“Roaring Kitty” bị kiện ra tòa với cáo buộc thổi giá cổ phiếu GameStop, thực chất là 1 nhà đầu tư chuyên nghiệp
Theo đó Gill thực ra là 1 chuyên gia chứng khoán đã được cấp phép nhưng vẫn tự quảng bá bản thân là 1 nhà đầu tư nghiệp dư và đã thao túng thị trường để trục lợi.
Keith Gill, một trong những tiếng nói có tầm ảnh hưởng nhất phố Wall trong cơn sốt GameStop vừa qua, đã vướng vào 1 vụ kiện mà theo đó nhân vật này bị buộc tội lừa dối nhà đầu tư và trục lợi bằng cách thổi giá cổ phiếu.
Đơn kiện chống lại Gill, người có biệt danh trên YouTube là “ Roaring Kitty”, được nộp lên tòa án ở Massachusetts hôm 16/2 vừa qua. Theo đó Gill thực ra là 1 chuyên gia chứng khoán đã được cấp phép nhưng vẫn tự quảng bá bản thân là 1 nhà đầu tư nghiệp dư và đã thao túng thị trường để trục lợi. Gill đã quảng bá cổ phiếu GameStop thông qua một loạt mạng xã hội gồm YouTube, Twitter và Reddit.
“Hành vi lừa lọc và bóp méo thị trường của Gill không chỉ vi phạm một loạt quy tắc và tiêu chuẩn của ngành mà còn vi phạm cả luật chứng khoán khi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính toàn vẹn của thị trường danh cho cổ phiếu GameStop”, đơn kiện có đoạn. “Anh ta đã gây ra những thiệt hại khổng lồ cho không chỉ những ai đã mua hợp đồng quyền chọn GameStop mà còn cả những người đã tôn sùng hành động của Gill và mua vào cổ phiếu GameStop đúng thời điểm thị trường lên cơn sốt, ở mức giá bị thổi phồng quá mức”.
Đơn kiện được công ty Hagens Berman Sobol Shapiro nộp lên, nhân danh Christian Iovin (bang Washington) và một số nhà đầu tư cá nhân khác. Iovin đã bán số quyền chọn mua cổ phiếu GameStop trị giá 200.000 USD khi cổ phiếu này ở dưới mức 100 USD. Nhưng sau đó giá đã tăng vọt, vượt quá 400 USD/cổ và buộc anh phải mua lại ở mức giá cao chót vót.
Gill là một trong những gương mặt đại diện cho cơn sốt GameStop đã ám ảnh phố Wall suốt từ đầu năm đến nay. Đà tăng giá chóng mặt của cổ phiếu này khơi mào cho cuộc chiến nóng bỏng giữa 1 bên là các nhà đầu tư cá nhân hiếu chiến và 1 bên là các quỹ đầu cơ sừng sỏ đã bán khống cổ phiếu GameStop. Một số quỹ đã thua lỗ hàng tỷ USD khi cổ phiếu của nhà bán lẻ game này tăng giá hơn 1.700% trong tháng 1.
GameStop cũng thu hút sự chú ý của các chính trị gia. Hôm nay (18/2), Gill sẽ phải điều trần trước Ủy ban dịch vụ tài chính Hạ viện. Cùng tham gia phiên điều trần này còn có lãnh đạo của Robinhood Markets, Citadel LLC, Melvin Capital Management và Reddit.
Theo tài liệu chuẩn bị trước do luật sư của Gill cung cấp, anh cho biết trước đây từng làm trong ngành tài chính nhưng chưa bao giờ làm công việc giao dịch chứng khoán hay tư vấn. Gill cũng bác bỏ việc cố gắng đẩy giá cổ phiếu GameStop và khẳng định mình thực sự tin tưởng vào tiềm năng của công ty trong tương lai.
“Tôi chưa từng gạ gẫm ai mua hoặc bán cổ phiếu GameStop để kiếm lợi cho bản thân. Tôi không thuộc về bất cứ tổ chức nào muốn đẩy giá cổ phiếu và cũng không có quan hệ tài chính với bất cứ quỹ đầu cơ nào. Tôi không có bất kỳ thông tin nào về GameStop ngoài những thứ đã được công bố, không biết người nào và cũng chưa từng nói chuyện với bất kỳ ai trong nội bộ công ty”.
