Rời giảng đường đại học, em muốn được làm cô giáo
Đạt nhiều thành tích xuất sắc khi ngồi trên ghế giảng đường Đại học Hải Phòng, cô sinh viên Minh Nguyệt ấp ủ ước mơ khi ra trường sẽ trở thành cô giáo.
Học giỏi, năng động, nhiệt huyết, có trách nhiệm cao với công việc, giàu hoài bão là những điều chúng tôi cảm nhận được khi trò chuyện với Nguyễn Minh Nguyệt (sinh năm 1997), Bí thư Chi đoàn lớp Đại học sư phạm Toán K16, Trường Đại học Hải Phòng.
Sinh viên 5 tốt
Nhìn dáng người nhỏ nhắn, nước da trắng cùng nụ cười hiền khô của Nguyệt có lẽ ít ai nghĩ, em lại là một cán bộ đoàn rất nhiệt huyết, luôn sẵn sàng “cháy” hết mình vì phong trào.
4 năm học tại Trường Đại học Hải Phòng là từng ấy năm em tham gia làm cán bộ lớp với chức danh Bí thư Chi đoàn.
Đồng thời, nhiều năm liền Nguyệt tham gia phong trào của trường, của khoa và của lớp với tư cách Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội sinh viên Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội sinh viên Trường Đại học Hải Phòng;
Nguyệt còn là Phó Bí thư Liên chi đoàn Khoa Toán, Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Sinh viên 5 tốt” Trường Đại học Hải Phòng, Bí thư Chi đoàn lớp Đại học Sư phạm toán K16.
Không chỉ học giỏi, Nguyễn Minh Nguyệt còn là một cán bộ đoàn năng động của Trường Đại học Hải Phòng (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Minh Nguyệt cho biết: “Em rất thích hoạt động phong trào bởi từ những hoạt động đó em học hỏi được rất nhiều từ các thầy cô giáo và các bạn.
Hơn nữa, tuổi trẻ qua đi rất nhanh, nếu em không thực sự “cháy” hết mình cho những đam mê thì e nghĩ sau này khó có thể làm được nữa”.
Có lẽ chính vì niềm đam mê hoạt động phong trào, mà dù đảm nhiệm cùng một lúc nhiều vị trí nhưng với cương vị nào Nguyệt làm cũng rất tốt.
Ngay từ những năm học đầu tiên trên giảng đường đại học, Nguyệt đã xung phong trong chiến dịch sinh viên tình nguyện về xã Đoàn Lập (huyện Tiên Lãng) để góp sức vào phong trào xây dựng nông thôn mới cùng cán bộ đoàn cơ sở.
Hằng năm, em đều tham gia chương trình tiếp sức mùa thi, hoạt động tình nguyện viên trong Lễ hội Hoa phượng đỏ.
Chính vì thế, thời gian học tập tại Trường Đại học Hải Phòng, Nguyệt nhận được rất nhiều giấy khen, bằng khen của Hội sinh viên Việt Nam, Thành Đoàn Hải Phòng, Ban chấp hành Đoàn trường Đại học Hải Phòng, như:
Giấy khen đạt thành tích xuất sắc trong phòng trào thi đua giai đoạn 2013-2018 nhân dịp 70 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc;
Bằng khen thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên năm học 2017- 2018;
Video đang HOT
Bằng khen thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào sinh viên nhiệm kỳ 2015- 2018; Giải thưởng Sao tháng Giêng năm 2017…
Kể về những kỷ niệm trong thời sinh viên, Nguyệt cho biết, em nhớ mãi lần đi tình nguyện tại xã Đoàn Lập, huyện Tiên Lãng (Hải Phòng).Đặc biệt, năm 2018, Minh Nguyệt vinh dự là một trong 2 sinh viên của Trường Đại học Hải Phòng được vinh danh “sinh viên 5 tốt” cấp thành phố.
