Sách Cánh diều tả “gí mũi xuống mặt đất, ngửi khịt khịt như chó”, có nên?
Chọn lựa ngữ liệu đưa vào sách giáo khoa rất khó, đòi hỏi tác giả phải hiểu tâm lý của từng lứa tuổi để chọn lựa phù hợp.
Chọn sách giáo khoa lớp 6 lần này có anh Nguyễn Hoành đại diện phụ huynh tham gia, anh Hoành là dân thợ hồ, là thành viên Ban đại diện cha mẹ học sinh nên được mời dự.
Khi đọc sách Tiếng Việt lớp 6 tập 1 của bộ sách Cánh Diều, anh thích lắm. Đến trang 63, anh đọc đi đọc lại, rồi nói “Nếu ông Honda mà đọc được cái này chắc mắc cười lắm”.
Trong bài Thực hành đọc hiểu “Thời thơ cấu của Hon-đa” từ trang 61 đến trang 64 sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 của bộ Cánh diều, trích dẫn từ (Hon-đa Sô-i-chi-rô, Biến giấc mơ thành sức mạnh đi tới (Bản lí lịch đời tôi) , Nguyễn Trí Dũng dịch, NXB Văn hóa Sài Gòn – Báo Sài Gòn giải phóng , Thành phố Hồ Chí Minh, 2006), trang 63 có đoạn:
“Vào khoảng năm lớp 2 hoặc lớp 3 tôi không nhớ rõ, một hôm, trên đường đi học về tôi nghe nói có một chiếc ô tô chạy về làng. Tôi quên hết mọi việc, phi như bay về và thấy một chiếc xe bọc vải bạt bò ọc ạch trên con đường làng chật hẹp. Đôi chân bé nhỏ của tôi chẳng mấy chốc đã đuổi kịp và chạy bám theo xe một quãng dài.
Đó là lần đầu tiên tôi thấy ô tô. Chắc khó ai hiểu được sự phấn khích này của tôi. Khi xe dừng lại, dầu nhểu ra có mùi đặc biệt rất khó tả. Tôi gí mũi xuống mặt đất, ngửi khịt khịt như chó ngửi, lấy tay quệt quệt dầu rồi đưa lên mũi hít vào đầy lồng ngực. Trong đầu tôi chợt này ra một ước mơ rất trẻ con: “Biết đâu, có lúc nào đó mình cũng làm được một chiếc xe như thế nhỉ?”. Sau ngày đó, ở phố bên cạnh thường có ô tô chạy, cứ đi học về là tôi lại cõng em chạy đi xem.” [1]
Ảnh chụp màn hình trang 63, sách Tiếng Việt lớp 6 Tập 1 bộ sách Cánh Diều. (Ảnh do tác giả cung cấp)
Như để giải thích cho lời của mình, anh Hoành tiếp “Muốn gí mũi xuống mặt đất như chó phải nằm úp xuống, không thể có ai làm như thế để ngửi trên mặt đất, vì có nhiều chất khác chứ không phải dầu máy.
Chó đánh hơi phát ra tiếng khịt khịt là khi nó dùng mũi thở ra, nhằm làm lộ vật cần ngửi, giống như ta nhăn mũi thở ra khi gặp mùi khó ngửi, mới có tiếng khịt khịt như… chó.
Đã là mùi khó ngửi, khó ưa, không ai hít vào đầy lồng ngực cả. Người ta chỉ hít vào đầy lồng ngực mùi hương quen thuộc, yêu thích, thương nhớ, lâu rồi mới gặp lại cái mùi đó.
Cái mùi dầu máy lần đầu ngửi thấy, không thể có thao tác hít đầy lồng ngực được”.
Video đang HOT
Nói về việc đưa ngữ liệu trên vào sách giáo khoa, cô giáo D. (đề nghị không nêu tên) chia sẻ: “Trích dẫn hình ảnh nhà sáng lập hãng Honda là rất hay, cũng góp phần gieo mầm mơ ước cho các em học sinh, định hướng nghề nghiệp theo sở thích, mong muốn cho các em.
Trích dẫn thì phải giữ nguyên tác, nguyên bản dịch của tác giả. Tuy nhiên, bản dịch không chính xác mình có thể không dùng, thay thế ngữ liệu khác cho phù hợp.
Nguyên tác tiếng Nhật như thế nào thì em không biết, nhưng với hành vi đánh hơi của chó là không chính xác.
Với học sinh lớp 6 nói riêng, học sinh trung học cơ sở nói chung, ngôn ngữ cho các em cần trong sáng và đẹp.
