Rủ nhau xuống núi học chữ
Sáng sớm tiết trời se lạnh, khi các bạn cùng trang lứa vẫn còn say giấc ngủ, trên núi Chứa Chan (thuộc xã Xuân Trường, H.Xuân Lộc), các em học sinh của Trường tiểu học Xuân Trường đã cặp sách chỉnh tề, gọi hò nhau xuống núi để đi tìm “con chữ”.
Các em nhỏ soi đèn xuống núi đi học. Ảnh: Hải Đình
Gia đình các em sinh sống ở những căn nhà sàn đơn sơ cheo leo bên vách núi Chứa Chan. Vào những ngày đi học, cứ 4 giờ 30, khi trời còn tối mịt, sương sớm phủ dày đặc, nhưng những đôi chân nhỏ vẫn xuống các con dốc để đến trường. Việc dậy sớm, đi lại trên núi cao chẳng dễ dàng chút nào, thế nhưng suốt chặng đường đi, tiếng cười nói của các em vẫn líu lo, xen kẽ tiếng gà rừng gáy vang phá tan sự yên ắng giữa đại ngàn.
* Đi học trong màn sương
Bé Hoàng Ngọc (7 tuổi, học lớp 2/2 Trường tiểu học Xuân Trường) đã quen với việc dậy từ rất sớm. Vào những ngày đi học, cứ 4 giờ là em thức dậy, vệ sinh cá nhân, ăn sáng rồi chuẩn bị cặp sách đến trường. “Việc thức dậy sớm đi học đối với con là bình thường. Buổi sáng sớm con xuống núi đi học với các bạn rất đông vui, con không thấy mệt” – Ngọc nói.
Những bậc đá lên núi có thể là thử thách đối với mỗi du khách khi hành hương lên đỉnh núi Chứa Chan, thế nhưng đối với các cô cậu học trò nhỏ nơi đây, từng bậc đá, từng con dốc đã thật trở nên quá quen thuộc. Vì đó là con đường, mỗi ngày 2 lần các em đến trường và trở về nhà.
Em Trần Hữu Nghĩa, học sinh lớp 3/6 Trường tiểu học Xuân Trường cho biết: “Tụi con thường rủ nhau đi thành từng nhóm, có mang theo đèn pin. Trên đường đi, tụi con thường kể chuyện hay hát hò cùng nhau nên nhiều khi xuống tới chân núi lúc nào không hay”.
Chị Trịnh Nguyễn Đài Cát Phượng, người dân sinh sống trên núi Chứa Chan cho biết, gia đình chị có 2 con đang học lớp 1 và lớp 3 tại Trường tiểu học Xuân Trường. Do nhà ở xa trường nên những ngày đi học, chị cũng phải tranh thủ dậy sớm nấu đồ ăn sáng cho các con.
“Đường đến trường của các con xa và lạnh, nếu không ăn sáng no sẽ không đủ sức 1 ngày 2 lần đi và về, nhất là vào chiều tối khi các con đã thấm mệt nhưng vẫn phải leo dốc để về nhà. Đặc biệt vào những tháng mưa gió thì lại càng vất vả hơn, thường các con về đến nhà thì trời cũng nhá nhem tối, quần áo ướt sũng” – chị Phượng chia sẻ.
Anh Nguyễn Ngọc Tịnh, người dân sinh sống trên núi Chứa Chan cho hay, trong những năm gần đây, đường lên núi đã được Nhà nước quan tâm đầu tư bậc tam cấp nên người dân và các em học sinh lên xuống không bị trơn trượt.
Một số đoạn vắng cũng được đầu tư lắp đèn chiếu sáng để đảm bảo an ninh trật tự cũng như tạo điều kiện đi lại được thuận tiện cho người dân và khách hành hương. Riêng đối với học sinh, để đảm bảo an toàn cho các em đến trường thì phụ huynh thống nhất chia nhau đi cùng các em.
Video đang HOT
Do phải học 2 buổi nên các gia đình sinh sống trên núi Chứa Chan gửi các em ăn uống tại căn tin nhà trường. Đồng thời được Ban giám hiệu nhà trường bố trí chỗ ngủ, nghỉ để đảm bảo sức khỏe cho ca học chiều.
