Robot đang ‘tiến vào’ trường học để hỗ trợ giảng dạy
Máy móc đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại. Nhiều bà nội trợ sử dụng Roomba hoặc iRobot để quét nhà hàng ngày…
Nhiều robot có thể nói chuyện như Tapia đang trở thành người bạn thân thiết của con người trong cuộc sống hàng ngày. Một số robot cũng đang bước chân vào lớp học.
Giáo viên robot có mặt khắp toàn cầu
Từ năm 2009, trường tiểu học Kudan ở Nhật Bản đã sử dụng robot Saya dạy học. Đây được cho là giáo viên robot đầu tiên trên thế giới. Saya có thể giảng bài, điểm danh và yêu cầu học sinh trật tự.
Singapore cũng là một trong những nước ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào giảng dạy. Năm 2015, Singapore thử nghiệm sử dụng robot như đồ chơi giáo dục để học sinh luyện học từ vựng, logic, cách sắp xếp theo thứ tự và di chuyển.
Điều chúng tôi rất quan tâm là sự pha trộn đúng đắn của trí tuệ con người và nhân tạo trong lớp học.” Rose Luckin, giáo sư tại Đại học College London
Việc sử dụng robot dạy học ở Hàn Quốc thậm chí còn sớm hơn. Năm 2010, hai trường tiểu học ở thành phố Masan dùng robot Engkey để dạy tiếng Anh cho học sinh. Giáo viên mẫu giáo ở Daejeon cũng được trợ giảng bởi robot Genibo. Cách đây 8 năm, Hàn Quốc đặt mục tiêu đưa 830 loại robot vào dạy học tại tất cả trường mầm non toàn quốc.
Các trường học ở Phần Lan cũng đang thử nghiệm giáo viên robot. Mục đích của dự án thí điểm là xem liệu những robot này có thể cải thiện chất lượng giảng dạy hay không vì rõ rang, chúng có những ưu điểm vượt trội của công nghệ.
Elias – một giáo viên ngoại ngữ mới tại một trường tiểu học Phần Lan, có sự kiên nhẫn vô tận để lặp đi lặp lại bài giảng, không bao giờ khiến học sinh cảm thấy xấu hổ khi đặt câu hỏi và thậm chí có thể thực hiện điệu nhảy Gangnam Style. Và Elias là một robot. Bộ máy dạy ngôn ngữ Elias bao gồm một robot hình người và ứng dụng di động. Đây là robot thuộc chương trình thí điểm tại các trường tiểu học ở phía nam của thành phố Tampere, Phần Lan. Robot có thể hiểu và nói 23 ngôn ngữ và được trang bị phần mềm cho phép nó hiểu các yêu cầu của học sinh và giúp nó khuyến khích học sinh hứng thú học. Tuy nhiên, trong thử nghiệm này, nó chỉ giao tiếp bằng tiếng Anh, tiếng Phần Lan và tiếng Đức. Robot nhận ra các cấp độ kỹ năng học sinh và điều chỉnh các câu hỏi của nó cho phù hợp. Nó cũng cung cấp thông tin phản hồi cho giáo viên về những vấn đề có thể xảy ra với học sinh.
Robot ngôn ngữ Elias cao khoảng một feet, dựa trên robot đồng hành tương tác hình người của SoftBank – NAO, với phần mềm được phát triển bởi Utelias – nhà phát triển phần mềm giáo dục cho robot xã hội. NAO là một trong những robot tương tác tiên tiến nhất trong lớp học. Robot này hoàn toàn có thể lập trình và có thể dạy nhiều bài học khác nhau. Ngoài ra, robot nói được hơn 20 ngôn ngữ; đi bộ mà không cần sự trợ giúp; nắm bắt, giữ và phát hành đối tượng; và hồi phục từ thác.
Một robot khác được thí điểm có tên là Keepon. Robot Keepon rất hữu ích cho tương tác xã hội. Robot này được làm bằng cao su dẻo và đứng trên đế. Thiết bị này rất hữu ích để quan sát và khuyến khích các chuyển động, cách nói chuyện và các tín hiệu xã hội khác. Keepon rất hữu ích cho những học sinh chậm phát triển và tự kỷ.