Vì vậy so sánh hình ảnh của một nhà sáng lập nổi tiếng như thế với… chó thì không nên, không còn là Văn học nữa.
Dù chó là thú cưng, thân thiết nhất với con người, thế nhưng hình ảnh so sánh việc ông Honda ngửi mùi dầu máy với con chó như trên vừa không đúng thực tế, vừa phản cảm.
Với một người nổi tiếng như Honda còn có thể so sánh với con chó, học sinh sẽ tùy tiện sử dụng hình ảnh so sánh khi viết bài sau này”.
Thầy Ph. (xin đề nghị không nêu tên) cũng chia sẻ “Nếu cấp trên chọn sách này, tôi sẽ thay đổi ngữ liệu phần Thực hành đọc hiểu này.
Nhưng tiếc thay, hình ảnh so sánh ông Honda với con… chó khi ngửi mùi dầu máy chắc chắn các em đọc được, vì sách trong tay các em mà.
Vì thế, lại phải mất thêm thời gian giúp các em không nên so sánh hành vi nhạy cảm của người với động vật nói chung và chó nói riêng”.
Cô giáo Nh. chia sẻ: “Đơn giản thế này, có học sinh khi viết về thầy cô, so sánh thầy cô với… chó, vì nó có hình ảnh, hành vi của Honda so sánh với chó trong tiềm thức, người đọc sẽ cảm nhận thế nào, thầy cô sẽ đánh giá thế nào, dù đó là học sinh ngoan, không có ý chửi giáo viên?”.
Với học sinh lớp 6, những hình ảnh văn học thường khắc sâu vào tâm trí của các em, đặc biệt là những người nổi tiếng.
Việc nhìn nhận vấn đề của các em chưa sâu sắc như người lớn chúng ta, vì thế chọn lựa ngữ liệu đưa vào sách giáo khoa rất khó, đòi hỏi tác giả phải hiểu tâm lý của từng lứa tuổi để chọn lựa phù hợp.
Tài liệu tham khảo:
[1]https://sachcanhdieu.com/ngu-van-6-tap-1/
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Học sinh lớp 6 sẽ được học tích hợp liên môn Lịch sử - Địa lý, Khoa học tự nhiên?
Theo chương trình GDPT mới, từ năm học 2021-2022, học sinh lớp 6 sẽ được học tích hợp liên môn Lịch sử - Địa lý, Khoa học tự nhiên thay vì các môn đơn lẻ như trước đây.
Thông tin tại tọa đàm "Sách giáo khoa mới lớp 2, lớp 6: Những điểm ưu việt của bộ sách giáo khoa xã hội hóa đầu tiên" do Báo Lao Động tổ chức chiều nay (10/3), TS Nguyễn Văn Ninh, đồng chủ biên SGK Lịch sử và Địa lý lớp 6 - Bộ Cánh Diều cho biết, đây là môn mới trong chương trình giáo dục phổ thông.
Trong chương trình hiện hành có 2 môn học gồm Lịch sử và Địa lý tách rời, nhưng trong chương trình mới nó là 1 môn học. SGK Bộ Cánh Diều được tích hợp 2 phân môn, chủ đề tích hợp kiến thức cả Lịch sử và Địa lý. Khi tích hợp kiến thức giao nhau của Lịch sử và Địa lý nhưng vẫn đảm bảo phân môn.
"Những kiến thức được chúng tôi thể hiện thể hiện rất rõ tích hợp nội môn, xuyên môn, liên môn", TS Ninh cho biết.
TS Nguyễn Văn Ninh. Ảnh: Tô Thế
Cũng theo TS Nguyễn Văn Ninh, chương trình Lịch sử và Địa lý, các cấp học từ THCS có 4 chủ đề tích hợp gồm phát kiến địa lý; đô thị trong lịch sử, đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long và chủ quyền biển đảo. 4 chủ đề tích hợp trên được thiết kế từ lớp 7 đến lớp 9.
Với lớp 6 mới chỉ dừng lại ở 2 phân môn. Trong SGK mới, chủ đề về biển đảo cũng đã được tích hợp, theo đó, không chỉ đơn thuần là kiến thức về biển đảo, mà còn là các vấn đề về chủ quyền, xác định vị trí chiến lược của biển đảo Việt Nam, từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm về việc bảo vệ chủ quyền dân tộc của học sinh.
Tương tự các môn khối xã hội, các môn như Sinh học, Hóa học, Vật lý cũng được tích hợp thành môn Khoa học tự nhiên trong chương trình SGK lớp 6.
