
Những đường hầm nước
Mỗi pháo đài thời Trung cổ đều có những lối đi bí mật và đường hầm bên dưới. Điện Kremlin cũng không ngoại lệ. Kể từ khi công trình này được xây dựng lần đầu tiên, nó đã có các đường hầm dẫn nước bí mật. Tuy nhiên, các công sự của cả Điện Kremlin bằng gỗ nguyên bản lẫn pháo đài bằng đá trắng, được xây dựng dưới thời Hoàng tử Dmitry Donskoyn (thế kỷ 14), đã không còn tồn tại cho đến ngày nay.
Điện Kremlin mà chúng ta thấy hiện tại được xây dựng dưới thời Ivan Đại đế (1530-1584). Vào cuối thế kỷ 15, rõ ràng pháo đài Kremlin đã không còn phù hợp với chiến tranh hiện đại: tường và tháp của nó, vốn bị phá hủy bởi nhiều cuộc bao vây và hỏa hoạn, không thể chịu được các cuộc tấn công của kẻ thù. Ivan Đại đế đã mời các kiến trúc sư người Italy, những người từng xây dựng nhà thờ, những tòa tháp và cả cung điện của vị Đại Công tước Moskva này.
Bản vẽ xây dựng bên trong Tháp Taynitskaya và giếng nước bí mật. Ảnh tư liệu/RBTH
Chính người Italy đã tạo ra các cấu trúc ngầm cơ bản của Kremlin, hạng mục kiến trúc bắt buộc phải có với bất kỳ pháo đài nào. Năm 1485, một nơi ẩn náu được xây dựng bên dưới lòng đất Tháp Tainitskaya, nhưng mục đích của nó vẫn chưa được rõ. Khu vực này được phát hiện vào thế kỷ 17, nhưng không thể tiếp cận được nữa: các lối dẫn xuống nơi ẩn náu đã biến mất, những bức tường sập đổ và các cánh cửa bị bịt kín bởi chất thải xây dựng. Năm 1826, một người lính canh bị chết đuối trong một cái giếng. Và hầu hết các nhà sử học hiện nay tin rằng đây hẳn phải là một trong những đường hầm chứa nước bí mật.
Đường hầm "nghe trộm"
Kiến trúc sư Ilya Bondarenko, người từng khám phá Điện Kremlin vào năm 1918, viết rằng "bên trong một tòa tháp, có một căn phòng bí mật được xây như một biện pháp ngăn chặn những kẻ phá hoại móng nhà".
Tháp Taynitskaya của Điện Kremlin Moskva
Phá hoại móng là một cách hiệu quả để phá vỡ những bức tường của một pháo đài kiên cố và bất khả xâm phạm như Kremlin. Một đường hầm sẽ được đào ngay dưới lớp phòng thủ bên ngoài, với chất nổ được gài ở cuối, sẽ làm sụp đổ các công sự.
Để đối phó với nạn phá hoại móng, người ta đã đào các đường hầm chạy từ pháo đài về phía các bức tường và kết thúc bằng các cửa thông gió nhỏ, qua đó những người lính canh có thể nghe thấy tiếng kẻ thù đào đất và ngăn chặn chúng tiếp tục phá hoại. Chỉ riêng Điện Kremlin Pskov (bên sông Velikaya) đã có không dưới 20 "đường hầm nghe lén" như vậy, và Điện Kremlin Moskva cũng có.
Ngục tối
Từ năm 1525, các hầm ngầm của Tháp Beklemishevskaya (thuộc quần thể pháo đài Kremlin) đã được sử dụng làm hầm ngục và phòng tra tấn. Chính tại đây, Ivan Bạo chúa đã giam giữ kẻ thù của mình, Hoàng tử Andrei Khovansky. Tháp Konstantino-Eleninsky lân cận, kết nối với Tháp Beklemishevskaya bằng một lối đi ngầm, cũng được chuyển thành ngục tối (với tổng chiều dài là khoảng 170 mét).
Các hầm ngục bên dưới Kremlin bỏ mặc tù nhân với bóng tối. Ảnh: RBTH
Trong cuốn sách "Old Moscow" của mình, nhà biên niên sử thế kỷ 19 Mikhail Pylyaev đã mô tả về "một đường hầm có mái vòm với các cửa sổ hẹp nơi những người bị kết án tra tấn đang bị giam giữ; họ bị bịt miệng và chỉ được tạm gỡ để có thể trả lời một câu hỏi hoặc dùng chút thức ăn ít ỏi; họ cũng bị xích vào tường, với kẹp và vòng sắt giữ chân.
Gần Nhà thờ Archangel (Nhà thờ Tổng lãnh thiên thần), đã từng có những hầm ngục dành cho những người nợ tiền nhà thờ: họ phải ngồi trên ghế sám hối, vốn là những gốc cây xích giằng lấy tù nhân". Những ngục tối đó vẫn còn đến tận ngày nay.
Những lối đi ngầm dưới Điện Kremlin. Ảnh: Legion Media
Những căn phòng bí mật giấu kho báu
Một trong những ưu điểm chính của pháo đài Kremlin bằng đá là nó có thể được sử dụng để bảo quản các vật có giá trị ngay cả trong trường hợp hỏa hoạn. Vào năm 1840, trong các cuộc khai quật bên dưới Nhà thờ Truyền tin, người ta đã phát hiện một lối đi bí mật, cùng với các hầm chứa bằng gạch và đá trắng, 4 căn phòng ngầm kéo dài khoảng 40-50 mét từ Faceted Chamber đến Nhà thờ Truyền tin.
