Sacchi: ‘Tuyển Anh cố sao chép lối đá của Italy’
Chiến lược gia huyền thoại của bóng đá Italy tin tuyển Anh đã cố gắng chơi phòng ngự catenaccio trước Azzurri trong trận chung kết Euro 2020.
Viết trên Gazzetta dello Sport , nhà cầm quân huyền thoại của Italy nhận định: “Người Anh cố sao chép chúng ta: Họ ghi 1 bàn và tất cả lui về phòng ngự, hệt như những đội bóng vẫn tin vào Rappan, người sáng tạo ra Catenaccio vào thế kỷ trước”.
Huấn luyện viên (HLV) từng giúp Italy vào chung kết World Cup 1994 cũng nhấn mạnh: “Có lẽ Southgate nghĩ Anh đang đấu với một Italy chỉ biết phòng ngự và phản công. Việc để Kieran Trippier ra sân từ đầu thay vì Bukayo Saka đã là đủ để nói về chiến thuật của Southgate và cũng là bằng chứng về việc cậu ta chẳng biết gì về Roberto Mancini”
Tuyển Anh thất bại trước Italy ngay tại Wembley. Ảnh: Reuters.
Sacchi cũng cho biết người Italy thực tế đã e ngại Anh sao chép lối đá của Áo và Tây Ban Nha, những đội tuyển pressing rát và gây nhiều khó khăn cho Italy, nhưng Anh lại không làm điều này.
Sacchi cuối cùng khẳng định: “Cảm ơn Mancini, người đã đưa tuyển Italy chơi tấn công. Tôi mong điều này có thể truyền nhiệt huyết và làm gương cho các HLV khác tại Italy làm mới và phát triển ý tưởng”.
Trước Italy trong trận chung kết, tuyển Anh phòng ngự từ cuối hiệp 1, khi đang dẫn 1-0 nhờ pha lập công của Luke Shaw ngay phút thứ 2. Italy làm chủ cuộc chơi trong cả hiệp 2 lẫn hai hiệp phụ và sau cùng đánh bại “Tam sư” trên chấm luân lưu.
Gianluigi Donnarumma là người hùng của Italy khi cản phá thành công 2 cú đá luân lưu của Jadon Sancho và Bukayo Saka. Jordan Pickford của Anh cũng cản thành công các cú đá của Andrea Belotti và Jorginho. Pha sút dội cột của Marcus Rashford là khác biệt giữa loạt đấu súng may rủi giữa hai đội.
Italy dạy người Anh bài học chiến thuật
Tuyển Anh đã có những thay đổi chiến thuật gây bất ngờ cho Italy, song vào thời khắc ngặt nghèo nhất, "Azzurri" chứng tỏ vì sao họ xứng đáng là nhà vô địch Euro.
Ở trận đấu quan trọng nhất, đại diện của hai nền bóng đá đã một lần nữa thể hiện chính xác hình ảnh của chính mình, cũng là hình ảnh của hai nhà cầm quân. Chỉ tiếc rằng, cán cân tích cực đã nghiêng hẳn về một bên là Italy, chứ không phải Anh.
Italy vô địch Euro 2020 sau loạt sút luân lưu trước Anh. Ảnh: Reuters.
Quyết định chiến thuật đáng khen của Southgate
Tiến vào trận chung kết, HLV Gareth Southgate đã đưa ra một sự thay đổi bất ngờ: áp dụng sơ đồ 3 hậu vệ.
Mẫu sơ đồ này rất phổ biến tại Euro 2020, nhưng có lẽ vị huấn luyện viên mà người hâm mộ Việt Nam giờ quen gọi là "Cửa Nam" không chọn theo phong trào. Trong quá trình dẫn dắt tuyển Anh, ông Southgate đã đụng độ Italy một lần duy nhất vào ngày 27/3/2018.
Khi ấy, ông cũng áp dụng chính sơ đồ 3 hậu vệ. Trong số những gương mặt đá chính tại trận giao hữu ấy, có 4 cái tên lại góp mặt ở chung kết Euro 2020: Kyle Walker, John Stones, Kieran Trippier và Raheem Sterling.
Ở bên kia chiến tuyến, Italy đã đá 4-3-3, HLV là ông Luigi Di Baggio. Cũng có 5 cái tên mà 3 năm sau được HLV Roberto Mancini trọng dụng: Gianluigi Donnarumma, Leonardo Bonucci, Jorginho, Ciro Immobile và Lorenzo Insigne.
Trận đấu ấy kết thúc với tỉ số 1-1. Ba năm sau, 90 phút chính thức của trận chung kết cũng kết thúc tương tự, nhưng thế trận thì rất khác.
Ngay từ phút thứ 2 của trận đấu, "Tam sư" đã mở cờ ăn mừng với pha lập công của Luke Shaw. Pha bóng này xứng đáng được ghi công của Gareth Southgate.
