Rưng rưng với màn sân khấu hóa tái hiện thảm án Lệ Chi Viên của học sinh lớp 10
Toàn bộ các dấu mốc quan trọng trong cuộc đời của danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi được học sinh tái hiện bằng hình thức sân khấu hóa.
Học sinh khối 10 Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Ban Mai đã tổ chức buổi báo cáo trải nghiệm thực tế dự án “Theo ánh Sao Khuê” vào ngày 10/1 ngay tại đền thờ anh hùng dân tộc – danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi trong di tích Côn Sơn ( Thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương).
Với mong muốn tái hiện phần nào cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Trãi, học sinh khối 10 với dự án văn thuyết minh đã sân khấu hóa toàn bộ những mốc quan trọng trong cuộc đời anh hùng dân tộc – danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi.
Nguyễn Trãi và gia quyến trước giờ bị giết hại. Ảnh: Nhà trường cung cấp
Dự án “Theo ánh Sao Khuê” là dự án dạy học trải nghiệm tích hợp 4 môn học: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân với phương pháp học tập mới. Những nội dung kiến thức trong sách giáo khoa trở nên sinh động, thiết thực và hấp dẫn hơn rất nhiều.
Mở đầu buổi báo cáo, học sinh khối 10 đã thuyết minh về quần thể di tích Côn Sơn bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Với phần thuyết minh giới thiệu về di tích bằng tiếng Anh, các em đã gây bất ngờ cho các hướng dẫn viên làm việc tại di tích, khách tham quan và đặc biệt sự quan tâm lắng nghe của các du khách nước ngoài.
Trọng tâm của dự án là việc sân khấu hóa cuộc đời Nguyễn Trãi với các màn Bút tích Thái Sinh; Lam Sơn đại sự; Vụ án Lệ Chi Viên; Lê Thánh Tông giải oan Lệ Chi Viên.
Với những đóng góp không nhỏ trong sự nghiệp bảo vệ đất nước đặc biệt là sự nghiệp Bình Ngô cùng nghĩa quân Lam Sơn của Lê Lợi, Nguyễn Trãi là một trong nhưng nhân vật lịch sử toàn tài lỗi lạc và có nhiều oan khuất nhất trong lịch sử văn học và lịch sử các triều đại phong kiến của dân tộc.
Em Nguyễn Trường Giang – học sinh lớp 10i, người đóng vai Nguyễn Trãi trong màn Vụ án Lệ Chi Viên tâm sự: “Được hóa thân thành anh hùng dân tộc – danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi và đặc biệt thể hiện lại một trong phân cảnh có tính cao trào nhất của vở diễn ngay tại đền thờ ông là một kỷ niệm khó phai trong cuộc đời học sinh của em.
Để có ít phút biểu diễn trên sân khấu, tập thể lớp đã làm việc, gắn bó cùng nhau. Từ kịch bản, trang phục, các hoạt động hậu kỳ…đều được đầu tư bằng rất nhiều tình cảm, tâm huyết, trí tuệ.
Quá trình chuẩn bị cho vở diễn, mỗi học sinh trong lớp được phân công các nhiệm vụ cụ thể. Mỗi bạn phải tự tìm hiểu về quá trình, sự nghiệp, bối cảnh xã hội, gia thế của ông nên các kiến thức về danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi được tự bản thân chúng em tìm tòi, ghi nhớ.
Thông qua dự án, chúng em còn được rèn luyện 7 thói quen như: Sống chủ động, bắt đầu với mục tiêu, tư duy cùng thắng, ưu tiên việc quan trọng, hợp lực và đặc biệt đó là rèn giũa bản thân”.
Và để tăng tính hấp dẫn cho buổi báo cáo, có một hội đồng ban giám khảo chấm điểm cho các vở diễn. Thành phần hội đồng giám khảo gồm toàn thể giáo viên và phụ huynh học sinh có mặt tại chương trình; toàn thể học sinh tham dự; khách thăm quan thập phương.
Ông Nguyễn Cao Cửu – phụ huynh một học sinh khối 10 trực tiếp tham gia chương trình cho biết, bản thân ông thực sự vô cùng xúc động trước sự hóa thân, nhập vai một cách tuyệt vời của các con.
“Đặc biệt ở phân cảnh Nguyễn Trãi nâng vò rượu được dân làng biếu tặng lên và nói những lời gan ruột trước khi cùng cả gia đình bị giết hại, đôi môi run run, ánh mắt buồn bã của em học sinh hóa thân Nguyễn Trãi khiến tôi cay xè mắt.
Chắc chắn các con đã phải tìm hiểu, đọc rất kỹ về Nguyễn Trãi mới có thể truyền tải được cảm xúc tuyệt vời đến vậy”, phụ huynh học sinh tâm sự.