Một đoàn sinh viên chúng em có 23 người, được hoạt động và sinh hoạt cùng nhau hai tuần tại Nhà văn hóa xã rất vui.
Được cùng các anh chị đoàn viên cơ sở đi vớt bèo, cắt cỏ, bê gạch xây chùa, dọn đường làng, ngõ xóm cho khu dân cư là một trải nghiệm thú vị không bao giờ em quên được.
Không chỉ sôi nổi trong hoạt động đoàn và phong trào thanh niên, sinh viên mà Nguyệt học rất giỏi, luôn say mê trong nghiên cứu khoa học.
4 năm học qua, cô sinh viên này đều đạt thành tích xuất sắc trong học tập và được nhận học bổng của nhà trường.
Minh Nguyệt là gương mặt sinh viên tiêu biểu Trường Đại học Hải Phòng với nhiều thành tích vượt trội.
Năm học 2017-2018, em đạt giải Nhì sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường; Giải Ba môn Đại số trong kỳ thi Olimpic toán học sinh, sinh viên toàn quốc năm 2016, 2017 và 2018;
Nhiều năm liền được nhà trường khen thưởng sinh viên có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh…
Ra trường, em sẽ chọn nghề dạy học
Khi hỏi về lý do chọn ngành sư phạm, Minh Nguyệt cho biết: “Ngày học cấp 3, cô giáo chủ nhiệm của em cũng là cô giáo dạy Toán.
Suốt 3 năm học, em rất thần tượng cô nên em mong ước được trở thành người giáo viên như cô”.
Minh Nguyệt chia sẻ: “Trong khi các bạn cùng lớp chọn những ngành học “hot” như: kinh tế, ngoại thương, công nghệ thông tin.. thì em lại chọn ngành sư phạm.
Bởi đơn giản là em yêu trẻ con, thích gần gũi chúng và quyết định của em được ba mẹ em rất ủng hộ.
Cô giáo tương lai Nguyễn Minh Nguyệt đang kiểm tra bài cho học sinh tại lớp chủ nhiệm thực tập (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Nguyệt chọn học tại Trường Đại học Hải Phòng, một trường ở gần nhà để tiện đi lại, bớt chi phí cho ba mẹ và có thời gian phụ mẹ dạy bảo em trai.
Thương ba mẹ vất vả nên rời khỏi giảng đường là em lại đi gia sư để kiếm thêm thu nhập.
“Em đi dạy từ năm nhất đại học nên đến nay số lượng học sinh của em cũng tương đối nhiều.
Em chủ yếu dạy học sinh ôn thi vào lớp 10 và ôn thi đại học”, Nguyệt tâm sự.
Năm nay cậu em trai của Nguyệt thi vào lớp 10 nên mặc dù rất bận rộn cho đợt thực tập cuối khóa nhưng Nguyệt vẫn sắp xếp thời gian ôn tập môn toán cho em.
Nguyệt cho biết, thu nhập hàng tháng của em từ việc dạy gia sư cũng được hơn chục triệu đồng.Ngoài ra, Nguyệt vẫn dạy thêm hai nhóm học sinh ôn thì vào lớp 10 với 13 học sinh và dạy kèm thêm một vài học sinh tại nhà.
Thông minh, nhanh nhẹn nên Minh Nguyệt sắp xếp thời gian học tập, hoạt động phong trào và thời gian đi làm thêm rất khoa học vì thế kết quả học tập của em luôn đứng tốp dẫn đầu khoa Toán.
Nói đến Minh Nguyệt không chỉ sinh viên trong khoa mà rất nhiều sinh viên khác trong trường biết đến với tấm gương một sinh viên học giỏi, một Bí thư Đoàn năng động.
Khi được hỏi về định hướng công việc sau khi ra trường, Nguyệt thủ thỉ, em sẽ tiếp tục học lên cao học kết hợp với việc đi dạy thêm để có thu nhập trang trải cuộc sống.