Robot toán học – được đặt tên là OVObot – là một cỗ máy nhỏ, màu xanh cao khoảng 10 inch (25 cm) và giống như một con cú, được phát triển bởi AI Robot của Phần Lan.
Robot dựa trên điện thoại thông minh Tega phục vụ như một người bạn học trên lớp cho trẻ nhỏ. Robot tương tác yêu cầu học sinh hoàn thành nhiệm vụ, theo dõi thành công của họ và cung cấp phản hồi. Hình dạng giống một con thú nhồi bông, mà nhiều sinh viên trẻ thấy hấp dẫn và không gây nguy hiểm.
Robot thay thế giáo viên được không?
Video đang HOT
Sử dụng robot trong lớp học không phải là điều gì mới mẻ. Trong vấn đề giảng dạy, robot có thể làm tốt hơn con người. Khi giảng dạy, giáo viên thường cung cấp kiến thức chung cho toàn bộ lớp học. Tuy nhiên, robot có thể làm việc chi tiết hơn. Những học sinh giỏi, thiếp thu kiến thức nhanh có thể được giao thêm những bài tập nâng cao còn những học sinh yếu hơn sẽ nhận được sự trợ giúp từ robot, trong cùng một lúc. Trí tuệ nhân tạo (AI) có thể cung cấp các khả năng gần như không giới hạn về mặt xác định điểm mạnh và sở thích của học sinh và trợ giúp chúng. Thời kỳ của giáo viên robot cũng có thể chấm dứt hình thức phân chia lớp học theo tuổi. Bởi lúc đó, người máy theo sát tiến độ học của trẻ để đưa ra chương trình phù hợp thay vì chương trình chung cho cả lớp.
Ngoài ra, công nghệ tiên tiến này cũng kích thích trí tò mò, khơi dậy hứng thú tìm tòi, sáng tạo cho trẻ. Robot giáo viên đồng thời tăng sự tương tác của học sinh vì luôn có sức hút kỳ lạ với trẻ em. Người máy cũng chứng minh được hiệu quả vượt trội so với giáo viên trong quá trình dạy học cho trẻ tự kỷ.
Điều ngạc nhiên hơn là các giáo viên đã từng làm việc ít nhất một lần với các robot dường như cũng rất thích chúng. Mặc dù các giáo viên thường nghĩ rằng robot sẽ gây rắc rối nhưng trên thực tế, giáo viên thường tiếp tục phát triển nhiều ý tưởng tích cực về tiềm năng của robot và coi chúng như một công cụ giáo dục mới cho lớp học của họ.
Trước mặt tích cực và sự phát triển nhanh chóng của robot trong dạy học, ông Anthony Seldon, Phó hiệu trưởng ĐH Buckingham (Anh), dự đoán robot sẽ thay thế giáo viên truyền thống trong vòng 10 năm tới. Đây là một phần trong cuộc “cách mạng” giáo dục. Việc giảng dạy ở trường sẽ chuyển sang hình thức một đối một.
Mặc dù có kỹ năng về ngôn ngữ và toán học, tuy nhiên, robot không có khả năng duy trì kỷ luật giữa một lớp học sinh tiểu học có nghĩa là, ít nhất, hiện tại, chúng ta vẫn cần có các giáo viên là con người. Giáo viên không chỉ có vai trò cung cấp kiến thức mà còn chăm sóc cho các học sinh và những kỹ năng mềm khác. Sự tinh tế để nhận ra học sinh nào đang cần giúp đỡ không phải là điều mà robot có thể làm tốt.
Con người thích học theo nhóm và họ thích học hỏi từ người khác. Robot sẽ không bao giờ có thể phù hợp với con người về tính đó. Một yếu tố khác có khả năng không thể thay thế: khả năng truyền cảm hứng. Dạy thực tế và lý thuyết là một chuyện, liên quan đến những điều bạn dạy cho cuộc sống hàng ngày là một chuyện hoàn toàn khác.