* Đồng hành cùng các em vượt khó
Trường tiểu học Xuân Trường có gần 20 học sinh sinh sống với gia đình trên núi Chứa Chan. Mặc dù hoàn cảnh khó khăn, con đường đến trường của các em cũng đầy hiểm trở, vất vả so với các bạn học đồng trang lứa nhưng không vì thế mà kết quả học tập của các em bị ảnh hưởng.
Chị Trịnh Nguyễn Đài Cát Phượng đang chuẩn bị sách vở cho 2 con xuống núi đi học từ sáng sớm. Ảnh: Hải Đình
Cô Đặng Thị Phương Dung, giáo viên chủ nhiệm lớp 2/2 Trường tiểu học Xuân Trường cho biết, đoạn đường xuống núi vừa xa, vừa khó khăn, vượt qua nhiều con dốc lúc lên, lúc xuống. Đối với người lớn đi còn mệt, huống gì các em học sinh tiểu học thì quả thật quá vất vả. Mặc dù khó khăn như vậy nhưng các em rất ham học, luôn nỗ lực trong học tập, tiếp thu kiến thức rất nhanh.
Cô Nguyễn Thị Hiền, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Xuân Trường cho biết, mặc dù hoàn cảnh đến trường của các em khó khăn nhưng tinh thần học tập rất tốt. Ngay cả khi vào mùa mưa, các em cũng rất ít khi vắng học. Nhà trường cũng tạo điều kiện cho các em chỗ nghỉ trưa vào những ngày phải học 2 buổi. Đồng thời, nhà trường luôn có những phần quà để động viên hay tuyên dương dưới cờ để khích lệ tinh thần học tập của các em. Kết quả những năm học qua, nhiều em học sinh sống trên núi Chứa Chan đạt danh hiệu học sinh tiên tiến, học sinh giỏi.
Để hỗ trợ các học sinh sống trên núi Chứa Chan đến trường, Khu du lịch cáp treo núi Chứa Chan đã miễn phí đi cáp treo cho học sinh có nhà ở gần ga trên của cáp treo. Bên cạnh đó, đơn vị cũng giảm 50% giá vé cho cha mẹ các học sinh này khi lên xuống núi. Ngoài ra vào những dịp lễ, Tết, đơn vị đều tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tặng quà cho các em học sinh nơi đây để động viên tinh thần vượt khó đến trường.
Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn nhiều gia đình sống lưng chừng núi (không gần ga cáp treo) nên con em của các gia đình này, mỗi ngày vẫn lội bộ 2 lần lên và xuống núi để đến trường.
Ông Cao Thái Phương, có nhiều năm làm nhân viên Ban Quản lý Khu di tích núi Chứa Chan – chùa Gia Lào cho biết, các học sinh sinh sống trên này rất thiệt thòi. Ngoài giờ đến trường, các em không được tham gia các hoạt động ngoại khóa như các em nhỏ dưới đồng bằng mà chỉ quây quần chơi với nhau xung quanh núi. Khó khăn là vậy nhưng các em rất hiếu học, nỗ lực vượt khó để đến trường…
Ông Cao Thái Phương, nhân viên Ban Quản lý Khu di tích núi Chứa Chan – chùa Gia Lào cho biết, thời gian qua, đã có nhiều thế hệ học sinh trên núi Chứa Chan khôn lớn trưởng thành, trong đó có nhiều em đã tốt nghiệp đại học và có công ăn việc làm ổn định. Đó cũng là những tấm gương sáng cho các thế hệ đàn em tiếp bước đi lên.
Mưa xuống, dân ở đây đi hái rau rừng, săn sâm phục linh bán đắt tiền
Những ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6, khi cơn mưa chuyển mùa xuất hiện ngày càng nhiều hơn, cây rừng bắt đầu đâm chồi nảy lộc cũng là thời điểm người dân sinh sống tại khu vực núi Chứa Chan, chùa Gia Lào (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) vào mùa hái "rau" rừng, nấm mối và các loại thuốc Nam.
Những loại này được xem là đặc sản của miền sơn cước đang được nhiều người ưa chuộng.
