“Rồng vàng” đồng loạt VÀO LỚP 1, bố mẹ khóc cười vì những tình huống “ngượng” không đỡ nổi
Các bé sinh năm 2012 Nhâm Thìn đã đồng loạt nhập học năm học 2018 – 2019. Buổi đầu tiên cùng con tới trường, nhận lớp, các bậc phụ huynh cũng cảm thấy hồi hộp không kém.
“Ngày đầu như thế đó…!”
Hiện trẻ 6 tuổi trên địa bàn TP. Hà Nội đã hoàn tất thủ tục nhập học vào lớp 1. Các bé đã có ngày đầu tiên tới trường nhận lớp, nhận cô trong sự hồi hộp, háo hức và nhiều bỡ ngỡ.
Chia sẻ với PV Em Đẹp, chị Huyền Linh (Q. Cầu Giấy, Hà Nội) khẳng định chị không gây áp lực với con, cũng không tự áp lực con phải học hành giỏi giang khi con vào lớp 1. “Chỉ là nghĩ không biết con sẽ thích nghi như thế nào chứ không lo lắng vì bạn ấy cũng thích đi học“, chị Linh nói.
Buổi đầu tiên nhập học tại một trường tiểu học trên địa bàn thủ đô Hà Nội.
Ngày đầu tiên tới trường, cậu bé “chỉ mơ ước làm siêu nhân” đã khiến bậc phụ huynh “mắt tròn mắt dẹt” bởi cái cách cậu tự tin nắm tay bạn gái đi thẳng vào lớp học.
Trong khi bạn bên cạnh không thấy mẹ vài giây là khóc toáng lên, ngồi trong hàng thì các bạn ngước lên sân khấu, còn bạn nhìn xuống cuối hàng, chân tay ngọ nguậy.
“Cậu bé siêu nhân” tự tin nắm tay bạn vào lớp khiến mẹ 8x mừng rơi nước mắt.
Còn chị Thúy Na (Q. Gia Lâm, Hà Nội) hốt hoảng khi thấy con gái “sưng mặt lên” sau khi đi nhận lớp về. Hỏi làm sao, con mếu máo bảo: “Con giơ tay xung phong làm lớp trưởng mà không được cô chọn“. Nghe con nói, chị Na cười ngặt nghẽo, đành dỗ dành “ Vì con bé nên cô chưa cho con làm lớp trưởng”.
Con háo hức, mẹ vui nhưng…thấp thỏm
Ngày đầu tới nhận lớp, nhận cô, con trai chị Trần Thịnh An (Hà Nội) cảm giác vô cùng hồi hộp, lo lắng. Cu cậu luôn miệng bảo “Con không thích vào lớp 1 đâu. Mẹ chọn cô nào hiền hiền ấy”.
Vậy mà khi tới trường, cảm giác lo âu trong “chàng sinh viên lớp 1″ tan biến. Con được các cô tổ chức văn nghệ chào đón với nhiều bài hát, tiểu phẩm và các nhân vật yêu thích như Doreamon.
Con trai vui vẻ trong buổi đầu tiên tới trường là một tín hiệu đáng mừng với chị Thịnh An.
Các con xem biểu diễn văn nghệ có các cô trông, còn bố mẹ yên tâm họp phụ huynh ở lớp. Cuối buổi, bạn nào cũng được gói bim bim kèm hộp sữa tươi. Không chỉ vậy, con còn được gặp bạn cũ cùng trường nầm non, niềm vui nhân lên gấp đôi.
Không biết luc đi học con có sợ không nhưng ấn tượng buổi đầu tiên đi học là quá vui với mẹ con chị An.
Theo cảm nhận của chị An, con trai khá sợ học, lại sinh cuối năm 2012, đi học “non” so với các bạn nên chị không ép con học sớm.
Một tháng trước khi vào năm học, chị An mới cho con làm quen với mặt chữ. “Bước chân vào học là vất vả. Thấm thía từ việc học của con gái lớn nên tôi xác định không ép con học sớm, để con chơi nốt, thảnh thơi bước vào lớp 1“, chị An chia sẻ.