PGS-TS Mai Sỹ Tuấn - Chủ biên SGK Khoa học tự nhiên lớp 6 - bộ Cánh Diều, cho biết: "Khi làm chương trình, chúng tôi đã bàn luận xây dựng môn Khoa học tự nhiên là môn tích hợp, còn Địa lý và Lịch sử là môn học phối hợp.
Ở Việt Nam, đây là môn học đầu tiên tích hợp, vì vậy để giáo viên có thể dạy được là một thách thức rất lớn. Việc viết sách lần này cũng rất vất vả. Đây không còn là trách nhiệm mà còn cần có tình yêu thực sự với giáo dục mới có thể vượt qua".
PGS.TS Mai Sỹ Tuấn cho biết, sách được biên soạn với phương châm sách tinh giảm, kế thừa sách hiện hành, đạt được yêu cầu của hiện đại, thiết thực, gắn liền với cuộc sống, từ đó khơi nguồn sáng tạo, giúp học sinh tư duy quá trình học tập. Đây cũng chính là quan điểm trong quá trình biên soạn sách giáo khoa. Theo đó, SGK môn Khoa học tự nhiên sẽ phải đảm bảo hỗ trợ cho giáo viên giảng dạy tích hợp cùng với đó đổi mới phương pháp giảng dạy nhưng phải phù hợp với năng lực học sinh.
PGS-TS Mai Sỹ Tuấn. Ảnh: Tô Thế
"Mỗi quốc gia sẽ có tích hợp khác nhau, chúng tôi chọn cách tích hợp ở mức độ vừa phải để phù hợp với giáo viên phổ thông, làm thế nào để giáo viên yên tâm. Mặc dù dạy môn tích hợp nhưng số lượng công việc của thầy cô không thay đổi.
Về cách bố trí nội dung, chúng tôi xây dựng theo mạch nội dung, tích hợp các kiến thức. Ví dụ khi cô giáo dạy về vật sống thì đây không chỉ đơn thuần là kiến thức sinh học, mà còn tích hợp nhiều kiến thức khác nhau, tuy nhiên, giáo viên dạy Sinh học sẽ là thuận lợi nhất khi dạy môn này. Khi thực hiện chương trình mới, bộ sách mới, những giáo viên nào chưa được bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo sẽ được đào tạo, bồi dưỡng. Tuy nhiên, chương tình mới, sách mới đòi hỏi thầy cô phải cố gắng, đổi mới để đáp ứng yêu cầu mới", PGS.TS Mai Sỹ Tuấn cho hay.
Dạy và học tích hợp không phải hỗn độn môn này với môn kia
Theo PGS.TS Mai Sỹ Tuấn, trong chương trình mới, sách mới sẽ chú trọng đánh giá năng lực của học sinh, điều này được tích luỹ qua cả quá trình học tập dài, có kết hợp giữa đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ, khơi gợi khả năng liên hệ kiến thức của các em hơn là việc phải học thuộc, phải học ghi nhớ.
Chủ biên SGK Khoa học tự nhiên lớp 6 - Bộ Cánh Diều cũng cho rằng, dạy học tích hợp là nhu cầu phát triển năng lực, không chỉ áp dụng riêng với các môn khoa học tự nhiên. Hiện nay các nước trên thế giới đều dạy tích hợp các môn này, thậm chí "rất khó để tìm ra nước nào không dạy tích hợp, các nước anh em như Lào, Campuchia cũng đã áp dụng từ rất lâu".
"Dạy và học tích hợp nhưng không phải hỗn độn môn này với môn kia mà vẫn phải dạy đúng, nghĩa là kiến thức Hoá học vẫn phải là Hoá học, Sinh học vẫn phải là Sinh học, không biến dạng, mà tích hợp các kiến thức, liên kết tạo thành mạch với nhau.
Dạy học tích hợp phải đảm bảo tính đa dạng, tính tương tác, tính hệ thống, quy luật vận động và biến đổi, tất cả những tính chất này là sợi dây liên kết với nhau. Dạy và học tích hợp có khó không? Chúng tôi đã nghiên cứu, xây dựng để phù hợp với chương trình dạy và học THCS và THPT. Thực chất tích hợp này mới ở mức nông, chưa phải tích hợp quá sâu thành chuyên đề", PGS.TS Mai Sỹ Tuấn cho hay./.
Chỉnh sửa sách giáo khoa: Đảm bảo sự công bằng cho người học Bộ GDĐT vừa cho phép điều chỉnh một số ngữ liệu sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt 1 của bộ Cánh diều. Theo đó, so với tài liệu nhà xuất bản (NXB) ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh đăng tải ngày 14/11 để xin ý kiến dư luận, tài liệu lần này được Bộ GDĐT phê duyệt có một số điểm khác....