Sách của GS. Hồ Ngọc Đại bị loại: Có khách quan?
Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại bị Hội đồng thẩm định quốc gia đánh trượt từ vòng 1, đồng nghĩa với việc, trong năm tới, học sinh sẽ dừng học bộ sách này. Sau khi thông tin công bố, xuất hiện ý kiến trái chiều.
SGK Tiếng Việt lớp 1 của GS Hồ Ngọc Đại bị loại gây ra nhiều ý kiến trái chiều Ảnh: N.H
Giáo viên tiếc nuối
Cô giáo Nguyễn Trần Duyên Anh, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, huyện Đăk Mil, tỉnh Đăk Nông nói đã dạy sách Tiếng Việt Công nghệ 5 năm nay. Lứa học sinh học cuốn này đầu tiên hiện đã lên lớp 6. Cô Duyên Anh đánh giá, đây là tài liệu có phương pháp dạy hay, lấy học sinh làm trung tâm, giáo viên không gặp bất cứ khó khăn nào. Học sinh học nắm chắc âm vần và chính tả, phát âm, nắm được các tiếng nói hàng ngày được cấu tạo như thế nào một cách rõ ràng.
“Nhiều người không ủng hộ sách này đó là vì họ không nhìn thấy những gì học sinh đạt được khi theo học. Từ khi nghe tin có thể trong năm tới không dùng bộ sách này nữa tôi rất buồn và nuối tiếc. Không hiểu tại sao lại nói sách vượt trình độ học sinh”, cô Duyên Anh nói.
Bộ sách giáo khoa (SGK) Công nghệ giáo dục lớp 1 của GS. Hồ Ngọc Đại gồm ba cuốn: SGK tiếng Việt, SGK toán và SGK đạo đức. Chỉ có duy nhất cuốn SGK đạo đức là qua vòng thẩm định. Còn lại, hai cuốn Tiếng Việt và Toán đều bị loại. Có thể nói, một lần nữa, số phận lại “trêu ngươi” GS Hồ Ngọc Đại.
Nhiều giáo viên khác cũng cho rằng, học sinh tiếp thu nhanh và nắm chắc tiếng Việt hơn; học sinh nắm bắt nhanh thế nào là nguyên âm ngay từ bài đầu tiên. Từ đó, dựa vào phát âm học sinh tự phát hiện ra các âm khác là loại âm gì. Các trò cũng được học quy tắc về chính tả, ví như nếu âm đứng trước âm “e”, “ê”; “i” thì phải luôn bằng chữ “k” nên các em sẽ không bao giờ viết sai là: “ce”; “cê”; “ci”…
Chị Nguyễn Thị Lan, có con học SGK của GS Hồ Ngọc Đại cũng đánh giá, sách giúp học sinh chủ động hơn trong việc tiếp nhận kiến thức mới. Theo phụ huynh này, con chị vốn hiếu động, không có năng lực nổi trội và lười học nhưng từ khi học trường Thực nghiệm, theo chương trình này con rất hào hứng đến trường.
Không có lợi ích nhóm?
Video đang HOT
Sau khi biết thông tin bộ sách bị loại, GS Hồ Ngọc Đại nói, cuộc đời ông có hơn 50 năm giảng dạy và nghiên cứu thực tiễn để viết sách cho tiểu học. Ông quan niệm: “Chương trình có hiệu quả hay không là mỗi giờ học đem lại cái gì mới cho trẻ chứ không phải đem lại lợi ích cuối cấp”. Trong nhiều năm nghiên cứu, bộ sách được chỉnh sửa nhiều lần, đều dựa trên nguyên tắc đó. Theo GS. Đại, người lớn nói cao siêu nhưng trẻ con chấp nhận được thì không có gì cao siêu bởi nó nằm trong môi trường của chúng.
Do vậy, khi sách bị loại với lý do có những chỗ “vượt chương trình”, ông Đại khẳng định, sẽ không sửa. “Bảo tôi thụt lùi để phù hợp với thay đổi thì không thể được. Họ nghĩ rằng tôi kiêu ngạo nhưng thành tựu của công nghệ giáo dục không phải của tôi mà của một thời đại mà tôi chỉ là người thực thi mà thôi”, ông Đại nói.