Thầy Nguyễn Văn Khoa – Tổ trưởng tổ xã hội Trung học phổ thông của trường, người chỉ đạo chương trình chia sẻ: “Có thể lúc bắt đầu dự án, nhiều phụ huynh, giáo viên lo lắng không biết các con có làm được không. Nhưng tôi luôn cho rằng, chúng ta, các giáo viên hãy trao cơ hội cho các con. Các con sẽ làm được vì tự các con tìm tòi, các con sẽ có sự hứng thú, sáng tạo hơn rất nhiều.
Một ngày báo cáo kết quả dự án nhưng các con đã phải làm việc một cách chủ động trong cả tháng trước đó.
Các con phải tìm hiểu về cuộc đời của anh hùng dân tộc-danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi, từ ngôn ngữ thời đại đó, bối cảnh lịch sử, trang phục, âm nhạc…để sân khấu hóa khắc họa thành công cuộc đời của ông.
Chính vì thế, tôi tin những gì thể hiện trong một ngày trải nghiệm và báo cáo dự án theo phương thức trên, các kiến thức sẽ khắc sâu trong tâm trí các con hơn rất nhiều việc giáo viên giảng nhiều giờ trên lớp. Đặc biệt, nó sẽ là một kỷ niệm đáng nhớ thời học sinh với tất cả các con để đúng là học mà chơi, chơi mà học”.
Tại buổi báo cáo, thầy Nguyễn Khánh Chung – Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở – Trung học phổ thông Ban Mai gửi lời cảm ơn đến các con học sinh khối 10 đã tham gia dự án.
“Các con đã mang đến rất nhiều cảm xúc cho các giáo viên, phụ huynh, du khách tham quan di tích với quá trình chuẩn bị chu đáo và thể hiện thành quả bằng các màn biểu diễn tuyệt vời”, thầy Chung nói.
Đại diện nhà trường nhấn mạnh, dạy học trải nghiệm tích hợp liên môn là một trong những nội dung quan trọng của đổi mới phương pháp dạy học nhằm phát huy khả năng, năng lực học sinh.
Video đang HOT
Hình thức này đã và sẽ được Ban giám hiệu nhà trường triển khai sâu rộng trong hoạt động dạy và học.
Dưới đây là một số hình ảnh ấn tượng của dự án:
Màn Bút tích Thái Sinh của tập thể lớp 10S. Ảnh: Đỗ Thơm
Phân cảnh Nguyễn Trãi đọc Cáo Bình Ngô trong màn Lam Sơn Đại sự do tập thể lớp 10T thể hiện. Ảnh: Đỗ Thơm
Phân cảnh Nguyễn Trãi uống vò rượu dân làng gửi tặng như lời tiễn biệt ông trước giờ ra đi trong màn Vụ án Lệ Chi Viên do lớp 10i thể hiện. Ảnh: Đỗ Thơm
Màn Lê Thánh Tông giải oan cho Nguyễn Trãi trong vụ án Lệ Chi Viên do tập thể lớp 10M thể hiện. Ảnh: Đỗ Thơm
Buổi báo cáo nhận được sự quan tâm theo dõi của rất nhiều du khách nước ngoài tham quan di tích. Các học sinh của trường đã chủ động mời các du khách cùng chụp ảnh kỷ niệm. Ảnh: Đỗ Thơm
Đỗ Thơm
Theo giaoduc.net
Rèn ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh thông qua dạy học trải nghiệm
Bằng phương pháp dạy tích hợp kiến thức về môi trường thông qua dạy học trải nghiệm, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu đã rèn ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh.
Ngày 11/12, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Lê Chân, Hải Phòng) tổ chức chuyên đề chuyên môn cấp thành phố "Tích hợp kiến thức về môi trường trong môn khoa học thông qua dạy học trải nghiệm".
Tới dự và góp ý với chuyên đề có lãnh đạo Phòng Giáo dục tiểu học - Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng; lãnh đạo quận Lê Chân, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận; lãnh đạo phòng giáo dục và đào tạo các quận, huyện và đông đảo hiệu trưởng, hiệu phó các trường tiểu học trên địa bàn Hải Phòng.
Các tiết mục văn nghệ đặc sắc do học sinh nhà trường biểu diễn (Ảnh: LT)
Mở đầu chuyên đề, các đại biểu được xem những tiết mục văn nghệ sôi động, đặc sắc do các em học sinh nhà trường biểu diễn.
Tiếp đó, các vị đại biểu được trực tiếp xem một tiết dạy bài "Chất dẻo" do cô giáo Đồng Thúy Phượng và các em học sinh lớp 5A1 của nhà trường thực hiện.