Song hành với đó là em đi học một lớp nhiếp ảnh để thực hiện ước mơ đã ấp ủ từ lâu.
Xa hơn, em sẽ tích lũy thêm kinh nghiệm và trau dồi kiến thức, em muốn được làm cô giáo và sẽ thi tuyển vào làm giáo viên dạy toán tại Vinschool Hải Phòng.
TUẤN KIỆT
Theo giaoduc.net
Chọn nghề vào đời: Sự lựa chọn cân não
Người ta vẫn nói: "Đại học không phải là con đường duy nhất để vào đời". Điều này hoàn toàn chính xác. Đường vào đời không phải là độc đạo. "Mọi con đường đều dẫn đến thành Rome".
Để sống được và cao hơn nữa là để sống một cuộc đời hạnh phúc, thành công, chúng ta có rất nhiều cách thức và sự lựa chọn khác nhau, tùy theo điều kiện, hoàn cảnh, nhận thức và quyết tâm của mỗi người.
Điều cốt yếu nhất là chúng ta sẽ chọn học ngành gì, làm nghề gì để nghề đó có thể vừa nuôi sống được bản thân, mang lại cho chúng ta niềm vui, những cơ hội thăng tiến tốt lại vừa giúp ích cho cộng đồng và xã hội? Câu hỏi này không dễ trả lời.
Đứng trước thời điểm mang tính quyết định, các bạn trẻ cần tỉnh táo để có những lựa chọn phù hợp. Ảnh: Quang Vinh.
Có người may mắn chọn được nghề phù hợp ngay từ đầu nhưng cũng có những người phải trả giá bằng thời gian, tiền bạc, sức khỏe mới có được đáp án chính xác cho mình. Vậy, để chọn được một ngành nghề phù hợp, chúng ta cần phải làm gì?
Có ba tiêu chí quan trọng cần lưu ý khi lựa chọn nghề nghiệp:
1. Chọn nghề mình có thể làm tốt nhất.
2. Chọn nghề mình yêu thích nhất.
3. Chọn nghề xã hội đang cần nhất.
Trước ngưỡng cửa vào đời, mỗi người phải tự tìm hiểu, so sánh, cân nhắc và tự đưa ra quyết định cuối cùng cho riêng mình. Ở trình độ lớp 9 hoặc lớp 12, các em học sinh cũng đã đuợc trang bị một phông nền kiến thức và khả năng tư duy nhất định rồi.
Từ nhỏ tới lớn, chúng ta đã từng trải qua biết bao nhiêu ước mơ về nghề nghiệp tương lai. Bé trai thì hay mơ thành chú công an, bộ đội, cầu thủ, bác sĩ, luật sư... Bé gái thích trở thành cô giáo, người mẫu, ca sĩ, diễn viên... Ước mơ về nghề nghiệp trong tương lai của trẻ con nhiều khi nó ngây thơ và hồn nhiên tới mức: ngày hôm nay vì ta thích ăn bim bim, kẹo mút... mà ta mơ lớn lên trở thành người bán hàng tạp hóa để được ăn quà vặt cho thỏa thích, ngày mai vì thích đọc truyện tranh quá ta lại đổi sang mơ trở thành chủ một hiệu sách thật to! Cái sở thích, đam mê nhiều khi nó rất dễ bị thay đổi. Vậy làm thế nào để biết mình thực sự đam mê công việc gì? Lại một câu hỏi khó được đặt ra.
Khi chúng ta làm một công việc mà chúng ta cảm thấy mình bị cuốn hút, càng làm càng say mê, tìm tòi khám phá, không thấy khó, không thấy khổ; càng khó, càng khổ càng hấp dẫn, thôi thúc bản thân muốn vượt qua mọi khó khăn để chinh phục những đỉnh cao của nghề; làm việc mà như đang tận hưởng, thưởng thức công việc, làm như không làm, luôn luôn có cảm hứng sáng tạo để phát triển... thì đó đích thực là một công việc dành cho bạn. Nhưng vấn đề là chúng ta phải quyết định chọn một nghề khi chúng ta chưa hề được làm thử mà hoàn toàn chỉ tìm hiểu nó trên lý thuyết, qua hình ảnh và quan sát từ người khác mà thôi thì sự nhầm lẫn vẫn có thể xảy ra.