Cũng chung tâm trạng đó, chị Đỗ Ngọc (Q. Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cảm giác “háo hức hơn cả con” khi đưa hai con sinh đôi nhập học.
Tuy nhiên, niềm hân hoan qua đi, còn lại phía sau là “trường kỳ kháng chiến với cơm áo gạo tiền để đóng học phí cho con”. Mong muốn con có môi trường giáo dục tốt, phát triển đầy đủ các kỹ năng, chị Ngọc đã “nghiến răng” chi tiền đăng ký cho hai con học trường quốc tế.
“Bản thân mình cũng “thất học” chục năm nay, chứng kiến buổi chào mừng dành cho các con hoành tráng mà xúc động vô bờ. Hai đứa tự chọn chỗ ngồi, học ở hai lớp khác nhau mà vị trí chọn giống y hết nhau. Chuẩn là sinh đôi nên kiểu gì cũng có chút “liên quan”. Ưng nhất là mỗi lớp sĩ số chỉ 26 – 27 bạn. Các con hào hứng với việc đi học, chỉ mong các con giữ được niềm vui vẻ, hào hứng mỗi khi tới trường“, chị Ngọc bộc bạch.
Những cách đơn giản giúp con tạo tâm thế sẵn sàng vào lớp 1
“ Làm sao để con thích học?” luôn là câu hỏi khiến các bậc phụ huynh đau đầu mỗi khi năm học tới gần, đặc biệt là phụ huynh có con bước vào lớp 1. Theo TS. Vũ Thu Hương (ĐH Sư phạm Hà Nội), sau vài năm học mầm non, trẻ 6 tuổi vẫn hết sức ngây thơ, đặc biệt với sự chăm sóc tận răng của các bố mẹ ngày nay.
Nếu không có sự chuẩn bị kỹ càng, các con hoàn toàn chưa sẵn sàng cho một cuộc vất vả học hành. TS. Thu Hương đã từng gặp trường hợp bé trai nhập học lớp 1 nhưng không biết…nhai do mẹ cho ăn cháo và cơm nghiền suốt 6 năm đầu đời. Con thật sự gặp khó khăn khi không thể ăn bất cứ thứ gì ở trường.
TS. Vũ Thu Hương, Đại học Sư Phạm Hà Nội.
“Đây có lẽ là câu chuyện hãn hữu xảy ra. Tuy nhiên, số trẻ chưa biết xúc ăn vào tuổi lên 6 không hề ít. Các bạn còn không biết tự đi vệ sinh, cách đi lại để không bị va chạm, chen lấn, xô đẩy. Có bạn nhỏ không biết cách tự mặc áo, quàng khăn khi trời lạnh, bỏ bớt khăn áo khi trời nóng. Lớp tiểu học rất đông nên cô giáo sẽ không thể giúp từng con.
Vì thế, nhiều bạn gặp khó khăn thật sự khi bắt đầu vào học lớp 1. Có bạn thấy sách đẹp là xé hoặc cắt ra. Có bạn ngồi cả buổi gọt bút chì đến khi quá ngắn, không viết được nữa. Phần lớn các bạn liên tục mất đồ dùng học tập, vẽ linh tinh vào sách vở.
Đang quen với việc vui chơi, vận động tự do ở bậc mầm non, khi vào lớp 1, các bạn nhỏ sẽ rất khó chịu với thời gian biểu toàn ngồi. Ngọ ngậy, nghịch ngợm, trêu bạn là việc không thể tránh khỏi. Có bạn khóc lóc, ghét đến trường, phá phách, gây sự với bố mẹ để được ở nhà.
Từ chỗ chơi tự do đến chỗ có bài tập phải làm là một khoảng cách cực xa. Việc các bạn không chấp nhận nổi và cũng ko chịu làm bài tập sẽ kéo theo roi vọt, quát mắng của bố mẹ. Từ đây, trẻ stress là điều dễ hiểu”, TS. Thu Hương cho biết.
