Rốt cuộc, phụ nữ kết hôn để làm gì? Có vui hơn hay không?
Sinh ra là con gái đã là khổ, nhưng chọn một tình yêu và hôn nhân sai lầm còn khổ gấp trăm ngàn lần.
Có nhiều người yêu nhau thật sự và kết hôn, có người thì yêu một người lại kết hôn với một người. Mỗi người có mỗi lý do khác nhau để dẫn đến việc kết hôn nhưng ai nào biết kết hôn là bắt đầu cho những điều đau khổ phía sau!
Hai con người với hai cá tính khác nhau lại ngủ chung một giường và ở chung một nhà. Đã là hai con người khác nhau thì ai cũng có sự ích kỉ của bản thân. Khi yêu thì hứa hẹn sẽ xây dựng mái ấm riêng nhưng khi lấy nhau về thì không được như ngày đang yêu. Hai người ít quan tâm nhau và thường xuyên không nhịn nhau vì chuyện thường ngày. Nỗi lo cơm áo gạo tiền càng gánh nặng khi kết hôn. Xung quanh toàn nỗi lo. Sáng sớm dậy để chuẩn bị đi làm, đến tận chiều tối mới về. Tương lai ở đâu khi biết trước ngày mai mình ở công ty. Hai con người và một cuộc sống chung không còn vui như ngày mới yêu.
Phụ nữ không thể nào hiểu nổi… vậy rốt cuộc chúng ta kết hôn để làm gì?
Tôi yêu anh nhiều như anh yêu tôi. Nhưng kết hôn rồi, tôi lại phải thay đổi quá nhiều chỉ để làm vợ của anh. Anh có công việc, nhưng không có nghĩa anh sẽ nuôi tôi, bởi vì tôi cũng có công việc của riêng mình.
Anh kết hôn với tôi bên cạnh anh sẽ có thêm một người bạn, tôi kết hôn với anh bên cạnh tôi đã mất đi cái gia đình nhỏ mà tôi hết mực yêu thương.
Kết hôn với tôi, anh và gia đình vẫn giữ thói quen sinh hoạt hàng ngày, còn tôi phải từ bỏ thói quen sống bao lâu nay.
Nhưng đàn ông cũng phản bác:
Để lấy được tôi anh cũng rất khổ sở. Anh phải có xe đẹp, phải có nhà lầu, phải có tráp ăn hỏi, phải có nhẫn kim cương. Anh phải sống cuộc đời đạm bạc, tiết kiệm tiền cho việc lấy tôi.
Nhưng mà em ơi, làm vợ người khác thực ra rồi cũng sẽ như vậy thôi. Phải lo toan cửa nhà,phải hiếu thuận với bố mẹ… Vì vậy, càng có nhiều phụ nữ ko muốn kết hôn. Đàn ông có thể để dành tiền, phụ nữ không phải trở thành một cô bảo mẫu.
Phụ nữ nói rằng :
Tôi muốn thỉnh thoảng tụ tập bạn bè, chứ không muốn mất đi sự tự do. Tôi muốn ăn những gì mình thích, chứ không muốn trở thành người đàn bà nội trợ.
Tôi muốn thoải mái mua sắm để chưng diện cho bản thân, chứ không muốn mỗi ngày tỉnh dậy phải đau đầu suy nghĩ cách tiết kiệm tiền cho sinh hoạt gia đình.
Tôi muốn làm đứa con bé bỏng của mẹ tôi mãi mãi, chứ không muốn ngày ngày phải sống trong sợ hãi với một bà mẹ chồng khó tính.
Video đang HOT
Tôi muốn mãi mãi là người yêu của nhau, chứ không muốn mình phải trở thành một người vợ tốt, càng không muốn trở thành người mẹ thứ hai của chồng.
Đàn ông đáp lại:
Đã lập gia đình, đương nhiên phải đặt gia đình lên hàng đầu, không được suốt ngày bay nhảy bên ngoài. Đã lập gia đình, đương nhiên phải lăn vào bếp, tự tay nấu những món ăn chồng con ưa thích.
Đã lập gia đình, đương nhiên phải nỗ lực phấn đấu vì tương lai của chúng ta, chia sẻ gánh nặng kinh tế gia đình,chứ không để một mình chồng lo.
Đã lập gia đình, gia đình chồng sẽ là gia đình của vợ. Đã lập gia đình, đương nhiên phải làm tròn bổn phận của người vợ, chăm sóc chồng chu đáo.
Hôn nhân có thật sự đem lại hạnh phúc?