Điều cần ghi nhận lại trước hết là pha bóng này bắt nguồn từ quả đá phạt góc bên phía cánh phải cho Italy. Sau hơn 10 giây trong trạng thái chuyển đổi khi bóng được phá ra, quyền kiểm soát bóng thuộc về tuyển Anh khi đến chân Luke Shaw. Nhưng có một chi tiết quan trọng: vị trí của Lorenzo Insigne.
Insigne cố gắng áp sát bóng trong giai đoạn chuyển đổi, nên vẫn có mặt ở cánh trái của tuyển Anh. Kyle Walker ở phía đối diện vì thế hoàn toàn không có bất kỳ rủi ro tức thời nào cần lưu ý...
Video đang HOT
Đó là điều kiện đủ để dẫn tới bàn thắng. Còn điều kiện cần nằm ở chính sơ đồ 3 hậu vệ mà ông Southgate áp dụng. Nhận bóng từ Shaw, Harry Kane quay lên và ngay lập tức có Trippier băng lên nơi trống trải bên cánh phải.
Kane nhận bóng và quay lên, Trippier và cả Walker lập tức băng lên.
Ghép điều kiện cần và đủ, chúng ta có bàn thắng đẹp mắt của Anh. Cú chạy luồn lưng thông minh của Walker khiến cho Emerson Palmieri bị hút theo, không thể dâng lên áp sát Trippier. Đây chính là lý do vì sao Trippier lại có không gian và thời gian thoải mái đến thế ở góc chữ A của vòng cấm địa.
Sự thoải mái của Trippier lại kéo theo việc lão tướng Giorgio Chiellini bước lên, từ đó buộc Bonucci và Giovanni Di Lorenzo co sang. Hàng thủ của Italy xộc xệch trong nhịp độ cao.
Khi Kane băng vào chuẩn bị đón quả tạt, Di Lorenzo không thể để tâm tới sau lưng nữa. Tới đây, sơ đồ 3 hậu vệ phát huy tác dụng khi Luke Shaw có mặt ở cột hai một cách hoàn toàn thoải mái. Hai cầu thủ chạy cánh đã kiến tạo và ghi bàn cho tuyển Anh.
Hình ảnh này hoàn toàn tương đồng với cách ĐT Đức đè bẹp ĐT Bồ Đào Nha ở Bảng F vào đầu giải.
10 phút sau bàn thua, lại có một pha bóng nguy hiểm khác mà tuyển Anh phát huy được thế mạnh chiều rộng của sơ đồ 3 hậu vệ khi đẩy cầu thủ chạy biên dâng cao. Lần này cũng bắt nguồn từ một quả phạt ở giữa sân.
Sự rối loạn của Italy.
Các bạn đừng "choáng" về tấm hình nhiều thông tin này. Hãy cùng điểm qua một lượt các thông tin cần thấy.
Thứ nhất, Anh thực hiện một pha dàn xếp tương đối đơn giản. Họ dàn ra hàng ngang 5 người trải rộng theo chiều ngang sân trước khi quả phạt diễn ra. Sau đó, tín hiệu bắt đầu là việc Harry Kane lùi sâu về xin nhận bóng từ Harry Maguire - người đá phạt. Phillips đã tinh ý dâng lên để trám vào vị trí mà Kane để lại.
Thứ hai, Italy đã lại gặp rắc rối vì họ có xu hướng chia cặp một kèm một ở tình huống cố định này. Có lẽ do đã xác định đối thủ đá sơ đồ 4 hậu vệ nên họ lập tức bị xộc xệch:
- Chiesa bị kéo sâu xuống bên dưới theo Shaw, trong khi Insigne thì dâng lên rất cao để ý tới Walker.
- Bonucci bám theo Kane nhưng rồi nhận ra như vậy quá xa và lại quay về.
- Jorginho, Verratti, Barella hầu như không còn hệ thống theo hàng ngang tuyến hai nào.
Sự xộc xệch đáng kinh ngạc này đã dẫn đến pha tấn công tốt cho tuyển Anh, tiếc rằng lần này Trippier đã xử lý hơi vội vàng khi tạt bóng dù vòng cấm địa không có ai.
Với lợi thế chiều rộng, chỉ cần một cú chạy của Sterling để thu hút Emerson là đủ để tạo khoảng trống cho Trippier.
Cẩn trọng hay thụ động? Sắp đặt hay tự nhiên?
Như đã phân tích trong một bài viết sau trận Anh gặp Scotland, tuyển Anh ở giải đấu năm nay đã thể hiện một hình ảnh không tương xứng với tiềm năng của họ, đặc biệt xét lực lượng tinh nhuệ trong tay HLV Southgate. Ngay cả khi gặp đội yếu hơn về thực lực, Anh vẫn chơi quá cẩn trọng.