Trao đổi với báo chí, ông Thái Văn Tài, quyền Vụ trưởng Vụ Tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho biết, Hội đồng thẩm định SGK Tiếng Việt gồm 15 người. Trong đó có 2 GS đầu ngành về chuyên môn, một số GS đang công tác tại trường ĐH am hiểu lĩnh vực và 1/3 là giáo viên giảng dạy tại các trường đến từ nhiều vùng miền, có cả nhà quản lý giáo dục.
Theo các thành viên Hội đồng thẩm định quốc gia, khi đánh giá về bộ sách của GS Đại cũng đã ghi nhận ý kiến của các giáo viên dạy cấp 1. Họ cho rằng, trong quá trình dạy để đạt mục tiêu họ phải tranh thủ nhiều giờ khác để bổ sung cái thiếu, yếu của chương trình.
Ông Tài cho biết thêm, trong hồ sơ nộp để hội đồng thẩm định bao gồm cả hồ sơ thực nghiệm thực tế. Sau khi hội đồng thẩm định, các tác giả cũng được mời đến để thuyết trình là một trong những điều kiện bắt buộc. Ông Tài khẳng định, thẩm định SGK không có chuyện lợi ích nhóm. Nhiều tác giả cống hiến cho thế hệ trẻ, nếu Hội đồng làm không minh bạch, sẽ không đúng theo chương trình đổi mới.
Một chuyên gia giáo dục cho rằng, GS Trần Đình Sử là chuyên gia lý luận Văn học hàng đầu Việt Nam, GS Mai Ngọc Chừ đầu ngành về ngữ âm học, nhưng nếu chỉ căn cứ vào ý kiến của hai GS này và 1/3 giáo viên (số giáo viên này chưa chắc đã dạy chương trình) để đánh giá chưa hẳn đã khách quan.
Theo Tiền phong
40 năm thăng trầm sách giáo khoa Công nghệ giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại
Bộ sách được áp dụng giảng dạy từ 1978, nhận nhiều phản hồi tích cực nhưng mới đây sách bị Hội đồng thẩm định quốc gia loại từ vòng 1.
Thông tin về bộ sách giáo khoa lớp 1 Công nghệ Giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại bị Hội đồng thẩm định quốc gia chấm không đạt ngay từ vòng đầu tiên, thu hút sự chú ý của dư luận.
Thậm chí, sách Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục bị 15/15 thành viên hội đồng xếp loại "không đạt" với gần 300 nội dung, chi tiết cần sửa, cần bỏ, phần lớn là những nội dung mà hội đồng cho rằng sách "vượt chương trình", "quá khó với học sinh lớp 1".
Điều đáng nói, bộ sách này không phải là công trình nghiên cứu mới, nó được triển khai dạy học trong nhiều nhà trường suốt 40 năm qua với khoảng 900.000 học sinh theo học. Đến nay bộ sách nhận được nhiều phản hồi tích cực từ các địa phương, các phụ huynh cho rằng sách đặc biệt có tính ứng dụng cao với trẻ lớp 1.
Bộ sách Tiếng Việt - Công nghệ Giáo dục Lớp 1 của GS. Hồ Ngọc Đại.
Năm 1978, giáo sư Hồ Ngọc Đại mở trường Thực nghiệm Công nghệ giáo dục ở Hà Nội, ông phát triển bộ sách riêng phù hợp với phương châm giáo dục lấy học sinh làm trung tâm.
Một năm sau, cả nước thống nhất học chung bộ sách cải cách giáo dục lần thứ ba, riêng trường Thực nghiệm học sách của giáo sư Hồ Ngọc Đại.
Đến năm 1986, nhận thấy có năm tới 650.000 học sinh lớp 1 bị lưu ban, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Bình khuyến khích các địa phương học theo bộ sách của giáo sư Hồ Ngọc Đại, chương trình Công nghệ giáo dục vượt ra khỏi phạm vi trường Thực nghiệm.
Năm 2000, Bộ GD&ĐT thống nhất một bộ sách giáo khoa chung cho cả nước, sách Công nghệ Giáo dục bị đưa ra khỏi chương trình giáo dục phổ thông.