Giáo viên có mặt để trả lời những câu hỏi thực sự khó khăn khi học sinh gặp khó khăn. Giáo viên ở đó để chia sẻ kinh nghiệm của họ trong cuộc sống, liên quan đến các sinh viên người này với người khác. Chính vì lý do này mà sự có mặt của giáo viên là cần thiết.
Chính bản thân những chuyên gia hàng đầu về công nghệ như Steve Jobs tin rằng công nghệ không phải toàn năng trong giáo dục, dù nó có thể giúp con người giải quyết nhiều vấn đề thông qua máy tính. Trả lời phỏng vấn Computerworld, người sáng lập hãng Apple từng nhấn mạnh con người mới là yếu tố quan trọng nhất. Họ kích thích, nuôi dưỡng trí tò mò của người khác. Máy móc không làm được điều đó.
Trong các cuộc tranh luận giữa người và máy, có lẽ thực tế nằm ở đâu đó ở giữa. Như Rose Luckin, giáo sư tại Đại học College London, nói: “Điều chúng tôi rất quan tâm là sự pha trộn đúng đắn của trí tuệ con người và nhân tạo trong lớp học.”
Tiềm năng cho việc sử dụng AI để làm cho giáo dục trở nên dễ hiểu và có thể nhìn thấy là rất lớn. Thế nhưng, có vẻ như robot có khả năng được sử dụng trong các lớp học như là công cụ học tập chứ không phải giáo viên.
Phương Ly
Theo ngaynay
Những trang giáo án nặng tình thương
8 giờ sáng thứ Bảy, khi tôi đến chùa Hương Lan (thôn Đông Cựu, xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ, ngoại thành Hà Nội), lớp học tình thương dưới tán cây thị già của cô giáo Lê Thị Hòa đã vào giờ học.
Tiếng cô giáo giảng bài vang lên giữa vườn bưởi trĩu quả, xóa tan bầu không khí tĩnh mịch nơi đây.
Cả buổi được thấy cô Hòa và các em học sinh học tập, vui chơi, tôi mới thấy hết được tình thương và lòng tận tụy của cô dành cho những đứa trẻ tật nguyền. Danh hiệu "Công dân thủ đô ưu tú" năm 2019 chính là sự ghi nhận những hy sinh thầm lặng của cô trên hành trình nhọc nhằn gieo con chữ gần 20 năm qua...
Lớp học với 2 chiếc bảng đen
Chẳng phải lớp 1A hay lớp 2B nào cụ thể, tấm biển trước cửa lớp đề "Lớp học tình thương". Bởi các em đến đây không cùng trang lứa, có em 6-7 tuổi nhưng có học trò đã ở tuổi 29-30. 66 em học sinh là 66 cơ thể tật nguyền, ốm yếu, trí não chậm phát triển, với những khác biệt về nhận thức và hành vi.
Chẳng thể có một chương trình học thống nhất cho cả lớp, cô Hòa phải kiên trì, nhẫn nại uốn nắn cho từng em theo những cách riêng. Trang giáo án mà cô Hòa dùng để dạy và dỗ các em hằng ngày được viết nên từ tình thương, từ niềm mong mỏi các em sẽ nên người.
Lớp học sạch sẽ và gọn gàng, những bức họa mô tả thuyết nhân quả của nhà Phật treo trên tường ngay ngắn. Điều đặc biệt, vật dụng gì trong lớp học cũng nhân đôi, đặt ở hai đầu lớp: 2 tủ sách, 2 bàn giáo viên, 2 chiếc bảng đen... Là bởi cô Hòa chia lớp ra 2 nhóm, một nhóm học chữ cái, học ghép vần, một nhóm đã biết đọc biết viết sẽ tập làm toán, viết chính tả.
