Rộ tin học sinh phải ký cam kết không quay clip phòng thi
Học sinh được cho là bị buộc phải ký cam kết không quay clip phòng thi, em nào quay clip sẽ hủy bài. Tuy nhiên, Sở Giáo dục Bắc Giang khẳng định chỉ cho các em ký cam kết không mang thiết bị quay phát vào phòng thi.
Vài ngày trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, trên mạng xuất hiện thông tin học sinh THPT Dân lập Đồi Ngô và nhiều trường THPT ở Bắc Giang bị buộc phải ký cam kết không quay clip phòng thi, em nào quay clip sẽ bị hủy bài thi. Ngoài ra mỗi học sinh trường Đồi Ngô phải đóng 520.000 đồng phí “hỗ trợ thi tốt nghiệp”.
Thông tin này bị phản ứng dữ dội bởi năm nay Bộ Giáo dục cho phép thí sinh được mang thiết bị ghi âm, ghi hình có chức năng thu, không có chức năng phát vào phòng thi. Còn THPT Dân lập Đồi Ngô là điểm nóng trong kỳ thi tốt nghiệp năm 2012 bởi hàng loạt clip gian lận phòng thi được học sinh ghi lại.
Cảnh trong clip gian lận phòng thi THPT năm 2012 tại trường Đồi Ngô.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Đức Hiền, Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang cho biết, ngay khi được tin THPT Dân lập Đồi Ngô và các trường khác bắt học sinh ký cam kết không quay clip trong kỳ thi tốt nghiệp, ông đích thân đi kiểm tra. Kết quả là các trường cho học sinh ký cam kết, nhưng với nội dung chỉ mang thiết bị có chức năng ghi chứ không có chức năng phát vào phòng thi.
“Chiều nay, chúng tôi đã nhận được công văn của Bộ hướng dẫn là các em muốn mang thiết bị ghi âm ghi hình vào phòng thi thì không cần đăng ký. Vì vậy, việc ký cam kết nêu trên ở các trường sẽ được dừng lại. Rút kinh nghiệm từ vụ Đồi Ngô năm 2012, năm nay chúng tôi sẽ chỉ đạo và kiểm tra gắt gao hơn để không xảy ra tình trạng tương tự”, ông Hiền cho hay.
Còn Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho hay, đã cử đoàn kiểm tra lên THPT Dân lập Đồi Ngô làm việc. Quan điểm của Bộ là không bao che và sẽ xử lý nghiêm những đơn vị làm sai quy định.
Video đang HOT
Các em cũng không cần đăng ký khi muốn mang thiết bị ghi âm ghi hình vào phòng thi. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.
Chiều 26/5, Bộ GD&ĐT gửi công văn tới Giám đốc các Sở GD&ĐT chấn chỉnh việc dạy thêm và thu trái quy định trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Theo đó, đầu tháng 4, Bộ đã gửi công văn yêu cầu UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo nghiêm cấm việc lợi dụng kỳ thi để vận động thu góp, bắt ép học sinh học thêm trái quy định. “Tuy nhiên, một số nơi còn lợi dụng việc thu tiền học thêm hoặc dưới danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh và thông qua các hình thức thu góp khác để hỗ trợ hội đồng coi thi gây bức xúc cho học sinh, phụ huynh và xã hội”, công văn nêu và yêu cầu những trường đã thu góp trái quy định phải trả lại tiền cho học sinh. Đồng thời, Bộ cũng gửi công văn hướng dẫn kiểm tra các loại máy ghi âm và ghi hình mang vào phòng thi. Theo đó, các loại thiết bị này phải không có loa và tai nghe, không có màn hình hiển thị hình ảnh, không có bộ phận chức năng truyền thông tin như Bluetooth, WiFi… Các hội đồng coi thi không yêu cầu thí sinh phải đăng ký khi mang các thiết bị này vào phòng thi.
Hoàng Thùy
Theo VNE
Nghiên cứu xác định điểm sàn theo khu vực
Cần xác định điểm sàn theo khu vực, thí sinh tiếp tục được mang vào phòng thi thiết bị ghi âm, ghi hình là 2 vấn đề "nóng" được nhiều đại biểu quan tâm tại hội nghị thi và tuyển sinh 2013 diễn ra ngày 22/1.
Không tuyển đủ chỉ tiêu là do điểm sàn?
Tại hội nghị, nhiều ý kiến của đại diện các trường ĐH, CĐ ngoài công lập cho rằng, năm 2012 tuyển sinh không đủ chỉ tiêu, nguyên nhân là do điểm sàn, thời điểm xét tuyển quá dài. Theo đó, nhiều ý kiến đề xuất nghiên cứu lại cách xác định điểm sàn; xác định điểm sàn theo từng khu vực. Cũng có ý kiến cho rằng, những trường trọng điểm nên có mức điểm sàn cao hơn.
GS. Trần Hữu Nghị - hiệu trưởng Trường ĐH dân lập Hải Phòng cho rằng: "Việc kéo dài thời gian xét tuyển, điểm NV2 không cần bằng hoặc cao hơn NV1 khiến các trường công lập "vét" hết chỉ tiêu của trường ngoài công lập. Nhiều trường khối ngoài công lập đứng trước nguy cơ đóng cửa vì không tuyển được sinh viên".
Ông Vũ Viết Bình - phó trưởng ban đào tạo ĐH QGHN kiến nghị: "Bộ GD-ĐT nên xác định điểm sàn theo khu vực". Đồng quan điểm, đại diện ĐH Đà Nẵng, cũng đề nghị tính điểm sàn theo từng khu vực, từng cơ sở đào tạo để tạo tính công bằng. Bởi lẽ, các trường ở địa phương không thể được đầu tư bằng các trường ở thành phố, các trường dân lập không thể bằng các trường công lập. Ngoài ra, Bộ nên điều chỉnh đề thi để thí sinh có thể đạt điểm sàn cao hơn 13 điểm, tạo điều kiện thuận lợi cho các trường trong công tác xét tuyển.
