Rượu bia nhiều khiến con người càng hung bạo
Bộ Y tế đã công bố con số người nhập viện do đánh nhau cấp cứu trong Tết là gần 4.500 trường hợp, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do “ma men” dẫn lối. Theo bà Phạm Thị Hoàng Anh, Giám đốc Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam, không có gì sốc với số liệu này khi tình trạng uống bia rượu đang ngày một tăng ở mức báo động, nhất là vào các dịp lễ tết.
Bộ Y tế cho biết một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng xô xát, ẩu đả trong những ngày Tết là do bia rượu. Bà có nhận định gì về vấn đề này?
-Tôi cũng đã đọc được thông tin Bộ Y tế vừa cung cấp cho báo chí. Cũng không có gì quá sốc khi trong số gần 4.500 trường hợp ẩu đả trong dịp Tết phải cấp cứu thì có đến 550 trường hợp đã xác định nguyên nhân do rượu bia. Còn lại nhiều trường hợp bị đánh khác cũng “liên đới” tới bia rượu.
Bởi vì, khi uống rượu, bia quá chén con người ta dễ rơi vào trạng thái say rượu và mất sự kiểm soát trong hành vi cũng như lời nói. Khi đó, họ dễ văng tục, chửi bới, có hành vi cà khịa, thách thức. Người bị cà khịa cũng đã “tây tây” nên chỉ từ một lời nói, va chạm nhỏ có thể “bùng” thành cuộc đánh nhau lớn, gây thương tích, thậm chí tử vong cho nhau. Đáng tiếc, nhiều cuộc đánh lộn trên bàn nhậu, gây thương tích, tử vong lại là giữa những người thân, bạn bè.
Đó là chưa kể đến những người uống rượu nhiều đến mức bị loạn thần, hoang tưởng, luôn tưởng tượng có người thậm chí quái vật tấn công mình. Vì thế, họ sẵn sang dung các hung khí nguy hiểm để tấn công những người xung quanh.
Ngày Tết, người dân uống rượu cấp tập, liên tục thì nguy cơ mất kiểm soát lời nói, hành vi càng gia tăng, đồng nghĩa với việc đánh nhau gia tăng.
Rượu bia không chỉ gây ra nhiều vụ đánh nhau mà còn là nguyên nhân làm gia tăng tai nạn giao thông dịp Tết (Bệnh viện Việt Đức mùng 3 Tết Đinh Dậu). Ảnh: Diệu Linh
Video đang HOT
Ngoài ra, việc lạm dụng bia rượu còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng nào cho sức khỏe, thưa bà?
-Tác hại của rượu, bia được biết tới từ rất lâu rồi. Khoa học đã chứng minh rằng nó liên quan tới rất nhiều căn bệnh hiểm nghèo như tim mạch. Uống nhiều rượu, bia thì nguy cơ bị bệnh tim mạch, nhồi máu cơ tim càng cao.
Rượu cũng là nguyên nhân của rất nhiều bệnh ung thư, ví dụ như ung thư dạ dày, gan, vòm miệng, thực quản. Ngoài ra, rượu, bia còn gây nên một loạt các bệnh rối loạn tâm thần (loạn thần) khiến cho người say không thể kiểm soát được hành vi, lời nói.
Đặc biệt, vào ngày Tết, lễ lạc thì khả năng sử dụng rượu, bia càng nhiều vì vậy nguy cơ khiến cho con người ta mất kiểm soát dẫn tới chửi bới, đánh đấm nhau càng cao.
Có ý kiến cho rằng nên cấm uống rượu, bia vào những ngày lễ, Tết. Theo bà đề xuất này có khả quan?
-Trước mắt, cần giáo dục cho mọi người hiểu tác hại của rượu, bia. Rượu bia một loại đồ uống được mọi người sử dụng từ khá lâu, trong đó có những loại rượu có lợi cho sức khỏe, chứ không phải tất cả đều có hại. Tùy mức độ chịu đựng nồng độ rượu của mỗi người khác nhau nên việc có lợi hay có hại cũng rất khác nhau.