Thật chẳng có gì sung sướng bằng việc chúng ta được tự do chọn nghề, chọn công việc theo đúng sở thích, năng lực của mình. Đấy gọi là "người chọn nghề chủ động", chúng ta được quyền tự lựa chọn và tự chịu trách nhiệm về sự lựa chọn ấy. Nhưng cũng có rất nhiều người phải "chọn nghề thụ động", tức là chọn nghề theo hoàn cảnh, theo ý muốn và sự sắp đặt của người khác mà cụ thể là bố mẹ. Chỉ vì bố mẹ hoặc người thân công tác lâu năm trong nghề, có sẵn "suất thế chân" hoặc có mối quan hệ ngoại giao tốt để xin việc sau khi con ra trường nên chọn học ngành đó. Có được việc làm ngay sau khi tốt nghiệp là mơ ước của tất cả mọi học sinh - sinh viên. Có em học sinh nhà nghèo quá, không đủ tiền ăn học mấy năm trời nên quyết tâm thi vào các trường được bao cấp trong suốt quá trình ăn học lẫn đảm bảo đầu ra, được bố trí việc làm sau khi ra trường như công an, an ninh, quân đội... mặc dù em thích làm nghề khác.
Nhưng dễ dàng xin được việc không có nghĩa là công việc ấy dễ làm, không phát sinh khó khăn. Bất cứ một ngành nghề, một công việc gì cũng có lúc nọ lúc kia, lúc thăng lúc trầm, có niềm vui và khó khăn riêng của nghề ấy. Nếu không thực sự yêu nghề, đam mê công việc, chúng ta sẽ không đủ kiên nhẫn để vượt qua thử thách, cảm thấy nhàm chán, dễ nản lòng, thối chí và bỏ cuộc. Phải làm một công việc mình không thích cũng giống như việc chúng ta phải chung sống với một người mà chúng ta không có tình yêu thương. Điều đó thật nhàm chán và tẻ ngắt, thậm chí như một sự tra tấn, cực hình.
Bên cạnh những yếu tố chủ quan, chúng ta cũng cần xét các yếu tố khách quan khi chọn nghề. Chúng ta làm việc tức là chúng ta bán sức lao động. Vậy thì chúng ta phải tuân theo quy luật "cung - cầu". Chúng ta không chỉ bán thứ chúng ta có mà cần phải bán thứ thị trường cần thì mới đắt hàng được. Nhu cầu nhân lực của xã hội không cố định, không bất biến mà có tính thời điểm, thậm chí thay đổi với tốc độ chóng mặt. Ngành này, nghề này năm nay đang hot, thí sinh đâm đơn vào ầm ầm, điểm tuyển sinh cao chót vót, người làm nghề hái ra tiền nhưng có khi chỉ một vài năm sau nó đã trở nên lỗi thời, mất vị thế. Bởi vậy, để chọn được một nghề có tuổi thọ lâu dài cũng không hề đơn giản chút nào, nếu không nói là vô cùng cân não, có khi còn hên xui.
Thị trường lao động Việt Nam luôn luôn xảy ra tình trạng "thừa thầy - thiếu thợ". Ai cũng mong mình đỗ đại học để được làm công việc trí óc, nhàn hạ hơn, thu nhập cao hơn, có cơ hội thăng tiến tốt hơn công việc lao động chân tay thuần túy nên lĩnh vực sản xuất, thi công... luôn khan hiếm thợ có tay nghề, đặc biệt là thợ bậc cao. Nhiều cử nhân vừa ra trường đã ngay lập tức thất nghiệp. Người có điều kiện kinh tế thì tiếp tục theo học lên các bậc cao hơn để chờ cơ hội xin việc. Người bị thúc ép về kinh tế thì buộc phải vứt bằng cử nhân vào xó tủ để làm tạm công việc gì đấy kiếm sống qua ngày, cho dù trái ngành trái nghề hoặc lao động phổ thông. Thậm chí có nhiều người còn phải đăng ký học thêm nghề mới, lãng phí 4 - 5 năm trời ăn học đại học.