Sau khi có bàn dẫn trước, họ bắt đầu chơi thấp hơn, áp sát từ xa ít hơn và cũng không quyết liệt bám đuổi trên phần sân đối thủ như hiệp một nữa. Nếu lấy phút 30 của trận đấu làm mốc, dễ thấy Anh đã mất hẳn thế trận vào tay Italy.
Italy cầm bóng 68% kể từ phút 30 đến hết trận chung kết trước Anh.
Chưa kể, họ cũng thiếu bài miếng rõ ràng để tối ưu hóa những cái tên trong danh sách thi đấu. Việc Anh thường sử dụng bài tấn công chuyền dài xuống biên cho các cầu thủ băng lên lại lặp lại.
Bóng tới chân Shaw, Rice lập tức chạy, Shaw cũng chuyền bóng dài cho Mount ở phía trên, thực tế không tạo ra nguy hiểm nào.
Bài chuyền dài và vắt giò lên chạy này thực tế không mấy nguy hiểm, trừ khi được thực hiện bởi một cầu thủ có nhạy cảm chiến thuật cao như Raheem Sterling. Chi tiết này cũng đã được phân tích trước đây trên Zing.
Mặt khác, việc Mason Mount chơi quá rộng ở biên trái khiến Luke Shaw giờ lại chơi như một hậu vệ trái thông thường. Điều này khiến các pha tấn công bóng sống của Anh trở nên dễ đoán với Italy.
Mount dạt biên nhiều, Shaw chơi thấp khiến hàng ngang tấn công 5 người chiều rộng của Anh không còn hiệu lực thực sự.
Rốt cục, các pha tấn công với hàng ngang 5 người ấn tượng ở 2 tình huống bóng chết đầu trận là có ý đồ hay tự nhiên? Hay liệu các cầu thủ của tuyển Anh đã không tuân thủ tốt ý đồ khiến hệ thống vị trí không còn hiệu quả?
Sau cùng, những hình ảnh lặp lại quá nhiều trong giải đấu là đủ để người ta đặt câu hỏi về HLV Southgate.
Sau 90 phút thi đấu chính thức, "Tam Sư" chỉ có đúng 4 pha dứt điểm. Dù là một đội dứt điểm ít nhưng trung bình các trận, họ cũng đạt 9,14 lần/trận theo thống kê của UEFA. Rõ ràng, đây là một trận đấu mà hàng công của tuyển Anh đã "tắt điện".
Italy xuyên tuyến
Sau thời gian đầu trận dường như "choáng" trước những bất ngờ mà sơ đồ của tuyển Anh mang tới, trận đấu trở về với sự kiểm soát của Italy. Tuy nhiên, cũng phải tới hiệp hai, với những thay đổi quan trọng, "Azzurri" mới làm chủ cuộc chơi hoàn toàn.
Với việc tuyển Anh chủ yếu chỉ lùi lại phần sân nhà, Italy có điều kiện đẩy cao toàn bộ đội hình. Họ tấn công khối phòng ngự của Anh bằng hai vũ khí song hành.
Vũ khí thứ nhất là những đường chuyền xuyên tuyến. Sự lợi hại của những đường chuyền này nằm ở cả bên nhận và bên chuyền.
Cùng với Barella và Chiesa, Insigne liên tục xuất hiện sau lưng các tiền vệ Anh, đón cú chọc khe từ nhóm làm bóng phía dưới. Từ đây, khu vực trước mặt hàng thủ 5 người của Anh liên tục bị xâm nhập, từ đó dẫn tới những pha đánh vỗ mặt mà Insigne, Chiesa đều đã có cơ hội dứt điểm.
Insigne liên tục xuất hiện để nhận những đường chuyền xuyên tuyến vượt qua cặp đôi Rice - Phillips.
Barella nhận cú chọc khe của Jorginho, tuyển Anh lập tức rối loạn. Đường chuyền ngang cho Insigne dẫn tới pha phạm lỗi ở vị trí nguy hiểm của Sterling.
Những sự thay đổi người tiếp theo của ông Mancini càng củng cố khả năng xuyên tuyến này. Bryan Cristante thay Barella nhưng vẫn giữ nguyên vai trò và cách chọn vị trí. Tuy nhiên, việc rút Immobile là rất quan trọng.
Đến đây, hãy nhắc tới vũ khí thứ hai của Italy: hệ thống vị trí.
Một lần nữa, đưa Insigne vào vị trí trung phong, ông Mancini đã giúp cho cầu thủ có chiều cao 1,63 m này phát huy tối đa khả năng. Ở hai biên, Domenico Berardi và Emerson sẽ lãnh nhiệm vụ đảm bảo chiều rộng của hệ thống. Mạng lưới của Italy đảm bảo lợi thế về số lượng người ở các khu vực luân chuyển bóng, cũng như tạo lợi thế về không gian từ những mắt xích trung lộ.