Bàn ghế trong lớp cũng chẳng đều nhau. Có những chiếc bàn, chiếc ghế nhỏ xíu kê ở đầu lớp mà khi nhìn thấy tôi liền tưởng tượng đến những đồ vật của 7 chú lùn trong truyện cổ tích. Có những bộ bàn ghế cao đặt giữa lớp cho những học sinh tuổi 29-30.
Cô Hòa kiên trì bắt tay học sinh uốn từng con chữ.
Cô giáo Hòa thoăn thoắt di chuyển giữa 2 bục giảng, khi thì dạy các con đánh vần, lúc lại hướng dẫn những phép toán cộng trừ, viết chính tả. Trong bài học của cô, những bài tập viết đều là lời kinh Phật, có nhiều câu chuyện minh họa cho luật nhân quả, lòng hướng thiện, về cách cho đi và nhận lại yêu thương.
"Miệng cái bát là chữ o, đặt cái đũa hướng ngược lên là chữ d, đặt ngược xuống là chữ q..." - bài giảng về chữ cái học được từ người mẹ, giờ cô đem dạy cho bọn trẻ, dễ nhớ dễ thuộc vô cùng. Lớp học sôi nổi, những đôi mắt hướng về cô Hòa chăm chú như nuốt từng lời, những cánh tay đồng loạt xung phong phát biểu.
Dù rằng lời các em nói chẳng tròn vành rõ tiếng, dù phải mất nhiều thời gian mới diễn đạt xong một câu nhưng cô Hòa vẫn động viên, khen ngợi, vẫn hiểu được những lời các em muốn nói. Chính điều đó khiến những đứa trẻ đặc biệt này có được cảm giác là học sinh thực sự, được yêu thương thật lòng.
Ngồi dưới gốc xoài cổ thụ, bác Nguyễn Văn Sơn (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức) luôn hướng cặp mắt về phía lớp học, lắng nghe tiếng cô Hòa giảng bài. Mỗi khi thấy cô gọi đến tên con gái Nguyễn Thùy Dung đứng dậy phát biểu, bác vui lắm. Niềm vui giản dị của người cha đã gần 7 năm đưa con gái vượt 25 cây số đến học ở chùa.
Bác bảo, chính cô Hòa đã giúp bác bớt đi những buồn lo, thêm động lực để chăm lo cho cô con gái 20 tuổi nay đã tiến bộ rất nhiều. Cả tuần, Dung bần thần nhớ cô Hòa và các bạn, chỉ mong đến Thứ bảy, Chủ nhật để được đến lớp...
9 giờ sáng, cả lớp ra chơi, ùa ra sân chùa như đàn ong vỡ tổ và cùng cô chơi trò mèo đuổi chuột. Tuy bước chạy chẳng đều chân, chưa nhanh nhẹn nhưng gương mặt các con tươi vui, hào hứng. Những lúc ấy, cô Hòa cười vang cùng bọn trẻ, cổ vũ hết mình, bởi cô đã thực sự hòa vào thế giới của các em. Lớp đông là thế nhưng bạn nào cũng muốn được gần cô, được cô nắm tay, khoác vai, được cô ôm vào lòng.
Sư bà chùa Hương Lan nói với tôi rằng, để có được những đôi mắt lấp lánh niềm vui, những nụ cười giòn tan kia, cô giáo Hòa đã phải đánh đổi biết bao sức lực, những giọt nước mắt và những niềm đau suốt quãng đời gần 20 năm qua. Cô vừa giảng dạy, vừa làm tổng phụ trách, vừa như người mẹ chăm sóc các con, duy trì việc học và chơi nề nếp và kỷ luật.
Cô Lê Thị Hòa tại buổi vinh danh "Công dân thủ đô ưu tú" năm 2019.
Trong khuôn viên chùa rộng rãi và yên bình, không gian nào cũng trở thành nơi cô Hòa dạy các em cách trồng hoa giúp nhà chùa, giữ gìn cảnh quan, rồi học múa học hát, học kỹ năng tự vệ, học cách vệ sinh cá nhân để giữ mình sạch đẹp trước cô và các bạn...