Để khắc phục tình trạng "thừa thầy - thiếu thợ", hạn chế lãng phí chi phí đào tạo, để "cung" sát với "cầu" hơn thì Chính phủ đã phê duyệt đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông giai đoạn 2018-2025", trong đó đáng chú ý là: "Mục tiêu đến năm 2025 sẽ có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS "rẽ ngang" sang học nghề ở trình độ sơ cấp, trung cấp; ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp THPT sẽ tiếp tục học nghề ở trình độ cao đẳng". Đấy là chính sách vĩ mô từ trung ương. Còn bản thân mỗi học sinh cũng cần tự đánh giá năng lực của mình và tham khảo nhu cầu của thị trường lao động mà quyết định học tiếp lên cao hay rẽ ngang đi học nghề cho phù hợp.
Không có nghề nào không cao quý, không có nghề nào tự thân nó phân biệt đẳng cấp sang - hèn, sự phân biệt chẳng qua là do con người tự đặt ra và gán cho nó thôi. Mỗi một nghề chân chính đều có giá trị và sự cần thiết riêng. Tự mình làm việc để nuôi sống mình, mang lại lợi ích cho gia đình, góp phần xây dựng xã hội phồn vinh, hạnh phúc thì đều được tôn trọng. Thầy cô, cha mẹ và các tổ chức giáo dục, các trung tâm môi giới - tuyển dụng lao động cần quan tâm, tư vấn, hướng nghiệp cho các em để các em có được sự lựa chọn đúng đắn nhất, sáng suốt nhất, sát với thực tế nhất. Để mỗi em sau khi học nghề, ra đời có thể nhanh chóng tìm được việc làm và làm việc bằng tất cả sự háo hức, say mê, nghiên cứu, cống hiến, chinh phục được nhiều đỉnh cao trong sự nghiệp. Hay chí ít ra, cũng cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc khi được làm nghề mình đã chọn, đã học. Để mỗi giây phút, mỗi giờ, mỗi ngày, được sống và làm việc là niềm vui chứ không phải là áp lực hay gánh nặng trách nhiệm.
Bất cứ sự lựa chọn sai lầm nào cũng phải trả giá. Có những sai lầm phải trả giá bằng cả một cuộc đời, không thể làm lại được. Sai lầm khi chọn nghề sẽ phải trả giá bằng tiền bạc, thời gian, công sức và cơ hội thành đạt. Tôi mong các bạn trẻ khi đứng trước những thời điểm mang tính quyết định, hãy bình tĩnh, tỉnh táo, khôn ngoan để phân tích, lựa chọn và có được quyết định lựa chọn nghề nghiệp phù hợp nhất cho bản thân mình. Khi thấy không phù hợp thì dám bước ra khỏi "vùng an toàn" để thay đổi và làm lại.
Phố Hoa
Theo daidoanket
Clip 'tạm biệt' thời sinh viên của trường Báo: Ngắn nhưng khiến nhiều người bồi hồi vị 'ngồn ngộn' vị thanh xuân Clip với những góc quay, những khung cảnh thân thuộc sẽ kể lại câu chuyện mà chắc hẳn, mỗi sinh viên đều ít nhất 1 lần thấy mình ở trong đó. Ai đã từng đi qua quãng thời gian 4 năm trên giảng đường đại học hẳn đều có cho riêng mình những điêu hay ho khiến ban thân nhớ mãi. Trân quy...