Theo quan điểm của TS. Thu Hương, việc học chữ, học số chỉ cần một thời gian ngắn là con có thể làm được. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là cha mẹ cần tạo ấn tượng đẹp cho trẻ trong ngày đầu tới trường, khơi dậy niềm hứng thú, tâm thế sẵn sàng vào lớp 1, để con cảm thấy việc đi học không quá đáng sợ.
Cha mẹ khơi dậy niềm yêu thích học hành cho con bằng cách bắt đầu từ lúc này, mỗi khi đưa con qua các cổng trường tiểu học, nếu có thể thì cho con vào trường tham quan, chỉ cho con: “Đây là trường tiểu học, khi nào con 6 tuổi, con sẽ ĐƯỢC vào đó học con nhé”.
Bên cạnh đó, cha mẹ có thể áp dụng bí kíp kể chuyện về thời tiểu học của mình cho con nghe. Những câu chuyện vui buổn, kỷ niệm, mô tả về trường tiểu học của bố mẹ sẽ giúp con định hình rõ ràng hơn về một nơi mà con sắp đến, cảm thấy mình đúng là một thành viên của ngôi trường dẽ thương kia.
Bước cuối cùng cha mẹ cần làm là “biến ngày đầu tiên con tới trường thành ngày hội lớn”. Đưa con đi sắm sửa đồ dùng học tập, cùng con bọc vở, xếp đồ dùng học tập, chiêu đãi con và cả nhà bằng một bữa ăn ngon… Sau ngày vui đó, con sẽ chính thức bước vào guồng học tập ở trường.
“Mong các cha mẹ đừng vội vàng tính điểm, hãy giúp con có nhiều niềm vui và tâm thế đến trường. Khi đó, con sẽ hào hứng và chịu khó học tập hơn nhiều”, TS. Thu Hương hy vọng.
Thu Hà
(Ảnh: NVCC)
Theo emdep.vn
Quảng Ngãi: Dạy cho học sinh vùng cao nói tiếng Việt trước khi vào lớp 1
Thời điểm này, những điểm trường tiểu học ở các huyện vùng cao Quảng Ngãi đã vang lên tiếng ê a của học sinh. Đây là những học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số đến trường sớm để tập nói tiếng Việt trước khi vào lớp 1.
Tập cho học sinh vùng cao nói tiếng Việt trước khi vào lớp 1
Cô Phạm Thị Bích Ngân (trường Tiểu học Sơn Dung, huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi) bắt đầu công tác giảng dạy sớm hơn đồng nghiệp gần 1 tháng. Cô Ngân cùng 4 giáo viên khác được phân công tập nói tiếng Việt cho 91 học sinh người dân tộc thiểu số chuẩn bị bước vào lớp 1 của trường Tiểu học Sơn Dung.
Theo cô Ngân, số trẻ em người dân tộc thiểu số từ 3 - 5 tuổi chủ yếu giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ. Đối với trẻ từ 5 - 6 tuổi có thể giao tiếp bằng tiếng Việt, tuy nhiên phần lớn các em chỉ sử dụng tiếng Việt ở trường, khi về nhà vẫn sử dụng tiếng mẹ đẻ. Điều này khiến các em gặp nhiều hạn chế trong việc giao tiếp và khó khăn khi tiếp thu, lĩnh hội kiến thức khi bước vào lớp 1.
Giáo viên huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) hướng dẫn cho học sinh tập tô chữ cái tiếng Việt.
Chính vì vậy, cô Ngân có nhiệm vụ giúp các em có thói quen nói tiếng Việt thường xuyên, hướng dẫn các em cách phát âm chuẩn, cách nhận diện chữ cái, tập tô nét, nhận biết chữ số. Đồng thời rèn luyện để các em có thể nói được một câu hoàn chỉnh, biết chào hỏi thầy cô, bạn bè, người thân...
"Các em vốn quen nói tiếng mẹ đẻ nên cách phát âm, câu chữ, cách ứng xử không phù hợp với chương trình giáo dục trên lớp. Vì vậy giáo viên phải giúp các em nói được những câu hoàn chỉnh, phát âm chuẩn tiếng Việt. Sử dụng thành thạo tiếng Việt sẽ giúp các em tiếp thu bài tốt hơn và hòa nhập với bạn bè khi vào lớp 1", cô Ngân chia sẻ.
