Rối quy định chứng chỉ tiếng Anh
Việc chưa có những quy định cụ thể về quy đổi giữa các chứng chỉ tiếng Anh trong nước và quốc tế gây ra nhiều lúng túng cho người lao động và sử dụng lao động.
Sinh viên tại TP.HCM trong giờ học tiếng Anh – ĐÀO NGỌC THẠCH
Chứng chỉ quốc tế hay trong nước?
Nguyễn Hoàng Hải, tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM năm 2019 đạt chuẩn đầu ra tiếng Anh của trường với chứng chỉ TOEFL, nhưng khi đi xin việc tại một công ty phần mềm họ lại yêu cầu phải có chứng chỉ IELTS.
“Doanh nghiệp không chấp nhận chứng chỉ TOEFL của em. Họ cũng không có căn cứ nào để quy đổi chứng chỉ trên ra khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam. Quan trọng là em thấy hầu hết các doanh nghiệp hay nhiều cơ quan không sử dụng khung năng lực này mà chỉ yêu cầu các chứng chỉ quốc tế. Chính vì thế, em phải đăng ký đi học một khóa IELTS để thi lấy chứng chỉ nếu muốn vào làm việc tại công ty này”.
Nguyễn Thu Hương, tốt nghiệp ngành tâm lý học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, đi xin việc tại một doanh nghiệp nước ngoài, Hương nộp chứng chỉ VNU-ETP với số điểm khá cao do ĐH Quốc gia TP.HCM cấp (chứng chỉ này được công nhận chuẩn đầu ra tại trường), nhưng phía doanh nghiệp lại không chấp nhận mà yêu cầu Hương phải có chứng chỉ IELTS. “Lý do là họ không biết đến chứng chỉ này. Em nộp hồ sơ mấy nơi, các doanh nghiệp đều yêu cầu chứng chỉ phổ biến hơn như IELTS, TOEIC”, Hương cho biết.
Theo Hải, hiện có sự rắc rối và không thống nhất trong việc sử dụng các loại chứng chỉ trên ở các đơn vị sử dụng lao động, không chỉ vậy còn có sự khác nhau và vênh nhau về yêu cầu tiếng Anh giữa chuẩn đầu ra của trường ĐH với đầu vào của doanh nghiệp, nên ứng viên chính là người chịu thiệt thòi.
“Nếu đã đặt ra khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam thì nên có quy định cụ thể rõ ràng mỗi loại chứng chỉ quốc tế tương ứng mức điểm số bao nhiêu thì rơi vào bậc nào của khung năng lực 6 bậc, khi có quy định rồi thì các doanh nghiệp dù yêu cầu chứng chỉ quốc tế như thế nào thì cũng nên căn cứ vào khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam để tham chiếu thì mới có sự thống nhất”, Hải đề xuất.
Sự việc mới đây về một số giáo viên nước ngoài dù có nhiều loại bằng cấp, chứng chỉ tiếng Anh nhưng vẫn chưa đủ điều kiện giảng dạy tại Việt Nam mà một trong những lý do chưa có sự quy đổi, thống nhất giữa quy định chứng chỉ trong nước và quốc tế là thêm một minh chứng cho câu chuyện này.
Chứng chỉ TKT về giảng dạy tiếng Anh hiện cũng chưa có hướng dẫn về việc quy đổi – ẢNH: M.T
Thiếu nhất quán giữa các khung năng lực ngoại ngữ
Video đang HOT
Ông Nguyễn Minh Trí, giảng viên tiếng Anh Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, nhìn nhận: “Hiện đang có sự thiếu nhất quán giữa khái niệm khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc theo chuẩn chung châu Âu (CEFR – Common European Framework for Reference) và khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam khiến người học bị bối rối về bậc ngôn ngữ giữa 2 khung này. Ví dụ, điểm IELTS 6,5 theo chuẩn quốc tế là B2 bậc 4. Trên chứng chỉ cũng có ghi rõ B2 nhưng Việt Nam lại quy đổi thành C1 bậc 5 của người Việt”.
