Rợn người với những tập tục kỳ dị chỉ có ở Indonesia
Phơi xác người chết, đâm nhau trong lễ hội hay chặt ngón tay… Nhiều bộ lạc ở Indonesia vẫn còn lưu truyền các tập tục cổ xưa, kỳ dị và rất man rợ.
Quần đảo Indonesia rộng lớn là một trong những xã hội đa dạng nhất trên thế giới. Ngăn cách bởi biển, cư dân ở mỗi đảo sống tách biệt, có ngôn ngữ, phong tục và cách sống riêng. Mặc dù đất nước phát triển hiện đại hóa, rất nhiều bộ lạc ở Indonesia vẫn lưu truyền những nghi thức và truyền thống cổ xưa. Ở đây bao gồm những nghi thức độc nhất, phản ánh bản sắc của bộ lạc và gây hiếu kỳ cho du khách. Ảnh: @titirahmaningtiyas.
Tục thay quần áo mới cho người chết (Ma’nene) : Bộ tộc Toraja ở vùng núi Tana Toraja, Sulawesi (Indonesia) có truyền thống rất kỳ lạ. Họ đưa người thân đã chết ra khỏi ngôi mộ và thực hiện nghi lễ Ma’nene. Nghi lễ là một cách để người Toraja thể hiện sự tôn trọng với người đã khuất, thậm chí rất lâu sau khi cái chết đã xảy ra. Ảnh: Indonesiakaya.
Cứ ba năm một lần, xác chết sẽ được khai quật, rửa sạch, lau chùi và mặc quần áo (thường là quần áo đẹp nhất hoặc yêu thích của người quá cố), rồi đi vòng quanh làng. Sau buổi lễ, gia đình sẽ chụp ảnh với người đó và đưa họ trở lại ngôi mộ. Người Toraja tin rằng bằng cách làm điều này, linh hồn của người đã khuất sẽ ban phước cho họ. Ảnh: Associated Press , Indoindians .
Hình nộm người chết (Tau Tau) : Cũng là một truyền thống từ Tana Toraja, Tau Tau là hình nộm chạm khắc từ gỗ hoặc tre đại diện cho người đã chết, thường giống người đó và có thể tìm thấy gần mộ. Người Toraja tin rằng linh hồn của người chết sẽ tiếp tục sống qua Tau Tau và phục vụ như người bảo vệ ngôi mộ. Ảnh: Indoindians .
Tại một ngôi mộ gọi là Kuburan Batu Lemo, 75 lỗ trong một bức tường đá được lấp đầy bởi Tau Tau. Ngôi mộ này ước tính đã xây dựng từ thế kỷ XVI, là ngôi mộ lâu đời thứ hai ở Toraja. Ảnh: Endyallorante, Mawar-rini, Carolatravelstheworld.
Chôn trẻ sơ sinh chết trong lỗ cây (Passiliran): Người Toraja còn có một nghĩa trang bé ở gốc cây. Đối với họ, trẻ dưới sáu tháng tuổi (và không có răng) được coi là thiêng liêng. Vì vậy, nếu các em bé Toraja chết trước sáu tháng tuổi, cha mẹ sẽ bọc bằng lá Enau và chôn xác bên trong lỗ của một cây Tarra, tượng trưng cho sự trở về bụng mẹ của em bé. Ảnh: Krisbiiantoandyha, Baltyra.
Mặc dù truyền thống này đang dần biến mất, những ngôi mộ bé này vẫn có thể tìm thấy ở Tana Toraja như một cách bảo tồn văn hóa. Ảnh: Soloraya.
Nghi lễ tắm sọ người (Nyobeng): Ngoài tục lệ đào xác người thân, bộ tộc Dayak có truyền thống tắm hộp sọ của kẻ thù làng. Nghi thức thiêng liêng, độc lạ nhưng ghê rợn này gọi là Nyobeng. Từ nhiều năm trước, người Dayak thu gom hộp sọ người bị giết trong Mengayau (tục săn đầu kẻ thù, người bộ lạc khác). Hàng năm, họ cử hành nghi thức Nyobeng để tắm và làm sạch những hộp sọ đó. Ảnh: Arief-noegroho, Dodon_jerry.
