Rối loạn tâm thần học đường, học sinh tự hủy hoại bản thân tại nhà
Che giấu hành vi tự dày vò, nhiều em bứt tóc, đánh đấm bản thân tại nơi họ cho là kín đáo và an toàn nhất.
Hiện tượng tự hủy hoại bản thân của học sinh THCS và biện pháp phòng ngừa là đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp Bộ – được Hội đồng nghiệm thu hôm 12/11 xếp loại xuất sắc.
Chủ nhiệm đề tài, PGS Huỳnh Văn Sơn (Phó hiệu trưởng Đại học Sư phạm TP HCM) cho biết, trên thế giới có khá nhiều nghiên cứu về tự hủy hoại bản thân ở các lứa tuổi. Song song việc tìm hiểu nguyên nhân, thực trạng, đặc điểm hành vi, nhiều tác giả đã nghiên cứu về giải pháp hạn chế hành vi này ở độ tuổi THCS. Đây là tình trạng rối loạn tâm thần học đường.
Tuy nhiên, ở trong nước, những nghiên cứu về tự hủy hoại bản thân mới được bắt đầu quan tâm, việc phân loại và đề xuất giải pháp chưa thống nhất. Do đó, nhóm có những điểm mới cụ thể để khai thác và tiến hành nghiên cứu.
“Nghiên cứu này nếu được áp dụng sẽ hữu ích trong công tác tham vấn học đường, phát hiện và ngăn chặn những hành vi bất thường của trẻ và ngăn ngừa những hậu quả đáng tiếc”, ông Sơn cho hay.
Học sinh THCS tại TP HCM căng thẳng trước kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Ảnh minh họa: Quỳnh Trần.
Nhà – nơi an toàn nhất để tự dày vò
Trong hai năm (2016-2018), từ 1.000 học sinh ngẫu nhiên tại 7 trường THCS ở TP HCM và Bình Dương, nhóm nghiên cứu đã sàng lọc được 280 em có biểu hiện tự hủy hoại bản thân ở nhiều cấp độ. Các em đã thực hiện hành vi: tự cắt xén, bứt tóc; tự khắc lên da thịt, cắn, cào, làm phỏng mình; tự đánh, đấm mình; đập đầu vào tường, bàn ghế và nghiêm trọng nhất là lên kế hoạch tự tử và tự tử.
Liên quan tới yếu tố địa điểm thực hiện hành vi tự hủy hoại bản thân, nhóm đưa ra con số 214 em (76%) làm việc này tại nhà.
“Em bị bạn bắt nạt vào đầu lớp 6, em không biết làm sao chỉ cảm thấy rất buồn bã, tuyệt vọng và có lúc em đã tự đâm đầu mình vào tường. Hành vi đó vẫn tiếp tục đến khi cha mẹ phát hiện em bị bạo lực và nhờ trường can thiệp”, Thư – nữ sinh tại TP HCM cho biết.
“Em thường bứt tóc. Em cảm thấy buồn và cô đơn ngay chính ngôi nhà của mình”, nam sinh tên Đăng cho biết.
Video đang HOT
“Nơi nguy hiểm nhất lại là nơi an toàn nhất, em không muốn bạn bè nhìn em bằng con mắt kỳ dị vì biết hành vi của mình là bệnh hoạn. Em cũng sợ một vài bạn sẽ nói với thầy cô thì chuyện lại càng lớn, nên em thực hiện tại nhà mình cho an toàn”, một học sinh khác chia sẻ với nhóm nghiên cứu.
Tương tự, khá nhiều em kể từng thực hiện những hành vi trên khi bố mẹ vắng nhà hoặc trong phòng riêng bởi nhà là nơi yên tĩnh nhất để suy nghĩ về những điều bản thân đang trải qua.
Một số ít học sinh khác sẽ chọn những nơi công cộng như khu vui chơi, trung tâm thương mại, rạp phim, công viên để thực hiện hành vi bứt tóc, đập đầu vào tường, tự đánh đấm mình…
Giấu cha mẹ, nói với bạn bè
Nghiên cứu sâu về thực trạng tiết lộ và che giấu hành vi trên của học sinh, đề tài cho ra kết quả 208 khách thể (hơn 74%) chỉ chia sẻ với bạn bè.
Vũ (nam sinh được nhóm nghiên cứu phỏng vấn) cho biết, những chuyện buồn thường chia sẻ với bạn vì bố mẹ không hiểu. “Tụi em thường ngồi với nhau để tâm sự những chuyện buồn, những bức xúc với bố mẹ, thầy cô”.
Suy nghĩ của Vũ cũng tương đồng với 3/4 trong tổng số 280 học sinh có biểu hiện tự hủy hoại bản thân, về xu hướng tiết lộ hành vi này với những người xung quanh. Với họ, việc trò chuyện cùng bạn bè dễ dàng hơn những nhóm người còn lại.