Hiện đang có sự thiếu nhất quán giữa khái niệm khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc theo chuẩn chung châu Âu và khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam khiến người học bị bối rối về bậc ngôn ngữ giữa 2 khung này
Ông Nguyễn Minh Trí – giảng viên tiếng Anh Trường ĐH Nguyễn Tất Thành
Ông Trí nhận định: “Việc không có quy định cụ thể về các thang quy đổi cũng gây khó khăn cho người lao động. Ứng viên sẽ dễ bị nhầm lẫn và khi chuẩn bị hồ sơ, ứng tuyển không đáp ứng chính xác yêu cầu của nhà tuyển dụng, làm mất thời gian của cả hai bên”.
Ngoài ra, theo ông Trí, còn có tình trạng một số chứng chỉ chưa được phổ biến rộng rãi nhưng được quy đổi và công nhận tương đương ở một số trường. Chẳng hạn kỳ thi APTIS của Hội đồng Anh hay VNU-EPT của ĐH Quốc gia TP.HCM. Điều này dẫn đến thực trạng trường công nhận chứng chỉ nhưng doanh nghiệp không công nhận khiến người học phải bổ sung một chứng chỉ khác nếu muốn được tuyển dụng. Trường hợp của Nguyễn Thu Hương đã nêu ở trên là một ví dụ cho trường hợp này.
Theo ông Nguyễn Duy, giảng viên tiếng Anh thỉnh giảng Trường ĐH Văn Lang, đồng thời là giáo viên tại Trung tâm Anh ngữ The Language Academy, hiện tại ở Việt Nam có 4 loại chứng chỉ tiếng Anh quốc tế được công nhận rộng rãi nhất là IELTS, TOEFL, TOEIC và các chứng chỉ của Cambridge (FCE, CAE, CPE). Các trường đặt chuẩn đầu ra phổ biến nhất là TOEIC đối với các ngành không phải ngôn ngữ, và IELTS với các bạn học ngôn ngữ Anh/sư phạm tiếng Anh.
“Học viên học tại trung tâm tôi dạy thường gặp phải các vấn đề về chứng chỉ khi đi xin việc. Chẳng hạn hầu hết các trường yêu cầu chuẩn đầu ra đối với tiếng Anh là tính theo điểm TOEIC, nhưng cách dạy và luyện thi chứng chỉ này ở một số nơi chưa đảm bảo được việc phát triển kỹ năng nên xảy ra nhiều trường hợp đáp ứng được chuẩn đầu ra của trường nhưng khi đi làm vẫn gặp nhiều trở ngại khi phải sử dụng tiếng Anh. Bên cạnh đó, tiếng Anh mà doanh nghiệp yêu cầu thường khác với tiếng Anh học ở trường, vì mỗi công việc, mỗi doanh nghiệp lại có một mục tiêu sử dụng tiếng Anh riêng, do đó thường đòi hỏi chứng chỉ tiếng Anh khác với chứng chỉ mà các em đã đạt được ở trường ĐH, CĐ. Rất nhiều trường hợp sau khi đi làm rồi vẫn phải đi học tiếng Anh lại từ đầu”, ông Nguyễn Duy chia sẻ.
Ông Nguyễn Duy cũng băn khoăn nếu như khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam chưa thực sự tương thích với khung tham chiếu trình độ ngôn ngữ chung châu Âu (CEFR) thì sẽ gây nhầm lẫn hay tranh cãi. Chẳng hạn sinh viên ngôn ngữ Anh được yêu cầu đạt chuẩn C1 sau khi hoàn thành chương trình học, thì chuẩn C1 này sẽ được tính theo CEFR hay theo khung 6 bậc của Việt Nam? (còn tiếp)
Ý kiến
Cần sớm có hướng dẫn cụ thể
Việc quy đổi điểm IELTS sang khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam là rất cần thiết vì IELTS được chấp nhận rộng rãi trên thế giới và ở nhiều trường học, cơ quan nước ta. Tôi mong Bộ GD-ĐT cần sớm có hướng dẫn, đồng thời thống nhất với cả các chứng chỉ khác nhằm tránh sự nhập nhằng, chồng chéo và tạo điều kiện thuận lợi cho người học và người lao động.