Video đang HOT
Bộ lạc này tin rằng hộp sọ khô của con người có phép thuật mạnh giúp cho mùa màng bội thu và xua đuổi tà ma. Mặc dù đã bị chính quyền cấm, nghi thức Nyobeng vẫn tiếp tục diễn ra như một cách bày tỏ lòng biết ơn đối với những vụ thu hoạch tốt. Ảnh: Ariez-25, Bloomasak.
Tục phơi thây người chết trong lồng tre trên đảo Bali (Trunyan Cemetery) : Trunyan, ngôi làng miền núi trên bờ đông hồ Batur là nơi duy nhất ở Bali vẫn giữ nghi lễ cổ đại này. Khi một người trong làng qua đời, cơ thể không được chôn cất hoặc hỏa tang mà đặt trong một lồng tre để tự phân hủy. Cho đến khi tất cả xác thịt tan rã, người ta lấy hộp sọ ra khỏi phần còn lại của bộ xương và đặt lên bàn thờ bằng đá bên dưới một cây thiêng liêng. Ảnh: Dewi Putra.
Tục phơi thây người chết trong lồng tre chỉ dành cho những người đã kết hôn. Những người chết trước khi cưới, chỉ đơn giản là chôn cất. Nghĩa trang Trunyan, nơi có các lồng tre nằm gần ngôi làng nhưng theo truyền thống, chỉ có đàn ông mới có thể đến nghĩa trang này, sau khi băng qua hồ Batur bằng thuyền. Ảnh: Yusuf IJsseldijk.
Tục cắt ngón tay (Ikipalin): Diễn ra tại Papua (tỉnh vùng Tây New Guinea, Indonesia), một nghi lễ khó tin tồn tại ở bộ lạc Dani. Những người phụ nữ Dani thực hiện Ikipalin, nghi lễ cắt cụt ngón tay sau cái chết của một người thân. Người Dani tin rằng bất hạnh do cái chết của một thành viên trong gia đình có thể được loại bỏ bằng cách cắt cụt ngón tay. Ảnh: Flickr.
Người Dani rất coi trọng những người đã khuất, đặc biệt là người thân trong gia đình. Họ cũng quan niệm, việc người thân qua đời không chỉ là nỗi đau tinh thần mà còn là nỗi đau về thể xác. Ikipalin tượng trưng cho nỗi đau đó. Người Dani vẫn duy trì truyền thống này trong hàng nghìn năm nay và không có ý định thay đổi hay bỏ đi. Ảnh: News.kitook.co.id.
Nghi lễ hóa trang thành trâu nước (Kebo Keboan): Mọi nền văn hóa hay tôn giáo đều có một cách độc đáo để dâng hiến lòng sùng kính cho các vị thần. Và phong tục đặc biệt kỳ quặc ở Banyuwangi liên quan đến việc giả danh một con trâu nước. Vào mọi tháng Muharram hoặc Suro theo lịch của người Java, “những con trâu nước” sẽ đi lang thang trên các con phố trong làng. Ảnh: Potretbanyuwangi, Indoindians.
Thực chất, các “trâu nước” này chỉ là những người đàn ông bôi nhọ bằng than hoặc dầu, đeo sừng và chuông quanh cổ. Sau đó, họ diễu hành và nhảy múa hào hứng qua các con đường làng. Kebo Keboan là nghi lễ cầu mưa và sự bảo vệ của thần linh. Những người đàn ông hóa trang thành trâu nước, loài động vật linh thiêng và mạnh mẽ nhất trong nông nghiệp, tượng trưng cho quyền lực. Ảnh: Yayangardilla27.