Trong tiết dạy này, các em học sinh được cô giáo Phượng truyền đạt các kiến thức, kỹ năng như: nguồn gốc của chất dẻo; nhận biết một số tính chất của chất dẻo.
Tiết dạy bài "Chất dẻo" do cô giáo Đồng Thúy Phượng và các em học sinh lớp 5A1 của nhà trường thực hiện tại chuyên đề (Ảnh: Lã Tiến)
Cô giáo Phượng cũng trang bị cho các em học sinh những kiến thức về công dụng, các bảo quản đồ dùng bằng chất dẻo.
Tiết dạy cuốn hút các vị đại biểu, các thầy cô giáo, bởi cô giáo Đồng Thúy Phượng đã sử dụng những kỹ năng sư phạm chuyên nghiệp, sử dụng thuần thục các phương pháp, hình thức dạy học trải nghiệm.
Qua tiết dạy, các em học sinh đã hiểu về chất dẻo, biết sử dụng các đồ dùng bằng chất dẻo để bảo đảm sức khỏe và bảo vệ môi trường.
Từ đó, giúp các em học sinh có ý thức bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng đồ dùng nhựa một lần, biết phân loại rác trong cuộc sống hàng ngày.
Cô giáo Đồng Thúy Phượng giúp các em học sinh nhận biết một số tính chất của chất dẻo (Ảnh: Lã Tiến)
Ngay sau tiết dạy sinh động, hấp dẫn, lôi cuốn là phần giao lưu dành cho các em học sinh nhà trường.
Thông qua 5 câu hỏi trong trò chơi "Ô cửa bí mật", thông điệp "Hãy chung tay bảo vệ môi trường" đã được truyền tải tới các em học sinh nhà trường.
Tiếp đó, các đại biểu được thưởng thức tiểu phẩm "Dưới hạ giới" do các "Táo" nhí của Trường Tiểu học Võ Thị Sáu biểu diễn.
Khép lại chuyên đề, các em học sinh lớp 5A1 và đông đảo học sinh nhà trường đứng dạy biểu diễn điệu nhảy sôi động, cuốn hút với nhạc bài hát "Trái đất này là của chúng mình".
Cũng tại chuyên đề, các vị đại biểu được tham quan các bàn trưng bày sản phẩm tái chế do học sinh Trường Tiểu học Võ Thị Sáu đã làm trong giờ ra chơi trải nghiệm sáng tạo.
Các em học sinh Trường Tiểu học Võ Thị Sáu được rèn ý thức bảo vệ môi trường thông qua chuyên đề (Ảnh: Lã Tiến)
Theo cô giáo Nguyễn Thị Kim Viên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, trong giai đoạn hiện nay, định hướng quan trọng trong đổi mới phương pháp dạy học là phát huy tính tích cực, tự học và sáng tạo, năng lực giải quyết vấn để ở người học.
Ở bậc tiểu học, môn Khoa học không chỉ giúp học sinh có những hiểu biết về tự nhiên, xã hội, con người mà quan trọng nhất là giúp các em có khả năng vận dụng kiến thức vào thực tế cuộc sống.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy trong việc dạy học môn Khoa học, các nhà trường còn thiên về lý thuyết, tập trung dạy học sinh cách hiểu, cách ghi nhớ các khái niệm, chưa phát huy được tính vận dụng kiến thức khoa học vào thực tiễn.
Một số nhà trường thường chỉ tập trung vào kiến thức đặc thù của bộ môn mà chưa chú trọng trong việc tích hợp các nội dung giáo dục khác.
Cô giáo Nguyễn Thị Kim Viên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu phát biểu tại chuyên đề (Ảnh: Lã Tiến)
"Trước thực tế trên, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu đã đề xuất Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Lê Chân thực hiện chuyên đề chuyên môn cấp thành phố "Tích hợp giáo dục môi trường trong môn Khoa học thông qua dạy học trải nghiệm".
Chuyên đề đã nhận được sự ủng hộ, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của sở, phòng giáo dục quận từ khâu lập kế hoạch đến khâu tổ chức thực hiện", cô giáo Viên nói.
Cô giáo Viên cho biết thêm, chuyên đề "Tích hợp giáo dục môi trường trong môn Khoa học thông qua dạy học trải nghiệm" của Trường Tiểu học Võ Thị Sáu hướng tới 2 nội dung.
Nội dung thứ nhất là giáo dục môi trường với chủ đề "Giảm thiểu rác thải nhựa".
Việc giảm thiểu rác thải nhựa là nhiệm vụ trọng tâm của năm học, được Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Lê Chân chỉ đạo các nhà trường đồng loạt triển khai, trong đó Trường Tiểu học Võ Thị Sáu đã đăng ký triển khai mô hình điểm.