Tầng hầm của Nhà thờ Truyền tin được dự định làm nơi lưu trữ những báu vật thuộc về các Đại công tước Moskva. Trong cuộc khai quật ở đây vào năm 1894, nhà khảo cổ học - Hoàng tử Nikolai Shcherbatov đã đi qua một trong kho lưu trữ như vậy. Gần đó, ông cũng phát hiện ra tàn tích của Kazenny Dvor, được xây dựng vào năm 1484 làm ngân khố của các Đại công tước Moskva.
Tiền xu vào thế kỷ 16-17, thời Ivan Bạo chúa. Ảnh: Sputnik
Thư viện của Ivan Bạo chúa?
Năm 1518, Hoàng tử Moskva Vasily III đã mời tu sĩ Maximos người Hy Lạp đến Nga để dịch những cuốn sách về tế lễ. Trong thời gian ở đây, học giả Maximos cũng đã lập danh mục và mở rộng thư viện của Vasily III, sau này hình thành nên cơ sở cho thư viện của con trai ông là Ivan Bạo chúa.
Vào những năm 1560, Sa hoàng Ivan đã giới thiệu thư viện của mình với mục sư Johann Wettermann. Ông Wetteman viết rằng đó là một bộ sưu tập sách và bản thảo cổ đặc biệt được dựng lên trong các hầm chứa bên dưới Điện Kremlin.
Bộ hồi ký của Wetterman cuối cùng lại là hiện vật duy nhất còn sót lại của thư viện Ivan Bạo chúa. Sau khi chúng được phát hiện vào thế kỷ 19, việc tìm kiếm thư viện mới bắt đầu. Các nhà nghiên cứu tin rằng nó có thể chứa những cuốn sách vô giá từ thư viện của Sophia Palaiologina, bà của Ivan Bạo chúa và là cháu gái hoàng đế cuối cùng của đế quốc Byzantium, Constantine XI Palaeologus.
Cuốn Face Chronograph, một phần của Biên niên sử về Ivan Bạo chúa. Ảnh: Thư viện quốc gia Nga.
Các cuộc khai quật quy mô lớn đầu tiên để tìm kiếm thư viện đã được tiến hành vào cuối thế kỷ 19 bởi nhà triết học Eduard Tremer. Vào những năm 1930, nhà khảo cổ học Ignaty Stelletsky cũng bị ám ảnh với việc tìm kiếm thư viện của Ivan Bạo chúa. Ông xin chính phủ Liên Xô cho phép và tiến hành nhiều cuộc khai quật ở nhiều khu vực khác nhau của Điện Kremlin, có lúc còn đe dọa đến móng của các tòa nhà.
Stelletsky tìm thấy những đường hầm bất tận, bị chôn vùi, lấp đá, dẫn tới những hướng không xác định, nhưng không có dấu hiệu của những căn phòng có thể chứa thư viện. Năm 1963, các hầm ngầm đổ nát thực sự được phát hiện dưới Cung điện Terem, nhưng chúng không bao giờ được dọn dẹp hoàn toàn. Kể từ đó, việc tìm kiếm thư viện bị ngừng lại, nhưng nhiều nhà nghiên cứu vẫn tin rằng nó tồn tại ở đâu đó dưới lòng đất Kremlin.
Tàu điện ngầm
Metro-2, một hệ thống giao thông ngầm được tạo ra nhằm mục đích động viên nguồn lực thời chiến. Thị trưởng hậu Xô viết đầu tiên của Moskva, ông Gavriil Popov, từng xác nhận điều đó trong một cuộc phỏng vấn năm 2006.
Metro-2 có thể được xây dựng đồng thời với hệ thống Moscow Metro, hoặc một thời gian sau, và nhằm đảm bảo liên kết vận chuyển khẩn cấp giữa các cơ sở quốc phòng và chính phủ quan trọng nhất ở Mosvkva. Tất nhiên, một trong những cơ sở quan trọng đó là Kremlin.
Đường hầm tàu điện ngầm Volgograd. Ảnh: Sputnik
Metro-2 nằm ở độ sâu khá lớn (từ 50-200m) và là đường sắt ngầm chạy bằng đầu máy điện. Một phần của Metro-2 nằm dưới Điện Kremlin, từ đây nó chạy đến Kuntsevo Dacha, một cơ sở chiến lược khác ở ngoại ô Moskva.
Có lẽ còn có các hạ tầng giao thông khác bên dưới Điện Kremlin. Tuy nhiên, nghiên cứu về chúng, cũng như bất kỳ thông tin nào về những hạ tầng này đều là tuyệt mật. Vì thế Kremlin sẽ tiếp tục là pháo đài còn hoạt động lớn nhất ở "lục địa già".
Người mê sách thích thú với bản thu tiếng ồn trong thư viện Các dịch vụ tại Mỹ vẫn chưa thể mở lại trước diễn biến của Covid-19. Những kẻ 'nghiện sách' ở New York bỗng nhớ không gian và âm thanh thì thầm trong các thư viện rộng lớn. Jorge Luis Borges luôn hình dung thư viện là một loại thiên đường mà bất kể độc giả yêu sách nào cũng muốn đặt chân tới....