Thạc sĩ Châu Thế Hữu – Giảng viên tiếng Anh Trường ĐH Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM
Càng quy định cụ thể, càng dễ thực hiện
Khái niệm “tương đương” trong chứng chỉ đào tạo ngoại ngữ rất khó thực hiện nếu không có hướng dẫn. “Khái niệm này rất chung và Bộ GD-ĐT cần hướng dẫn rõ những chứng chỉ nào về giảng dạy ngoại ngữ được xem là phù hợp và do đơn vị nào cấp thì được hiểu là phù hợp. Ví dụ, chứng chỉ TESOL về giảng dạy tiếng Anh hiện có rất nhiều đơn vị trong nước dạy như Trường ĐH Sư phạm, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn nhưng cũng có nhiều đơn vị liên kết nước ngoài để đào tạo cấp chứng chỉ.
Trong khi đó, người học lại không biết rõ chứng chỉ đó do đơn vị đó cấp có được Bộ công nhận hay chưa. Song song đó còn nhiều chứng chỉ về giảng dạy tiếng Anh như TKT, CELTA, DELTA… hiện chưa thấy Bộ hướng dẫn là có đủ năng lực để dạy tiếng Anh ở Việt Nam hay không. Quy định nên càng cụ thể càng dễ làm”.
Ông Nguyễn Minh Trí – Giảng viên tiếng Anh Trường ĐH Nguyễn Tất Thành
Chứng chỉ tiếng Anh quốc tế -'tấm kim bài' trong mùa tuyển sinh 2020
Các thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế được miễn thi môn Ngoại ngữ và ưu tiên cộng điểm trong quá trình xét tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Thí sinh có chứng chỉ quốc tế được miễn thi
Ngày thi tốt nghiệp THPT 2020 cận kề, nữ sinh Lê Hoàng Na, trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) đang tập trung toàn lực vào việc ôn thi và rèn luyện kĩ năng giải đề. Hoàng Na dự định đăng ký xét tuyển bằng khối D01 vào ngành Kinh tế quốc tế, Đại học Ngoại thương Hà Nội.
Do đã có chứng chỉ tiếng Anh IELTS 7.5 nên Hoàng Na trong diện thí sinh được miễn thi Ngoại ngữ và cộng điểm môn tiếng Anh trong quá trình xét tuyển đại học.
"Em rất vui mừng trước quy định này. Nó giúp em bớt được một môn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, bớt được áp lực thi cử. Em sẽ có đầu tư toàn lực ôn thi môn Toán và Ngữ văn để có kết quả cao nhất", nữ sinh nói.
Hoàng Na cho rằng, việc miễn thi môn Ngoại ngữ nếu có chứng chỉ quốc tế là hoàn toàn hợp lý, việc này không hề ảnh hưởng xấu tới chất lượng thí sinh. Bởi vì những bạn nào đã đạt chuẩn quốc tế IELTS, TOEFL thì trình độ ngoại ngữ đã thuộc top khá, giỏi trở lên.
Cách đây 4 tháng, nam sinh Đàm Lương Thái, trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (Hà Nội) đã hoàn thành bài thi đánh giá đạt 650 điểm TOEFL. Giờ đây, nó như "tấm kim bài" giúp cậu tự tin đăng ký xét tuyển các khối ngành có môn tiếng Anh. Với việc thử sức ở các kỳ thi chứng chỉ quốc tế, học sinh sẽ biết mình còn khuyết kỹ năng nào và cố gắng phấn đấu nâng cao.
Cô Lương Hà An (Giáo viên trường THPT chuyên Hùng Vương, Phú Thọ) cho rằng, việc Bộ GD&ĐT có quy định miễn thi môn Ngoại ngữ với thí sinh có chứng chỉ quốc tế sẽ hướng học sinh tích cực đầu tư và quan tâm tới việc học Ngoại ngữ nhiều hơn. Đặc biệt, việc học môn này không chỉ dừng trong nhà trường mà cần đạt được những kỹ năng cần thiết theo chuẩn quốc tế.