Vẫn chưa rõ Gill kiếm được bao nhiêu từ cổ phiếu GameStop, mặc dù Gill có tiết lộ rằng anh và gia đình đã trở thành triệu phú khi giá chạm mốc 20 USD hồi tháng 12 – thấp hơn rất nhiều so với các mức đỉnh của tháng 1. Đến chiều hôm qua, cổ phiếu GameStop được giao dịch ở quanh mức 47 USD.
Đơn kiện cho rằng Gill – người được hàng loạt báo tài chính như Bloomberg, New York Times và Wall Street Journal phỏng vấn – là người có chứng chỉ CFA và được cấp giấy phép môi giới chứng khoán. Công ty bảo hiểm Mass Mutual cũng bị kiện với lập luận họ phải có nghĩa vụ giám sát các hoạt động của Gill.
Video đang HOT
Vì sao Warren Buffett luôn nói không với bán khống, dù cổ phiếu đó có là GameStop
Sự chú ý của nước Mỹ dường như đang chuyển hoàn toàn sang thị trường chứng khoán sau vụ rùm beng GameStop. Trên khắp nước Mỹ, ngay cả những người trước đây không quan tâm đến chứng khoán cũng bắt đầu biết đến khái niệm "bán khống".
Nhưng thật thiếu sót khi nhắc đến cụm từ này mà bỏ qua quan điểm của nhà đầu tư nổi tiếng - tỷ phú Warren Buffett, người đã khẳng định trong nhiều năm rằng ông không thích bán khống.
Hãy cùng tìm hiểu lý do tại sao Buffett lại nói rằng bán khống là "thứ có thể khiến bạn không còn một xu".
Bán khống là gì?
Bán khống là một chiến thuật khả dụng cho các nhà đầu tư dự đoán cổ phiếu sắp giảm giá. Nghĩa là nhà đầu tư sẽ vay môi giới một lượng cổ phiếu, sau đó bán chúng ngay lập tức. Khi giá cổ phiếu thấp hơn họ sẽ mua lại rồi trả lại lượng cổ phiếu đó cho người cho vay. Nếu giao dịch suôn sẻ, nhà đầu tư sẽ bỏ túi khoản chênh lệch giữa giá mua thấp hơn và giá bán cao hơn.
Nhưng những giao dịch này không phải lúc nào cũng diễn ra tốt đẹp. Đôi khi giá của cổ phiếu bán khống tăng lên thay vì giảm xuống, buộc những nhà đầu tư phải vội vàng mua lại cổ phiếu với chi phí tăng cao để bù lỗ.
Và như những gì chúng ta đã thấy với GameStop, hiện tượng "short squeeze" khiến các nhà đầu tư tổ chức thua lỗ một cách bẽ bàng.
Vậy quan điểm của Buffett là như thế nào?
Warren Buffett sẽ không ngạc nhiên khi biết rằng những người bán khống đặt cược GameStop tụt giá đã mất hàng tỷ USD trong tháng đầu tiên của năm 2021.
Buffett nổi tiếng là người có quan điểm dài hạn khi đầu tư, thích những cổ phiếu được định giá thấp hơn là những cổ phiếu tăng giảm chóng mặt vì sự chú ý và cường điệu từ giới truyền thông.
Ông không phủ nhận bán khống có thể mang lại lợi nhuận. Tuy nhiên ông không làm vậy, vì nó chỉ mang lại khoản lợi nhuận hạn chế nhưng khả năng thua lỗ là không giới hạn.
'Nó hết sức hấp dẫn'
Tại cuộc họp thường niên của Berkshire Hathaway vào năm 2001, ông nói bán khống đã "hủy hoại rất nhiều người. "Nó có thể khiến bạn cháy túi."
"Nó hết sức hấp dẫn," ông tiếp tục. "Bạn thường thấy cổ phiếu đột ngột được định giá cao nhiều hơn là những cổ phiếu bị định giá thấp hơn một cách bất thường... Vì vậy, bạn nghĩ kiếm tiền từ việc bán khống thật ngon ăn. Và tất cả những gì tôi có thể nói là nó không dành cho tôi."
'Nó thực sự khắc nghiệt'
Buffett cho rằng một trong những vấn đề chính là những người bán khống đang phụ thuộc hoàn toàn vào những bên có quyền lực và tầm ảnh hưởng để thổi phồng cổ phiếu.
