Sách Đạo Đức lớp 1 xưa và nay khác nhau thế nào?
Sau khi bộ ảnh về sách giáo khoa Đạo Đức lớp 1 được chia sẻ trên mạng xã hội, nhiều ý kiến nhận xét sách Đạo Đức xưa hay và khác ngày nay quá.
Nếu trước đây, học sinh lớp 1 học môn Đạo Đức với cuốn sách giáo khoa (SGK) duy nhất, thì ngày nay, các em được dạy qua Sách bài tập Đạo Đức và Vở bài tập Đạo Đức… Một số trường sử dụng thêm cuốn Thực hành Kỹ năng sống dành cho học sinh lớp 1.
Cô Nguyễn Thu Thủy, giáo viên lớp 1 Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (TP Hạ Long, Quảng Ninh) cho biết hiện chỉ có SGK Đạo Đức dành cho giáo viên. Cô nhận xét: “Sách xưa có màu sắc bắt mắt, hình vẽ chân thực. Mỗi trang là một bài học với tranh vẽ rõ ràng”. Đánh giá về sách hiện nay, độc giả Lương Trang (32 tuổi), phụ huynh có con học lớp 1 tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội nói các nét vẽ không được chăm chút, tranh sử dụng ít màu gây nhàm chán.
Cùng dạy “Cảm ơn và xin lỗi”, sách Đạo Đức của thế hệ 8X, đầu 9X sử dụng hình tượng Thỏ con, bác Gấu, Sóc nâu, cùng bài học đơn giản, dễ hiểu như: Tới nhà bác Gấu, Thỏ con vô ý làm đổ bình mật ong. Thỏ con vội xin lỗi bác Gấu. Bác Gấu hết giận, còn cho Thỏ con ăn mật ong. Còn SGK mới yêu cầu học sinh nhìn tranh, và trả lời câu hỏi: Các bạn trong tranh đang làm gì, vì sao các bạn làm như vậy, có thể học tập được các bạn điều gì…
Đều sử dụng truyện ngụ ngôn “Thỏ và Rùa”, nhưng 2 cuốn sách có những điểm khác biệt rõ ràng. Trong khi các nhân vật ở sách Đạo Đức lớp 1 cũ gần gũi, sinh động với bộ đồng phục học sinh (quần soóc kaki, áo phông, cặp sách), thì ở sách mới, Thỏ và Rùa trông khá xa lạ, không chân thực.
Bài “Vâng lời thầy cô giáo” trong sách xuất bản năm 1993 có bối cảnh lớp học thân quen của những năm 80, 90. Còn bài “Lễ phép, vâng lời thầy cô giáo” ra đời năm 2015 có nét vẽ mang hơi hướng NHật Bản, Hàn Quốc.
Video đang HOT
Ở bức tranh của cuốn sách mới này, các em học sinh tiểu học nhưng không hề có khăn quàng đỏ.
Facebook mang tên Linh Phạm đưa ý kiến: Bài học “Giữ trật tự khi nghe giảng”, ở sách xuất bản năm 1993, bài học được vẽ sinh động, nét vẽ rõ ràng, bối cảnh lớp học phù hợp những năm 80, 90. Còn sách cải cách nét vẽ không bằng.
Nhìn qua hai bức vẽ khá giống nhau, nhưng hình ảnh sách cũ mang lại sự hứng thú cho học sinh hơn hẳn, bạn đọc Nguyễn Hà nhận xét.
Cuốn sách cũ với cách tiếp nhận và giải quyết vấn đề khá “chân phương”, học sinh có thể nhớ và hiểu vấn đề bằng hình ảnh giản dị, lời thơ ngắn gọn, dễ thuộc. Còn SGK hiện nay thiên về nêu vấn đề, yêu cầu các em tự tư duy, suy nghĩ qua các bài tập, câu hỏi, trò chơi. Trẻ cần nhờ cô giáo hoặc cha mẹ giúp đỡ.
Lê Hải Đoàn, tác giả của bộ ảnh “Đạo Đức 1″ tâm sự, cậu mê mẩn cuốn sách cũ vì quá đẹp, nét vẽ giản dị, bối cảnh gần gũi, nội dung cô đọng, viết dưới dạng thơ 4 chữ nên rất dễ thuộc. Hải Đoàn thừa nhận cuốn sách nào cũng hướng đến những điều tốt đẹp, không thể nói là sách bây giờ không hay, nhưng cách người biên soạn ngày xưa rất dễ hiểu. Chàng trai nhận định: “Lớp 1 thì không cần nghĩ nhiều, chỉ cần một vài bức tranh là đủ để các em tiếp thu kiến thức cơ bản”.
Chị Tú Quyên (Minh Khai, Hà Nội) sinh năm 1982, con chị đang học lớp 1 tại quận Hai Bà Trưng. Thế hệ chị Quyên vẫn học những cuốn sách khổ 15×20cm, giấy vàng, bìa mỏng. Con trai chị đang học sách theo chương trình cải cách của Bộ GD&ĐT. Chị kể: “Thời của mình, thiếu thốn đủ kiểu, truyện tranh luôn được xếp vào loại xa xỉ phẩm”. Nữ phụ huynh chia sẻ, Đạo Đức, Tiếng Việt, Tập Đọc là những cuốn sách gối đầu giường của thế hệ 8x và 9x cũ.
