Sắc màu cao nguyên đá Hà Giang
Các tác phẩm đạt giải trong cuộc thi “Ảnh đẹp du lịch Hà Giang năm 2020″ khắc họa nhiều góc nhìn về thiên nhiên và con người miền đá.
Ảnh Chân dung hai em bé ở Vần Chải chụp tại xã Vần Chải của Lê Việt Khánh (Hà Nội) đạt giải nhất Cuộc thi “Ảnh đẹp du lịch Hà Giang năm 2020″. Năm nay ban tổ chức nhận được hơn 1.595 ảnh dự thi của 256 nhiếp ảnh gia chuyên và không chuyên khắp ba miền gửi về. Chung cuộc có 20 tác phẩm đạt giải (2 giải nhất, 4 giải nhì, 6 giải ba ,8 giải khuyến khích ) và chọn thêm 80 ảnh trưng bày triển lãm dịp Lễ hội hoa tam giác mạch.
Bức ảnh ghi lại khoảnh khắc 2 em bé dân tộc H’Mông trong trang phục truyền thống. Anh Khánh chia sẻ: “Chất liệu thổ cẩm sặc sỡ cùng sự hồn nhiên của con trẻ là khoảnh khắc thúc giục tôi bấm máy. Qua tìm hiểu tôi biết người H’Mông quan niệm các khối thêu càng tỉ mỉ, càng thể hiện được sự khéo léo của người phụ nữ trong việc vun vén hạnh phúc gia đình”.
Ngoài ảnh đơn đạt giải nhất, anh Khánh còn đạt giải ba với bộ ảnh “Mùa xuân ở Lao Xa”, khắc hoạ khung cảnh mùa xuân ngập tràn hoa đào, mận.
Tác phẩm Vẻ đẹp viễn biên của tác giả Phạm Hoài Nam (Hà Nội) chụp tại xã Lũng Táo, Đồng Văn được đồng giải nhất. “Lúc đi ngang qua cung đường này, thấy những em bé dân tộc gùi thuốc nối đuôi nhau đi giữa núi non hùng vỹ, ánh nắng sớm rọi ngược, tôi vội đỗ xe vào lề đường hô anh em xuống chụp”, tác giả kể.
Bà Triệu Thị Tình – Phó giám đốc Sở VHTTDL Hà Giang, cũng là trưởng ban giám khảo cuộc thi cho biết 2 giải nhất rất đồng đều giữa cảnh và người, qua đó gửi gắm thông điệp du lịch Hà Giang tuyệt vời giữa núi non hùng vĩ, con người thân thiện, giàu văn hóa.
Video đang HOT
Tác phẩm Thiêng liêng cột cờ Lũng Cú đạt giải nhì của tác giả Nguyễn Minh Tân (TP. HCM). Cột cờ Lũng Cú, hay còn gọi là đỉnh núi Rồng (Long Sơn) nằm ở độ cao khoảng 1.470 m so với mực nước biển. Điểm địa đầu Tổ quốc được tác giả ghi lại bằng fly-cam.
Tác phẩm Con đường tôi đi được đồng giải nhì của Vũ Ngọc Tuấn (Hà Nội) chụp trên đường đi Đồng Văn, Hà Giang lúc 6h ngày 14/3/2019. Qua bức ảnh, tác giả gửi thông điệp về một ngày mới đầy năng lượng với con đường phía trước luôn chờ ta khám phá.
Bức ảnh Đến với cao nguyên chụp tại dốc Thẩm Mã, Đồng Văn đạt giải nhì của tác giả Phan Quốc Bảo (Thái Nguyên). Bức ảnh ghi lại hình ảnh du khách Anh đang chinh phục dốc Mã Pí Lèng bằng xe đạp. Tác giả chia sẻ dù khác biệt ngôn ngữ, nhưng vị khách luôn giơ ngón tay cái biểu lộ sự ấn tượng về khung cảnh thiên nhiên Việt Nam.
Ngoài 3 ảnh đơn, một tác phẩm đạt giải nhì khác là bộ ảnh “Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn” do tác giả Nguyễn Thành Sơn (Bắc Giang) thực hiện.