Theo nhóm nghiên cứu, điều này phù hợp với hoạt động chủ đạo của học sinh THCS, đó là giao lưu với bạn bè – vốn giữ một vị trí quan trọng trong giao tiếp của họ độ tuổi này.
Nhiều học sinh còn cho biết, họ bị ảnh hưởng rất nhiều từ bầu không khí chung của nhóm. Khi thường xuyên tâm sự những bức xúc, nỗi buồn, các thành viên trong nhóm sẽ có xu hướng mang trạng thái tiêu cực, thể hiện thái độ với những khó khăn, áp lực tâm lý chung mà các em gặp phải.
Kết quả khảo sát cho thấy, có 54 (hơn 19%) học sinh thừa nhận tiết lộ hành vi hủy hoại bản thân với cha mẹ, song cũng có 176 (gần 63%) em khẳng định che giấu với phụ huynh.
“Mỗi lần em tâm sự với bố mẹ về áp lực học tập, thầy cô, chuyện ở trường thì bố lại mắng em viện cớ đó cho việc lười học. Sau những lần như vậy thì em không muốn tâm sự gì với bố cả”, nữ sinh tên Ngọc cho biết.
“Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái tuổi thiếu niên thường nảy sinh ra nhiều xung đột tâm lý nhất”, nghiên cứu khẳng định. Bởi chủ yếu xuất phát từ nhu cầu độc lập của trẻ, khẳng định mình mâu thuẫn với suy nghĩ bảo bọc, che chở, giám sát của cha mẹ. Nó vô tình tạo bức tường ngăn cách con cái thoải mái tâm tình với phụ huynh.
Điều này không chỉ dẫn đến nguy cơ nặng nề và hệ lụy cho chính các em ở tuổi mới lớn, mà còn làm cho làn ranh mối quan hệ giữa họ và cha mẹ hằn sâu hơn.
Trách nhiệm của cha mẹ
Từ khảo sát thực tế, nhóm nghiên cứu cho rằng nếu được can thiệp sớm, có thể giúp học sinh giảm thiểu sự tổn thương về mặt thế chất, giảm sự gia tăng ở mức độ nghiêm trọng hơn.
Gia đình có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát hiện và hỗ trợ học sinh có hành vi tự hủy hoại bản thân. Họ được khuyên cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường, đặc biệt là giáo viên trong vấn đề chăm sóc tinh thần và giáo dục con cái tuổi vị thành niên hiệu quả.
Cha mẹ được khuyên phải quan tâm và chú ý các biểu hiện bất thường của con nhiều hơn như bỏ bữa, ít giao tiếp, thu mình…để có những tác động hay ứng xử phù hợp. Ngoài ra, họ nên tránh tạo áp lực, tổn thương đến đời sống tâm lý của con, biết động viên, khen ngợi từng việc làm và sự tiến bộ của trẻ trong học tập và cuộc sống.
Mạnh Tùng
Theo VNE
Học sinh gặp khó khăn về tâm lý thì dễ có hành vi tự hủy hoại bản thân
Từ 1.043 khách thể nghiên cứu là học sinh THCS, nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Sư phạm TP HCM sàng lọc được 280 em có hành vi tự hủy hoại bản thân, chiếm 26,8%. Đáng chú ý, xu hướng hành vi này lại tập trung ở các học sinh khá, giỏi.
Chiều 12/11, Trường ĐH Sư phạm TPHCM tổ chức họp hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ mang tên "Hiện tượng tự hủy hoại bản thân của học sinh trung học cơ sở (THCS) và biện pháp phòng ngừa", do PGS. TS Huỳnh Văn Sơn, Phó hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm TPHCM, làm chủ nhiệm.
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn chia sẻ về đề tài nghiên cứu về "Hiện tượng tự hủy hoại bản thân của học sinh trung học cơ sở (THCS) và biện pháp phòng ngừa"
Theo PGS. TS Huỳnh Văn Sơn, hiện tại, tỷ lệ rối loạn tâm hồn học đường càng cao, học sinh Việt Nam đang đối diện nhiều khó khăn tâm lý. Vì vậy, học sinh tuổi dậy thì có những hành động tự tổn hại, tự dày vò mình trở thành một biểu hiện đáng xem xét. Nghiên cứu này tìm ra nguyên nhân để mục đích tìm ra phương cách phòng ngừa hiện tượng này.
Hành vi tự hủy hoại bản thân bao gồm việc tự làm đau bản thân, suy nghĩ bi quan về cuộc sống, bỏ bê bản thân mình, cảm thấy mệt mỏi chán nản với các dấu hiệu cụ thể về mặt thể xác và lâm sàng nhưng nhiều khi chính chủ thể không nhận ra.