Mấy năm gần đây, bánh xèo núi Chứa Chan đã trở nên nổi tiếng với du khách khi đến tham quan Khu di tích lịch sử - danh thắng núi Chứa Chan vì được ăn kèm với các loại lá rừng như: lá sung, cóc rừng, cát lồi (lá tam lang), lá bứa, lộc vừng... nên có vị rất lạ, đỡ ngán.
Ông Phan Quang Thành (ngụ xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) vào rừng tim hai rau rừng. Ảnh: N.Phương
Những loại lá này còn được người dân nơi đây gọi là "rau rừng". Chính vì vậy, công việc đi tìm hái "rau rừng" cũng ngày càng phát triển, người đi hái ngày một đông, thường là những người lớn tuổi sinh sống, buôn bán đồ lễ dọc theo lối lên chùa Gia Lào.
Đặc sản "rau rừng", bánh xèo núi Chứa Chan
Ông Phan Quang Thành (ngụ ấp Trung Sơn, xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc) cho biết, vợ chồng ông bán bánh xèo trên Khu di tích lịch sử - danh thắng núi Chứa Chan nên vào mùa mưa, ông lại tranh thủ đi hái "rau rừng" về cho vợ bán để kiếm thêm thu nhập.
Cũng theo ông Thành, khi mưa xuống, "rau rừng" non mơn mởn, để hái được nhiều lá non thì phải đi từ sớm, lúc này nắng chưa lên nên lá đỡ bị héo, thời gian bảo quản sẽ lâu hơn. Đối với những loại lá của thân gỗ cao thì phải trèo lên, dùng kèo móc mới giật được đọt non.
Riêng đối với loại rau cát lồi (tam lang) có thân thảo nên thường mọc ở những khu vực thung lũng hay ven những khe suối dễ lấy hơn nhưng phải đề phòng trơn trượt, té ngã sẽ rất nguy hiểm.
Chị Phan Thị Tuyền (ngụ P.Phước Tân, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) không ngớt lời khen bánh xèo khi đi tham quan Khu di tích lịch sử - danh thắng núi Chứa Chan.
Chị Tuyền nhận xét, bánh xèo ở núi Chứa Chan được chế biến theo hương vị của bánh xèo miền Tây quê của chị nên có vị thơm, béo của chất liệu bột và nhân thịt, nhân hải sản bên trong.
"Bánh xèo miền Tây thường ăn với lá lốt, lá đinh lăng, rau cải xanh...chấm chung với nước mắm có vị chua, ngọt vốn dĩ đã ngon. Nhưng bánh xèo tại núi Chứa Chan còn đặc biệt hơn khi ăn kèm với các loại "rau rừng" có hương vị rất riêng, ví dụ lá cóc, lá bứa có vị chua chua; lộc vừng, cát lồi, lá cách có vị chan chát hay nhăng nhẳng đắng. Nhờ ăn kèm với các loại "rau" rừng có mùi vị lạ nên người ăn không cảm thấy ngán do dầu mỡ" - chị Tuyền nói.
Ngoài hái "rau" rừng ăn bánh xèo, những người dân nơi đây còn hái được các sản phẩm khác như: nấm mối, đọt khổ qua rừng, quả bứa (nấu canh chua), trái đác, lá sương sâm (làm nước uống thanh nhiệt)... Trung bình mỗi người cũng kiếm được từ 200-300 ngàn đồng/ngày.
Nhân giống dược liệu rừng
Theo ông Trần Hữu Tính (ngụ ấp Trung Sơn, xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai), người có kinh nghiệm nhiều năm trong hái "rau", dược liệu rừng cho hay, khu vực núi Chứa Chan có rất nhiều cây thuốc Nam có giá trị như: cu li, sâm đất, sâm phục linh, huyết rồng, đỗ trọng, hà thủ ô, chuối hột rừng, mật nhân...Trong số đó, sâm phục linh là quý nhất, giá bán khô từ 450-500 ngàn/kg, hôm nào đi rừng gặp may có thể kiếm được tiền triệu.
Ông Tính cũng cho hay, hầu hết cây thuốc lấy về đều được phơi khô, bán cho khách hành hương đi chùa Gia Lào hoặc bán cho các quầy thuốc Nam tại địa phương và các vùng lân cận.