Không phải đời sống hôn nhân lúc nào cũng toàn màu hồng. Khi hôn nhân trở thành một đề tài nhạt nhẽo và đáng sợ nhất trên các phương tiện truyền thông thì tình yêu lại lấy lại vị trí của mình.
Khi nói đến hôn nhân, người ta thường buộc cho nó là thủ phạm làm mất đi nhiều điều hấp dẫn của tình yêu. Tuy nhiên tất cả có thể đặt chung lại dưới một cái tên đó là sự thay đổi về lối sống.
“Hầu hết các cố vấn hôn nhân đều cho rằng đa số những trục trặc, rạn nứt trong gia đình là do hai bên không “giao tiếp và truyền thông (communicate)” với nhau, khiến cho người nầy không hiểu người kia. Thật sự không phải vậy, có lẽ cả hai đã “truyền thông” với nhau quá nhiều cho nên không còn gì để nói nữa. Họ trở thành hai người xa lạ sống chung trong một mái nhà. Tại sao? Lý do chính như sau: Sau khi thành vợ chồng, cả hai đều tăng trưởng về nhiều phương diện trong đó có tình cảm, kiến thức (knowledge) và khát vọng (aspiration). Nếu cả hai đều tăng trưởng cùng chiều thì tốt, bằng không cả hai đều tăng trưởng theo hai hướng khác nhau, khoảng cách tình cảm và hiểu biết giữa họ càng ngày càng lớn, khiến hai người tuy sống chung nhưng xa cách nhau như hai thế giới riêng biệt.” (An Giang – TLVN).
Thực tế cho thấy, hôn nhân không còn là đề tài của những tư tưởng lãng mạn và bay bổng. Người ta lấy nhau vì áp lực của xã hội lẫn nhu cầu có một mái ấm gia đình, một nơi để đi về và một chỗ dựa vững chắc nhiều hơn. Thế nhưng những ai phủ nhận sự tồn tại của cả hai tình yêu và hôn nhân tồn tại song hành thì vẫn chỉ là những người tự lừa dối chính bản thân mình. Nếu như tình yêu là một công việc “freelance” (tự do), thì hôn nhân là một “full-time job” (toàn thời gian) mà bạn phải lao động và làm việc cật lực mới gặt hái được kết quả xứng đáng. Nếu có tình yêu mà không chăm sóc nó thì một ngày nào đó cũng sẽ héo mòn. Đừng vội đổ lỗi cho hôn nhân.
Theo Phununew
Hạnh phúc không chuẩn mực
"Nhiều người yêu nhau, rồi lấy nhau gặp nhiều cú sốc về đời sống gia đình, về người đàn ông của mình. Tôi cũng đã sốc, nhưng là những cú sốc hạnh phúc..."
Vợ chồng Hannah Nguyễn
Còn rất trẻ và cũng không phải là người "văn hay chữ tốt" (như chính Hannah tự nhận) bởi trình độ tiếng Việt được học hành nghiêm chỉnh chỉ ở mức lớp 4, thế nhưng những status về gia đình, chồng con của Hannah Nguyễn, cô gái quản lý 23 thương hiệu mỹ phẩm và nước hoa quốc tế của Công ty Phương Phát, luôn nhận được hàng trăm cho đến hàng nghìn like.
Câu chuyện tình đẫm màu sắc Hollywood của đôi vợ chồng trẻ, những mẩu chuyện gia đình và nhất là những quan niệm về hạnh phúc của Hannah có phần nào đi ngược lại với những quan niệm và hành xử theo nguyên tắc cổ truyền của gia đình Việt Nam được nhiều bạn trẻ, các cặp vợ chồng trẻ, like, bàn luận, tranh cãi với nhau. Thế nhưng dù đồng tình hay không đi chăng nữa thì chẳng ai có thể phủ nhận được rằng, những gì đôi vợ chồng còn rất trẻ nhưng đã có 11 năm ở bên nhau và trải qua những "thăng trầm" của tình yêu, gia đình ấy vẫn khiến nhiều người phải ganh tị.
Trai ham tài, gái ham sắc
10 tuổi, Hannah đã theo gia đình sang Mỹ. Dù sống trong một xã hội hiện đại, nhưng ba mẹ Hannah luôn giữ nền nếp, truyến thống của gia đình Việt Nam. Chín người anh chị của cô đều tuân thủ theo những nền nếp ấy, chỉ có cô con gái út Hannah ngay từ bé đã có tính cách nổi loạn. 17 tuổi, Hannah đã yêu, mối tình đầu tuổi học trò của cô say đắm, mãnh liệt. Hai năm sau thì nó tan vỡ để lại trong lòng cô gái trẻ một vết thương quá sâu.