Lễ hội thu hoạch đẫm máu (Pasola): Đảo Sumba xa xôi, nơi bạn có thể chứng kiến lễ Tạ Ơn đặc biệt đẫm máu gọi là Pasola, một nghi thức chiến tranh cổ đại thực hiện bởi những người đàn ông Sumba. Hai lần một năm, các làng Sumba gặp nhau và tổ chức cuộc chiến giữa các chiến binh cưỡi ngựa, ném những cây giáo gỗ lớn vào nhau. Ảnh: Dwioblo, Timur_punya.
Giáo gỗ tuy khá cùn, vẫn có thể gây ra những vết thương, thậm chí chấn thương nghiêm trọng và dẫn đến tử vong. Dù có những rủi ro, người Sumba tin chắc rằng nỗi đau và máu không bao giờ lãng phí. Họ tin rằng máu đổ ra trên đất đai sẽ đảm bảo mùa thu hoạch dồi dào hơn trong tương lai. Nhiều du khách đến Sumba chỉ để xem lễ hội này. Ảnh: Indoindians , Farouk321.
Tục mài răng nhọn làm đẹp (Kerik Gigi): Trên đảo Mentawai, răng nhọn giống ma cà rồng được cho là tiêu chuẩn của cái đẹp. Ở đây, một người phụ nữ có hàm răng sắc nhọn hấp dẫn hơn, sẽ được hạnh phúc và bình an cho phần đời còn lại hơn là có răng bình thường, vuông. Ảnh: Brommel.
Sử dụng thép hoặc gỗ mài thô, trưởng làng sẽ mài và khắc răng của người phụ nữ. Nghi thức có thể kéo dài hàng giờ vì mỗi chiếc răng cần cạo hoàn hảo để có đầu nhọn. Dụng cụ mài không khử trùng, nghi lễ cũng không dùng bất cứ loại thuốc gây tê nào, người phụ nữ Mentawa phải chịu đựng cơn đau đớn để trở thành những gì được coi là đẹp. Họ tin rằng nỗi đau chỉ là tạm thời, nhưng hạnh phúc sẽ kéo dài mãi mãi. Ảnh: Goodnewsfromindonesia, MerahPutih.
Theo zing.vn
Mạo hiểm đi cáp treo gỗ băng qua biển ở Indonesia
Ở bãi biển Timang (Indonesia), bạn sẽ có trải nghiệm đáng kinh ngạc với tuyến cáp treo gỗ kéo bởi con người và cây cầu treo dài 200 m giữa biển sóng to dữ dội.
Là một trong những bãi biển đẹp ở Gunungkidul (Yogyakarta, Indonesia), Timang sở hữu vẻ đẹp độc đáo với 2 khu vực khác biệt. Phía đông là bãi biển hoang sơ với hàng dứa dại xanh mát bên bờ cát trắng trải dài. Phía tây là đồi đá dốc trực tiếp giáp với biển và đối diện với hòn đảo đá Batu Panjang (hay Pulau Panjang hoặc Pulau Timang). Ảnh: Withndrawan.
Đến bãi biển Timang, bạn có thể tham gia một trải nghiệm hoàn toàn khác lạ so với bất cứ vùng biển nào trên thế giới. Băng qua biển đến với hòn đảo Batu Panjang, bạn đi trên tuyến cáp treo làm bằng gỗ (gondola) và điều khiển bởi người bản địa trên hệ thống dây thừng có đường kính khoảng 4 cm. Ảnh: Flickr.
Tình trạng thô sơ, thiếu an toàn của tuyến cáp treo truyền thống dài 50-100 m này là một thử thách hấp dẫn đối với những người ưa thích mạo hiểm. Ảnh: Vacasion.
Ngược lại, với "hội những người yếu tim", cáp treo gỗ là trải nghiệm đáng sợ và ám ảnh. Du khách phải ngồi trong giá treo gỗ chật chội, thiếu thiết bị bảo hộ và di chuyển rất chậm giữa biển cả dữ dội với những cơn sóng gào thét, tung bọt trắng xóa bên dưới. Ảnh: Alfa_sersan.