Ông Nguyễn Minh Anh - Phó trưởng Phòng GD-ĐT huyện Sơn Tây cho biết: Huyện Sơn Tây có trên 90% học sinh là người dân tộc thiểu số. Việc các em nói không rành tiếng Việt ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình tiếp thu kiến thức trên lớp. Do đó, hoạt động tập nói tiếng Việt được đơn vị triển khai nghiêm túc theo chỉ đạo của Sở GD-ĐT.
Trong năm học 2018-2019, huyện Sơn Tây có 497 học sinh được tập nói tiếng Việt trước khi vào lớp 1. Đến thời điểm này tất cả các điểm trường tiểu học đã triển khai thực hiện.
"Để thay đổi thói quen giao tiếp, giúp các em làm quen với cách phát âm, chữ viết tiếng Việt trong vòng 1 tháng là khá khó khăn. Nếu không có biện pháp phù hợp và quyết tâm thì hiệu quả sẽ không cao. Vì vậy hoạt động này được phòng quan tâm kiểm tra thường xuyên", ông Anh nhấn mạnh.
Theo bà Lê Thị Kim Ánh - Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ngãi), hoạt động tập nói tiếng Việt cho học sinh người dân tộc thiểu số đã được triển khai từ nhiều năm học trước. Tuy nhiên chỉ một số ít trường có điều kiện thuận lợi tổ chức thực hiện. Do đó còn nhiều học sinh gặp khó khăn khi sử dụng tiếng Việt, riêng trong năm học 2017-2018 có 743 học sinh người dân tộc thiểu số không hoàn môn tiếng Việt.
"Các em còn hạn chế về tiếng Việt sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc tiếp thu kiến thức, hạn chế về mặt giao tiếp. Vì vậy, hoạt động tập nói tiếng Việt trước khi vào lớp 1 cần phải được triển khai bắt buộc ở tất cả các điểm trường có học sinh dân tộc thiểu số. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành quyết định 80 về triển khai đề án Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025", bà Ánh cho biết.
Học sinh người dân tộc thiểu số được tập nói tiếng Việt sẽ tiếp thu kiến thức tốt hơn khi vào lớp 1
Năm học 2018-2019 là năm đầu tiên triển khai hoạt động tập nói tiếng Việt ở tất cả các điểm trường tiểu học của 6 huyện miền núi và 3 huyện đồng bằng có học sinh người dân tộc thiểu số chuẩn bị vào lớp 1. Tổng số học sinh tham gia hoạt động này là 4.900 em.
Ngay từ trong hè, Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức tập huấn cho gần 400 cán bộ, giáo viên tiểu học. Đảm bảo 100% giáo viên trực tiếp đứng lớp tập nói tiếng Việt cho các em phải nắm rõ nội dung, phương pháp thực hiện.
"Mục tiêu cuối cùng là giúp học sinh dân tộc thiểu số sử dụng thành thạo tiếng Việt, đây là tiền đề để có thể nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao. Vì vậy, chúng tôi tổ chức kiểm tra chặt chẽ hoạt động này tại các điểm trường. Đảm bảo 100% điểm trường có học sinh dân tộc thiểu số phải triển khai thực hiện. Qua hoạt động kiểm tra chúng tôi cũng theo dõi, ghi nhận sự tiến bộ của các em để đánh giá hiệu quả thực hiện", bà Lê Thị Kim Ánh nói.
Quốc Triều
Theo Dân trí
Nếu mắc phải 5 điều này, bố mẹ sẽ khiến con sợ đi học ngay từ "vạch xuất phát" Lớp 1 được coi là "vạch xuất phát" cho hành trình học hành của mỗi bạn nhỏ, vì thế, sự chuẩn bị của bố mẹ cho năm học đầu tiên có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Trẻ có yêu thích học tập hay thất bại ngay từ vạch xuất phát đều là do sự chuẩn bị tâm thế cho con vào lớp...