Để mau chóng xóa nhòa nỗi đau ấy, Hannah quen với một người bạn mới và chuyến về Việt Nam đầu tiên sau 10 năm xa nhà cô biết có người đó chờ cô ở sân bay. Thế nhưng, định mệnh lại xui khiến cô gặp anh, chàng trai Nguyễn Khắc Hiếu cũng về nước nghỉ giữa khoảng thời gian học master ở Mỹ. Thấy cô gái bối rối, lúng túng vì hành lý thất lạc, anh hỏi thăm và giúp đỡ cô. Định mệnh của họ đến như vậy, rất giống với câu chuyện tình yêu của nhiều bộ phim tình cảm lãng mạn của Hollywood: bắt đầu từ một "tai nạn" ở sân bay.
Điều gì khiến cô và anh bắt đầu tình yêu với nhau, khi mà cô lúc ấy còn quá trẻ, chỉ mới 20, còn anh đã là một người đàn ông ở tuổi 28 chín chắn, hơn nữa cô và anh lớn lên trong hai gia đình có những quan điểm, chính kiến hoàn toàn ngược nhau? Với Hannah đó hoàn toàn không phải là tình yêu sét đánh, càng không phải là mối tình say đắm nhưng là một tình yêu ngấm dần, bền chắc.
Còn Khắc Hiếu, ấn tượng đầu tiên của anh là "cô ấy dễ gần, dễ thương quá". Lần cô hẹn cà phê để cám ơn, lúc hai người ra về, trời đổ mưa lớn, cô gái Việt kiều xinh đẹp hồn nhiên và giản dị ngồi sau xe anh, núp dưới vạt sau chiếc áo mưa của anh để anh đưa về. Sau đó cùng Hannah về quê, anh nhìn thấy cô trò chuyện với người làng tới thăm rất thân thiết, dù cô gái đã rời quê cả chục năm trời.
Còn với Hannah, tình yêu đến đúng nghĩa "gái ham tài" khi cô phát hiện ra rằng anh rất thông minh: "Anh ấy và tôi học hai chuyên ngành hoàn toàn khác nhau, thế mà tôi gặp khó khăn gì với các môn, kể cả toán học, anh ấy đều chỉ dẫn cho tôi được". Tôi hỏi anh tại sao, anh bảo: "Tất cả mọi thứ trên đời đều có logic của nó, nắm được logic thì suy luận ra thôi".
Khác với bạn bè cùng trang lứa có lối sống hiện đại, Hannah bảo khi quen và yêu ai, điều cô nghĩ tới luôn là: mình sẽ cưới người ấy và sống với người ấy trọn đời. Và vì thế, nguyên tắc đầu tiên của cô là phải hết sức chân thành và chân thật với nhau. Họ đã kể cho nhau hết về quá khứ. Hannah còn nhớ ngày cô nói với anh về tình yêu say đắm xa xưa của mình.
"Chúng tôi ở hai bang cách nhau đến sáu tiếng đồng hồ bay. Mỗi ngày, chúng tôi để điện thoại mở với nhau đến 18 tiếng đồng hồ, để người này có thể biết người kia làm gì, thậm chí có thể nghe thấy nhau ngáy khi ngủ. Rồi một lần, khi tôi kể cho anh nghe về mối tình say đắm thời học sinh của tôi, anh im lặng rất lâu, phải tới 50 phút. Qua cơn sốc rồi, anh mới trả lời tôi rằng với anh quá khứ không quan trọng".
18 tiếng đồng hồ mỗi ngày "bên nhau" trên điện thoại và những chuyến bay qua, bay về thăm nhau cùng quan niệm thẳng thắn, chân thành và tôn trọng lẫn nhau đã giúp họ có đủ thời gian và điều kiện bộc lộ tất cả những quan điểm sống, suy nghĩ về cuộc đời, về gia đình... Anh đã cho cô một cảm giác bình yên, và vì vậy, khi anh hỏi cô: "Anh sắp tốt nghiệp và chuẩn bị về nước, em có hai lựa chọn: nếu em đồng ý thì đến với anh, chúng ta kết hôn, còn nếu không thì anh sẽ về nước và chúng ta không bao giờ gặp nhau nữa".
Sự bình yên mà anh mang đến cho tôi suốt thời gian bên nhau khiến tôi hiểu rằng mình có thể đi cùng người đàn ông này đến cuối cuộc đời". Cô thu dọn đồ đạc, báo với ba mẹ rằng mình tới North Carolina để học đại học và ra đi. 19 tuổi, cô con gái út là người đầu tiên rời khỏi gia đình ra ngoài tự lập sống, với ba mẹ Hannah đó là một cú sốc, ba cô giận cô suốt hai năm sau đó. Nhưng với Hannah đó là bước ngoặt lớn trong đời. Cho đến bây giờ, 11 năm sau, với họ, đó là một bước ngoặt đầy hạnh phúc.