"Đó là một việc rất rất khó vì bạn phải đối mặt với tổn thất không thể lường được và trên thực tế những người định giá quá cao cổ phiếu thường nằm giữa ranh giới mong manh của người quảng cáo và kẻ lừa đảo," ông chia sẻ trong cuộc họp năm 2001.
Theo Buffett người bán khống có thể cạn tiền trước khi những người thổi phồng về cổ phiếu hết cách để giữ giá tăng.
"Nó thực sự khắc nghiệt ", ông nói. "Theo kinh nghiệm của tôi, kiếm tiền trong dài hạn sẽ dễ dàng hơn rất nhiều."
'Đơn giản là ngu ngốc'
Buffett cũng phản ứng mạnh mẽ với câu hỏi về "đòn bẩy", một thành tố thiết yếu của việc bán khống vì trước nhất cổ phiếu cần được vay để bán khống.
Trong một cuộc hỏi đáp với Trường Kinh doanh của Đại học Florida vào năm 1998, Buffett đưa ra nhận định về sự sụp đổ của Long Term Capital Management (LTCM) tại thời điểm đó, một quỹ đầu cơ nổi tiếng từng rất thành công và nổi tiếng khi một trong những người sáng lập từng đoạt giải Nobel.
Quỹ này đã sụp đổ nhiều tuần trước đó, một phần vì nó đã hoạt động với quá nhiều đòn bẩy trong đầu tư vào ngoại tệ và trái phiếu biến động đầy rủi ro.
"Để kiếm khoản tiền mà họ không có và không cần đến, họ đã mạo hiểm bằng những gì họ có và họ cần," Buffett nói với khán giả. "Điều đó thật ngu ngốc. Đơn giản là ngu ngốc. Không phân biệt chỉ số IQ của bạn là bao nhiêu, nếu bạn mạo hiểm một thứ quan trọng cho một điều không quan trọng thì điều đó là vô nghĩa. "
Bạn nên làm gì?
Việc công khai nói không với việc theo đuổi lợi nhuận ngắn hạn, có thể hiểu được lý do tại sao Buffett tránh xa bán khống.
Cũng tại Đại học Florida, Buffett đã đưa ra lập trường của mình bằng một phép ẩn dụ rất rõ ràng:
"Nếu bạn đưa cho tôi một khẩu súng với một triệu buồng đạn và chỉ có 1 buồng chứa đạn rồi bạn nói: 'Hãy đưa súng lên thái dương của bạn. Bạn muốn bao nhiêu tiền để đổi lấy 1 phát bắn, 'Tôi sẽ không kéo cò. Bạn có đặt bao nhiêu tiền đi chăng nữa cũng không có tác dụng gì với tôi vì rủi ro là rõ ràng. Vì vậy, tôi không quan tâm đến loại trò chơi đó."
Chiến lược của Buffett từ lâu là chậm mà chắc sẽ thắng cuộc đua. Rõ ràng, với tư cách là một nhà đầu tư tỷ phú, phương châm này hiệu quả với ông trong suốt những năm qua.
Và bạn có điểm mà Buffett không có khi bắt đầu đầu tư vào năm 1942: đó là công nghệ.
Các nhà đầu tư mới hiện nay có đủ các loại ứng dụng đầu tư trong tay, tất cả đều mang lại cơ hội tăng số tiền lên dần dần mà không phải chịu rủi ro lớn như bán khống.
Và bạn thậm chí không cần phải có đủ tiền mới có thể đầu tư. Với ứng dụng đầu tư vi mô, các giao dịch mua bằng thẻ ghi nợ hoặc thẻ tín dụng của bạn có thể được làm tròn đến con số gần nhất để bạn có thể đầu tư tiền lẻ dự phòng - và bạn không làm gì khác ngoài việc xem tài khoản của mình nhích lên từng ngày.
Nghe có vẻ tầm thường nhưng đó chính là chìa khóa. Như Buffett từng nói, "Những bước đi vĩ đại thường được chào đón bởi những cái ngáp."
Nhà đầu tư danh tiếng "dội gáo nước lạnh" vào lý do Tesla mua 1,5 tỷ USD Bitcoin Không phải vì Elon Musk hay Tesla tin tưởng vào tương lai của Bitcoin. Hôm qua, Tesla đã làm chấn động thị trường tiền mã hóa khi trong hồ sơ nộp lên Ủy ban Chứng khoán SEC, công ty tiết lộ về khoản đầu tư tới 1,5 tỷ USD vào Bitcoin cũng như dự định dùng nó làm phương tiện thanh toán cho...