Chụp hình để kỷ niệm là ảnh đạt giải ba của Bùi Văn Sơn (Quảng Ngãi). Cảnh sắc Việt Nam ta ở đâu cũng đẹp, nhưng Hà Giang luôn đem đến cảm xúc khác lạ bởi những cánh đồng hoa tam giác mạch phủ kín thung lũng, làm say đắm lòng người, tác giả chia sẻ.
Đồng giải ba là tác phẩm Nhà mái rêu Khuổi My chụp tại bản Khuổi My – nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Dao do nhiếp ảnh gia Ngô Chí Thành (Phú Thọ) chụp lại.
Tác phẩm Em bé vùng cao chụp tại xã Tả Sử Choóng, Hoàng Su Phì cũng đạt giải ba do Nguyễn Thị Lý Giang (Hà Nội) chụp.
Nơi đây người dân chủ yếu nuôi con dúi (chuột núi) làm kinh tế, nhưng với trẻ nhỏ, dúi như người bạn thân. Giàng Thị Nú, một em bé người Mông đang âu yếm con dúi trong tay là hình ảnh gây ấn tượng cho nữ nhiếp ảnh gia. Tác giả còn ví cao nguyên đá như một bản tình ca, chắc hẳn sẽ không chỉ một lần đến mà lòng còn thầm hẹn mùa sau trở lại.
Một tác phẩm khác đạt giải ba tên là Chợ tình Khâu Vai của Bùi Việt Đức (Vĩnh Phúc). Anh chụp bức ảnh này vào tháng 12/2019 ở Mèo Vạc.
Tác phẩm Voọc mũi hếch – niềm tự hào của Hà Giang đồng giải ba của Lê Khắc Quyết (Hà Nội). Đây là loài linh trưởng lông đen, mặt trắng có lông đốm nhạt quanh mặt, thường sống tập trung trên các cánh rừng biệt lập ở vùng núi cao phía Bắc. Tỉnh Hà Giang có khoảng 60 con trong khu bảo tồn Khau Ca.
Bức ảnh Hạnh phúc giản đơn đạt giải khuyến khích của Lê Hồng Đức (Tuyên Quang) chụp một gia đình người Mông ở cuối thôn Lao Xa, xã Sủng Là, huyện Đồng Văn. Thông qua bức ảnh, tác giả muốn truyền tải thông điệp về hạnh phúc. “Mái ấm gia đình quây quần bên nhau với một cuộc sống vừa đủ, không ồn ào, giàu sang nhưng vẫn đầy ắp niềm vui, tiếng cười thì đó gọi là hạnh phúc – một hạnh phúc giản đơn”, anh Đức nói.
Tác phẩm ‘Xuất phát’ đạt giải khuyến khích của nhiếp ảnh gia Lê Huy Long (Hà Nội). Bức ảnh được chụp vào tháng 10/2020 ghi lại sự hào hứng của VĐV trước vạch xuất phát cuộc thi chạy marathon trên đèo Mã Pì Lèng.
Ngoài ra, Ban tổ chức trao giải khuyến khích cho 6 tác phẩm khác, chủ yếu miêu tả thiên nhiên và đời sống thường nhật của người dân miền sơn cước như: Hồng Hạc trên dòng Nho Quế của Hà Huy (Tuyên Quang), Đường vào Lũng Cú của Bùi Văn Dần (Lào Cai), Sương sớm Hồ Quang Minh của Nguyên Kiên Trương (TP HCM), Tan chợ Phiên của Bùi Duy Tư (Ninh Bình), Bột ngô của Nguyễn Ngọc Thái (Kon Tum) và bộ ảnh Vũ điệu của người rừng doTrần Tấn Vịnh (Tam Kỳ) chụp.
Khám phá Vẻ đẹp kiến trúc Nhà đất trình tường của người Mông vùng Cao nguyên đá
Dọc theo quốc lộ 4C trên con đường mang tên Hạnh Phúc từ thành phố Hà Giang lên Quản Bạ, đến Yên Minh qua Đồng Văn, Mèo Vạc rất dễ bắt gặp những bản làng với các ngôi nhà trình tường đất, nổi bật giữa những hàng rào đá tạo nên một bức tranh hoang sơ, kỳ bí, khiến bất cứ du khách nào đi ngang qua cũng phải dừng lại ngắm nhìn.