Gia đình nhỏ của chị
Những cơn sốc và khủng hoảng gia đình
"Nhiều người yêu nhau, rồi lấy nhau gặp nhiều cú sốc về đời sống gia đình, về người đàn ông của mình. Tôi cũng đã sốc, nhưng là những cú sốc hạnh phúc. Ngày quyết định yêu anh, tôi chỉ nghĩ đến một người đàn ông thông minh, rất yêu mình, một người sẽ cùng tôi chăm sóc gia đình rất tốt, nhưng ở bên nhau rồi, càng ngày tôi càng nhận ra anh là một người chồng, một người cha tuyệt vời".
20 tuổi, trẻ trung, xinh đẹp, thông minh, cá tính và... ham chơi, xách va li ra khỏi nhà "theo trai", cuộc đời của Hannah có thể sẽ giống như nhiều cô gái Mỹ khác, gặp khó khăn, thậm chí bất hạnh với tình yêu xốc nổi. Thế nhưng với người đàn ông chín chắn và trách nhiệm này, cô đã được ủng hộ, giúp đỡ hết sức để tiếp tục con đường học hành. Ngày còn đi học, sức học của Hannah chỉ ở mức bình thường 3.1, 3.2.
Thế nhưng từ ngày theo anh, cô luôn đứng trong tốp 10% học sinh giỏi nhất của trường. Anh là người dìu dắt cô kiên định theo đuổi mục tiêu học tập, những con đường phải đi, những công việc phải làm cho tương lai của mình và gia đình. Tính cách, bản lĩnh làm gì là quyết theo đuổi tới cùng, tới hết sức của mình, không bao giờ bỏ cuộc nửa chừng và không bao giờ hối hận của anh là một trong những điều lớn nhất Hannah học được từ chồng.
Thế nhưng những "cú sốc" lớn mà Hannah nhận được từ chồng lại bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt: khi đi cầu thang, anh luôn đi trước đề phòng vợ mình vấp té, đi trên đường anh luôn đi phần bên ngoài đề phòng va chạm, những ngày sinh con, nửa đêm thức dậy vắt sữa, cô luôn thấy chồng để sẵn trái chuối bên chiếc ghế cô hay ngồi, khi anh đi công tác, thức dậy là cô đã thấy trên bàn anh để sẵn thuốc cho con. Anh là người chăm con, đút cháo cho con, chơi đùa với con trong tất cả mọi thời gian rảnh của mình. Những điều nho nhỏ ấy khiến cô cảm động và hạnh phúc.
"Ngược lại, anh ấy cũng sốc về tôi, nhưng chắc là theo chiều ngược lại". Hannah cười khi tự nhận xét về mình trong hôn nhân. Thấy cô dịu dàng, nhỏ nhắn, xinh đẹp, chẳng ai có thể hiểu được sự cứng rắn, bản lĩnh thậm chí cả tính cách nóng nảy, cương quyết của Hannah. Thế nhưng, chính điều đó đã góp phần nào mang đến hạnh phúc cho gia đình của họ. Như mọi gia đình trẻ khác, tổ ấm của Hannah đã từng trải qua sóng gió bắt nguồn từ thói quen, từ những khác biệt, từ công việc và cả những lần một trong hai người bất chợt "lạc lối".
Anh Khắc Hiếu làm trong lĩnh vực xây dựng, anh có nhiều mối quan hệ ngoại giao và thường xuyên phải gặp gỡ, bàn bạc... trên bàn nhậu. Sau một thời gian chịu đựng, càm ràm, Hannah thấy mọi việc không ổn, cô nói chuyện thẳng thắn với chồng: "Em biết rằng những người vợ của các bạn anh cũng không thích chuyện chồng đi nhậu liên tục như em, nhưng họ chấp nhận hoặc chịu đựng, còn em, em không chấp nhận. Nếu anh muốn sống như thế thì anh đi ra khỏi cuộc sống của em. Còn nếu anh vẫn muốn sống bên cạnh em thì hãy thay đổi". Sự cương quyết của cô khiến chồng phả i điều chỉnh cuộc sống của mình.