Mặt khác, cáp treo bằng gỗ ban đầu lắp đặt không phải để phục vụ du lịch mà chỉ là phương tiện giúp người dân vượt biển, sang đảo Batu Panjang bắt tôm hùm. Bởi hòn đảo nổi tiếng có rất nhiều loại hải sản với giá thành rất cao này. Vì thế, người dân địa phương sẵn sàng mạo hiểm mạng sống để sang đảo Batu Panjang, mặc dù tiềm tàng nhiều nguy hiểm khi vượt biển theo hình thức này. Ảnh: Boh_wad, Maroloo.
Sau đó, cáp treo gỗ trở nên rất nổi tiếng và nhiều người tò mò, mong muốn trải nghiệm. Sáng kiến mở một tour du lịch ở bãi biển Timang với sức hấp dẫn chính là hoạt động đi cáp treo gỗ được đưa ra. Khách du lịch Indonesia hào hứng và nhiệt tình tham gia trải nghiệm này, mặc dù giá vé cho chuyến đi cáp treo tương đối cao. Ảnh: Markus_sunardi, Jebat_durhaka879.
Không chỉ vậy, hoạt động đi cáp treo gỗ ở Timang cũng rất nổi tiếng với du khách quốc tế. Tháng 9/2017, Running Man, chương trình truyền hình thực tế nổi tiếng Hàn Quốc đã quay tại bãi biển Timang. Vì thua trong các trò chơi ở tập trước, 2 thành viên Running Man là Lee Kwang Soo (thành viên có rất nhiều fan Việt) và Jeon So Min đã đến Indonesia để chịu phạt. Ảnh: Sbs_runningman_sbs.
Họ phải thực hiện thử thách băng qua biển bằng cáp treo gỗ truyền thống ở bãi biển Timang. Với điều kiện thời tiết không thuận lợi, 2 thành viên đã thực sự hoảng sợ và thể hiện rất nhiều biểu cảm thú vị, gây cười cho khán giả. Sau khi làm nhiệm vụ, 2 diễn viên người Hàn Quốc có cơ hội thưởng thức món tôm hùm thơm ngon, trứ danh ở bãi biển này. Ảnh: Sbs_runningman_sbs.
Bên cạnh cáp treo gỗ, một thử thách cũng không kém phần mạo hiểm và thú vị dành cho du khách là đi bộ trên cây cầu treo vượt biển dài khoảng 200 m. Khai trương vào tháng 3/2017, cây cầu được xâu chuỗi từ những sợi dây thông thường và phần đáy làm bằng gỗ. Ảnh: Biro Wisata Jogja .
Tâm lý lo sợ khiến một số du khách có thể nản lòng ngay khi mới bước được vài mét trên cầu và muốn quay lại. Ảnh: Nongkyy , l.a.r.5 .
Timang cũng nổi tiếng là bãi biển có sóng to gió lớn. Và trải nghiệm đi bộ trên cây cầu rung lắc liên hồi, nước hắt thẳng vào mặt thực sự là một thách thức khó khăn. Ảnh: Sparkysred .
Bên cạnh đó, bãi biển Timang cũng sở hữu một địa điểm ngắm cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp trên ngọn đồi phía tây. Bạn có thể tận hưởng giây phút bình yên khi chiêm ngưỡng hoàng hôn tuyệt đẹp trên dải đá rộng lớn, hoang sơ nơi đây. Ảnh: Irul Maralewa.
Theo zing.vn
Hành trình của nữ du khách Việt tới căn nhà trên cây lãng mạn ở đảo Bali Bạn muốn tới một nơi hoang sơ và tách biệt với thế giới thì câu trả lời có thể là ngôi nhà trên cây (treehouse) ở Nusa Penida, Bali. Nusa Penida là một hòn đảo cách trung tâm Bali (Indonesia) khoảng 45 phút đi tàu. Đây chắc chắn là một trong những hòn đảo rất ít du khách, đặc biệt là du khách...