Cô Hòa tự hào khoe với tôi thành tích của lớp khi chỉ còn 3 em chưa biết tự vệ sinh cá nhân. Các em lớn đã đọc thông viết thạo, biết làm toán, biết quan tâm và yêu thương mọi người, biết dọn dẹp lớp học. Có em còn biết sử dụng máy vi tính. Sự tiến bộ của các em chính là động lực để cô Hòa duy trì và hết lòng với lớp học tình thương, là tia hy vọng các em sẽ thành người có ích cho xã hội.
"Ngân hàng nhân quả"
Cô Hòa nói với tôi rằng, khởi nguồn của lớp học tình thương chính là từ những lời dạy của người cha đã mất. Cha mẹ cô đều là trẻ mồ côi, mẹ không biết chữ, người cha chỉ được học hết lớp 3 nhưng viết chữ rất đẹp. Ấy vậy mà họ vẫn nuôi nấng, dạy dỗ các con nên người. Cha thường bảo các con phải cố gắng học tập để sau này giúp ích cho đời, đặc biệt là nâng đỡ những mảnh đời bất hạnh.
Năm 1997, cô lấy chồng và về dạy học ở Trường Tiểu học Đông Sơn. Ngày ấy trong xóm có những đứa trẻ bị thiểu năng và khuyết tật, ngày ngày lang thang đầu đường cuối xóm, chẳng được học hành. Cô thấy thương nên đã gom chúng lại và mở một lớp học miễn phí tại nhà vào năm 2002. Điều kiện thiếu thốn, cô chắt chiu từng mẩu phấn, từng trang vở, chắt chiu cả tình yêu thương cho những đứa trẻ đáng thương.
"Lúc bắt đầu mở lớp học, nhiều người bảo tôi là hâm. Họ nói rằng tôi gom những đứa trẻ khuyết tật này thành một nhóm thì biết dạy chúng cái gì. Nhưng họ đâu biết rằng, thẳm sâu trong mỗi đứa trẻ khiếm khuyết là nỗi khát khao được cắp sách đến trường, được chơi đùa cùng bạn bè, được cô giáo quan tâm, dạy dỗ mà chẳng thể diễn đạt thành lời. Có những tiếng mà phải mất đến 5 buổi học, con mới phát âm được. Khi đó, tôi vui đến trào nước mắt" - cô giáo Lê Thị Hòa chia sẻ.
Tấm lòng cô giáo luôn rộng mở, nên lớp học ngày một đông. Cô bất lực khi các con đến xin học mà không đủ chỗ ngồi. Nung nấu ý định mở lớp học với quy mô lớn hơn, cô đem ước nguyện của mình đề đạt với sư thầy trụ trì chùa Hương Lan. Thầy ủng hộ và động viên cô viết đơn, nhờ cậy sự giúp đỡ của lãnh đạo xã và phòng giáo dục huyện để xin mở lớp.
Ngày 14-9-2007, lớp học tại chùa khai giảng với 42 em học sinh. Cô Hòa vận động các cô giáo đã về hưu đến chùa cùng cô quản lý lớp học. Đến bây giờ, sĩ số lớp đã lên tới 66 học sinh đến từ nhiều xã trong huyện, nhiều em cách chùa hàng chục cây số cũng theo học.
Gần 20 năm qua, cô Hòa không có một ngày nghỉ trọn vẹn, bởi ngoài thời gian trong tuần dạy học ở Trường Tiểu học Đông Sơn, Thứ bảy, Chủ nhật nào cô cũng miệt mài với lớp học tình thương. Một học sinh mới đến, là một hành trình rèn luyện, uốn nắn lại lặp lại. Có khi bắt tay cả buổi, bàn tay của các em mới ấm lên, mềm ra một chút để bắt đầu những nét chữ đầu tiên.
Giờ ra chơi, cô Hòa cùng các em chơi trò mèo đuổi chuột.