Hệ thống vị trí triển khai tấn công của Italy
Chiesa nhận bóng xuyên tuyến nhờ hệ thống và đột phá dứt điểm.
Tới đây, hãy dừng lại một chút để dành lời khen ngợi cho bốn cỗ máy làm bóng của Italy: Jorginho, Verratti, Chiellini và Bonucci.
Thống kê ấn tượng từ"những chiếc máy đập nhịp" tuyển Italy. Đồ họa: Minh Phúc.
Bộ tứ này đã thực hiện công tác làm bóng hoàn hảo. Jorginho và Verratti làm chủ hoàn toàn nhịp độ bằng việc luân chuyển, điều tiết và sẵn sàng đẩy nhanh tốc độ bằng những cú chọc khe. Chiellini cũng luôn khéo léo di chuyển để kết nối và tạo thế áp đảo không gian cho cánh trái. Còn Bonucci không chỉ chọc khe mà thậm chí sẵn sàng tung những đường chuyền dài đầy hiệu quả, cả để chuyển hướng và cả để tấn công trực diện.
Đường chuyền dài cho Berardi suýt mang về bàn thắng.
Áp lực liên tục đã giúp cho Italy có bàn gỡ hòa, hi hữu lại là một tình huống cố định chứ không từ bóng sống. Nhưng đây cũng là thành quả hoàn toàn xứng đáng khi họ thực hiện hoàn hảo miếng đánh.
Các cầu thủ Italy di chuyển đan xen để tấn công vòng 5,5 m, đồng thời gây khó khăn cho người kèm.
Cristante thực hiện cú "lướt đầu" hoàn hảo ở cột một, trong khi đó Chiellini khiến Stones mất hoàn toàn kiểm soát bằng cách chạy ngược lại điểm bóng rơi, Stones không thể quan sát cả hướng bóng lẫn hướng ngược lại.
Mount, Maguire và Rice nhìn bóng, để sổng Verratti và Bonucci dứt điểm.
Anh là tương lai, còn hiện tại là Italy
Nhìn lại hành trình của Anh đi đến trận chung kết, có thể thấy rằng dù giành chiến thắng liên tục nhưng họ đã luôn để lại những nỗi lo. Điều này hẳn đã được các độc giả của Zing nắm rõ, nếu các bạn thường xuyên đọc các bài phân tích chiến thuật của chúng tôi trong suốt kỳ Euro 2020.
Ngay ở trận gặp Đức, Anh đã để lại những nỗi lo. Vượt qua Ukraine hay Đan Mạch (đội bóng phải thay 5 người vì chấn thương trong trận) không phải không đáng kể, nhưng có lẽ khó so sánh được với hành trình của người Italy.
Tuyển Italy đã vượt Bỉ, Tây Ban Nha và giờ là Anh. Trong đó, trận gặp Tây Ban Nha là lần duy nhất thầy trò ông Mancini bị lấn át ở cả giải đấu năm nay.
Thuật toán cao cấp "bàn thắng kỳ vọng" cho thấy ở trận này, Italy xứng đáng với khoảng 2 bàn trong 120 phút thi đấu. Thế nên dù Anh tận dụng tốt cơ hội của mình (giá trị các cơ hội của họ tương đương với khoảng 0,5 bàn) thì cũng rõ ràng Italy đã chơi tốt hơn, cả về thế trận lẫn số cơ hội tạo ra (20 cú dứt điểm so với 6).
Loạt luân lưu cân não đã chứng kiến sự non nớt của cả thầy lẫn trò bên phía "Tam sư". Trong khi đó, cũng là một cầu thủ trẻ nhưng với kinh nghiệm 6 năm bắt chính cấp CLB và gần 300 trận thi đấu trong sự nghiệp, thủ môn 22 tuổi Donnarumma cho thấy anh đã là ngôi sao chứ không phải "măng non".
Nhìn rộng hơn, với bề dày tài năng, chắc chắn tuyển Anh sẽ đứng lên mạnh mẽ và hoàn thiện bản thân. Thập niên 2020 vẫn sẽ dành nhiều cơ hội cho họ.
Nhưng hôm qua, tại Wembley, Italy mới là hiện tại.
Giải mã sức mạnh hàng công tuyển Italy Bóng đá Italy thường được biết đến với lối chơi phòng ngự vươn đến tầm nghệ thuật. Tuy nhiên, sẽ thật sai lầm nếu đánh giá thấp sức mạnh của hàng công "Azzurri" vào lúc này. Dưới sự dẫn dắt của HLV Roberto Mancini, hàng công tuyển Italy cho thấy sức mạnh đáng sợ. Tại vòng loại Euro 2020, "Azzurri" (biệt danh của...