Biểu hiện của hiện tượng này tập trung ở các hành vi như không quan tâm đến sức khỏe, tính mạng bản thân, từ chối các hình thức bảo vệ (không đội mũ bảo hiểm, áo phao...); tự cắt xén, bức tóc, tự khắc lên da thịt, tự đầu độc, tự cán mình; đau khổ trong im lặng, không thể hiện cảm xúc của mình. Thậm chí mức độ cao hơn là có mưu toan tự tử, thực hiện hành vi tự tử.
Chủ nhiệm đề tài cũng cho biết, nhóm nghiên cứu đã tiến hành điều tra trên 1.043 học sinh tại 7 trường THCS trên địa bàn tại TPHCM và Bình Dương. Kết quả nghiên cứu thực trạng hành vi cho thấy có đến 643 học sinh (61,6%) có hành vi bỏ bê bản thân mình, thể hiện sự thiếu trách nhiệm với bản thân. Bên cạnh đó có đến 401 khách thể có "suy nghĩ bi quan về cuộc sống" chiếm tỷ lệ cao thứ 2 (chiếm 38,4%). Có đến 149 học sinh thừa nhận "từng làm đau bản thân mình", chiếm 31,6%.
Từ 1.043 học sinh này, nhóm nghiên cứu sàng lọc được 280 học sinh có thực hiện hành vi tự hủy hoại bản thân.
Đặc biệt, dấu hiệu tự hủy hoại bản thân trên thân thể có những con số báo động khi xét ở mức độ nhiều và rất nhiều, như tự bức tóc chiếm 18,2%; tự cắn mình cũng chiếm 18,2%. Đáng sợ là hành vi tự đánh và đấm mình chiếm đến trên 35% ở hai mức nhiều và rất nhiều. Đập đầu vào một vật gì đó cũng chiếm gần 20%.
"Chúng tôi đã có nghiên cứu chuyên sâu trên một em học sinh thì em này có hành vi thường đập đầu vào tường mỗi khi có vấn đề gì đó không hài lòng ba mẹ và thầy cô. Dùng tay chạm vào đầu của em này thì có thể thấy rõ dấu vết mặc dù đã phủ theo thời gian đồng thời em này cũng đã được can thiệp chuyên sâu", PGS. TS Huỳnh Văn Sơn cho biết.
"Ở mức độ nặng có 1 em và rất nặng có 1 em và cộng dồn là 2 học sinh. Tuy nhiên nếu xét trên tổng số 280 em mà tỉ lệ gần 1% như thế vẫn là tình trạng đáng báo động", ông Sơn nói.
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn cũng cho biết, học sinh càng gặp khó khăn về tâm lý thì dễ có hành vi tự hủy hoại bản thân, điều đó dễ thấy ở các học sinh lớp 6 là lớp đầu cấp và lớp 9 là lớp cuối cấp chuẩn bị thi cử. Tuy nhiên không phải do sức ép từ người khác mà các em có hành vi tự hủy hoại mà có nhiều trường hợp chính bản thân các em kỳ vọng quá cao vào bản thân mình. Một số em bị bạn bè công kích, ép buộc hoặc bắt chước theo trào lưu tôn thờ cảm xúc.
Đáng chú ý, số liệu thống kê cho thấy khách thể có dấu hiệu hành tự hủy hoại bản thân có xu hướng tập trung ở các học sinh khá, giỏi và trung bình. Cụ thể, trong số đó có 99 học sinh giỏi, 110 học sinh khá, 51 học sinh trung bình. Tương đồng đó, tỷ lệ học sinh có hạnh kiểm tốt và khá chiếm đa số, trong khi đó tỷ lệ học sinh có hạnh kiểm trung bình, yếu kém thấp hơn và gần như không đáng kể.
Nhóm nghiên cứu cũng đề ra một số biện pháp phòng ngừa, trong đó cần nâng cao nhận thức về hành vi tự hủy hoại bản thân cho học sinh THCS, giáo viên và đặc biệt là chuyên viên tham vấn học đường. Bên cạnh đó, tổ chức các chuyên đề kỹ năng sống lồng ghép nhằm phát triển năng lực ứng phó với hành vi này cho học sinh. Đồng thời, xây dựng hệ thống kiến thức và bài tập hướng dẫn học sinh có dấu hiệu "tự hủy hoại bản thân" nhằm điều chỉnh trạng thái tâm lý và đối phó với các tác nhân kích thích hành vi này.
Lê Phương
Theo Dân trí
Trường ĐH Giao thông Vận tải: 3 năm xuất bản 900 bài báo trong nước và quốc tế Theo thống kê của trường ĐH Giao thông Vận tải, trong 3 năm qua các cán bộ giảng viên của trường đã xuất bản được 900 bài báo trong nước và 222 bài báo quốc tế, trong đó có 86 bài báo thuộc danh mục ISI. Thống kê số lượng bài báo khoa học trong nước và quốc tế trong 3 năm qua...