Có một status của Hannah trên trang cá nhân của cô như sau: "Thấy cô bạn ngày ngày đợi chồng đi toilet, đi tắm để kiểm tra điện thoại mà thương quá, vì lúc nào cũng phải canh chừng, phải cảnh giác chắc mệt mỏi lắm. Mà chồng không phải là đồ vật và mình cũng không có nhiệm vụ phải canh. Cứ cho mấy ổng thoải mái tự do đi. Đến khi tin chắc là lão nhà đang có vấn đề thì hãy quang minh chính đại tịch thu hết điện thoại, máy tính, rồi load phần mềm truy cập những tin nhắn và email đã xóa (google đầy phần mềm, tự tìm đi nhé)... Hình phạt nặng nhất với mấy ông ngoại tình là vợ đá đít cho tự do đến với bồ đó, nhớ nhé!".
Kể về status này Hannah bảo: "Khi chấp nhận về Việt Nam lập nghiệp cùng chồng là tôi đã biết rõ một thực trạng: ở Việt Nam, những người vợ và chồng ra ngoài đi làm thường rất hay bị "say nắng" bởi các mối quan hệ công việc hay tình cờ. Cả hai chúng tôi đều hiểu rằng người này sẽ không bao giờ tha thứ cho việc ngoại tình của người kia, đừng bao giờ mong chờ ở nhau một cơ hội thứ hai".
Như Hannah từng nói với chồng: "Em có thể lấy người ít đẹp trai hơn anh, ít thông minh hơn anh, làm ra tiền ít hơn anh, nhưng người đó phải là người đàn ông của riêng em!". Cho nên khi có chút rung rinh nào trong lòng thì cả hai đều phải lập tức ngừng lại mà suy nghĩ xem có đáng để đánh đổi hạnh phúc mà họ đang có hay không. Chính nhờ việc xác định những điểm dừng kịp lúc mà dù cả hai đều trẻ trung, đẹp và đều có vị trí cao trong xã hội, nhưng hình như họ đều luôn cản được những cơn sóng gió ập tới ngay trước cửa ngôi nhà của mình bằng sự bình tĩnh, can đảm và cương quyết.
Miễn được ăn ngủ cùng nhau
Hạnh phúc bên con
Có một lần, trong bữa ăn ngon, Hannah hỏi chồng: "Em hỏi thiệt anh nhé, anh có ước bữa ăn này là do chính em nấu hay không?". Anh Hiếu trả lời vợ: "Không, chả khác biệt gì cả. Anh muốn em được nghỉ ngơi và anh cũng không muốn đi làm về phải lăn vào phụ em". Hạnh phúc của họ là hàng ngày, sau những giờ làm việc mệt mỏi, về nhà được quây quần chơi đùa, nghỉ ngơi chăm sóc lẫn nhau, là thỉnh thoảng gửi con cho người thân và đi hưởng thụ những ngày thư giãn hạnh phúc.
Hannah bảo cô không phải người vợ đảm theo tiêu chuẩn của Việt Nam. Cô không thích nấu cơm và rửa chén bát. Cô chia sẻ với chồng những ý tưởng kinh doanh hay bàn luận về các vấn đề cuộc sống, công việc. Cô dạy con tự lập ngay từ khi còn rất nhỏ và khẳng định: "Làm mẹ cực hay nhàn là do cách mình dạy con". Khi cô chia sẻ những quan niệm về hạnh phúc của mình trên trang cá nhân "Hạnh phúc không nhất thiết phải theo chuẩn mực của đám đông. Hãy sống sao cho hợp với hoàn cảnh và sự mong muốn của mình là đủ".
Đúng, sai, còn nhiều bàn luận, còn phải trải nghiệm theo thời gian, nhưng cô và chồng tin vào điều mình chọn lựa. Và vì thế, vào kỷ niệm 10 năm ngày sống bên nhau, khi cô viết cho chồng: "3.650 ngày bên nhau chúng mình đã kịp khám phá trên 30 nước với hơn 100 thành phố, cãi nhau 290 lần, dùng chung 3.080 bữa tối, trao 3.000 nụ hôn, và cho ra đời một em bé siêu đáng yêu", anh đã trả lời cô: "Ơ, sao em không tính 1.000 nụ hôn anh hôn em lúc em ngủ".
Theo PNO
Em có thai với người khác, anh cưới hay không thì tùy Yêu nhau 7 năm trời, cuối cùng cô ấy nói đã có thai với người đàn ông khác. Tôi không thể bỏ, bởi vì tôi biết, lỗi này là vì tôi! Tôi may mắn yêu được một người con gái ngoan hiền, chung lưng đấu cật với tôi suốt bao năm qua. Từ khi tôi mới ra trường, tay trắng, không có một...