Đại diện ĐH Đà Nẵng đề xuất: "Bộ GD-ĐT, nên phân biệt mức điểm sàn Cao đẳng của thí sinh dự thi ĐH để học cao đẳng và thí sinh thi cao đẳng học cao đẳng. Hai thí sinh này nên có hai mức điểm sàn khác nhau".
Về vấn này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: "Việc xét điểm sàn hiện nay chưa thực sự khiến dư luận và các trường hài lòng. Bộ sẽ nghiên cứu lại cách xác định điểm sàn, ví dụ như có thể xác định theo phổ điểm của từng môn và lấy trung bình chung của các môn thi/khối thi (thấp hơn hoặc bằng mức điểm này), đồng thời đề nghị các trường có những sáng kiến để xác định điểm sàn có tính thuyết phục nhất. Bộ cũng đang cố gắng ra đề thi cho phù hợp".
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga trả lời báo chí về những điểm "nóng" trong tuyển sinh.
Mang máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi tạo áp lực lớn cho giám thị
Bộ GD-ĐT thừa nhận công tác coi thi vẫn là một trong những khâu yếu kém nhất ở mùa thi, giám thị ở một số phòng thi chưa làm tròn chức trách, thiếu nghiêm túc hoặc non kém về nghiệp vụ, thiếu tinh thần trách nhiệm, để thí sinh quay cóp, chép bài của nhau, mang tài liệu vào phòng thi để gian lận, dẫn đến nhiều thí sinh làm bài thi giống nhau, trong đó, có những nội dung sai giống nhau. Tuyển sinh 2013, Bộ GD-ĐT tiếp tục cho phép thí sinh mang vào phòng thi thiết bị ghi âm, ghi hình.
Nhiều đại biểu băn khoăn vì quy định này khiến các trường gặp khó khăn, tạo áp lực lớn cho giám thị. Nhiều lãnh đạo các trường ĐH, CĐ đề xuất Bộ nên rút quy định này.
Đại diện Trường ĐH Vinh cho rằng, công tác đảm chống tiêu cực là trách nhiệm của các trường, không nên vì một vài trường hợp mà đưa ra quy định chung, làm mọi việc trở nên rối rắm, gây khó cho các trường.
Giải thích vì sao Bộ GD-ĐT đưa ra quy định này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết: "Việc cho phép thí sinh mang ghi âm, ghi hình vào phòng thi không phải là sáng kiến của Bộ mà là vấn đề của thực tiễn. Nếu quy chế quy định không được mang nhưng thí sinh vẫn mang rồi ghi hình đưa lên mạng bừa bãi sẽ ảnh hưởng xấu đến uy tín của các trường, của cả ngành giáo dục. Việc Bộ cho phép thí sinh mang vào không phải là vẽ đường cho hươu chạy mà là đối diện với thực tế, với những vấn đề phát sinh từ thực tế. Nếu quy chế không cho nhưng thí sinh vẫn đem vào thì chúng ta làm thế nào. Khi cho phép đàng hoàng rồi mà thí sinh còn phát tán tùy ý thì sẽ xử lý. Bộ sẽ quy định, sau khi quay thì thí sinh nộp về đâu".
"Trong các kỳ tuyển sinh trước, vẫn có những trường hợp giám thị, cán bộ, công an làm công tác coi thi, thanh tra thậm chí lãnh đạo nhà trường, chủ tịch hội đồng coi thi vi phạm quy chế thi. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT không công bố công khai thông tin này. Việc cánh ly các hội đồng thi sẽ trở thành nối áo cho giặc nếu như nội bộ tiêu cực. Ví như vụ việc THPT Đồi Ngô, nếu thí sinh không phát hiện thì ai sẽ phát hiện được tiêu cực? Tôi cho rằng, chúng ta dựa vào lực lượng đa số học sinh, sinh viên tốt là cách làm đúng đắn" - Bộ trưởng Luận cho hay.
Bộ trưởng Luận cho biết, Bộ sẽ cân nhắc, tính toán vấn đề này bởi quy định này như giăng lên một trách nhiệm vô hình khiến các lực lương tham gia coi thi phải nghiêm túc. Bộ không yêu cầu thí sinh phải trang bị thiết bị mang vào phòng thi nhưng nếu thí sinh nào không bằng lòng với tính nghiêm túc của hội đồng thi thì được phép mang vào.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định: "Việc cho thí sinh mang máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi là để cho xã hội thấy rằng sau cánh cửa cổng trường thi không hoàn toàn cô lập mà xã hội có thể giám sát được. Quy định này sẽ làm tính nghiêm túc của kỳ thi được nâng lên, và đặc biệt sẽ tác động rất lớn đến tâm lý người coi thi, buộc họ phải nâng cao tinh thần trách nhiệm. Đó chính là điều Bộ nhắm tới chứ không phải để khuyến khích thí sinh mang máy ghi âm, máy quay vào phòng thi".
Hồng Hạnh
Theo dân trí
Đến sớm chờ buổi thi đầu tiên Sáng nay 9/7, thí sinh cả nước bước vào buổi thi đầu tiên của đợt 2 với các khối B, C, D. Ngay từ sáng sớm, nhiều thí sinh cùng phụ huynh đã đến đến điểm thi với tâm trạng hồi hộp xen lẫn chút lo âu... Sáng nay 9/7, cùng với thí sinh cả nước, trên 50.000 thí sinh tại cụm Cần...