"Phần lớn các em học sinh ở khu vực thành phố hiện nay đều đầu tư tham gia thi các chứng chỉ tiếng Anh từ rất sớm. Do đó, việc được miễn thi Ngoại ngữ sẽ giúp các em có thời gian tập trung ôn thi các môn học khác, các môn không phải là thế mạnh của mình.
Đồng thời chính sách này cũng là động lực để các em khu vực nông thôn sớm có đầu tư học nâng cao trình độ ngoại ngữ", cô Hà An nói.
Chắc suất vào trường đại học top đầu
Mùa tuyển sinh năm nay, nhiều trường top đầu dành các chỉ tiêu xét tuyển ưu tiên với những thí sinh có chứng chỉ quốc tế trong cuộc chạy đua cạnh tranh suất vào đại học.
Cán bộ coi thi đọc tên thí sinh bước vào phòng thi. (Ảnh minh hoạ)
PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Đại học Kinh tế quốc dân cho biết, năm nay, để tạo điều kiện cho thí sinh có nhiều cơ hội hơn trong xét tuyển vào trường, Hội đồng tuyển sinh trường đã quyết định mở rộng đối tượng và tăng chỉ tiêu diện xét tuyển kết hợp.
Trong đó, chỉ tiêu để xét tuyển với thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế đạt IELTS 5.5 trở lên hoặc TOEFL ITP 500 trở lên hoặc TOEFL iBT 46 trở lên và có tổng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2020 của hai môn (Toán và một môn bất kỳ trừ môn Tiếng Anh) đạt từ 14 điểm gồm điểm ưu tiên.
Tương tự, Đại học Bách Khoa Hà Nội cũng sẽ xét tuyển thẳng dựa trên các chứng chỉ quốc tế SAT, ACT và A-Level cho tất cả các ngành/chương trình đào tạo. Riêng đối với các thí sinh có chứng chỉ IELTS quốc tế 6.5 (hoặc chứng chỉ Tiếng Anh khác tương đương) được đăng ký xét tuyển thẳng vào các ngành Ngôn ngữ Anh.
Theo PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội - những chứng chỉ quốc tế này đều được sử dụng, công nhận trên toàn thế giới.
Hầu hết các trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Ngoại thương, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Đại học Thưong mại... đều dành chỉ tiêu để ưu tiên với các thí sinh sở hữu chứng chỉ quốc tế.
Các chuyên gia tuyển sinh cho rằng, thí sinh có thể sử dụng quyền được miễn thi môn Ngoại ngữ để xét tuyển vào một số trường đại học nếu trường đó có chấp nhận điểm bài thi này.
Để biết trường đại học có chấp nhận điểm bài thi của thí sinh được miễn thi ngoại ngữ trong xét tốt nghiệp hay không, thí sinh cần chú ý theo dõi đề án tuyển sinh của các trường mà mình có nguyện vọng xét tuyển.
Theo quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2020, Bộ GD&ĐT quy định: "Thí sinh sẽ được miễn thi môn Ngoại ngữ nếu có các chứng chỉ quốc tế".
Cụ thể, với môn tiếng Anh, nếu thí sinh có chứng chỉ TOEFL ITP 450 điểm, TOEFL iBT 45 điểm hoặc IELTS 4.0 là có thể được miễn bài thi Ngoại ngữ trong xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Ngoài ra, nếu thí sinh có các chứng chỉ quốc tế tiếng Trung, Nga, Pháp, Nhật, Đức cũng sẽ được miễn thi môn này.
Thí sinh được miễn thi Ngoại ngữ sẽ được tính 10 điểm cho bài thi này để xét công nhận tốt nghiệp.
Thi lấy chứng chỉ tiếng Anh quốc tế: Giáo viên e ngại, học sinh hào hứng Trong khi giáo viên e ngại với việc thi lấy chứng chỉ tiếng Anh quốc tế thì học sinh lại hào hứng với chính sách đặc cách học sinh giỏi tỉnh nếu có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế... Sở GD&ĐT thành phố Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu giáo viên tiếng Anh tham dự một khóa đánh giá năng lực...