Bà con dân tộc Mông với tập quán sinh sống trên những triền núi cao, trong những ngôi nhà trình tường, bởi nó mát dịu vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông, đây cũng chính là lối kiến trúc đặc trưng của miền cao nguyên đá. Những ngôi nhà trình tường đất của người Mông không chỉ là tổ ấm, là tài sản mà nó còn là nét đẹp văn hóa độc đáo, sản phẩm nhân văn chứa đựng các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào người Mông ở Hà Giang.
Kiến trúc ngôi nhà trình tường đất của người Mông thường dựa lưng vào núi, mỗi căn nhà có một cánh cổng gỗ trên được dán các tờ giấy đỏ, dù to hay nhỏ mỗi ngôi nhà đều có ba gian hai cửa và bao giờ cũng có sàn gác để cất giữ đồ đạc, lương thực, thực phẩm, ngô, lúa, đậu tương khi thu hoạch về, khói bếp sẽ hạn chế được sâu mọt, ẩm mốc. Gian bên trái dùng để đặt bếp lò và chỗ ngủ của vợ chồng chủ nhà. Gian bên phải đặt bếp sưởi và giường khách. Gian giữa rộng hơn để đặt bàn thờ tổ tiên và là nơi tiếp khách, ăn uống của gia đình. Ngôi nhà thường có từ 3 đến 4 ô cửa nhỏ, những ô cửa này để thông gió và lấy ánh sáng. Tường nhà làm hoàn toàn bằng đất nện dày mà không có bất cứ cột hay cọc nào làm trụ. Để tạo nên những bức trình tường độc đáo, người Mông thường chọn loại đất có độ kết dính cao, loại bỏ sạch rễ cây, đá to, cỏ rác. Trước khi trình tường, người ta làm những chiếc khuôn gỗ có chiều dài 1,5 m, rộng chừng nửa mét. Sau đó đổ đất vào khuôn gỗ và dùng những chiếc vồ nện chặt đất. Tất cả các khâu để hoàn thiện một ngôi nhà trình tường đều được làm thủ công bằng tay mà không dùng bất cứ máy móc nào. Tất cả các ngôi nhà trình tường của người Mông hầu như đều được bao bọc bởi những bức tường rào đá. Những viên đá kết thành hàng rào bao quanh ngôi nhà có chiều cao không quá nửa người. Đá muôn hình vạn trạng, nhiều kích cỡ khác nhau, nhưng họ đã rất khéo léo chèn khít vào nhau, tạo thành một hàng rào chắc chắn. Điều tài tình là những hàng rào này chẳng cần một chất kết dính nào mà đá vẫn khít chặt. Điều ấn tượng nhất là khi mùa xuân đến, nét đẹp đơn sơn, thơ mộng của ngôi nhà đất bỗng được tô điểm bởi màu đỏ của hoa đào, màu trắng muốt của hoa mơ, hoa mận, hoa lê, màu xám của hàng rào đá và màu nâu vàng của đất trình tường, tất cả như hòa quyện tạo thành một bức tranh thiên nhiên vùng cao nguyên đá vô cùng lý thú, độc đáo không thể tìm thấy ở bất cứ nơi đâu.
Trải qua hàng thế kỷ, những ngôi nhà trình tường đất trên Cao nguyên đá Đồng Văn Hà Giang vẫn không thay đổi nhiều về cấu trúc, bởi với quan niệm sống cần cù, chịu thương chịu khó trong một môi trường khí hậu khắc nghiệt, đã ảnh hưởng sâu sắc đến kiến trúc nhà ở của đồng bào dân tộc Mông ngày nay vẫn không ngừng sáng tạo, cải tiến ngôi nhà truyền thống của mình cho phù hợp với điều kiện tự nhiên, cũng như trong sinh hoạt, lao động sản xuất mà vẫn không quên lưu giữ những nét đặc trưng truyền thống của dân tộc.
Cẩm nang và kinh nghiệm du lịch Hà Giang giữa mùa hoa Cẩm nang và kinh nghiệm du lịch Hà Giang giữa mùa hoa Nhiều người còn ví von cái không gian của khoảng thời gian này trên mảnh đất Hà Giang là "mùa đá nở hoa". Khắp nơi trên đó đều là bạt ngàn của hoa, màu vàng của hoa cải, trắng tinh khôi của hoa mận, đỏ thắm của hoa đào, hồng phới...