6 năm sau, ngành giáo dục và đào tạo phát hiện nạn ngồi nhầm lớp diễn ra phổ biến, giáo sư Hồ Ngọc Đại đưa sách giáo khoa Công nghệ giáo dục quay trở lại nhà trường, ông mở đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ: Nâng cao chất lượng dạy Tiếng Việt cho học sinh các dân tộc thiểu số. Lào Cai là địa phương đề nghị áp dụng đầu tiên.
Đến 2008, Bộ GD&ĐT đồng ý cho thí điểm bộ sách này ở 5 tỉnh gồm Tây Ninh, Kon Tum, Kiên Giang, Đắk Lắk, An Giang. Từ đó mỗi năm chương trình được nhân rộng thêm ở các tỉnh khác.
Năm 2013, thuật ngữ "thí điểm" được bỏ đi, sách Tiếng Việt 1 - Công nghệ Giáo dục được xem là tài liệu, phương án dạy học chính thức để các tỉnh, thành lựa chọn.
Tính đến năm học 2014 - 2015, 37 tỉnh thành áp dụng chương trình dạy học theo Công nghệ giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại. Hai năm sau, số lượng các tỉnh theo phương pháp này lên con số 48 trên 63 tỉnh thành cả nước.
Giáo sư Hồ Ngọc Đại trao đổi với báo chí về thông tin bộ sách Công nghệ giáo dục bị Hội đồng thẩm định sách giáo khoa (Bộ GD&ĐT) chấm "không đạt".
Đầu tháng 9/2018, nhiều phụ huynh chia sẻ clip con họ tập đọc với phương pháp mới - đọc thơ qua các hình tam giác, ô vuông mà không đánh vần chữ khiến dư luận xôn xao, xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều.
Thời điểm đó, giáo sư Hồ Ngọc Đại nói: "Tôi đưa vào sách lớp 1 những thứ tốt đẹp nhất với mong muốn đất nước có một thế hệ khác, tự xác định được thời đại của mình. Trẻ con làm gì cũng có cái lý.
Vì vậy, người lớn không nên lấy mình là khuôn mẫu cho trẻ con, bố mẹ không nên lấy mình làm chuẩn cho trẻ con, không có quyền áp đặt trẻ. Đặc biệt, bố mẹ hãy cho các con được hưởng những cái mới chưa ai có. Người lớn, giáo viên phải 'chịu thua' để dạy trẻ".
Trải qua gần 40 năm, được các trường áp dụng giảng dạy và nhận nhiều phản hồi tích cực, nhưng hôm qua (12/9), bộ sách bị Hội đồng thẩm định loại ngay từ vòng đầu tiên, bị xếp loại "Không đạt".
Được biết, Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa đánh giá theo 3 mức: "Đạt", "Đạt nhưng cần sửa chữa", "Không đạt". Những bộ sách được đánh giá "Đạt nhưng cần sửa chữa" có thể mang về sửa chữa, bổ sung và đề nghị Bộ GD&ĐT thành lập Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa để xem xét lại. Điều này có nghĩa, bộ sách của giáo sư Hồ Ngọc Đại bị loại trực tiếp.
Chia sẻ với báo chí, GS. Hồ Ngọc Đại cho biết ông sẽ không sửa bởi công trình ấy ông đã làm cả một đời người. Nếu nói điều chỉnh có nghĩa là bản thân ông không cẩn thận, không tính toán đến nơi đến chốn.
"Tôi đã tính toán hết, cũng phải làm thực nghiệm mấy chục năm, nghiên cứu rồi điều chỉnh. Tôi dạy phép toán đại số cho học sinh lớp 1, hệ đếm, phép toán trên tập hợp. Đối với quá khứ của các vị là cao nhưng trẻ con chấp nhận được. Cái gì trẻ con chấp nhận được thì tôi tin. Trẻ con làm được và chúng vui vẻ với điều đó thì sao gọi là quá sức được", giáo sư Hồ Ngọc Đại nói.
Theo VTC
'Sách của GS Hồ Ngọc Đại dạy một mớ kiến thức không cần thiết' Thông tin từ Hội đồng thẩm định cho hay nếu tính chi tiết từng tiêu chí, bản thảo sách giáo khoa của GS Hồ Ngọc Đại có 300 nội dung, chi tiết cần sửa, bỏ. Trả lời báo chí chiều 12/9, Hội đồng thẩm định sách Tiếng Việt và Toán đã nêu rõ lý do sách giáo khoa (SGK) Công nghệ Giáo dục...