Thời gian gần đây, nhiều người có nhu cầu mua cây thuốc về trồng nên ông đi đào cây con về ươm bán cho khách như: củ thần thông, cây sâm đất, mật nhân, sương sâm...
Ông Trần Hữu Tính (ngụ xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) uom cay mat nhan đe ban cho du khách
Anh Thái Văn Kiệt (ngụ ấp Trung Sơn, xã Xuân Trường) tâm sự, mấy năm gần đây công việc khuân vác hàng hóa lên núi giảm dần nên thời gian rảnh rỗi anh làm thêm công việc tìm hái "rau" rừng đem bán để có thêm thu nhập.
Thường thì anh sẽ đi hái các loại "rau" rừng theo yêu cầu của khách hàng. Công việc này vào mùa mưa mới có thu nhập cao vì hái được nhiều "rau", tìm được nhiều nấm mối, cũng có thêm thu nhập để lo cho gia đình.
"Hiện nay, tìm kiếm cây thuốc cũng khó khăn hơn. Trước kia chỉ đi vào rừng một đoạn thì đã tìm gặp, nhưng bây giờ phải đi mất cả ngày lặn lội trong các thung lũng nơi có hốc đá sâu hay các khe suối chảy qua. Núi Chứa Chan không lớn nhưng có nhiều thung lũng nên nếu đi không khéo rất dễ bị lạc. Do vậy, thợ rừng phải biết cách xác định hướng hay bẻ cành cây để làm dấu đi đường để còn nhớ lối ra" - ông Tính chia sẻ.
Một trong những khó khăn của người đi hái "rau", nấm, cây thuốc trong rừng đó là vào mùa mưa đi lại trong rừng rất khó khăn, nguy hiểm do trơn trượt, cây gai hay rắn, rết, bọ cạp, muỗi rừng tấn công. Vì vậy, ông Tính đang có ý tưởng sẽ tạo lập một khu vườn cây thuốc Nam để chủ động nguồn hàng cung cấp cho khách.
Bà Lê Thị Thơ, Phó ban Quản lý Khu du lịch cáp treo núi Chứa Chan cho biết, hiện nay đơn vị đã thành lập được một phòng khám thuốc Nam để phục vụ miễn phí cho du khách. Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tạo lập thêm một vườn cây thuốc Nam tại núi Chứa Chan để chủ động hơn nguồn dược liệu phục vụ cho bệnh nhân cũng như các du khách có nhu cầu mua dược liệu "đặc sản" của vùng núi Chứa Chan.
Ông Đặng Đình Hiếu, kiểm lâm viên, Phụ trách bộ phận quản lý bảo vệ rừng thuộc Hạt Kiểm lâm Xuân Lộc - Long Khánh cho hay, trong những năm gần đây, bên cạnh việc tổ chức trồng rừng để phủ xanh đất trống, đồi trọc thì việc quản lý, bảo vệ diện tích rừng tự nhiên tại núi Chứa Chan cũng được đơn vị quản lý, người dân thực hiện rất tốt. Nạn chặt phá cây rừng hay săn bắt thú rừng cũng được kiểm soát triệt để.
Theo ông Hiếu, hiện nay có một số người dân vào rừng tìm hái "rau" hoặc các loại cây thân leo để làm thuốc Nam không gây ảnh hưởng đến tài sản rừng. Nhóm người này chủ yếu là người dân địa phương sinh sống gần núi Chứa Chan, cán bộ kiểm lâm luôn gặp gỡ, nhắc nhở họ không chặt phá cây rừng cũng như sử dụng lửa gây cháy rừng.
Đi học ngày lạnh: Có cặp mang cả 'chăn đôi' đến lớp, để giữ ấm chỉ để hở... cái mặt Trong những ngày đông lạnh giá, việc dậy sớm đi học quả là 'cực hình' với hội học sinh. Nhưng chẳng thể nghỉ học, thế là nhân dịp này các cô cậu học trò lại sáng tạo ra 'bí kíp' chống lạnh. Thời tiết miền Bắc đang bước vào đợt cao điểm của không khí lạnh. Chính vì thế, khi bước ra đường...