Nhưng chị Quyên cũng thẳng thắn: “Xã hội bây giờ rắc rối và nhiều vấn đề hơn ngày xưa, nên môn Đạo Đức cũng yêu cầu nhiều hơn, không chỉ có mấy bài như cuốn sách ngày xưa”. Bên cạnh đó, chị cũng nêu ý kiến thế hệ trước chủ yếu đọc thuộc lòng, học vẹt, còn bây giờ, trẻ em cần phát triển tư duy, tự suy luận, nên cấu trúc bài học thế này là phù hợp.
Theo Zing
'Sách Đạo Đức ngày xưa hay thế'
"Cuốn sách tuổi thơ, đọc mấy trang sách mà thấy lòng bình yên đến lạ. Sách Đạo Đức ngày xưa hay thế". Đó là những lời nhận xét của cộng đồng mạng về bộ ảnh sách "Đạo Đức 1".
Ngày 13/3, fanpage Sách đẹp đăng tải ảnh chụp cuốn sách Đạo Đức 1 với dòng bình luận: "Cuốn sách của thế hệ 8x và đầu 9x! Cuốn sách như một cuốn truyện tranh, kho báu của thời thơ ấu mà đến giờ mới tìm lại được. Xin đưa lên để mọi người cùng hồi tưởng".
Đây là cuốn sách xuất bản năm 1993, được dạy cho học sinh trong 8 năm, trước khi cải cách sách giáo khoa năm 2000. Bộ ảnh nhanh chóng nhận được 7.000 lượt like (thích) và hơn 10.000 lượt chia sẻ.
Chủ nhân của bộ ảnh, bạn Lê Hải Đoàn, cho hay nếu muốn giáo dục đạo đức tốt thì nên chú trọng đầu tư chất lượng sách như thế này: Vẽ đẹp, gần gũi, dễ hiểu.
Facebook Thanh Huyền Nguyễn chia sẻ bộ ảnh lên tường của mình và viết: "Cuốn sách của tuổi thơ đây rồi! Ngày xưa thần tượng cô giáo chủ nhiệm biết bao nhiêu, cô dịu dàng và xinh đẹp lắm. Cô dạy lứa học sinh năm 1991, bây giờ ai cũng giỏi cả!"
Cuối những năm 80, đầu 90, sách giáo khoa "đắt như vàng". Anh Tiến Minh (28 tuổi, Hà Nội) chia sẻ một bộ sách phải được 6-7 người sử dụng. Cứ đầu năm, anh lại bọc sạch sẽ, khi học cũng không dám viết gì vào sách để còn dành cho em gái kém 3 tuổi dùng lại.
Nhiều người lật từng trang sách đều thấy thân quen, thậm chí thuộc những vần thơ trong sách. Bạn Mi Sa chia sẻ: "Bài rùa với thỏ đi học đến giờ vẫn thuộc, 15 năm rồi, ôi tuổi thơ, ước gì được một lần trở lại ".
Nhiều bạn đọc thể hiện mong ước những cuốn sách viết cho tiểu học sẽ đơn giản, gần gũi hơn. Bạn Ngô Trí Phước xúc động kể, học 20 năm rồi mà vẫn còn nhớ y như ngày hôm qua, nhìn từng trang sách mà muốn khóc. Bạn cũng chia sẻ: "Ước gì con cái giờ cũng được học những cuốn sách này. Tụi trẻ học toàn trên giời mà không nhớ gì hết, chẳng bù thời xưa có mỗi cuốn sách, học đi học lại mà thấm đến giờ".
Tài khoản Facebook Mùa Lạcbình luận: "Ngày đó, mình thích quyển này lắm, từ lúc chưa biết đọc cho đến lúc đọc được, không biết đã mở ra gấp vào bao nhiêu lần. Nhìn cuốn sách là một thời tuổi thơ ùa về. Không biết thế hệ con em mình có còn được như vậy không? "
Những lời trong cuốn sách cũng gợi nhớ một tuổi thơ nghèo khó với nhiều gia đình. Bạn Nguyễn Kiều Khanh chia sẻ: Kỷ niệm tuổi thơ lại về... Nhớ hồi lớp 1, cha mẹ nghèo chỉ mua được 1 bộ sách cho 2 chị em học chung.
Cuốn sách với nét vẽ đơn sơ nhưng chăm chút, giản dị mà độc đáo. Những bài học như "Đi đến nơi về đến chốn", "Giữ yên lặng cho ông bà, cha mẹ nghỉ ngơi" hay "Trật tự khi nghe giảng"... được thể hiện qua các câu thơ dễ nhớ, dễ thuộc, đầy ý nghĩa.
Các nhân vật trong cuốn sách đều mặc những bộ quần áo gắn với thế hệ 8X, đầu 9X, như chiếc quần soóc kaki, áo phông cao cổ, áo sơmi trắng, đeo khăn quàng đỏ, đầu buộc nơ hồng. Cô giáo mặc áo dài, bà nội mặc áo cánh nâu sồng, cả gia đình ăn cơm trên sập gụ... Đây là những hình ảnh khá xa lạ với giới trẻ ngày nay.
Theo Zing
'Không có chữ Gạc Ma nào trong sách giáo khoa' "Đề cập Gạc Ma, sách giáo khoa cần viết ngắn gọn về âm mưu, thủ đoạn đánh chiếm và sát hại 64 bộ đội Việt Nam, từ đó nêu hệ quả của sự kiện này", thầy Trần Trung Hiếu đề xuất. Đầu năm 1988, Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng bất hợp pháp đảo Gạc Ma. 64 cán bộ, chiến sĩ đã...