Chuyên đề được tổ chức thành công, nhận được sự đánh giá cao của các cơ quan chuyên môn (Ảnh: Lã Tiến)
"Để thực hiện nội dung giáo dục môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa, Ban giám hiệu nhà trường chỉ đạo các tổ, khối nghiên cứu chương trình, sách giáo khoa và phân loại các bài học.
Qua đó, xác định loại bài đã có nội dung hoặc có khả năng đưa nội dung giáo dục môi trường vào, xác định mức độ tích hợp đến đâu;
Từ đó xây dựng chương trình cụ thể về nội dung tích hợp kiến thức môi trường trong các môn học từ khối 1 đến khối 5", cô giáo Viên chia sẻ.
Cụ thể như ở lớp 5, tiết dạy bài "Chất dẻo" minh họa chuyên đề thuộc dạng bài tích hợp 1 phần về nội dung giáo dục môi trường.
Bên cạnh đó, nhà trường còn lồng ghép kiến thức bảo vệ môi trường thông qua các hoạt động đoàn đội như: tuyên truyền, phát thanh măng non, các giờ ra chơi trải nghiệm sáng tạo...
Các vị đại biểu tham quan bàn trưng bày những sản phẩm tái chế do học sinh nhà trường tự tay làm (Ảnh: Lã Tiến)
Nội dung thứ hai được thể hiện trong chuyên đề của Trường Tiểu học Võ Thị Sáu đó là việc sử dụng linh hoạt, sáng tạo các phương pháp, hình thức dạy học trải nghiệm.
Các phương pháp được sử dụng trong tiết dạy minh họa bài "Chất dẻo" gồm: phương pháp Bàn tay nặn bột; phương pháp trực quan, phương pháp thí nghiệm; phương pháp dạy học theo dự án.
Ngoài ra, cô giáo Đồng Thúy Phượng thực hiện chuyên đề cũng hướng đến sự phối hợp linh hoạt các hình thức tổ chức dạy học, đánh giá theo hướng đổi mới, phù hợp với mục tiêu phát huy năng lực học sinh, nhằm nâng cao chất lượng dạy học.
Chuyên đề chuyên môn cấp thành phố "Tích hợp kiến thức về môi trường trong môn khoa học thông qua dạy học trải nghiệm" của Trường Tiểu học Võ Thị Sáu khép lại đã nhận được những tràng pháo tay vang dội của các vị đại biểu và lãnh đạo, giáo viên các trường tiểu học trên địa bàn Hải Phòng.
Đa số các ý kiến cho rằng, chuyên đề của nhà trường được thực hiện bài bản, công phu, sáng tạo, giúp các em học sinh có dịp được trải nghiệm sáng tạo, tự tin chiếm lĩnh kiến thức trong cuộc sống.
Trường Tiểu học Võ Thị Sáu thực hiện thành công chuyên đề điểm cấp thành phố, qua đó rèn cho học sinh ý thức bảo vệ môi trường (Ảnh: Lã Tiến)
Chuyên đề của Trường Tiểu học Võ Thị Sáu cũng đã giải quyết được những vấn đề mà các nhà trường trên địa bàn thành phố đang mong muốn trong việc dạy học tích hợp.
Thông qua chuyên đề, các phòng giáo dục, trường tiểu học đã nắm được và hiểu được thế nào là dạy học tích hợp.
Phát biểu tại chuyên đề, bà Trần Thu Hằng, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng) đã chúc mừng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu tổ chức thành công chuyên đề.
"Chuyên đề thành công từ việc chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đến nội dung.
Với chủ đề giảm thiểu rác thải nhựa, chuyên đề của nhà trường rất thiết thực, xoay quanh vấn đề mang tính thời sự đang được dư luận quan tâm", bà Hằng nhấn mạnh.
Theo bà Hằng, chuyên đề được thực hiện đã tích hợp kiến thức khoa học trong môn Khoa học thông qua dạy học trải nghiệm với nhiều nội dung như: âm nhạc, mỹ thuật, STEM,...
Qua đó, học sinh dễ chiếm lĩnh kiến thức, ghi nhớ lâu bài học và tự tin, sáng tạo thể hiện khả năng của bản thân.
LÃ TIẾN
Theo giaoduc.net
Dạy học trải nghiệm kết hợp liên môn: Trang bị khả năng tư duy độc lập Chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) mới sắp tới đưa nội dung dạy học trải nghiệm vào dạy ở các khối lớp. Phương pháp dạy học trải nghiệm kết hợp dạy học liên môn sẽ trang bị cho HS khả năng tư duy độc lập để các em chủ động tìm lời giải cho các vấn đề trong các môn học đồng...