Các em đến học hầu hết đều có hoàn cảnh khó khăn, nhiều em bố mẹ mắc dị tật, không có khả năng lao động. Bởi vậy, không chỉ là chuyện dạy dỗ, mà sách bút, quần áo cũng nhờ cả vào các cô và nhà chùa. Để duy trì được lớp học tại chùa 12 năm qua, có biết bao nhiêu khó khăn mà cô Hòa đã vượt qua. Đó là lúc các phụ huynh không kiên trì bền bỉ, các con lại hay đau ốm, thường xuyên phải đi bệnh viện. Sách vở cũng thiếu, đồ dùng học tập không có, các con thích tô màu mà chẳng đủ bút màu.
Những lúc như thế, cô Hòa trăn trở và đau lòng lắm. Đó là lúc có em học sinh không làm chủ được hành vi, thường tự làm đau bản thân, thậm chí cắn cô và các bạn. Mặc cho việc mình đang bị cắn, cô giữ chặt trò trong vòng tay, cô khóc và trò cũng khóc, cho đến khi qua cơn đau, khi tinh thần của trò dịu lại. Những lúc các em mắc lỗi, cô không nỡ quát mắng mà thường ôm chúng vào lòng và thủ thỉ. Bọn trẻ hiểu những lời cô nói và những việc cô làm, chúng yêu cô và gọi cô là mẹ.
Nhớ năm 2015, mẹ Hòa ốm nặng, phải điều trị dài ngày trong bệnh viện. Vắng cô, các con gọi điện hỏi thăm. Cô nghe những lời nói ngô nghê và chậm rãi "Mẹ đừng chết nhé" mà nước mắt lăn dài trên gò má. Đó là nguồn sức mạnh giúp cô Hòa chiến thắng bệnh tật để tiếp tục được ở bên các con mỗi cuối tuần.
Hơn 20 năm gắn bó với nghề, cô giáo Lê Thị Hòa luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn và có đóng góp không nhỏ trong việc dạy học sinh khuyết tật. Cô còn là một tổng phụ trách giỏi, liên tục từ năm 2004 đến 2018 đã đưa Liên đội Trường Tiểu học Đông Sơn trở thành liên đội mạnh cấp thành phố, được Trung ương Đoàn tặng bằng khen cùng danh hiệu "Tổng phụ trách giỏi".
Cô cũng đạt danh hiệu giáo viên "Giỏi việc nước - Đảm việc nhà" cấp huyện 5 năm liền (2008-2013); "Nhà giáo tiêu biểu ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô dạy học sinh các lớp tình thương, học sinh khuyết tật" năm 2014; danh hiệu "Người tốt, việc tốt" thành phố Hà Nội. Đặc biệt, năm 2019, cô Lê Thị Hòa được vinh danh là "Công dân Thủ đô ưu tú".
Hỏi cô giáo Hòa về danh hiệu mà cô vinh dự được nhận, cô bảo sẽ không bao giờ quên giây phút ấy, được bắt tay người anh hùng dân tộc La Văn Cầu, được cùng lớp học tình thương đến thăm lăng Bác. Đó sự động viên lớn lao để cô tiếp tục hành trình giúp đỡ nhiều em nhỏ đáng thương. 12 giờ trưa, cô Hòa vẫn đang đọc truyện cho một vài học sinh nghe khi bố mẹ các em chưa kịp đến đón con. Chỉ khi nào các con về hết, cô mới yên tâm rời lớp.
Tôi nhớ đến lời của sư bà chùa Hương Lan, rằng cô Hòa luôn toàn tâm với những đứa trẻ tật nguyền và cô sẽ có trong tâm cả một ngân hàng nhân quả, cô luôn trao yêu thương và sẽ luôn nhận được yêu thương...
Huyền Châm
Theo cand
Việt Nam nên xây dựng hệ thống giáo dục thích ứng nhanh với thay đổi của xã hội Robot không thể nào thay hết công ăn việc làm mà thực tế là cần những người lao động có kỹ năng mới để làm việc chung với robot. Và để chuẩn bị cho việc làm trong tương lai thì hệ thống giáo dục phải thích ứng được nhanh với sự thay đổi của nhu cầu xã hội. Đó là chia sẻ của...