Ví dụ như khoa học đã chứng minh, mỗi ngày uống một ly rượu vang đỏ sẽ rất có lợi cho tim mạch. Nhưng do rượu là một chất gây nghiện, nên kiểm soát được việc uống vừa đủ để có lợi cho sức khỏe là rất khó.
Còn muốn hạn chế việc uống rượu bia phải sử dụng nhiều biện pháp đồng bộ. Nếu chỉ sử dụng biện pháp hàng chính cấm uống rượu bia thôi là không đủ, cần phải thực hiện thêm nhiều biện pháp khác như: Tuyên truyền, phổ biến tác hại của rượu bia, hoặc thực hiện biện pháp cộng đồng kiểm soát lẫn nhau. Quy định không uống rượu bia ở nơi công cộng và không uống rượu bia khi lái xe.
Theo Danviet
4 điều cấm kỵ sau khi uống rượu bia
Sau khi uống rượu không được tắm hoặc uống nhiều cà phê, trà, nước có ga.
Ảnh minh họa: News.
Trang Health Sina liệt kê những điều không nên làm sau khi uống rượu để đảm bảo sức khỏe gồm:
Uống cà phê, trà, nước có ga
Các chuyên gia giải thích, sau khi uống rượu cơ thể sẽ bị mất nước. Do vậy không uống nhiều cà phê để tránh thiếu nước trầm trọng hơn. Không uống trà vì làm tim quá hưng phấn, không có lợi cho thận vốn đang vất vả đào thải cồn từ bia rượu. Lúc này cũng không nên uống nước có ga vì làm tăng tốc độ hấp thụ rượu của cơ thể, ảnh hưởng tiêu cực đến gan và gây ra viêm dạ dày cấp tính.
Uống thuốc
Rượu thường gây ra phản ứng hóa học với các loại thuốc, sinh chất độc hại. Đặc biệt nếu uống thuốc hạ sốt, thành phần trong thuốc sản sinh ra các chất độc hại có thể gây viêm gan hoặc tổn thương vĩnh viễn tại gan. Nếu phải dùng thuốc, nên uống một giờ trước bữa sáng ngày hôm sau. Ngoài ra, các kháng sinh, thuốc hạ đường huyết, thuốc hạ áp cũng không nên dùng sau khi uống rượu.
Tắm
Sau khi uống bia rượu không được tắm bất kể nước nóng hay nước lạnh. Tắm nước nóng hoặc tắm hơi khiến nhiệt tích tụ trong cơ thể không được thoát ra, tăng thêm cảm giác say rượu, dẫn đến nôn mửa hoặc ngất xỉu. Tắm nước lạnh không những không làm tỉnh rượu, trái lại khiến gan không kịp bổ sung đường glucose tiêu hao trong máu, cộng với sự kích thích của nước lạnh khiến mạch máu co rút, dễ dẫn đến cảm lạnh, thậm chí vỡ mạch máu.
Đắp chăn điện khi ngủ
Khi uống rượu quá mức, cơ thể rối loạn chức năng điều chỉnh nhiệt độ, tăng sự mất nhiệt, có thể gây ớn lạnh. Lúc này cơ thể cần được ấm áp song không nên đắp chăn điện, đặc biệt là người mắc các bệnh tim mạch như tăng huyết áp, bệnh mạch vành. Sau khi uống rượu, mạch máu giãn ra, nhịp tim và sự trao đổi chất sẽ tăng tốc, huyết áp cao, có thể gây ra nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực và các bệnh khác. Nếu cảm thấy lạnh, bạn có thể sử dụng một chai nước nóng hoặc chăn bông ấm, uống một ít nước ấm nhưng không được quá nóng để tránh bị sốt nhiệt.
Trần Ngoan
Theo VNE